Gặp “vua hề Sác-lô” bằng xương bằng thịt giữa Hà Nội

Gặp “vua hề Sác-lô” bằng xương bằng thịt giữa Hà Nội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Đã gần nửa thế kỷ sau ngày mất của “vua hề” Sáclô nhưng ở một đất nước cách nơi ông sinh ra gần 10.000 cây số, hàng chục năm nay vẫn xuất hiện một “ vua hề Sáclô” bằng xương bằng thịt. Vẫn chiếc áo bó sát, chiếc mũ quả dưa, cây gậy ba toong với bộ râu bàn chải, nghệ sĩ nghiệp dư Lê Vân Trình dường như đã “gọi” được “hồn” “vua hề” “về” giữa khách sạn 5 sao Metropole hoa lệ.

Chất “nghệ” trong “gã bảo vệ”

“Sác-lô của Việt Nam”, nghệ sĩ nghiệp dư Lê Vân Trình hẹn gặp chúng tôi tại nhà riêng trong một con ngõ nhỏ của phố Võ Thị Sáu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Dù đã chuẩn bị tâm lý sẽ được diện kiến người chuyên đóng vai Sác-lô nhưng khi nhìn thấy ông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Cô bạn đồng nghiệp đi cùng đã phải thốt lên “giống thật” khi ông Trình bước ra mở cửa. Nhìn dáng người thấp bé, khuôn mặt bầu bĩnh với nụ cười hóm hỉnh luôn thường trực khiến chúng tôi có cảm giác ngỡ như “vua hề” hiện hữu đâu đây.

Sự kiện - Gặp “vua hề Sác-lô” bằng xương bằng thịt giữa Hà Nội

Anh Lê Vân Trình trong một lần vào vai Sác - Lô

Bước vào nhà, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến “đại bản doanh” của ông. Tường nhà được trang trí bằng đủ thứ lỉnh kỉnh làm từ rễ cây. Phòng tiếp khách cũng là phòng bếp, tủ bếp phía dưới, rễ cây uốn lượn bên trên, vừa có cảm giác bừa bộn, vừa có cảm giác như một thứ nghệ thuật sắp đặt. Nhìn nét mặt của chúng tôi, ông nhanh nhảu giải thích: “Mình tuổi rắn nên thích sưu tầm mấy cái rễ cây uốn lượn hình rắn, vừa đẹp lại có cảm giác gần gũi với thiên nhiên”. Miệng nói, tay chỉ vào một cái rễ cây to hơn ông bảo: “Như cái rễ kia, nhìn rất giống con hươu phải không?”. Chúng tôi nhìn lên rồi gật đầu, nhưng kì thực, nếu ông không giải thích là “con hươu” chắc tôi cũng không thể tưởng tượng ra nổi.

Ông Trình niềm nở tiếp đón chúng tôi như người quen lâu ngày không gặp. Như một sợi dây dẫn cháy được châm ngòi, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm thuở hoa niên và mối duyên đến với vai “vua hề” của mình. Tuy không xếp vào hạng nghệ sĩ có “số má” nhưng tuổi trẻ của ông gắn bó khá nhiều với môn nghệ thuật thứ bảy.

Từng công tác tại Fafilm (Công ty phát hành phim và chiếu bóng VN), ông đã có một thời gian dài lăn lộn cùng đoàn làm phim quay “Điện Biên Phủ” của đạo diễn Pierre Schoendoerffer. Nhớ lại quãng thời gian này, ông cười sảng khoái: “Trông mình cũ kỹ, lùn và xấu thế này thôi nhưng trong người lúc nào cũng có chất “nghệ” đấy. Các bạn có tin, mình đã từng đứng trước biển, một mình đối thoại với sóng to gió lớn không? Hồi còn làm phim, mình sống có phần hơi buông thả, nói là “phá gia chi tử” cũng chẳng sai. Thời đó còn kiếm được nhiều tiền, thanh niên tính lại hay bốc đồng nên tiêu chẳng cần biết ngày mai. Có lần đi công tác tại TP Hồ Chí Minh, tiền tiêu cháy túi, chị cả phải mua cho ít hoa quả đem về Bắc làm quà”.

