Gặp người tử tù trong bức ảnh “Ngày hội ngộ”

Gặp người tử tù trong bức ảnh “Ngày hội ngộ”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, những người tử tù trở về từ địa ngục trần gian trong niềm hạnh phúc vỡ òa ngày chiến thắng. Hình ảnh một người tử tù Côn Đảo gặp lại mẹ ôm nhau khóc nức nở đã được cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long ghi lại trong bức ảnh mang tên "Ngày hội ngộ".

Người tử tù đó là Lê Văn Thức (sinh năm 1941, ngụ tại 13B/5, ấp 6, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Nhưng có lẽ cả người chụp ảnh và người trong ảnh cũng không biết rằng, bức ảnh đó sẽ mãi mãi lắng đọng, trở thành biểu trưng cho khát vọng hòa bình của đất nước.

Người tử tù năm nào giờ đã bước qua tuổi thất tuần

Tấm bản đồ định mệnh

Gặp lại người tử tù Lê Văn Thức, giờ đây tuy thời gian đã đội trắng mái đầu nhưng những ký ức về năm tháng làm tình báo bị tra tấn ác liệt và khoảnh khoắc trùng phùng của hai mẹ con vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng có năm chị em, ông Thức là người con trai duy nhất. Sau khi thi đậu tú tài 1, ông được động viên nhập ngũ. Tháng 3/1966, tổ chức đã kết nạp ông vào Đảng và làm lễ tiễn ông vào Trường Sĩ quan trù bị Thủ Đức, khóa 21 của chế độ Sài Gòn.

Cuối năm 1967, ông Thức là người lính duy nhất được chọn ra đưa đi học khóa huấn luyện chiến thuật tình báo tác chiến 3 tháng tại Malaysia. Hoàn thành khóa huấn luyện, ông trở về và được cài vào hàng ngũ đối phương với chức danh thiếu úy, huấn luyện tân binh tại Trung tâm huấn luyện Hùng Vương thuộc Sư đoàn 7 tại Bình Đức (Mỹ Tho). ông nhớ lại: "Trực tiếp hoạt động nội tuyến trong lòng địch, tôi có nhiệm vụ thông tin lại những kế hoạch của địch về cho tổ chức. Mỗi khi đụng trận, đứng giữa hai đầu lửa đạn, tôi chỉ bắn chỉ thiên, trong trường hợp không thể đừng, tôi cố đưa nòng súng chệch hướng, để đường đạn chệch mục tiêu...”.

Sau Tết Mậu Thân 1968, tình hình chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt. Nhận thấy căn cứ quân sự Bình Đức là một trong những mục tiêu cần phải tiêu diệt, nên Binh vận Khu 8 đã giao cho ông Thức nhiệm vụ vẽ bản đồ khu quân sự này để chuẩn bị tiến hành tấn công. Giữa tháng 3/1968, ông bí mật chuyển bản kế hoạch cho đồng đội đưa về tổ chức. Nhưng không may, trên đường trở về Bộ Tư lệnh khu 8, người cán bộ này đã bị máy bay địch bắn chết bên kênh Chợ Gạo. Bản kế hoạch lọt vào tay giặc. Theo quy định, cán bộ đó phải sao chép lại tài liệu và hủy bản gốc khi nhận bản kế hoạch nhưng do chủ quan, người cán bộ đã không thực hiện.

Sau khi giám định chữ viết, kẻ địch biết ngay thiếu úy Lê Văn Thức chính là người vẽ bản đồ nên một tuần sau đó, ông bị bắt. Dù bị tra tấn dã man bằng dùi cui, băng trắc, chích điện nhưng ông Thức vẫn cắn răng chịu đựng để bảo vệ trạm liên lạc và cả đường dây được an toàn. Một tháng sau, ông bị kết án tử hình vì tội làm nội tuyến cho cộng sản. Nhưng vì thời điểm đó, những người tử tù không bị hành hình mà chúng để các chiến sĩ chết dần chết mòn trong địa ngục trần gian. Tháng 11 năm ấy, ông bị đày ra Côn Đảo.

Giây phút hội ngộ lịch sử

Suốt 7 năm ròng sống cùng 35 anh em tử tù, chịu đựng mọi hình thức đàn áp dã man, chế độ giam giữ khắc nghiệt ở Côn Đảo, nhưng ông Thức và mọi người vẫn một lòng trung thành với Đảng, cương quyết đấu tranh vì hòa bình, độc lập. Ban ngày, bọn cai ngục mở còng chân cho những người tử tù ra làm nhiệm vụ, tối lại còng vào và bố trí canh phòng nghiêm ngặt.

