Giải mã bệnh

Giải mã bệnh "trúng gió" và những chuyện bi hài

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Trong quan niệm dân gian, "trúng gió" được coi là bệnh vô cùng nguy hiểm với con người: Méo mồm, liệt...

Theo quan niệm dân gian, bệnh "trúng gió" gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Chính sự nhầm lẫn, quy chụp này là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc đối với người bệnh.

Đánh đồng méo mồm, dễ đột tử do... "trúng gió"

Ngồi ở hành lang trước cửa các phòng khám và điều trị của một số bệnh viện: Bạch Mai, Viện châm cứu Trung ương, Viện Y học cổ truyền dân tộc...,chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân với khuôn mặt méo mó, biến dạng tới khám và điều trị. Trong khi chờ đợi, chúng tôi được họ kể cho nghe những chuyện bi hài xung quanh việc "trúng gió".

Xã hội - Giải mã bệnh 'trúng gió' và những chuyện bi hài

Một bệnh nhân nhí đang điều trị bệnh "trúng gió"

Cánh cửa phòng bệnh mở ra, với gương mặt mệt mỏi, chán nản tay trái cầm hồ sơ, tay phải buông thõng, anh N.V.V (34 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội), ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh nghỉ ngơi. Với gương mặt nhăn nhó, đăm chiêu, anh V. quay sang nói chuyện với tôi: "Cũng đi châm cứu à? Bệnh gì đấy". Không đợi tôi nói thêm, anh tiếp tục than thở về cái họa "tai bay vạ gió" anh mắc phải. Theo lời anh V. kể thì anh bị "trúng gió" khiến cánh tay phải và nửa mặt bên phải bị liệt, không thể cử động. Bằng giọng bực dọc, anh V. cho biết: "Nghe bác sỹ nói bệnh này phải chữa trị lâu dài kết hợp với vật lý trị liệu mới trở lại trạng thái ban đầu. Cứ nghĩ bị trúng gió phải là những người yếu ớt, ai ngờ khỏe mạnh như mình cũng bị mới lạ. Bị thế này đi tong tour du lịch ba ngày nữa rồi".

Theo bác sỹ, bệnh của anh V. đang trong giai đoạn phát triển nên chưa cảm nhận rõ rệt sự khó chịu. Khi bệnh phát triển hết, việc ăn uống của anh sẽ gặp khó khăn do nửa mặt trái không thể cử động (ăn bị rơi vãi, mắt không thể nhắm lại). Bên cạnh đó, khuôn mặt của anh V. bị biến dạng và giọng nói trở nên khó nghe...

Anh V. tâm sự: "Mặt méo mó, giọng nói không rõ thì sao đi làm được. Kiểu này phải làm đơn xin nghỉ lâu dài để trị bệnh. Nhưng làm nghề hướng dẫn viên du lịch mà nghỉ lâu như thế này, chắc tôi mất việc quá!".

Thấy tôi tròn mắt nhìn, anh kể thêm về nguyên nhân dẫn đến "cơ sự méo mồm" của mình: Vì giành được hợp đồng dẫn tour khách nước ngoài với giá quá hời, anh mời mấy đồng nghiệp đi ăn. Sau khi ăn nhậu xong, trên đường về nhà, anh gặp mưa ướt hết người. Về đến nhà, không kịp tắm rửa, anh chỉ kịp thay bộ quần áo ướt trên người rồi leo lên giường ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh thấy tay và mặt tê tê khó chịu nhưng vẫn cử động được. Đến chỗ làm, anh phát hiện mắt trái của mình không thể chớp, liên tục chảy nước mắt. Tới bệnh viện khám, bác sỹ kết luận: Anh bị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 mặt trái.

Trước cửa phòng châm cứu của Viện Châm cứu Trung ương có rất nhiều bệnh nhân ngồi đợi tới lượt mình. Trong số đó, có cả trẻ em và thanh niên điều trị bệnh "méo mồm" do "trúng gió". Theo khảo sát của PV, rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã điều trị bệnh "méo mồm" tới gần hai năm nay mà vẫn chưa khỏi. Chị Phương (Sóc Sơn, Hà Nội), mẹ của bé Trâm Anh tâm sự: "Đúng vào hôm tết, tôi thấy mắt con bé chớp liên tục, đến bữa ăn, nó ăn uống rất khó khăn... Tôi mang con đi khám ở viện nhi, cho cháu uống thuốc nhưng cũng chưa khỏi hẳn. Đúng là gió độc, không biết đường nào mà tránh".

Rồi chị kể thêm cho tôi nghe chuyện trúng phải gió độc thiếu chút nữa là chết của bà cô chồng chị: Cách đây ba năm, cô của chồng chị tên Nguyễn Thị Xuyến, lấy chồng ở Định Hóa, Thái Nguyên bị "trúng gió" gần chết. Hôm ấy, khi trời chưa sáng, vì "mót" quá, bà tỉnh dậy đi ra ngoài giải quyết. Vừa mở cửa bước ra ngoài, bà trúng ngay gió độc ngất luôn ngoài hè. Thấy mẹ ra ngoài khá lâu mà vẫn chưa vào nhà, con trai bà cất tiếng gọi. Gọi mãi không thấy me đáp lại, anh ra ngoài nhà tìm. Vừa bước ra nhà, anh giật mình khi thấy bà đang nằm dưới đất trong trạng thái hôn mê. Sau đó, bà được chuyển ngay ra viện huyện rồi đưa lên bệnh viện tỉnh điều trị.

