Gặp những tín đồ của hình xăm

Gặp những tín đồ của hình xăm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Đam mê nhạc Rock từ nhỏ, trên người gần như kín mít các hình xăm đủ phong cách, có thể gọi Cường Em và Đăng Thiên là những tín đồ của hình xăm. Họ chấp nhận từ bỏ những gì mình đã có để trở thành ông chủ của hai cửa hàng xăm mình lớn nhất Sài Gòn.
“Đặt kim là không hối hận”

Đó là tâm sự của Cường Em, ca sĩ chính của ban nhạc rock Titanium đồng thời là chủ shop Tattoo Guys. Cường Em cho biết, hình xăm đầu tiên của mình là logo của ban nhạc thần tượng Sepultura từ năm 2004.

“Vì thời điểm đó mọi tiêu chí phấn đấu trong nhạc rock của mình đều hướng tới ban nhạc Sepultura nên mình quyết định xăm luôn logo của họ như một lời nhắc nhở mình phải cố gắng hơn nữa”, Cường Em nói.

Đến nay, trên người Cường Em đã chi chít những hình xăm. Tay trái của anh xăm chủ đề những con mắt vì theo anh, đó là cách thể hiện những góc nhìn của mình về cuộc sống và con người.

Tay phải xăm những hình ảnh của đất nước Nhật Bản kết hợp với hình ảnh cá chép, hoa sen và sóng biển được cách điệu hoa văn tỉ mỉ. Theo quan niệm, đó là những hình xăm sẽ mang may mắn, bình an và hạnh phúc. Còn sau lưng là hình chiếc trống đồng Việt Nam vì với anh, đó là niềm tự hào khi ra ngoài thế giới giao lưu với bạn bè.

Không những thế, sau gáy Cường Em là chữ ‘Mom’, một bên cổ là một dòng chữ Phạn và bên còn lại là hình chiếc máy xăm cùng dòng chữ TattooGuys, dưới chân là logo và bìa đĩa của ban nhạc Titanium.

Sự kiện - Gặp những tín đồ của hình xăm

Cường Em tại shop Tattoo Guys. (Minh Khánh)

Ngoài ra trên người anh còn có các hình: Doremon, Songoku cùng một số bài thơ do mình sáng tác. Đặc biệt bên lườn trái còn có xăm chân dung của đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỉ niệm ông 100 tuổi.

“Mình xăm nhiều như vậy là do thích cái đẹp từ môn nghệ thuật này tạo nên trên hình thể con người. Mình không để ý đến những định kiến xã hội hay những lời dị nghị. Theo mình, để nghệ thuật xăm mình ở Việt Nam phát triển thì không nên quan tâm đến những điều ấy nữa”, Cường Em nói.

Hiện giờ Cường Em đang làm công việc của một thợ xăm, ngày ngày xăm cho khách và lâu lâu lại xăm cho mình. Cường Em chia sẻ về nghệ thuật xăm mình: “Đấy là một loại nghệ thuật được nung nấu bằng tình yêu, được mài sắc qua thời gian và trả giả bằng nỗi đau thể xác để đổi lấy sự vĩnh cửu thủy chung”.

Xăm mình không phải là thời trang

“Bởi vì những hình xăm sẽ nằm trên da thịt của chúng ta suốt cả đời nên không thể xăm theo xu hướng như thời trang, cộng với việc xã hội còn nhiều định kiến với việc xăm mình nên khách hàng phải suy nghĩ thật kĩ mỗi lần quyết định xăm để có một hình xăm mang ý nghĩa cho riêng mình”, Đăng Thiên, chủ shop Saigon Ink cho biết.

Anh nói thêm: “Khi một người chưa từng có một hình xăm nào thì việc đặt kim lên xăm những nét đầu tiên sẽ là một cái gì đó theo họ suốt cuộc đời, có thể ảnh hưởng tới suy nghĩ, quan niệm về cuộc sống sau này. Có thể họ bản lĩnh hơn, thấy cuộc sống đáng yêu hơn chẳng hạn”.

Trước khi đến với công việc của một người làm nghề xăm, Đăng Thiên là một công chức nhà nước. Anh đã mất một khoảng thời gian khá dài để ấp ủ, suy nghĩ và vượt qua những định kiến của xã hội cũng như những phản đối từ gia đình. Sau đó, anh có cơ hội ra nước ngoài tìm hiểu và thấy người phương Tây coi xăm mình như một nét văn hóa được thể hiện trên da thịt của bản thân.

“Nghĩ tới sự đa dạng, phong phú của văn hóa Việt, lúc đó mình cũng muốn thể hiện những thông điệp, ý nghĩa của nó lên các hình xăm”, Đăng Thiên nói. Anh quyết định xăm lên người những hình xăm đầu tiên và từ bỏ những gì mình đã có để theo đuổi con đường trở thành một người thợ xăm mình thực thụ.

Theo anh, các khách hàng nam thường muốn xăm những hình mang thông điệp may mắn, mạnh mẽ như cá chép, rồng, hổ, các hình cách điệu và nhìn chung là những chủ đề về Châu Á. Còn nữ giới thì chỉ thích các hình như hoa, bướm, cỏ 4 lá, ngôi sao hay các cung Hoàng đạo.

Trước câu hỏi liệu xăm mình có phải là một nghệ thuật và thợ xăm có phải là nghệ sĩ hay không, Đăng Thiên chia sẻ: “ Điều đó do sự cảm nhận và đánh giá của mỗi người. Tuy nhiên, để xã hội chấp nhận việc xăm mình đã khó, huống chi lại được công nhận là một môn nghệ thuật chính thức thì có lẽ còn khó hơn. Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi đó”.

Theo Minh Khánh/ABC


Tag: doremon