'Giải khát' pháp lý với… 'Cà phê pháp luật'

'Giải khát' pháp lý với… 'Cà phê pháp luật'

Thứ 5, 02/05/2013 | 15:57
0
Sở Tư pháp TP Cần Thơ vừa phối hợp Phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ tổ chức khai trương hoạt động quán “Cà phê pháp luật Anh Thơ” tọa lạc tại khu dân cư vượt lũ Thới Đông (xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).

Đây cũng là mô hình điểm quán cà phê pháp luật tại Cần Thơ được đông đảo người dân vùng sâu, vùng xa của TP hoan nghênh.

Quán được trang bị 1 tủ sách pháp luật với hàng chục đầu sách pháp luật, đa dạng các loại tạp chí, tờ bướm… tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức liên quan đến pháp luật phục vụ đông đảo người dân ở địa bàn đông dân cư.

Luật sư - 'Giải khát' pháp lý với… 'Cà phê pháp luật'
Đông đảo người dân đến uống cà phê và tham khảo sách báo liên quan đến pháp luật tại quán cà phê pháp luật Anh Thơ tại xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ

Theo ông Trần Tấn Lợi - Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ - mô hình quán cà phê pháp luật ra đời nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật và thực hiện “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” của người dân; phát hiện, ngăn chặn và góp phần làm giảm dần các hành vi vi phạm pháp luật trong nhân dân…

“Đây cũng là quán cà phê pháp luật thứ ba trên địa bàn xã Thới Đông và là quán thứ 33 của huyện Cờ Đỏ. Tới đây huyện sẽ phát triển thêm 7-10 quán cà phê pháp luật như thế phục vụ đắc lực nhu cầu của bà con nông dân”, ông Lợi phấn khởi cho biết thêm.

Góp phần giải cơn “khát” pháp luật

Ông Trần Hoàng Giang, chủ quán cà phê pháp luật Anh Thơ, vui vẻ cho biết từ khi quán được trang bị tủ sách pháp luật lượng khách đến quán ngày một đông hơn. “Người dân đến đây không chỉ thưởng thức cà phê, mà còn có nơi đọc sách báo miễn phí; tự tìm hiểu và cùng nhau trao đổi các kiến thức pháp luật phổ biến liên quan đến hộ khẩu, hộ tịch, thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn… Nhờ vậy mà kiến thức pháp luật của người dân ngày một nâng lên”, ông Giang nói.

Ông Đào Vũ Nghi, một người dân xã Thới Đông, cho biết các quán cà phê pháp luật ra đời trên địa bàn xã thời gian gần đây đã đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân, đặc biệt đã góp phần giải được cơn “khát” về kiến thức pháp luật của người dân vùng sâu vùng xa. Ông cũng hy vọng trong thời gian tới quán cà phê pháp luật sẽ “phủ sóng” xuống tận các ấp trong xã để phục vụ bà con nông thôn.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Sung, nông dân xã Thạnh Phước (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), thì cho biết: “Từ khi hay tin ở xã Thới Đông có mô hình quán “cà phê pháp luật” tôi và một số người dân Thạnh Phước thường tranh thủ sau giờ đồng án mệt nhọc chạy sang quán cà phê pháp luật Anh Thơ để nhâm nhi cà phê và tìm hiểu kiến thức pháp luật. Trên cơ sở những kiến thức pháp luật hiểu biết được chúng tôi về phổ biến lại cho người thân và bà con xóm giềng”.

Cũng theo anh Sung, ở những nơi đông dân cư như thế này mà được ngành tư pháp quan tâm đầu tư tủ sách pháp luật thì người dân, đặc biệt là các tâng lớp thanh niên, ngoài việc mở mang thêm kiến thức còn có nơi vui chơi giải trí lành mạnh, lánh xa các tệ nạn xã hội; góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư.

Ông Trần Tấn Lợi cũng cho biết, từ khi đưa vào hoạt động quán cà phê pháp luật người dân hiểu biết kiến thức pháp luật ngày một tốt hơn so với trước đây. Đây là mô hình mới nên lãnh đạo sở rất quan tâm đầu tư kinh phí cũng như in ấn tài liệu, cấp phát kịp thời cho các quán cà phê, đồng thời chỉ đạo cán bộ phòng cũng như cán bộ tư pháp hộ tịch ở địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, bổ sung kịp thời những đầu sách cho quán. Nhờ vậy mà mỗi một ngày các đầu sách được tăng lên. Phía chủ quán cũng nhiệt tình hướng dẫn người dân tham khảo sách báo tại chỗ hoặc mượn sách về nhà tham khảo.

