Gặp người cầm đầu trong trận chiến quyết tử

Gặp người cầm đầu trong trận chiến quyết tử

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Sau khi tham gia chiến đấu ở Quảng Trị, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu được cử đi học tại Học viện Quân sự khóa đầu tiên, tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy gần nửa năm.

Sau đó, Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng) - Quân đoàn cơ động đầu tiên của quân đội ta được thành lập và ông được điều động lại đơn vị cũ là Trung đoàn 27 thuộc quân đoàn này. Tại đây, ông đã chỉ huy đơn vị tham gia Chiến dịch Mùa xuân năm 1975, đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của ngụy quyền, giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước.

Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn sáng 30/4/1975

Cuộc hành quân thần tốc

Năm 1974, Trung đoàn trưởng Hiệu về Trung đoàn 27 lúc ấy đang đóng quân, huấn luyện ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Giai đoạn này có thời gian dài ông và đồng đội lại được trên điều đi đắp đê ở Ninh Bình. Chưa có động thái gì cho việc chuẩn bị đi chiến đấu khiến nhiều chiến sĩ thắc mắc lắm. Về sau, tướng Hiệu mới hay, ngày ấy, địch thăm dò, bám sát mọi diễn biến của Quân đoàn 1.

Chúng thấy Quân đoàn vẫn án binh bất động thì nghĩa là chúng ta chưa có kế hoạch đánh lớn. Do vậy, việc giúp dân lao động cũng là kế nghi binh của ta. Cùng thời điểm ấy, các Binh đoàn Hương Giang, Cửu Long được thành lập, bí mật chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch quyết định mang tên Hồ Chí Minh sau này.

Ngày 16/3/1975, đơn vị nhận được lệnh của Sư đoàn: "Tổ chức quân cơ động gấp đi nhận nhiệm vụ chiến đấu". Cuộc hành quân từ Bắc vào Nam nhanh như tiêu chí: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Nhanh chóng giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc". Đêm 26/3/1975, Trung đoàn 27 đến Huế khi thành phố này vừa được giải phóng, sau đó quay ra Đông Hà (Quảng Trị) nhận nhiệm vụ mới rồi ngày 4/4/1975 được lệnh xuất phát theo đường Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn nhằm hướng Nam thẳng tiến".

Tướng Hiệu không khi nào quên được không khí khẩn trương, bước chân rầm rập của bộ đội trên đường mòn Hồ Chí Minh những ngày ấy. Cả Trường Sơn rùng rùng chuyển động, ngày đầu Trung đoàn đi được 150km, ngày sau tăng dần 150-200km, có ngày đạt kỷ lục 300km. Cuộc hành quân như chạy đua với thời gian, ngày 10/4 đơn vị đến Buôn Ma Thuột nơi đây vừa được giải phóng, rồi đến Đồng Xoài- Phước Long cách địch 50km. Như vậy để vượt hơn 1000km, đơn vị chỉ đi mất 12 ngày.

Sư đoàn 320B nhận nhiệm vụ đánh thọc sâu mở đường cho các cánh quân tiến vào Sài Gòn theo hướng phía Bắc, trong đó Trung đoàn 27 là lực lượng đi đầu, đánh thọc sâu. Trước trận đánh, anh Trung đoàn trưởng Hiệu tâm huyết với chiến sĩ: "Trong trận đánh cuối cùng này, Trung đoàn ta có thể chỉ còn lưu danh trong bảo tàng. Nếu phải hy sinh, mặt chúng ta phải hướng về Sài Gòn".

Trận chiến quyết tử

Nhiệm vụ Sư đoàn giao cho Trung đoàn 27 phải đập tan tuyến tử thủ phía Bắc Sài Gòn án ngữ trên trục đường 13. Cuộc hành quân luồn sâu trong lòng địch với nhiều khó khăn vì đường đi quanh co, phải tránh đụng độ với địch. Nhưng rồi nếu chậm đập tan tuyến "tử thủ" phía Sài Gòn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng Sài Gòn, Trung đoàn trưởng Hiệu quyết định: "Không tránh mà gạt địch ra để tiến".

Để đến chốt tử thủ của Ngụỵ, trên đường đi, đơn vị đã đánh tan mặt trận pháo địch ở Biên Hòa, đập tan 2 Đại đội bảo an ở Thuần Giáo, chốt vòng ngoài Lái Thiêu. 17h ngày 29/4, Trung đoàn 27 dừng lại ở ngã tư Búng, chuẩn bị tấn công địch ở Lái Thiêu.