Như muốn giới thiệu thêm về “chất nghệ sĩ” của mình, người đàn ông đã ở vào cái tuổi ngoại lục tuần này cũng kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm lần được vợ mua tặng một chiếc áo len nhưng do bí quá làm liều, ông đem bán mất lấy tiền tiêu. “Lần đó, suýt chút nữa vợ chồng tan đàn xẻ nghé, cũng may vợ hiểu và thông cảm cho mình. Bà xã không thích mình lúc nào cũng thẩn thơ, tâm hồn bay bổng nên hay trêu: “Nghệ sĩ thật còn chẳng ăn ai, huống hồ ông là “nghệ sĩ rởm”. Sau này, thấy vợ than thở nhiều quá, mình đành chuyển sang làm công tác an ninh tại khách sạn Metropole Hà Nội”, ông tâm sự.

Nở một nụ cười đầy hóm hỉnh, ông không quên giới thiệu cho chúng tôi nghe về “ngôi nhà” Metropole của mình bằng giọng điệu đầy tự hào. Cùng với Nhà hát lớn, Nhà khách Chính phủ, khách sạn này đã tồn tại trên 100 năm, từng chứng kiến biết bao thăng trầm của thành phố. Giờ đây Metropole đã trở thành một phần của Hà Nội, một dấu ấn kiến trúc Pháp theo phong cách nghệ thuật mới cuối thế kỷ IXX đầu thế kỷ XX. “Cung điện” trăm tuổi” thể hiện nét cổ điển qua lớp sơn tường trắng, những khung cửa xanh, họa tiết bằng sắt tinh xảo, ván tường bằng gỗ và một sân cỏ xanh tươi.

Vai diễn duy nhất trong đời

Khi được hỏi về lý do lựa chọn vai diễn hề Sác-lô, ông bảo: “Cũng do tình cờ thôi. Chắc hẳn mọi người đều quen thuộc với hình ảnh một kẻ lang thang, vóc dáng nhỏ bé với cây gậy trên tay, bộ trang phục quá khổ và dáng điệu vụng về lạ mắt, tướng đi lạch bạch như con vịt. Hình tượng này đã trở thành huyền thoại, được đóng một cái mác riêng của chỉ một mình Sác-lô mà thôi.

Những kỹ thuật điện ảnh còn sơ khai đã làm cho những thước phim không liền mạch và cái dáng điệu lạch bạch bất hủ của Sác-lô khiến người xem cười nghiêng ngả. Nhưng ngay sau đó, công chúng sẽ lại rưng rưng nước mắt khi chứng kiến tình yêu cao đẹp và tuyệt vọng của người nghệ sĩ già với cô vũ nữ trẻ đẹp, tình yêu thương của một gã lang thang với một đứa trẻ bị bỏ rơi, hay số phận của một kẻ lạc lõng đơn độc trong một thế giới đầy những biến động và đổi thay… Mình chọn Sác-lô bởi đơn giản, đó là nhân vật mình yêu thích”.

Nhiều năm trôi qua, ông vẫn còn nhớ như in kỷ niệm lần đầu tiên ông đóng “vua hề” trong một buổi lễ tổng kết cuối năm của khách sạn. Để kỷ niệm sự kiện trọng đại “vua hề” đến Việt Nam, ban lãnh đạo khách sạn đã quyết định dựng lại bộ phim “Vua hề Sác-lô đến Việt Nam” (theo ý tưởng của chị Mỹ Linh, Giám đốc Nhân sự). Bộ phim tuy là sản phẩm “cây nhà lá vườn” nhưng được quay khá công phu. Để dựng được tác phẩm, khách sạn đã bố trí riêng một ngày để đoàn làm phim được quay tại phòng 328, căn phòng “lịch sử” mà cách đây 70 năm, đôi tình nhân “vàng” của thế kỷ 20 đã có thời khắc trăng mật. Chiếc giường đôi, toa lét lịch sử, dao cạo râu và bản nhạc mà đôi tình nhân đã thưởng thức… tất cả đều được ghi lại trung thực và vô cùng sinh động.

