Gia đình hai đời tổ chức lễ giỗ Bác Hồ

Gia đình hai đời tổ chức lễ giỗ Bác Hồ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Trọn 42 năm kể từ ngày Bác mất, có một gia đình vẫn thầm lặng tự tổ chức lễ giỗ cho Bác suốt quãng thời gian qua. Đó là gia đình của cụ Cao Văn Đằng (SN 1922, ngụ tại khóm 9, thị trấn Càng Long, tỉnh Trà Vinh), một người nông dân nghèo, chất phát mà người dân quanh đây thường gọi với cái tên là "ông Hai con trai Bác Hồ".

Giờ đây, tuy cụ Hai không còn nữa nhưng mỗi năm đến ngày 2/9, các con của cụ vẫn đều đặn thắp nén nhang và nấu một ít món ăn dâng lên Bác để bày tỏ lòng thành kính.

Cô Mừng thắp nén nhang cho Bác Hồ trong lễ giỗ

Chiếc radio kỷ niệm

Con đường vào nhà cụ rất khó đi và khá vòng vèo, thế nhưng năm nào cũng thu hút hơn 100 người đến dự lễ giỗ tại căn nhà nhỏ này. Ngày trước, cụ Hai tham gia làm công tác hậu cần, dân quân, tiểu tổ nông hội đi vận động tiếp tế cho quân ta thời kháng chiến chống Pháp. Bốn người con trai đầu của cụ cũng nối gót cha tham gia cách mạng, nhưng một người đã nằm xuống trong một cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó, bà con trong vùng ai cũng bỏ nhà tránh bom đạn của giặc. Duy nhất còn lại mình cụ bám trụ lại để dự trữ lúa gạo nuôi quân.

Cô Cao Thị Mừng (57 tuổi), người con thứ 5 của cụ Hai lấy trong tủ ra cho tôi xem một cái radio đã cũ. Cô chia sẻ: "Hồi trước cha tôi đi cuốc mướn hai công khoai, bán thêm một tạ heo, một bầy gà vịt mới có tiền mua cái radio này với giá 7.200 đồng. Tại ổng mê nghe tin tức lắm, ngày nào cũng kè kè cái radio bên tai".

Cũng nhờ chính chiếc radio này mà cụ Hai hay tin Bác mất. Chiều ngày 3/9/1969, đài phát thanh Hà Nội loan tin về sự ra đi của Bác, nghe tin này, cụ Hai đã khóc rất nhiều. Mặc dù chưa một lần được gặp mặt Bác, nhưng qua những thông tin từ báo đài, ông rất ngưỡng mộ về sự giản dị và tài giỏi, thương nước thương dân của Bác.

Cô Cao Thị Rành (50 tuổi), người con thứ 8 của cụ chia sẻ: "Cha tôi thương Bác lắm. Để thể hiện tấm lòng của mình, cha tôi bắt đầu để râu giống Bác, đi dép cao su. Hễ có ai khen cha tôi giống Bác là ổng vui cả buổi trời".

Ngày cụ Hai còn sống, dù Bảo tàng Trà Vinh đã nhiều lần ngỏ ý mang chiếc radio và một cái gầu tát nước mà ngày xưa ông bắt cá làm giỗ cho Bác về trưng bày nhưng cụ Hai không đồng ý. Từ giường bệnh, ông cụ lòm còm bước lại đến ôm chiếc radio và cái gầu vào lòng, vì đối với cụ, đây là những kỹ vật thiêng liêng, quý giá, không gì có thể sánh bằng cho dù nó đã hỏng suốt mười mấy năm nay.

Lừa lính ngụy đốt nhang lạy Bác

Sau khi Bác mất, cụ Hai lập ngay một bàn thờ nhỏ và giấu kín trong nhà để giặc không phát hiện. Vì không có hình của Bác nên cụ lấy một con tem kháng chiến có hình của Bác để thờ. Cụ tính từng ngày cúng thất, cúng 49, 100 ngày cho Bác, đầy đủ lễ tiết như người thân trong gia đình.

Cô Mừng bên di ảnh cụ Hai

Ngày đó, gia đình còn khó khăn nên có gì cụ cúng nấy, có cá bắt cá, có gà làm gà. Lần đầu tiên giỗ Bác, lấy lý do đám giỗ bố, cụ đã mời bọn lính Ngụy đến dự rất đông, còn các anh bộ đội sắm vai con cháu trong nhà. Thấy lính Ngụy đốt nhang lạy Bác, ông cụ cười thầm trong bụng.

Sau khi đi giỗ về, bọn lính Ngụy sinh nghi nên bắt cụ Hai về đồn chất vấn. Tuy nhiên, vì không đủ chứng cứ, bọn chúng đành phải để ông cụ ra về.

