Gặp nghệ nhân biết hát quan họ “từ trong bụng mẹ”

Gặp nghệ nhân biết hát quan họ “từ trong bụng mẹ”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
80 tuổi, cụ vẫn say sưa nói về quan họ cổ bằng cái giọng tròn trịa và hào sảng. 80 tuổi, cụ vẫn thuộc lòng gần 300 bài quan họ cổ và cái giọng La Hừ tưởng chừng như đã chỉ còn là một thời vang bóng.

80 tuổi, cụ nhớ như in cái gia phả bằng thơ của “bà Chúa” quan họ mà rất ít người biết đến. 80 tuổi, cụ vẫn trăn trở muốn lưu truyền quan họ cổ cho mãi muôn đời sau. Cụ là Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn, người làng Viêm Xá, Hòa Long, TP. Bắc Ninh.

Xã hội - Gặp nghệ nhân biết hát quan họ “từ trong bụng mẹ”

Nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Bàn trổ tài têm trầu cánh phượng

Tuổi đời bằng tuổi hát

Xưa kia, ở làng Viêm Xá có cái lệ, cứ khoảng 8 - 10 người biết hát quan họ thì nhập hội chơi với nhau để cùng nhau hát, gọi là một bọn. Nhà nào là nơi tập trung để một bọn quan họ như thế có chỗ hát hò giao lưu với các bọn khác thì được gọi là nhà chứa quan họ. Nhà bà ngoại cụ Bàn hồi bấy giờ cũng là một nhà chứa quan họ như thế nên cụ luôn nghĩ mình biết đến hát quan họ từ khi còn trong bụng mẹ.

Lên 4 tuổi, lúc cụ biết nói cũng là lúc cụ ê a những làn điệu quan họ cổ bên canh hát thâu đêm của bà, của mẹ. Khi cụ 7 tuổi, cụ đã thuộc nhiều bài quan họ và đã được mang ra làm gương cho bạn của bà ngoại mình. Cụ kể, khuôn mặt ánh lên niềm tự hào: "Ngày đó, bạn của bà tôi có nhiều người mải đùa vui nên quên mất lời khi hát. Bà tôi có mắng họ và đem tôi ra làm gương. Hôm sau có người bảo tôi là: "Bé nhớ dai vừa thôi chứ nhớ quá làm chúng ta bị mắng". Vậy mà tôi giận đến mấy ngày không thèm thò mặt vào canh hát của bà nữa.

Cụ Bàn cười, đôi hàm răng đen hạt na khiến tôi liên tưởng đến nụ cười như mùa thu tỏa nắng trong "Bên Kia sông Đuống" của Hoàng Cầm. Ngồi cạnh cụ, tôi thấy mình được sưởi ấm bởi niềm say mê quan họ cổ. Lên 9 tuổi, cụ đã thuộc nằm lòng gần 100 bài quan họ cổ. Năm 10 tuổi, cụ được hội của bà ngoại kết nạp làm em bé cùng theo các chị đi hát giao lưu với các làng quan họ khác. Cụ đi hát cùng các liền chị được hai năm thì có lệnh tản cư. Khi tản cư về làng, bọn quan họ của bà ngoại cụ đã bị mai một. Cụ Bàn không muốn mất đi truyền thống của gia đình bởi hát quan họ đã làm cụ say mất rồi. Cụ quyết tâm gây dựng lại quan họ cổ ở làng Diềm, khi đó cụ 14 tuổi. Bọn quan họ của cụ bấy giờ có 8 người, kết nghĩa giao duyên với bọn quan họ Sim (bên cạnh làng Bịu). Cũng từ đó, nhà cụ trở thành nhà chứa quan họ.

Say chơi quan họ quên con

Tình yêu và năng khiếu hát quan họ cổ trong con người cụ Bàn dường như không biết đến tuổi già. 80 năm cuộc đời cụ gắn liền với quan họ cổ. Cho tới bây giờ, cụ vẫn hát tròn vành rõ tiếng, vang, rền, nền, nảy trong từng lời ca mà không cần phải lấy hơi, không cần phải nhạc đệm. Cụ bảo: "Quan họ là phải thế. Gặp nhau là hát. Hát cho nhau nghe. Hát bằng cái hơi đam mê trong lồng ngực chứ không phải chờ nhạc, chờ đàn mà lấy hơi như quan họ mới bây giờ".

Xã hội - Gặp nghệ nhân biết hát quan họ “từ trong bụng mẹ” (Hình 2).

Hát quan họ ở làng Diềm

Cụ còn phân tích thêm: "Quan họ cổ chúng tôi không có khái niệm biểu diễn mà gọi là chơi quan họ. Hát là hát để vui, hát để giao lưu, chia sẻ chuyện đời. Hát để cảm thấy người gần người hơn”. Cũng theo lời cụ, một canh hát quan họ cổ có thể kéo dài một tiếng, hai tiếng, thậm chí dài đến cả mấy ngày liền, tùy vào thời gian mình sắp xếp được là bao lâu. Gần 300 bài quan họ cổ mà cụ biết bây giờ đều là do cụ được truyền miệng lại.