Ông Trình kể tiếp: “Chúng tôi cũng tính toán “công phu và thận trọng” để khán giả (gồm toàn bộ nhân viên khách sạn) có được cách nhìn chân thực và sinh động nhất, thậm chí được chứng kiến cả những cảnh “nóng hừng hực” của cặp tình nhân. Nghệ sỹ tham gia cũng đều là “ngôi sao sáng” tại các bộ phận của khách sạn Metropolle. Vốn bản tính hài hước, lại có hình thể giông giống Sác-lô, mình được lựa chọn cho vai “vua hề”. Bộ phim được xây dựng qua một lăng kính hài hước, hóm hỉnh nên khi công chiếu đã tạo được ấn tượng vô cùng thú vị và những tràng cười không dứt”.

Sau lần đó, “vua hề Sác-lô” Lê Vân Trình xuất hiện thường xuyên trong những buổi đón tiếp khách VIP của Metropole. Ông cũng không ít lần đem đến cho khách sạn những hợp đồng béo bở nhờ vai diễn nghiệp dư này. “Lần đó, có một đoàn gồm 600 khách quốc tế hạng sang đến Việt Nam. Trước khi khởi hành, họ cử 12 chuyên gia sang tiền trạm, tìm hiểu các khách sạn để đặt phòng. Sau khi “thám thính” nhiều nơi, họ tìm đến Metropole thăm dò. Nắm được thông tin mật báo, ban lãnh đạo khách sạn đã dựng lên một “vở diễn” tuyệt hay để đón chào. Mình hóa trang thành “vua hề” nấp sẵn trong nhà vệ sinh phòng 328 chờ đợi. Khi 12 chuyên gia bước vào, mình bất ngờ lao ra khiến cả đoàn giật mình sửng sốt. Họ không tin trước mắt mình là một Sác-lô bằng xương bằng thịt. Sau lần đó, họ quyết định lựa chọn Metropole làm điểm nghỉ lại tại Việt Nam vì phong cách sáng tạo này”, ông kể.

Sự hiện hữu của “vua hề” giữa lòng thủ đô thực sự đã mang đến cho Metropole hương vị riêng. Rất nhiều du khách đã phải “mắt chữ O mồm chữ A” khi chứng kiến ông Trình “hóa thân”. Anh Tarner Morris, một khách du lịch Mỹ cho biết: “Tôi đã từng xem Sác-lô trên truyền hình và tôi rất thích nhân vật này. Hôm nay tôi lại được gặp ông ở ngay khách sạn Metropole giữa lòng Hà Nội. Tôi vô cùng thích thú”.

Danh hài nổi danh bậc nhất thế giới

Sác-lô là một trong những nghệ sĩ kịch câm và diễn viên hài xuất sắc nhất mọi thời đại. Ông cũng là một nhân vật có ảnh hưởng nhất của kỷ nguyên phim câm, “mảnh đất” không ai có thể xuất sắc bằng ông chứ chưa nói đến vượt qua ông. Điều ít ai biết đến, ngoài khả năng diễn xuất “thành thần”, ông còn là đạo diễn, người viết kịch bản, sản xuất và kiêm luôn nhạc sĩ soạn nhạc cho chính bộ phim của mình. Ở Sác-lô hội tụ thừa yếu tố để biến ông thành một thiên tài. Một vị đạo diễn đã lý giải rằng: “Sác-lô không bao giờ chọc cười. Chính những tình huống cay đắng trong phim đã làm nên tiếng cười. Giống như người ta thường có câu đỉnh cao của sự hài hước là nỗi đau khổ”.

Anh Đức