Giá hàng hóa dịp tết có thể tăng nhẹ

Giá hàng hóa dịp tết có thể tăng nhẹ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nhâm Thìn nhưng các siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang "gồng mình" bước vào giai đoạn chạy nước rút chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết.

Theo thông tin từ các cửa hàng, siêu thị, các mặt hàng Tết năm nay giá trị hàng bán ra sẽ tăng trưởng từ 30-40% so với năm ngoái, mặt bằng giá chung dự báo tăng từ 10-15%.

Thực phẩm thịt vẫn giữ thế độc tôn

Trao đổi với Nguoiduatin.vn, ông Nguyễn Thái Dũng, phó TGĐ Big C Thăng Long cho biết: "Để phục vụ nhu cầu tặng quà trong dịp Tết, Big C tiếp tục triển khai giỏ quà với khung giá rộng từ 54.900 đến 2 triệu đồng/giỏ. Riêng dòng giỏ quà bình dân gồm 3 loại 54.900 đồng/giỏ; 79.900 đồng/giỏ và 99.000 đồng/giỏ, giúp cho đối tượng có thu nhập thấp như công nhân các khu công nghiệp, người dân ở vùng ngoại ô cũng có thể mua được sản phẩm này với chất lượng được đảm bảo. Đối tượng này có thể tiếp cận việc mua hàng tại Big C thông qua phương tiện xe bus miễn phí, hoặc đặt hàng qua điện thoại. Big C sẽ giao hàng miễn phí với mỗi hóa đơn từ 500.000 đồng trong phạm vi bán kính 15km".

Xã hội - Giá hàng hóa dịp tết có thể tăng nhẹ
Ảnh minh họa.

Cũng theo ông Dũng, riêng với mặt hàng tươi sống như rau, củ quả, thịt gia súc, gia cầm ngoài việc cam kết số lượng với nhà cung cấp, siêu thị cũng đẩy mạnh việc tìm nguồn hàng để đảm bảo đủ cung cấp cho nhu cầu mua sắm của người dân. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống như thịt gà, thịt lợn, thịt bò nội Big C cũng đưa ra các sản phẩm mới để phong phú sự lựa chọn cho khách hàng như bò Úc nhập nguyên con lần đầu tiên có ở Việt Nam; thịt đà điểu tươi...

Bà Vũ Thị Hậu, phó giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cũng cho biết: "Siêu thị đã lên kế hoạch và xác nhận với nhà cung cấp về lượng hàng cho dịp Tết năm nay. Đặt hàng từ sớm sẽ giúp các nhà cung cấp chủ động được lượng hàng cung cấp, đồng thời đảm bảo giá cả không tăng đột biến".

Bà Hậu cũng cho biết, thông thường mỗi dịp Tết siêu thị này sẽ nhập lượng hàng hóa tăng cao hơn so với năm trước là 30%. Năm nay, tùy theo từng mặt hàng nhập tăng giảm khác nhau nhưng nhìn chung mức tăng so với năm ngoái cũng khoảng 30%.

Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, hiện các siêu thị đã ký kết hợp đồng mua hàng với các công ty. Những mặt hàng khô như: Thịt cá hộp, lạp xưởng, mỳ tôm, bánh kẹo... đã chuẩn bị tập kết về kho được khoảng 15%.

Còn những hàng tươi sống như thịt lợn, thủy hải sản... thì còn gửi lại, đến trước Tết từ 10 ngày đến 1 tháng sẽ nhập về siêu thị. Hiện nay, dịch bệnh đã giảm, tuy nhiên cũng không thể chủ quan vì dịch cúm gà cúm vịt và lợn tai xanh... vẫn đang "rập rình" do đó các siêu thị cần chuẩn bị phương án ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra.

Giá hàng Tết sẽ tăng 10 - 15%?

Theo nhận định của các đơn vị kinh doanh, do nguyên liệu đầu vào tăng nên hầu hết các mặt hàng dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng giá bán. Theo khảo sát của PV báo Nguoiduatin.vn, tại các chợ, siêu thị trên địa bàn Hà Nội như chợ Phùng Khoang, Trung Kính... mặc dù đã ở mặt bằng giá cao nhưng hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết vẫn rục rịch tăng giá.

Hiện, giá thịt lợn nạc vai tại các chợ dao động từ 105 - 110 nghìn đồng /kg, thịt ba chỉ 95 - 100 nghìn đồng/kg, thịt thăn 120.000 - 125.000 đồng/kg. Giá thịt lợn mặc dù giảm so với thời điểm trước nhưng không đáng kể. Giá cá đồng tăng "khủng" nhất tới 60% còn giá thịt gà công nghiệp cũng tăng không kém ở 40%.

Xã hội - Giá hàng hóa dịp tết có thể tăng nhẹ (Hình 2).
Ảnh minh họa

Trong guồng tăng giá ào ào, giá rau, củ các loại cũng tăng chóng mặt, trong đó giá các loại rau thơm tăng mạnh nhất, tới hơn 2 lần, giá cà chua tăng 60% lên 17 nghìn đồng/kg, giá rau muống 5 - 8 nghìn đồng/mớ. Giá rau cải và các loại củ trong khi đó tăng ít hơn, chỉ 1 - 2 nghìn đồng/kg.