Cụ bảo, cụ thông minh lắm, mỗi bài hát chỉ nghe một hai lần là nhớ luôn, chẳng cần phải ghi chép, mà ghi chép thì cụ cũng chả đọc được vì ngày xưa cụ có biết chữ đâu. Thế mà, những câu quan họ cổ ấy còn sống nguyên vẹn với cụ cho đến tận bây giờ. Cụ còn hát được cả giọng La Hừ, cái giọng khó nhất trong quan họ cổ. Cụ Bàn bảo: “Nhất định tôi phải truyền giữ lại cái giọng La Hừ này cho quan họ muôn đời”.

Nói về niềm yêu say quan họ, người làng Viêm Xá bây giờ còn truyền tụng nhau câu chuyện cụ Bàn mê chơi quan họ đến quên cả con. Đó cũng là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời ca hát của cụ. Cụ bàn kể: "Hồi đó, thằng Hùng (Anh Nguyễn Văn Hùng, con trai cả của cụ - PV) mới được chừng 5 tháng tuổi. Nó có cái tật là không biết khóc từ lúc sinh ra. Buổi tối hôm đó, có một bọn quan họ ở làng khác nghe danh tiếng bọn tôi hát hay nên xin đến giao lưu. Hôm đó, không có ai ở nhà cả. Liền anh liền chị quan họ thì không bao giờ từ chối khách mà tôi lại là chị cả của cả bọn nên không thể vắng mặt được. Tôi đặt thằng Hùng nằm ngủ ở nhà và yên tâm đi hát đến đêm khuya mới giật mình nhớ đến con".

"Khi về nhà, mọi người hỏi con đâu thì tôi cũng không biết vì trước khi đi tôi đặt nó ngủ ở trên giường. Tới lúc đó, cả nhà mới tá hỏa đi tìm. Tôi nước mắt ngắn nước mắt dài tìm con hồi lâu thì hóa ra cu cậu nằm ngủ ngon lành trong... gầm giường. Tôi mừng quá, lôi được con ra thì thấy trên người con trai không còn chỗ nào là không mẩn đỏ. Cả nhà tôi lúc đó đều nghĩ thằng cu bị lên sởi nên vô cùng lo lắng. Mãi đến sáng hôm sau cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm vì nhìn kỹ những vết mẩn đỏ đều là do bị muỗi đốt. Từ hôm đó, người ở làng truyền tai nhau câu chuyện cô Bàn say hát quên con cho tới tận bây giờ", cụ Bàn kể.

Làm sao gìn giữ quan họ cổ cho muôn đời?

Cụ Bàn dừng câu chuyện với tôi, vào buồng mang ra một cái mẹt rất nhiều lá trầu, vỏ và những quả cau xanh. Cụ bảo: “Người chơi quan họ thấy khách tới nhà mà không mang trầu têm cánh phượng ra mời thì không phải là liền chị”. Cụ Bàn tỉ mẩn cắt từng lá trầu không và giới thiệu với tôi cách têm trầu cánh phượng. Cụ tự hào kể rằng: "ở tỉnh Bắc Ninh này, hễ có cuộc thi têm trầu cánh phượng nào thì tôi chắc chắn sẽ giành giải nhất!".

Tháng 4/2010, cụ Bàn là một trong số 40 người được vinh danh là Nghệ nhân Dân ca quan họ Bắc Ninh. Nhiều cụ trong số đó đã ngoài 90 tuổi, nhiều cụ đã mắt mờ, chân chậm, không phải ai cũng minh mẫn và hát khỏe như thời còn đương sức nữa.

Cụ Bàn tâm sự: "Quan họ biểu diễn bây giờ cũng hay, cũng đặc sắc đấy nhưng tôi vẫn thích cái chất của quan họ cổ. Liền anh liền chị quan họ xưa ý nhị trong từng lời ăn tiếng nói. Người ta bảo người quan họ ăn nửa miếng nói nửa nhời cũng không phải là nói quá. Tôi cũng vì quý cái lịch sự, khiêm tốn, dịu dàng mà mải mê chơi quan họ cho đến bây giờ. Cả đời tôi chơi quan họ cổ, giờ gần đất xa trời chỉ mong sao gìn giữ được cái cổ này cho đến muôn đời là tôi thấy lòng mãn nguyện rồi".

Chiều đông muộn, sương lạnh đã xuống nhiều. Cụ Bàn tặng tôi mấy miếng trầu têm cánh phượng cụ vừa làm xong. Cái mê say quan họ của người phụ nữ có tuổi hát xấp xỉ tuổi đời ấy đã giúp tôi quên đi cái lạnh của trời đông mưa rét.

Dương Thu