Người dân đồng thuận cao

Bà Phan Quỳnh Dao  - Trưởng Phòng Phổ biến - giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp TP Cần Thơ) cho biết: “Theo quy định, ở mỗi UBND xã, phường, thị trấn đều có tủ sách pháp luật. Tuy nhiên do hầu hết các tủ sách đều đặt tại trụ sở UBND xã nên người dân rất ngại tìm đọc, chủ yếu phục vụ cho cán bộ công chức tại trụ sở cơ quan. Đó cũng là một khó khăn làm hạn chế hiệu quả việc khai thác tủ sách pháp luật. Chính vì thế một số địa phương có sáng kiến mở một số điểm quán cà phê pháp luật trên cơ sở được Sở Tư pháp hỗ trợ. Quá trình đúc kết thấy mô hình hay nên ngành tư pháp TP quyết tâm nhân rộng ra”.

Xét thấy huyện Cờ Đỏ là địa bàn nằm ở vùng sâu vùng xa của TP Cần Thơ so với các quận, huyện khác nên lãnh đạo Sở Tư pháp quyết định chọn Cờ Đỏ làm điểm thực hiện mô hình cà phê pháp luật nhằm tạo điều kiện cho người dân đến đây mượn sách đọc thuận lợi hơn khi đến trụ sở ủy ban; việc đi lại của người dân cũng đỡ vất vả hơn.

Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp TP sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về cơ sở vật chất, theo dõi chặt chẽ hoạt động để làm điểm cho những đơn vị đã thành lập quán cà phê pháp luật trước đó tiếp tục củng cố, đồng thời làm điểm cho những đơn vị chưa thành lập sẽ thành lập theo mô hình này.

Theo ông Nguyễn Thành Đông - Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ - hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới ngành tư pháp Cần Thơ xác định chức năng chính của ngành là tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền.

Riêng mô hình quán cà phê pháp luật là một sáng kiến mới, gần gũi với người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật. Đây cũng là điểm mà người dân có thể cùng nhau trao đổi, tự nâng cao về mặt kiến thức pháp luật. Từ đó tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ông Đông cũng cho hay bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả lớn, đó là được sự đồng thuận trong nhân dân, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đề ra trong việc xây dựng nông thôn mới mà chính ngành tư pháp phải hưởng ứng một cách thiết thực. “Tới đây định kỳ hàng quý chúng tôi sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm để nghiên cứu các hình thức cao hơn trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, có thể bằng hình thức sân khấu hóa hoặc nâng lên thành tủ sách pháp luật điện tử” - ông Đông nói.

Gần 100 quán cà phê pháp luật

Theo bà Phan Quỳnh Dao - Trưởng Phòng Phổ biến - giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp TP Cần Thơ), hiện nay ngoài các điểm cà phê pháp luật có trang bị tủ sách pháp luật Sở Tư pháp Cần Thơ còn trang bị sách, kệ sách pháp luật đặt tại 8 nhà thông tin của xã; triển khai lắp các thùng thư góp ý ở tại nhà thông tin các ấp ở xã Thới Đông.

Riêng tại quán cà phê pháp luật, định kỳ hàng tháng tại đây còn diễn ra các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt CLB trợ giúp pháp lý hoặc triển khai tập huấn về vấn đề hòa giải cơ sở cho các hòa giải viên.

Cũng theo bà Dao, tính đến thời điểm này trên địa bàn TP Cần Thơ có gần 100 quán cà phê pháp luật tập trung ở quận Ninh Kiều, Ô Môn; các huyện Cờ Đỏ, Thốt Nốt. Trong thời gian tới số lượng quán có thể sẽ được tăng lên nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Theo Thanh Xuân (Pháp Luật Việt Nam)

Cấm cán bộ tư pháp uống rượu bia trong ngày làm việc

Thứ 5, 25/04/2013 | 08:24
Ngày 24/4, Văn phòng Bộ Tư pháp phối hợp với Đoàn Thanh niên và Công đoàn Bộ tổ chức lễ phát động “cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ngành Tư pháp không sử dụng rượu, bia trong ngày làm việc”.

Đề nghị truy tố phó phòng tư pháp giật súng CSGT

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
Phó trưởng phòng tư pháp huyện Châu Thành người giật súng của CSGT cách đây không lâu vừa bị cơ quan CSĐT đề nghị truy tố về tội "chống người thi hành công vụ".

VKS vào cuộc vụ cán bộ tư pháp nhận quà

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã bắt đầu làm việc với công an, tòa án và Chi cục thi hành án dân sự huyện Cái Bè Tiền Giang để điều tra vụ một số cán bộ tư pháp huyện này nhận quà, tiền của luật sư "rởm" Nguyễn Thị Loan.