Song, do ở Côn Đảo nắm bắt thông tin về cục diện chiến tranh đang rất trễ nên mãi đến 1h sáng ngày 2/5/1975, những người tử tù mới biết được tin Sài Gòn giải phóng, đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Ông Thức nhớ lại: "Sáng hôm đó, chúng tôi ở trại số 4 ngồi trong tù mãi mà không thấy cai ngục đâu. Đến khi anh em ở các trại khác kéo tới bẻ khóa, mở cửa ra thì chúng tôi mới giật mình và hạnh phúc đến rớt nước mắt. Nhưng trước khi tháo chạy địch đã phá hủy hệ thống thông tin trên đảo nên hôm sau chúng tôi mới liên lạc được với đất liền".

Bức ảnh lịch sử Ngày hội ngộ

Ngày 4/5 năm ấy, đoàn tàu từ đất liền ra tới Côn Đảo đón mọi người trở về. Cùng với chị em phụ nữ, tù binh tàn tật, ông Thức và 35 anh em tử tù còn lại được bố trí lên chuyến tàu đầu tiên để trở về đất liền. Rạng sáng hôm sau, tàu cập bến tại Vũng Tàu, mọi người được đưa vào nghỉ ở trung tâm Rạch Dừa, chờ liên lạc với gia đình.

Nghe thông tin có đoàn tử tù từ Côn Đảo trở về, bà Trần Thị Bích (sinh năm 1908), mẹ của ông Thức đã lặn lội từ Bến Tre ra Vũng Tàu tìm con. Ngày ông Thức ra đi, bà Bích mang nỗi buồn thẩm sâu vì nghe tin con mình theo giặc. Đến khi biết được ông vẫn một lòng với cách mạng, thì bà Bích lại khóc nỗi đau con mình mang án tử hình. Những tưởng sẽ không bao giờ có thể gặp lại đứa con mình, nên khi vừa gặp lại ông Thức, hai mẹ con bà chỉ biết ôm chầm lấy nhau khóc nức nở trong khoảnh khắc trùng phùng.

Ông Thức xúc động kể lại: "Hôm đó vào khoảng 10h sáng, có người gọi tôi ra nơi tiếp tân gặp gia đình. Nhìn thấy mẹ, tôi vui mừng khôn xiết, chạy tới ôm lấy mẹ mình mà khóc thật lâu. Còn mẹ tôi chỉ nghẹn ngào nói mẹ không ngờ hôm nay được gặp lại con làm tôi nhớ mãi cho đến bây giờ".

Vì vui mừng quá, không còn bận tâm đến mọi việc xung quanh, nên ông Thức không biết được rằng, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã chụp lại được khoảnh khắc ngập tràn cảm xúc đó. Và có lẽ cả ba người làm nên bức ảnh này cũng không ngờ, nó đã trở thành khoảnh khắc đi vào lịch sử, thể hiện khát vọng tự do của cả một dân tộc. Chiến tranh qua đi và đây là niềm hạnh phúc lớn lao của ngày gặp lại sau chia ly và sinh tử.

Vượt qua khó khăn đời thường

Hòa bình lập lại, ông Thức trở về và được bố trí làm việc tại Ban Binh vận Khu 8. Đến năm 1976, cơ quan này giải thể, ông Thức được chuyển công tác sang công an Tiền Giang. Thế nhưng, do chiến tranh mới đi qua, công tác hồ sơ còn nhiều chỗ thiếu sót nên dù ông hoạt động nội tuyến trong lòng địch nhưng nhìn vào lý lịch thấy ghi thiếu úy của chế độ cũ nên ông bị loại ngay. Sau đó, ông được giới thiệu về xã Tân Thạch, nhưng không phải để làm việc mà chỉ được tiếp nhận như người mới ở tù trở về quê hương. Do đó ông Thức đã gửi hồ sơ nói rõ trường hợp của mình và gửi báo cáo, cùng khiếu nại đến Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Một thời gian sau ông Thức mới được quyết định cho phục hồi sinh hoạt Đảng.

Năm 1977, ông được làm việc tại Phòng Công thương - Thương nghiệp huyện Châu Thành. Sau đó, ông được cử đi học lớp nghiệp vụ tại Cần thơ và gặp được bà Lâm Thị Hồng Anh người vợ mình hiện tại. Vượt qua bao nhiêu sóng gió với cuộc đời, ông đã xin nghỉ hưu vào năm 1991 do di chứng của những năm tháng bị đánh đập dã man tại Côn Đảo.

Ba con người tạo nên bức ảnh "Ngày hội ngộ" giờ đây chỉ còn lại mình ông nhưng niềm hạnh phúc của khoảnh khắc lịch sử ấy vẫn đọng lại lung linh trong kí ức ông đến ngày hôm nay. Đi qua gần hết đời người với bao thăng trầm cuộc sống, thế mà người tử tù năm nào vẫn trọn tình với nước trọn hiếu với mẹ già. Nói như ông, một người lính tình báo thời chiến tranh chỉ có niềm tin với Đảng mới soi sáng được cuộc đời và con đường mà ông đã chọn.

Đức Dũng