Giá xăng dầu đã tận cùng phi lý?

Giá xăng dầu đã tận cùng phi lý?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Đầu tháng 4/2011, giá dầu thế giới đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2008 với 120USD/thùng và lúc này giá xăng trong nước đang là 21.300 đồng/lít. Nhưng đến ngày 10/8 giá dầu thế giới giảm mạnh xuống còn gần 82 USD/thùng, trong khi đó giá xăng dầu trong nước vẫn kiên trì bám trụ ở đỉnh cao gây bức xúc trong dư luận.

"Xăng, dầu chẳng bao giờ lỗ"

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: "Về nguyên tắc, giá dầu trong nước theo giá thị trường quốc tế. Khi giá thị trường quốc tế tăng thì giá trong nước phải tăng, giá thế giới giảm thì giá trong nước phải giảm ngay lập tức và không được trì hoãn. Vấn đề ở đây là giá xăng dầu do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính điều chỉnh nhưng vừa qua lại có chủ trương giao cho các doanh nghiệp tự chủ hơn trong điều chỉnh giá. Với chủ trương như vậy, nhiều doanh nghiệp chỉ có tăng giá lên chứ không giảm trong khi không có một chế tài nào để xử lý. Đây là điều rất nguy hiểm và gây thiệt thòi cho người dân".

Trong khi giá dầu thế giới giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước vẫn duy trì ở mức đỉnh cao

Trong cuộc giao ban đầu tháng 8 của Bộ Công Thương, bà Đàm Thu Huyền, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, giá xăng dầu đã có thể giảm từ tháng 6 nếu xét về lượng nhập tại thời kỳ đó. Nhưng thực tế giá xăng dầu không thể giảm được do lượng tồn kho của quý I lên đến 2.000 tỷ đồng. Ông Trần Viết Ngãi cho rằng: "Cách giải thích đó là không đúng và không thể nói như thế được. Doanh nghiệp xăng dầu nhập lúc nào người dân không cần biết. Việc mua dự trữ như thế nào là quyền cũng như chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Không thể bắt người dân chịu thiệt phải mua giá xăng dầu cao khi doanh nghiệp xăng dầu có chiến lược kinh doanh kém hiệu quả".

Giá xăng, dầu liên tục bị đẩy lên cao vì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn miệng than lỗ. Nhưng trước đây không lâu khi Petrolimex chuẩn bị cổ phần hóa, doanh nghiệp này đã công bố số lãi khủng từ 900 tỷ đến vài nghìn tỷ mỗi năm. Nhiều chuyên gia cho rằng kinh doanh xăng dầu luôn mang lại lợi nhuận lớn nhất.

Ông Ngãi cảnh báo: "Xăng dầu là một trong những hàng hóa tối quan trọng đối với đời sống nhân dân, khi các doanh nghiệp chỉ biết tăng mà không giảm thì điều này vô cùng nguy hiểm. Quản lý lĩnh vực xăng dầu không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và Nhà nước sẽ mất đi niềm tin của người dân".

Nhà nước đã có Quỹ bình ổn giá xăng dầu dùng để hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi giá thế giới tăng mạnh. Nhưng khi doanh nghiệp đã có lãi lớn thì số tiền đó bỏ vào đâu, dùng số tiền ấy như thế nào, chúng ta có kiểm soát được hay không là những câu hỏi được nhiều người đặt ra nhưng chưa có câu trả lời.

"Vô lý đến không thể chấp nhận được"

Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty Hoàng Hà bức xúc: “Đó là sự vô lý đến không thể chấp nhận được. Chúng ta vẫn nói điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng thời gian qua có được gọi là thị trường không? Hay có ai đứng đằng sau bảo hộ cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu? Các doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ nhưng ai là người kiểm chứng? Nếu cứ tiếp tục tình trạng này không hiểu nền kinh tế của chúng ta sẽ ra sao?".

Người dân đổ xô đi mua xăng trước những lần có tin đồn tăng giá

Tỏ ra rất bức xúc về thực trạng giá xăng dầu hiện nay, ông Hà cho rằng: "Không thể chấp nhận được cách điều hành như vậy. Hết quỹ nọ đến quỹ kia được nghĩ ra để bảo hộ cho ngành xăng dầu. Trong khi rất nhiều những doanh nghiệp có năng lực, có đủ điều kiện để nhập khẩu thì lại bị cản trở bởi rất nhiều điều kiện và để cho một vài doanh nghiệp độc quyền thị trường xăng dầu. Từ chuyện độc quyền mới dẫn đến những câu chuyện bức xúc này. Nếu thị trường không méo mó, hoạt động theo đúng hình thức xã hội hóa là ai có điều kiện đứng ra kinh doanh thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều".

"Ngay cả đứa trẻ con cũng có thể thắc mắc, không hiểu sao khi giá nhiên liệu thế giới 150USD/thùng giá xăng trong nước cao nhất có 19.000 đồng/lít, nhưng nay giá nhiên liệu thế giới chỉ còn 86USD/thùng nhưng giá xăng trong nước vẫn chót vót 21.300 đồng/lít. Người dân và doanh nghiệp chịu làm sao được. Cứ nói ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát nhưng tôi chẳng hiểu ổn định cái gì khi vẫn để giá xăng cao ngất ngưởng một cách bất hợp lý như hiện nay?", ông Hà nói.

Petrolimex luôn miệng kêu lỗ nhưng trước khi cổ phần hóa lại đưa ra những con số thống kê lợi nhuận mỗi năm vài nghìn tỷ đồng. Ông Hà bình luận rằng: "Có phải các doanh nghiệp đang đánh lừa nhau hay quản lý Nhà nước không biết gì và để cho doanh nghiệp đánh lừa?".

Ông Hà cho biết, trước đây trong kinh doanh vận tải, chi phí nhiên liệu chỉ chiếm 30-35%, nhưng hiện nay chi phí này chiếm tới 65%. Cộng thêm các chi phí khác nữa, thử hỏi doanh nghiệp có còn lãi không?

Lại Quỳnh