5h sáng ngày 30/4/1975, trung đoàn phát lệnh tấn công. Địch bị đánh bất ngờ, hoảng loạn chống trả yếu ớt. Sau hai tiếng chiến đấu liên tục Trung đoàn 27 đã đánh lướt qua Lái Thiêu. Cánh cửa phía Bắc Sài Gòn mở rộng, đội hình xe tăng, thiết giáp bộ binh cơ giới ào ào tiến qua Lái Thiêu hướng về Sài Gòn. Tiểu đoàn 6 thọc vào phía Bắc cầu Vĩnh Bình bị gần 30 xe tăng, xe thiết giáp địch xông ra bắn phá điên cuồng, mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 6 chững lại.

Vị trung đoàn trưởng trực tiếp dẫn đầu 1 trong 2 mũi tiến công quyết tâm đập tan ổ đề kháng địch, bắn cháy pháo tự hành 175mm mệnh danh "vua chiến trường" của địch khiến chúng hoảng hốt dừng một hồi tìm cách đối phó. Chớp cơ hội, chiến sĩ ta chia làm nhiều mũi đánh vào trận địa địch. Trực tiếp Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc xách khẩu B40 nhảy xuống xe cùng chỉ huy trung đoàn trực tiếp bắn cháy 5 xe bọc thép của địch.

Người cán bộ thuộc quyền trung đoàn trưởng Hiệu khi đó đã hi sinh ngay trước mắt ông, chỉ ít giờ trước khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Tướng Hiệu nhớ lại: "Bị trúng đạn, anh Mạc tay vẫn xách súng lao lên. Bỗng nghe một tiếng nổ hướng về phía họ, chỉ thấy anh Mạc xô ngã chiến sĩ rồi nằm đè lên, khói đạn phủ kín hai người”.

Sự hy sinh dũng cảm của người đại đội trưởng tiếp thêm lòng căm thù giặc. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu điều thêm hai khẩu 37 ly hạ nòng bắn vào các cụm quân địch đang chiếm giữ cầu. Mũi tấn công của Đại đội 10 chiếm được lô cốt đầu cầu đẩy địch ra khỏi công sự. Mất chỗ dựa, toàn bộ quân địch chốt giữ trên cầu Vĩnh Bình giương cờ trắng đầu hàng.

Khoảnh khắc thiêng liêng

Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đưa thi thể đồng đội lên xe cùng tiến vào hang ổ của địch. Trung đoàn 27 ào ào vượt qua cầu Vĩnh Bình, tấm biển chỉ đường ghi dòng chữ "Sài Gòn 10km". Tướng Hiệu nhớ lại, trời Sài Gòn khi ấy như vỡ ra bởi tiếng súng nổ rung chuyển của các loại đạn các cỡ.

9h30', mũi thọc sâu của Trung đoàn 27 đánh vào Bộ tư lệnh thiết giáp - lực lượng mạnh nhất của địch trong khu Bộ tư lệnh các binh chủng của ngụy. Các xạ thủ B40, B41 rời khỏi xe ô tô vượt qua làn đạn đan chéo, xông thẳng đội hình xe tăng địch. Địch bất ngờ trước lối đánh táo bạo, cảm tử của ta, chúng quay đầu tháo chạy.

Chớp thời cơ, Trung đoàn trưởng Hiệu lệnh cho bộ binh, xe tăng vừa đánh vừa tiến vào. Không chịu được sức ép của quân ta, tên chỉ huy địch buộc phải dẫn sĩ quan, binh sĩ trong Bộ tư lệnh thiết giáp ra đầu hàng. Lá cờ ba que bị hạ xuống, chiến sĩ ta kéo cờ Giải phóng lên nóc cột cờ Bộ tư lệnh thiết giáp ngụy quân.

Cũng vào thời điểm 11h30' ngày 30/4/1975, lá cờ Chiến thắng được quân đội ta kéo lên ở Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu quân ngụỵ quyền Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất và nhiều nơi khác trong thành phố Sài Gòn- Gia Định. Chiến dịch Hồ Chí Minh- trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đã đại thắng.

Sài Gòn ngập trong rừng cờ đỏ sao vàng, cờ giải phóng và hoa. Cả Sài Gòn, cả Việt Nam sống trong niềm vui bất tận, niềm vui giải phóng với nụ cười rạng rỡ và những giọt nước mắt lăn dài trên má. Trong giờ phút thiêng liêng ấy và cho mãi về sau, tướng Hiệu lại nghẹn ngào nhớ những đồng đội đã ngã xuống trên suốt chặng đường chiến đấu.

Vương Hà