Ấm ức vì không thể kết tội cụ Hai, tên đồn trưởng quyết định cho lính đến mai phục bắn cụ cho hả tức. Núp trong một bụi cây, nhìn thấy cụ đang đặt dĩa khoai lang lên bàn thờ và thắp nén nhang, bọn lính bắn một phát đạn vào cánh tay phải của cụ.

Cô Mừng nhớ lại: "Lúc đó nghe tiếng sung trước nhà, tôi sợ quá, chạy ra thì thấy cha đang giữ lấy cánh tay đầm đìa máu. Tôi vội vàng lấy chiếc xe đạp ra kêu cha lên chở đi nhà thương nhưng cha một mực không chịu. Cha nói, tụi lính Ngụy đang nghi ngờ mà bây giờ đi nhà thương cho tụi nó giết chết cả nhà nên tôi đã đưa cha đi trạm xá mổ vết thương lấy viên đạn ra". Vì chậm trễ làm máu chảy rất nhiều nên sau hôm đó, tay phải cụ Hai không còn hoạt động bình thường được nữa.

Sau ngày giải phóng, ông Hai liền đóng một cái tủ nhỏ làm bàn thờ Bác và đặt trang trọng giữa nhà, nơi thường dành thờ cúng tổ tiên.

Muốn giỗ cùng ngày với Bác

Bệnh tật đã dần dần cướp đi sức khỏe cụ Hai. Sau bao nhiêu năm bị bệnh gan hành hạ, cụ Hai quyết định về nhà để được gần Bác, được lo cơm nước, thắp nhang cho Bác mỗi ngày.

Cụ Hai bên chiếc radio kỷ niệm

Đến giữa tháng 9 năm ngoái, cụ Hai đã ra đi, 10 ngày sau đám giỗ của Bác. Cô Mừng nghẹn ngào tâm sự: "Trước lúc mất, mắt cha tôi cứ nhìn chăm chăm vào bàn thờ Bác. Ông dặn, sau này nếu có làm giỗ cho ông thì làm chung ngày giỗ với Bác Hồ. Nên năm sau tụi tôi sẽ tổ chức chung một ngày cho ông vui lòng".

Gia đình cụ Hai mỗi năm có đến sáu cái giỗ nhưng giỗ của Bác luôn luôn là giỗ lớn nhất. Trước giỗ 2 ngày, các con cụ đã bắt tay vào công việc làm đồ ăn. Cô Mừng chia sẻ: "Hồi đó làm giỗ đơn giản lắm, chỉ có mấy anh chị em trong nhà thôi, nhưng bây giờ thu hút càng ngày càng đông người, có năm tiếp hơn cả chục bàn nên phải chuẩn bị nhiều hơn, sợ khách lại mà không đủ đồ ăn thì ngại lắm".

Ngày đầu tiên, các con cụ Hai từ phương xa trở về quây quần lại gói bánh tét, bánh ít biếu tặng khách. Ngày thứ hai, mọi người tiếp tục làm heo, gà, vịt để đúng ngày 2/9 bà con lại chung vui. Tất cả đồ ăn nấu giỗ đều do tự tay các con cụ nuôi trồng vì như thế vừa đỡ chi phí vừa đảm bảo vệ sinh an toàn cho mọi người.

Trong bàn ăn, các con cụ Hai không quên dọn thêm một bộ chén đũa, vì mọi người biết, dù có đi đâu thì ngày này, chắc chắn cụ Hai sẽ về dự giỗ Bác Hồ.

Chị Nguyễn Thị Hoa sáng sớm đã đi mua trái cây rồi lặn lội từ huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) đến nhà cụ Hai dự giỗ. Chị chia sẻ: "Tôi đến đây lần này là được 4 lần rồi. Hồi đó nghe người ta nói nhiều về ông nên tôi rất tò mò và tìm đến đây dự giỗ. Tôi không phải bà con gì của ông Hai hết vậy mà gia đình ông vẫn đón tiếp niềm nỡ. Riết rồi cũng thành quen, năm nào tôi cũng dành chút thời gian xuống thắp cho Bác nén nhang".

Anh Lê Văn Ngoan, Bí thư thị trấn Càng Long nhận xét: "Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa nên tôi rất trân trọng tấm lòng của chú Hai. Sau khi xuống Đền thờ Trà Vinh là tôi tranh thủ qua nhà chú Hai. Việc làm này tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được".

Sau khi cụ Hai qua đời, các con cụ tiếp tục tự tổ chức lễ giỗ cho Bác Hồ. Vì đó không những là tâm nguyện của cụ Hai mà còn là ý muốn của các con cụ, để mọi người có dịp thể hiện tấm lòng của mình đối với vị cha già của dân tộc.

Đỗ Dũng