Sống 40 năm trong rừng hoang nhờ 1 hạt lúa mạch

Sống 40 năm trong rừng hoang nhờ 1 hạt lúa mạch

Thứ 3, 19/02/2013 | 15:27
0
Vào năm 1978, các nhà thăm dò địa chất Liên Xô cũ đã phát hiện ra một gia đình đang sinh sống trong cánh rừng Taiga hoang dã thuộc Siberia.

Khoảng rừng thưa bí ẩn

Những ngọn núi dốc đứng cùng rừng cây lá kim Siberia đã hình thành nên rừng Taiga. Đây là một trong những nơi hoang vắng và cô lập nhất trên hành tinh. Hầu hết lượng dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản của Nga đều được khai thác từ Siberia. Chính vì thế nhiều năm qua, ngay cả những vùng rừng Taiga hoang dại và xa xôi nhất cũng đã có sự xuất hiện của những đoàn người ngày đêm đi khảo sát, thăm dò và khai phá các mỏ dầu.

Tuy nhiên, một chuyện không ai ngờ tới đã xảy ra vào năm 1978. Vào mùa hè năm đó, một máy bay trực thăng đã bay qua một vùng thung lũng rậm rạp cây cối, tìm kiếm một nơi an toàn để đưa các nhà địa chất học Liên Xô cũ đáp xuống nghiên cứu. Bề mặt của thung lũng vốn được hình thành bởi một nhánh của sông Akaban, gần như thẳng đứng và vô cùng hẹp. Những hàng bạch dương và thông gầy xếp dày đặc khiến cho nhóm chuyên gia vô cùng khó khăn khi muốn tìm nơi hạ cánh.

Thế nhưng, khi chăm chú nhìn qua cửa kính chắn gió, phi công điều khiển đã vô cùng mừng vui khi trông thấy một khoảng rừng thưa phía xa. Chính xác hơn, đó là một bãi đất trống nằm trên sườn núi với hàng rào được con người dựng lên phục vụ cho trồng trọt. Qua những quan sát ban đầu, phi hành đoàn suy đoán đó là một khu vườn mang dấu hiệu của sự sống con người.

Hơn nữa, quan sát kích thước của bãi đất có thể thấy rằng những người bí ẩn kia đã ở đây từ rất lâu. Đây quả là phát hiện kì lạ bởi khoảng cách từ khu dân cư gần nhất tới nơi này cũng gần 250km. Chính quyền Liên Xô cũng không có thông tin về bất cứ ai hiện đang sinh sống tại khu vực hoang sơ này.

Lạ & Cười - Sống 40 năm trong rừng hoang nhờ 1 hạt lúa mạch

Karp Lykov và con gái Agafia trong bộ quần áo mới được cung cấp bởi các nhà địa chất học Liên Xô.   

Bốn nhà khoa học đi cùng được phi công thông báo về việc trên và họ cảm thấy vô cùng lo lắng. Điều này khá dễ hiểu bởi như nhà báo Vasily Peskov viết trong cuốn sách xuất bản năm 1990 có tên "Lạc trong rừng Taiga" của mình thì tại cánh rừng này, tình cờ bắt gặp một con thú hoang còn ít nguy hiểm hơn là chạm trán với một người lạ. Được dẫn đường bởi một nhà địa chất học có tên Galina Pismenskaya, cả đội đã lựa chọn một ngày đẹp trời để bắt đầu hành trình khám phá của mình.

Biến cố lớn của cuộc đời

Tới vị trí được xác định, các nhà khoa học bắt đầu bắt gặp những dấu hiệu của sự sống. Đó là một con đường lởm chởm đá, những chiếc cọc được cắm sẵn, một khúc gỗ mới được đốn nằm vắt ngang suối và cuối cùng là một ngôi nhà chứa đầy khoai tây khô đã được gọt vỏ sẵn. Chúng được đựng trong những chiếc bồ thô sơ làm từ vỏ cây bạch dương. Sau đó, họ đã tìm thấy một túp lều nằm bên cạnh dòng suối. Thời gian và gió mưa đã phủ kín rêu cùng lá cây rừng trên mái của túp lều.

