Giá xăng đang được sử dụng nhiều chiêu trò để

Giá xăng đang được sử dụng nhiều chiêu trò để "làm xiếc"?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Người tiêu dùng trong nước chấp nhận giá xăng tăng giảm theo giá thế giới nhưng yêu cầu các đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có cách tính minh bạch, thuyết phục.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, dư luận vẫn nói nhiều về cách tính giá "tùy biến" của các doanh nghiệp đầu mối và tiêu chí minh bạch vẫn là điều đáng bàn. Nhiều chuyên gia đã đưa ra những phân tích để minh chứng cho nghi vấn... giá xăng đang được sử dụng nhiều chiêu trò để "làm xiếc"?

Xã hội - Giá xăng đang được sử dụng nhiều chiêu trò để 'làm xiếc'?Kinh doanh xăng dầu vẫn là lĩnh vực cần đòi hỏi tính minh bạch cao. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp "tùy biến"... quá giỏi!?

Theo một chuyên gia, trong cơ cấu giá, phần phí, bảo hiểm, trích bình ổn giá đã được tính theo công thức, thuế suất. Phần biến động mà doanh nghiệp có thể linh động là giá nhập khẩu và chi phí kinh doanh, lợi nhuận, thù lao đại lý.

Sự mù mờ và thị trường cạnh tranh mơ ước vẫn luôn là... ẩn số?!

Xã hội - Giá xăng đang được sử dụng nhiều chiêu trò để 'làm xiếc'? (Hình 2).

Nhiều chuyên gia cho rằng, cách tính giá xăng hiện tại vẫn thiếu minh bạch, chính điều này làm cho người dân thấy không hài lòng mỗi lần tăng giá. TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng: "Cần phải phân tích cụ thể cơ cấu giá xăng, cái gì là phí tính thường xuyên được cho là hợp lý, cái nào cần kiến nghị giảm hoặc bỏ. Và khi biến động giá xăng, người dân chỉ cần nhìn vào giá nhập khẩu cộng thêm những khoản phí cố định là biết mình phải mua xăng giá bao nhiêu là hợp lý. Tuy nhiên, điều này không được thực hiện và giá xăng vẫn là... ẩn số".

Ông Bùi Ngọc Sơn, trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế Quốc tế (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới) cho rằng, muốn giải quyết dứt điểm câu chuyện về giá xăng dầu thì phải có lộ trình cải cách giá (đưa giá này về sát thị trường). Muốn như thế, Nhà nước phải tạo ra được thị trường cạnh tranh. Hiện nay, có vài "ông" thâu tóm thị trường, bắt tay nhau "làm giá" thì chuyện giá cả vẫn mãi mãi chỉ là chuyện tranh cãi, người kêu lỗ, người bảo lãi… Ví dụ có 3 "ông lớn" đang kiểm soát thị trường thì tách thành 6 "ông" và tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cho đến khi thấy không còn sự câu kết của các doanh nghiệp thì bỏ dần sự kiểm soát hành chính.

Chuyên gia này cho rằng, những tưởng rằng giá xăng trong nước biến động chủ yếu theo giá nhập khẩu nhưng không hẳn như thế. Trong bảng tính giá tháng 4 thì giá nhập khẩu là 18.234 đồng /lít, thuế nhập khẩu lúc này chỉ còn 0%, thù lao và vận chuyển cho đại lý giảm 100 đồng còn 400 đồng /lít nhưng doanh nghiệp vẫn tính lợi nhuận là 0 đồng.

Để hợp thức những con số ấy, doanh nghiệp đã đẩy chi phí kinh doanh, khấu hao và quản lý kho từ 100 đồng thành 250 đồng /lít, khai thêm khoản lãi suất ngân hàng 100 đồng /lít! Khi tiếp cận cách tính này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khôi hài: "Đúng là với cách tính này phải khen doanh nghiệp xăng dầu họ "tùy biến"... quá giỏi" (?!).

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, giá xăng dầu hiện do Nhà nước tính toán và định đoạt. Tuy nhiên, thực tế, những chi phí cấu thành giá xăng dầu cũng giống như một rừng cây, nếu không phải người trong cuộc thì khó mà nắm bắt được.

Do đó, khi giá xăng tăng, vẫn còn rất nhiều người băn khoăn về cách tính giá của các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Điều này chẳng có gì lạ bởi thực tế giá cơ sở vẫn chưa được công khai, minh bạch, có đơn vị nào công khai đâu mà dân biết.

"Tại sao chi phí này trước đây không có, nay lại bỗng dưng xuất hiện? Hay khoản nọ, khoản kia, trước một mức nay lại thay đổi thành mức khác? Họ có thể cân đối, "phù phép" các khoản chi phí nên rất khó có thể nhận ra và bắt bẻ", TS Hiền đặt câu hỏi.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, câu chuyện tăng giá xăng dầu lần này khiến rất nhiều người giật mình. Về mặt nguyên tắc, giá thế giới tăng, tất yếu giá trong nước sẽ phải tăng theo. Tuy nhiên, tăng lên bao nhiêu, lấy giá cơ sở thế nào là điều cần được giải thích rõ ràng hơn. Thực tế, giá cơ sở, giá sàn hiện rất là tù mù, bất hợp lý, thiếu thuyết phục.

