Giá máu được bù lỗ 50%

Giá máu được bù lỗ 50%

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Hiện nay bệnh nhân vào viện phải thanh toán là 400.000 đồng/đơn vị máu. Vậy tại sao giá lại cao như thế, có phải là do khan hiếm máu hay không?

Qua tìm hiểu tại Viện Huyết học và Truyền máu TW thì số lượng máu thu được từ các nguồn, nhất là hiến máu tình nguyện, nhân đạo trong năm chỉ đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu cần máu của các bệnh viện.

Song không phải vì thế mà giá máu/đơn vị tăng lên. Thực tế, bệnh nhân phải trả 400.000 đồng/đơn vị máu rồi mà Nhà nước vẫn phải bù lỗ vào đó bằng số tiền như bệnh nhân trả.

Tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Dân trí

Trong quá trình trao đổi, đại diện của Viện Huyết học và Truyền máu T.W cho biết: Máu được sử dụng như là đường và máu được lấy từ những người hiến máu tình nguyện là mía. Là nguyên liệu đầu vào, máu phải qua rất nhiều công đoạn xử lý tốn kém mới có thể sử dụng cho bệnh nhân cần máu được.

Theo tính toán của các chuyên gia về bảo quản chế phẩm máu, giá thành cho một đơn vị máu toàn phần (bao gồm huyết tương, bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu) khoảng 800.000 đồng. Vì được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí cho chi phí chiết tách, bảo quản, thiết bị chuyên dụng nên mới có giá là 400.000 đồng /đơn vị máu cho người bệnh.

Thạc sỹ Phạm Tuấn Dương - Phó viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TW cho biết: Để có thể chiết tách và bảo quản các thành phần máu như huyết tương, bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu đòi hỏi trải qua nhiều công đoạn. Trong đó công đoạn bảo quản các chế phẩm máu sau khi đã tách chiếm chi phí rất lớn. Vì các trang thiết bị bảo quản máu đều được nhập từ nước ngoài. Máu sau khi được lấy ra khỏi cơ thể người hiến sẽ được vận chuyển trong thùng lạnh về Trung tâm truyền máu của Viện.

Một túi máu (tức một đơn vị máu) thường có kèm theo hai ống máu để làm xét nghiệm sàng lọc bệnh tật. Hai ống máu này được chuyển vào phòng xét nghiệm để xác định xem có nhiễm các loại virus gây bệnh truyền nhiễm như viêm gian B, viêm gan C, HIV, giang mai, sốt rét không. Nhân viên kỹ thuật cũng đồng thời định nhóm máu cho các đơn vị máu thu được. Trong khi đó túi máu được chuyển đến phòng điều chế để thực hiện các kỹ thuật như ly tâm tách các thành phần của máu như huyết tương, hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu ra độc lập với nhau.

Huyết tương có thời gian bảo quản lâu nhất, lên tới một năm ở nhiệt độ âm 25 độ C, được điều chế thành tủa lạnh điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh máu không đông. Tiểu cầu với thời gian bảo quản 3-5 ngày ở nhiệt độ 20-24 độ dùng để truyền cho bệnh nhân sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu. Hồng cầu có thời hạn sử dụng 42 ngày ở nhiệt độ 2-4 độ C dùng truyền cho bệnh nhân thiếu máu.

Theo PGS.Tiến sỹ - Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TW thì trên toàn thế giới, mỗi năm thu được 80 triệu đơn vị máu từ hiến máu nhân đạo, trong đó có 35% ở các nước đang phát triển. Số lượng người hiến máu tình nguyện ở Việt Nam ngày càng tăng, 70% số người hiến máu ở độ tuổi 30-45. Trung bình một ngày, các bệnh viện cần 1.500 đơn vị máu.

Nguyễn Thùy Dương