Lúc đó, không ai dám tin rằng lại có thể có người sống trong túp lều cũ nát và tồi tàn đến thế. Tuy nhiên, khi cánh cửa thấp lè tè được họ mở ra, họ thấy một ông già ngồi bên trong. Ông đi chân đất, khoác trên mình chiếc áo vá chằng chịt làm từ thứ vải mà người ta chỉ dùng để may bao tải, còn tóc và râu thì rối bù. Thấy có người lạ, ông già dần lộ rõ sự hoảng hốt trên gương mặt.

Để trấn an ông, Galina Pismenskaya lên tiếng: "Chào ông, chúng tôi tới thăm ông". Ông già không đáp lời ngay. Một lúc sau, ông mới run rẩy, ngập ngừng nói: "Vâng, dù sao cũng đã tới đây rồi, mọi người hãy vào trong này"...

Sự yên ắng đến kì lạ trong túp lều ẩm thấp, bẩn thỉu và lộn xộn dần bị phá vỡ bởi những tiếng nức nở than vãn. Chỉ khi này, các nhà khoa học mới nhận ra sự tồn tại của hai người phụ nữ khác. Một trong số đó đang bị kích động trước sự xuất hiện của những vị khách không mời.

Trước sự hoảng loạn của những người này, nhóm nghiên cứu đã tạm rút khỏi túp lều. Khoảng nửa giờ sau, cánh cửa lều cọt kẹt mở ra, ông già và hai cô con gái (dù không còn hoảng hốt như khi nãy, song vẫn giữ nét sợ sệt trên gương mặt) xuất hiện và rón rén bước đến bên các nhà khoa học. Họ từ chối nhận trà, bánh mì, mứt từ những vị khách với lí do "không được (ai đó) cho phép".

Khi được hỏi: "Ông đã bao giờ ăn bánh mì chưa?", ông già thều thào trả lời: "Tôi đã từng ăn rồi, cách đây từ rất lâu. Nhưng chúng (ông chỉ vào hai cô con gái của mình) thì chưa từng thấy nó".

Qua lời kể của mình, ông già cho biết tên là Karp Lykov, một tín đồ của "Cựu giáo" (Old Believers) - một giáo phái ở Liên Xô cũ. Tôn giáo này dần bị đàn áp kể từ những ngày vua Peter Đại đế lên nắm quyền. Sau đó, khi người Bolshevik vô thần lên nắm quyền, dưới sức ép của những cuộc đàn áp tôn giáo, cộng đồng Old Believers ít ỏi còn lại phải chạy trốn tới vùng đất Sibieria để tiếp tục xây dựng cuộc sống cho riêng mình.

Trong một cuộc thanh trừng người Old Believers vào những năm 30 của thế kỉ XX, một đội tuần tra đã bắn chết anh trai của Lykov ngay trước mắt ông. Để sinh tồn, ông cùng với vợ mình là Akulina, cậu con trai 9 tuổi Savin và cô bé 2 tuổi tên Natalia đã chạy trốn tới cánh rừng Taiga này. Nhờ lá cây, khoai tây tự trồng cùng bất cứ con thú hoang săn được nào, gia đình đã có thể dần thích nghi và tồn tại giữa nơi hoang dã. 

Giữa thiên nhiên, hai đứa trẻ kế tiếp lần lượt ra đời - Dmitry được sinh ra vào năm 1940, 3 năm sau là Agafia. Gần 40 năm, hai đứa trẻ chẳng hề được gặp gỡ ai khác ngoài những thành viên trong gia đình. Tất cả những hiểu biết của chúng về thế giới bên ngoài đều được bố mẹ tường thuật lại.

Lạ & Cười - Sống 40 năm trong rừng hoang nhờ 1 hạt lúa mạch (Hình 2).

Túp lều rách nát của gia đình Lykovs.

