Gặp người thương binh băng mình vào đường ray cứu người

Gặp người thương binh băng mình vào đường ray cứu người

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Chỉ trong vòng một năm kể từ ngày băng mình vào đường ray cứu người bị nạn, 12 lần anh trinh sát trẻ Phạm Văn Nhuận phải lên bàn mổ với những cơn đau tê dại, tưởng chừng như không chịu đựng nổi, song anh vẫn cố gắng vượt qua và trở lại đơn vị công tác…

Anh thương binh 1/4 có vóc dáng của một vận động viên thể thao chuyên nghiệp, đã và đang là vận động viên trong đội tuyển Quốc gia tham dự Para Games. Gặp chúng tôi, anh Nhuận khoe: Anh vừa trở về từ TP. Hồ Chí Minh với 3 Huy chương Bạc giải Cầu lông tiền Para Games (từ ngày 1 - 4/7).

Anh Nhuận vui mừng khoe vừa giành 3 Huy chương bạc tại giải Cầu lông tiền Para Games hồi đầu tháng 7 vừa rồi

Quên mình cứu người

13h ngày 25/9/1980, anh Phạm Văn Nhuận cùng người đồng đội tên Huy làm nhiệm vụ tuần tra tại địa bàn xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Đến khu vực ga Cổ Loa, anh gặp một người phụ nữ còn rất trẻ đang mang bầu cứ lững thững đi giữa đường ray, phía sau lưng cô là một đoàn tàu đang ầm ầm lao tới. Vì có một đoàn tàu khác đang chạy vào ga song song với bước đi của cô gái, nên mặc cho anh Nhuận và những người xung quanh hò hét, cô gái mang bầu vẫn cứ lầm lũi bước bởi nghĩ rằng mọi người cảnh báo cô tránh đoàn tàu bên cạnh.

Trước tình thế chỉ còn khoảng chục mét nữa là đoàn tàu phía sau lao tới, không do dự, Nhuận băng mình vào đường ray và gạt được cô gái ra ngoài an toàn. Còn anh, đã bị đoàn tàu như miệng con cá sấu khổng lồ kéo lê đi 125m và nghiền nát cả hai chân. Sau khi quay đầu tàu và dừng lại, người lái tàu mới biết có một thanh niên đang bị... giắt ở mũi tàu, bê bết máu.

Vì tai nạn xảy ra ở ga lẻ, phương tiện phổ biến để đi lại thời điểm năm 1980 là xe đạp, nên phải đến 30 phút sau, anh Nhuận mới được đưa đi cấp cứu. Cho đến bây giờ, anh cũng không hiểu sao lúc đó mình lại có sức khỏe phi thường đến vậy. Trong khi chờ đồng đội đến cứu giúp, anh tự xé áo băng bó vết thương để không bị mất máu quá nhiều. Người phụ nữ được anh cứu là Trần Thị Hải, ở Châu Khê, Đa Hội, Bắc Ninh. 3 tháng sau, chị Hải sinh con trai khỏe mạnh.

Tàn nhưng không phế

Chỉ trong vòng một năm kể từ ngày băng mình vào đường ray cứu người bị nạn, 12 lần anh trinh sát trẻ Phạm Văn Nhuận phải lên bàn mổ với những cơn đau tê dại, tưởng chừng như không chịu đựng nổi, song anh vẫn cố gắng vượt qua và trở lại đơn vị công tác. Nỗi mặc cảm mình trở thành người tật nguyền cũng nhanh chóng qua đi bởi anh luôn nhận được sự tận tâm của đồng đội.

Và hơn thế, 4 năm sau, cô công nhân trẻ Hoàng Thị Dung đã đến với anh bằng tấm lòng cảm thông chia sẻ, tự nguyện gánh vác khó nhọc để cùng anh xây dựng tổ ấm gia đình. Đây cũng là điều duy nhất Nhuận tự khoe và khẳng định mình là người may mắn.

Năm 1992, anh Phạm Văn Nhuận xuất ngũ vì lý do sức khỏe. Không thể trông chờ vào đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng, với căn hộ tập thể ở I3 - Thành Công, anh và vợ xoay sở đủ nghề: Bán cơm bình dân, bán chè, trông giữ xe, nuôi lợn, rửa xe... Hơn chục năm qua, hầu như vợ chồng anh không có thời gian ngơi nghỉ. Nhưng nếu không cố gắng như vậy thì không thể đủ trang trải gia đình và nuôi hai con ăn học.

Với suy nghĩ phải vượt lên chính mình, ngoài giúp đỡ vợ con bươn chải kiếm sống, anh Phạm Văn Nhuận đã tận dụng tối đa quỹ thời gian vào việc tập luyện thể thao và tham gia các hoạt động xã hội. Hiện nay anh là thành viên của Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật, Câu lạc bộ văn hóa thể thao thương binh - cựu chiến binh, Nhóm hy vọng người khuyết tật, Câu lạc bộ tiếng hát thương binh Thành phố Hà Nội... ở cương vị nào anh cũng xuất sắc và là niềm tin của người thân, đồng đội.

Nhiều người thán phục anh thương binh 1/4 có thể chơi được nhiều môn thể thao xe lăn như điền kinh (đẩy tạ, ném lao), cầu lông, bóng rổ. Anh là một trong những vận động viên khuyết tật được chọn đi thi đấu ở nhiều tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.

Từ những năm đầu của thế kỷ này, anh Phạm Văn Nhuận đã liên tục đoạt giải. Tại Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức ở Huế năm 2002, anh Phạm Văn Nhuận đoạt Huy chương Đồng môn điền kinh. Càng ngạc nhiên hơn khi anh xuất hiện trên sân khấu trong những dịp lễ tết với giọng ca - như anh nói: "nghe được". Và, với hoạt động này, anh đã nhận được nhiều giấy khen của quận và thành phố.

Chí Vũ