Cần quy định trách nhiệm cụ thể với cơ quan thẩm định giá

Theo TS Nguyễn Minh Phong, khi các doanh nghiệp đầu mối có tờ trình tăng giá xăng dầu thì cơ quan thẩm định giá phải làm thẩm định kỹ lưỡng hơn.

Thực tế, những con số doanh nghiệp báo cáo ra chưa được kiểm toán thì nói thế nào cũng được. Doanh nghiệp đưa các loại chi phí vào tính giá thế nào chẳng được. Quan trọng, anh thẩm định giá thấy loại chi phí nào phù hợp, loại nào cần bỏ ra thì phải kiên quyết.

Hơn nữa, trong thẩm định giá xăng cũng cần quy định rõ trách nhiệm của người ký quyết định cho tăng giá, không thể chung chung, doanh nghiệp cứ trình lên rồi ký sau đó "đổ" tại tổ tư vấn là không ổn.

Ông Phong cũng cho rằng, trong tính giá xăng nên công khai với giá trần, nghĩa là cơ quan quản lý Nhà nước về giá, tính một cách chi ly những loại phí, công bố ra, sau đó căn cứ vào giá nhập khẩu để tính giá.

Lúc đó, giá xăng sẽ được bán với mức để doanh nghiệp xăng dầu không bị lỗ. Khi mà chúng ta tính toán minh bạch như vậy thì giá thế giới tăng, giá trong nước cũng sẽ tăng và giảm thì cùng giảm theo kiểu "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng". Như vậy, người dân không còn phải băn khoăn về chuyện tăng hay giảm của giá xăng.

Nói về cách tính bình quân giá xăng 30 ngày, ông Phong cho rằng đã lạc hậu. Tôi cũng nghi ngờ có sự mập mờ về giá vốn thực tế của doanh nghiệp. Vì vậy cần xây dựng lại cơ chế tính giá sàn xăng dầu. Thay vì xây dựng giá 30 ngày như hiện nay, Bộ Tài chính và cơ quan chức năng cần xây dựng giá sàn tối thiểu trong vòng một tuần hoặc 10 ngày.

“Bộ Tài chính có thể ấn định thời điểm giá tốt nhất để DN phải nhập chứ không nên chấp nhận mức giá trung bình”, ông Phong nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng: Thực tế, doanh nghiệp nào cũng có phòng kinh doanh, phân tích biến động giá cả của thị trường xăng dầu, nếu nói cứ "bắt nhầm" nhịp độ tăng -giảm mãi thì không thể chấp nhận. Bởi lẽ, kinh doanh phải nhạy bén cứ nhập xăng về lúc giá cao bỏ qua giai đoạn giá thấp cũng phải xem lại năng lực của cán bộ.

Cũng về chuyện chọn thời điểm nhập xăng dầu, đại diện một doanh nghiệp đầu mối viện ra lý do là không đủ kho bãi nên khi thấy giá xuống thấp cũng không thể nhập nhiều xăng dầu về.

Theo bà Hiền, thời gian tính giá cơ sở là 30 ngày hiện tương đối dài, các doanh nghiệp quân bình được sự tăng, giảm của giá thị trường thế giới nên không khớp với phản ánh của giá trong nước. Lúc giá thế giới tăng cao, đáng lý giá trong nước phải tăng nhưng chúng ta lại không tăng, đến khi giá giảm lại rục rịch tăng. Đó là sự bất hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn "bật mí": “Trong những cuộc nói chuyện ngoài lề, những "ông trùm" dầu mỏ thế giới có nói: "Rõ ràng tôi bán giá thấp hơn với giá mà các doanh nghiệp đang nhập khẩu, nhưng họ cũng không mua. Họ thích mua qua một công ty khác giá cao hơn để được "lại quả" (?). Tiền này lại đổ vào đầu người dân mà thôi.

Nếu không tạo được thị trường cạnh tranh thì câu chuyện nêu trên luôn xảy ra. Bối cảnh như thế, Bộ Tài chính cần giám sát giá xăng như thế nào để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân luôn là chuyện rất khó”.

Dư luận đặt ra chuyện doanh nghiệp kêu lỗ phải chăng vì chi hoa hồng cao một cách tù mù cho đại lý, ông Sơn cho rằng đây là lỗ hổng trong quản lý. “Thực tế, có 3-4 yếu tố cấu thành giá cơ sở, nếu chỉ để hổng một yếu tố thì việc kiểm soát giá sẽ trở lên vô nghĩa”, ông Sơn khẳng định.

Anh Đức - Vương Hà