Một tiểu thương tại chợ Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá thực phẩm nhập vào cũng tăng, chúng tôi không tăng giá thì chỉ có nước lỗ vốn. Chị này nhận định, thực phẩm vẫn sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới và sẽ tăng mạnh nhất vào thời điểm cận Tết. Do giá quá cao nên nhiều người dân đã đắn đo hơn trong mua sắm, lượng mua hàng ngày cũng giảm hơn.

Nhận định về giá cả hàng hóa Tết Nguyên đán năm nay, giám đốc BQL Siêu thị Intimex, bà Đinh Thị Nga cho biết, kế hoạch nhập hàng Tết đã được siêu thị thương thảo với các nhà cung cấp. Tuy nhiên, Intimex chưa thực hiện hàng dự trữ vì thời gian đến Tết còn gần 3 tháng nữa. Thông thường, siêu thị chỉ tập kết về kho trước khoảng 1 tháng.

Theo kế hoạch, trung tuần tháng 12 tới, Intimex bắt đầu nhập hàng về kho để cung cấp cho dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch. Còn lịch tập kết hàng cho Tết Âm lịch sẽ vào đầu tháng 1/2012. Giám đốc BQL siêu thị Intimex cũng dự báo, Tết năm nay, giá trị hàng bán ra sẽ tăng trưởng từ 30 - 40% so với năm ngoái, mặt bằng giá chung sẽ tăng khoảng 10 - 15%.

Bà Vũ Thị Hậu, phó giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cũng cho rằng, giá cả trong dịp Tết sẽ tăng nhẹ, đặc biệt nhóm mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, rượu sẽ tăng cao hơn so với các mặt hàng khác. Những mặt hàng tươi sống cũng đã được siêu thị đặt hàng với các nhà cung cấp.

Nếu năm nay không có thiên tai, dịch bệnh thì mặt hàng thịt, cá, rau xanh sẽ vẫn bình ổn. Hiện nay giá các loại thịt như thịt lợn, thịt gà đang giảm so với thời điểm cao nhất khoảng 20 - 25%. Nếu không có dịch bệnh thì vào dịp Tết nguồn hàng tươi sẽ dồi dào, giá cả sẽ ổn định, thậm chí giảm nhẹ.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, năm nay rất nhiều mặt hàng phải ký kết hợp đồng với giá tương đối cao, tăng so với năm ngoái tới 40%. Ví dụ, năm ngoái là 35 nghìn đồng/kg lợn hơi thì năm nay dù có xuống cũng vẫn là 48 nghìn đồng/kg. "Theo nhận định của tôi, năm nay nhân dân vẫn phải đón một cái Tết khó khăn với mức giá cao", ông Phú nói.

Ông Vũ Vinh Phú cũng đưa ra 4 dự đoán cho thị trường hàng Tết năm nay. Thứ nhất, giá cả các mặt hàng sẽ cao hơn nhiều năm ngoái, trung bình khoảng 18%. Thứ hai, đời sống của người dân vẫn rất khó khăn, nhất là đời sống của công nhân, nông dân. Thứ ba, hàng lậu, hàng giả đặc biệt là hàng may mặc và pháo đang tìm cách tuồn vào thị trường gây khó khăn cho hàng nội địa. Thứ 4, hệ thống phân phối của chúng ta vẫn tiếp tục khó khăn. Vai trò phân phối của các Tổng công ty Nhà nước vẫn chỉ chiếm 5 - 7% doanh số, trong khi đó của siêu thị chiếm 18%. Vì thế, thị trường hàng rong và thị trường bán lẻ vẫn chiếm vị trí độc tôn (gần 80%).

Xã hội - Giá hàng hóa dịp tết có thể tăng nhẹ (Hình 3).

Giá hàng hóa bị đẩy cao vì nhiều tầng nấc trung gian

Theo ông Vũ Vinh Phú (ảnh) hệ thống phân phối qua nhiều tầng, nấc sẽ dẫn đến việc giá bị đẩy lên. Một số mặt hàng quan trọng như đường, dầu ăn vẫn bị thao túng. Tháng 4 vừa rồi thừa nửa triệu cân đường. Giá mà nhà máy bán ra có 16 nghìn nhưng ở trong siêu thị vẫn phải bán tới 25 nghìn/1kg đường. Sở dĩ có hiện tượng này vì nhà máy không bán thẳng cho siêu thị mà bán cho các đầu nậu. Dầu ăn cũng vậy. Các đầu nậu thâu tóm thị trường, gom hàng lại để lúc nào được giá mới bán ra để kiếm lời. Hiện nay khâu bán buôn vẫn đang bị buông lỏng, những siêu thị như Hapro và Intimex phải qua mấy khâu mới có dầu ăn. Mỗi khâu lại đẩy giá lên 15% thì khi đến tay người dân giá sẽ đẩy lên rất cao.

Anh Đức - Thành Huế


Tag: Big c Hapro