Sinh và t

Tồn tại trong rừng Taiga không hề đơn giản. Cả gia đình phải dùng vỏ cây bạch dương làm giày đi. Quần áo rách nát được vá chằng chịt về sau được thay thế bằng vải gai dầu - vốn được trồng từ số hạt giống mà họ mang theo trước lúc ra đi. Khi đồ kim loại - như ấm nước và nồi nấu ăn bị lửa và thời tiết phá hủy dần, việc nấu nướng dường như ngày càng khó khăn hơn. Gia đình Lykov phải dựa nhiều hơn vào nguồn sản vật đến từ cánh rừng này; nhiều lần quá đói mà không có thức ăn, họ đã phải gặm giày da và lá cây để cầm hơi qua ngày.

Vào năm 1961, đến tháng 6 tuyết vẫn rơi. Băng giá đã giết chết mọi loại cây trồng trong khu vườn của họ, đồng nghĩa với việc cái đói lại đến với nhà Lykov. Người mẹ cao cả Akulina vì để dành số vỏ cây ít ỏi cho các con đã qua đời. Những thành viên còn lại được cứu sống bởi một điều thần kì: Một hạt lúa mạch đen duy nhất nảy mầm từ đám đậu. Phát hiện ra, nhà Lykov đã dựng hàng rào xung quanh, sốt sắng thay phiên nhau bảo vệ hạt mạch. Công sức của họ cuối cùng cũng được đền đáp thỏa đáng.

Những đứa trẻ nhà Lykov cũng biết về một thế giới nằm bên ngoài cánh rừng Taiga này. Song đối với chúng, đây là những khái niệm hết sức trừu tượng. Thậm chí, cả gia đình còn không hề hay biết tới Thế chiến thứ 2 (1939-1945). Ông Lykov không hề  tin rằng con người đã có thể đặt chân lên mặt trăng, nhưng lại đặc biệt hứng thú khi nghe các chuyên gia kể về "vệ tinh".

 Cái kết thê thảm

Dẫu vậy, kết cục của câu chuyện kì lạ này không hề đẹp như cổ tích. Trở về thế giới bên ngoài cùng đoàn nghiên cứu chẳng bao lâu, ba trong số bốn đứa con của nhà Lykov lần lượt qua đời vào mùa thu năm 1981. Natalia và Savin qua đời vì chứng suy thận - hậu quả của những năm dài thiếu dinh dưỡng trầm trọng trước đó. Dmitry mất vì bệnh viêm phổi lây nhiễm từ những người bạn mới gặp mặt. Còn người cha khốn khổ Karp Lykov qua đời trong giấc ngủ của mình vào ngày 16/2/1988. Với sự giúp đỡ của các nhà địa chất học, cô con gái Agafia đã an táng ông trên sườn núi năm xưa rồi lại trở về sống tại túp lều của gia đình giữa cánh rừng. Cô từ chối mọi lời nài nỉ về sống tại ngôi làng nằm sát bên cánh rừng Taiga của những người thân thích sống sót sau cuộc đàn áp tôn giáo năm nào. Tới giờ, một phần tư thế kỉ đã trôi qua, "đứa con của rừng Taiga" dù đã ngoài 70 tuổi rồi nhưng vẫn ngày ngày sống trong cô độc…

Quang Khải - Phạm Hạnh

Đau đầu tìm lời giải về những cơn mưa kỳ lạ

Thứ 2, 25/03/2013 | 19:07
Những trận mưa mang theo nhiều vật thể kỳ lạ không ngừng xảy ra trên khắp thế giới. Phổ biến nhất là mưa động hay máu, thịt, vật dụng...

Bí ẩn tuyệt tự 3 đời vua nhà Thanh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Tuy là một vương triều ngoại tộc vào thống trị Trung Nguyên, nhưng nhà Thanh cũng vẫn tuân theo tư tưởng truyền thống: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Trong ba điều bất hiếu, không có người nối dõi là lớn nhất). Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là cả 3 đời hoàng đế cuối cùng trong lịch sử nhà Thanh cũng như trong lịch sử Trung Hoa, không ai có lấy được một mụn con.