Và những chuyện bi hài

Bị "trúng gió" dẫn tới "méo mồm", Ngọc Mai (Gia Lâm, Hà Nội) gặp nhiều chuyện bi hài "cười ra nước mắt". Vì đã mời họ hàng và đặt cỗ, đám cưới của cô không thể hoãn lại.

Trong ngày cưới (ngày vui và hạnh phúc nhất trong cuộc đời) thay vì được cười nói hạnh phúc, cô lại mang bộ dạng sầu thảm khiến nhiều vị khách cho rằng "cô dâu bị ép cưới nên mới có bộ mặt đưa đám kiểu kia". Thấy mọi người nói rồi chỉ trỏ sau lưng mình, cô khóc không nổi, cười chẳng xong. Đã vậy, cô còn mang tiếng ác "coi thường cả họ nhà trai qua nụ cười đểu". Nói đến đây, Mai cười cười: "Khi chụp ảnh kỷ niệm cùng với nhà trai, vì muốn thể hiện niềm vui và hạnh phúc của mình, tôi cố gắng cười. Ai ngờ khi vừa mở miệng cười, tôi bị cả nhà nhìn chằm chằm. Gặp những ánh mắt thiếu thiện cảm ấy, tôi giật mình nhớ tới bệnh "trúng gió" chưa khỏi của mình. Sau khi kết thúc đám cưới, tôi phải giải thích với cả họ nhà chồng mới được mọi người bỏ qua".

Cùng hoàn cảnh như Ngọc Mai, Thu Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì bệnh "trúng gió". Đi châm cứu được vài tuần ở Viện Y học cổ truyền dân tộc gần khỏi, tranh thủ được nghỉ thứ bảy và chủ nhật, người yêu cô đưa cô về Quảng Ninh ra mắt. Vừa về tới nơi, cô bị mẹ chồng tương lai nhìn chằm chằm, rồi lắc đầu. Biết mặt đang bị lệch về một bên do bệnh chưa khỏi nên cô ngại xuất hiện nhiều trước mặt bà. Hai ngày về, hầu như cô trốn trong phòng người yêu lên mạng và tranh thủ đốt ngải cứu hơ mặt (Bác sỹ nói khi không châm cứu nên hơ ngải cứu cho giãn cơ mặt để nhanh khỏi - PV). Không ngờ khi hơ ngải còn lại một ít, mẹ người yêu bước vào. Thấy mớ ngải cháy dở trên tay cô, bà lắc đầu đi ra. Vì bất ngờ nên cô không kịp giải thích. Sau tiếng đóng cửa, cô thấy bà to tiếng với con trai "sẽ không chấp nhận nó làm con dâu", "không có liêm sỉ, dám ngang nhiên hút hít trong nhà này...". Nói đến đây, Thúy cười: "Hôm ấy phải mất một lúc mẹ anh ấy mới tin là em đang bị bệnh. Sau lần ấy, bà có thiện cảm với em hơn".

Cùng quan điểm đeo bạc để phòng trúng gió với chị Lam, chị Vân (Kim Mã, Hà Nội) cũng mua một sợi dây bạc 5 chỉ cho mẹ chồng đeo. Chị tâm sự: "Bố mẹ tôi già rồi, các cụ yếu thế, ra gió không may gặp phải cơn gió độc lấy ai chăm sóc. Tốt nhất phòng còn hơn chữa, mua về cho các cụ đeo còn hơn việc tốn tiền, tốn thời gian để chăm sóc nếu không may "trúng phong độc". Không chỉ chị Lam, chị Vân, rất nhiều bậc phụ huynh khác cũng mua bạc về cho mọi người trong gia đình, đặc biệt là những em bé mới sinh đeo để tránh gió.

Vừa chào đời được một tháng, trên người bé Bi con gái anh Tuấn (Trương Định, Hà Nội) đeo trên người tới gần một cây bạc. Khi bé lớn hơn, những chiếc lắc tay, lắc chân được thay thế bằng chiếc dây chuyền bạc. Khi đã nhận thức được, bé Bi nhất quyết không chịu đeo vì không thích. Thế nhưng, không thích bé vẫn phải đeo với lý do chống gió độc. Nói đến đây, chị Quỳnh (mẹ bé Bi) tâm sự: "Ông nội Bi bị "trúng phong" do qua đêm mở cửa sổ “đi” mà chẳng kịp nhắn nhủ con cháu. Từ đó, mẹ chồng tôi rất sợ con cháu trong nhà có người nào đó mắc phải gió độc nên bắt con cháu phải đeo bạc để đề phòng".

Bạc sẽ khắc chế được... gió?

Trong quan niệm dân gian, chỉ có bạc mới trị được gió. Thế nên, để tránh mắc phải bệnh "trúng gió", nhiều người đổ xô đi mua bạc về đeo. Chị Nguyễn Hương Lam (Bà Triệu, Hà Nội) cho biết: "Hôm vào Viện Y học cổ truyền châm cứu chứng đau lưng kinh niên của mình, tôi thấy nhiều người bị méo mồm do trúng gió đang điều trị. Về nhà, tôi ra ngay tiệm vàng bạc gần nhà để mua ít vòng tay, nhẫn về cho gia đình đeo để chống gió. Nhìn cảnh cô bé khoảng 10 tuổi châm kim đầy mặt do "trúng gió", tôi thấy sợ vì con gái tôi cũng đang ở tầm tuổi ấy". Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho rằng, đeo bạc chỉ có tác dụng chống lại bệnh cảm mạo thông thường do gió gây ra.

Hồng Mây