Giá gas đua nhau

Giá gas đua nhau "nhảy múa"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Chỉ trong 5 tháng đầu năm, thị trường gas bán lẻ trong nước đã 7 lần tăng giá với mức tăng tổng cộng gần 20% so với mức giá cuối năm 2010.

Trước mối lo ngại của người tiêu dùng về hiện trạng giá gas tăng "phi mã" trên thị trường và không có dấu hiệu ngừng lại, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Thắng - Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam để làm rõ hơn về vấn đề này.

Xin ông cho biết, nguyên nhân nào dẫn tới giá gas tăng liên tục thời gian vừa qua?

Hiện giá gas ở Việt Nam phụ thuộc vào giá gas thế giới, mặc dù thị trường Việt Nam sản xuất được 40%, còn 60% nhập khẩu từ nước ngoài. Giá gas trong nước chỉ tăng khi thị trường gas thế giới tăng.

Để quản lý giá mặt hàng này, Hiệp hội thực hiện theo Nghị định 107 của Chính phủ. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp (DN) kinh doanh đầu mối đủ điều kiện phải niêm yết giá bán tới người tiêu dùng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá của mình. Hiệp hội chỉ xem xét trường hợp nào bán dưới giá vốn hoặc bán giá quá cao gây bất ổn đến thị trường, thì Hiệp hội sẽ mời cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp và yêu cầu DN giải trình.

Theo Nghị định 107, tất cả DN đầu mối có trách nhiệm niêm yết giá gas tới người tiêu dùng, nếu đại lý, cửa hàng nào bán vượt quá giá đó, thì phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý Nhà nước. Vì giá gas hàng tháng các DN phải báo cáo với Sở công thương các tỉnh. Từ đó làm cơ sở để Hiệp hội điều chỉnh giá bán.

Vì sao giá gas giữa các hãng vẫn có chênh lệch?

Cũng theo ông Thắng, một số công ty gas lớn trong hiệp hội đã cam kết từ nay đến hết tháng 5 không tăng giá bán lẻ bởi chưa có yếu tố nào khiến giá phải tăng. Đồng thời hiệp hội cũng yêu cầu các công ty thành viên tăng cường biện pháp kiểm tra việc bán đúng giá công bố ở các đại lý. ông Thắng cũng cho rằng việc một số đơn vị tăng giá trong thời gian qua "ở mức nhỏ nên hiệp hội chỉ nhắc nhở".

Trong khi đó, giá gas hợp đồng trên thị trường thế giới tiếp tục có khuynh hướng giảm sâu, hiện đã giảm khoảng 85 USD/tấn.

Giá gas trên thị trường hiện chênh lệch từ 1- 4.000 đồng/ bình là chuyện bình thường. Mỗi hãng có chính sách kinh doanh, dịch vụ, chất lượng khác nhau và chưa đến mức phải can thiệp. Theo luật, nếu giá bán gas lẻ giữa các hãng chênh lệch đến 30% thì cơ quan chức năng can thiệp. Hiệp hội không can thiệp giá bán của hội viên. Tuy nhiên, nếu cần thiết, hiệp hội sẽ có ý kiến với những hội viên có giá bán không hợp lý.

Sắp tới, Hiệp hội sẽ yêu cầu các hội viên tiết giảm chi phí, cũng như giảm bớt khâu trung gian để có giá tốt hơn cho người tiêu dùng. Nên để người dân tự phân biệt và chọn lựa nhà cung cấp gas cho mình theo sự điều tiết của thị trường.

Hướng bình ổn giá bán và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng của mặt hàng thiết yếu này như thế nào? Thưa ông?

Chúng tôi sẽ cố gắng không để thị trường thiếu hàng. Hiệp hội yêu cầu Hội viên của mình liên kết với nhau, hợp nhau lại nhập lô hàng lớn để khi nào trên thị trường trong nước có trục trặc như nhà máy ngừng 1 - 2 tháng bảo dưỡng, sẽ đảm bảo không bị thiếu hàng. Sắp tới Hiệp hội có nguồn lớn để dự trữ trên thị trường. Còn giá theo Nghị định 107, nên để thị trường điều tiết.

Trong thời gian tới, dự kiến giá gas trên thị trường sẽ tăng hay giảm?

Theo quy luật cung - cầu của thị trường vào thời điểm mùa hè tháng 5- 6, nhu cầu gas thường giảm dẫn tới giá bán giảm theo. Còn vào những tháng mùa đông, nhu cầu sử dụng gas tăng cao sẽ dẫn tới giá tăng.

Giá gas trong nước thời gian vừa qua đua nhau "nhảy múa" là do sóng thần Nhật Bản, bất ổn chính trị ở Trung Đông, đã đẩy giá dầu mỏ lên cao, dẫn tới giá gas tăng cao. Tháng 5 - 6 năm nay, giá gas liên tục tăng cao không phải do thị trường Việt Nam tự ý tăng giá bán mà do ảnh hưởng của thị trường toàn cầu. Tháng 6 - 7 tới, nếu không có gì biến động thì giá gas trong nước sẽ dần đi vào ổn định hơn. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá gas tăng, người tiêu dùng nên tiết kiệm việc sử dụng gas tối đa.

Xin cảm ơn ông!

Đức Chương