Giải mã bí ẩn của “thần giữ của” theo khoa học

Giải mã bí ẩn của “thần giữ của” theo khoa học

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Từ xưa, trên khắp thế giới từ Hi Lạp, Mông Cổ, ấn Độ, Trung Hoa,... cho tới Việt Nam đã lưu truyền những câu chuyện ít nhiều mang tính huyễn hoặc về thần giữ của.

Đây là một bộ phận thuộc văn hóa dân gian của các dân tộc, thường đi cùng với câu chuyện về những phù thủy cao tay và những lời phù chú bí ẩn. Đằng sau bức màn huyền ảo của phép thuật được gợi mở lại là những lý giải dựa trên cơ sở khoa học đầy bất ngờ và lý thú.

Cho tới nay, những câu chuyện về thần giữ của còn lưu lại trong dân gian tương đối nhiều. Những lời đồn thổi càng làm tăng tính chất linh thiêng, huyền bí của từng câu chuyện. Những nghi vấn và giả thuyết về thần giữ của với nhiều tầng khác nhau là sức hút kỳ lạ với bất kỳ ai muốn biết về "vị thần" này.

Sự kiện - Giải mã bí ẩn của “thần giữ của” theo khoa họcMột hầm mộ được coi là có thần giữ của ở Hà Nam.

Bỗng dưng vớ được kho báu?

"Chợ Chùa trên bến dưới thuyền / Có cây cổ thụ có đền Kim Quy / Đền Kim Quy có cây cổ thụ / Cây cổ thụ có trụ minh đường / Những đêm thanh vắng đoạn trường / Lặng nghe rùa đá nhẹ nhàng qua sông".

Chợ Chùa (chợ Tam Bảo) ở huyện Nam Trực - tỉnh Nam Định hiện nay vẫn còn đền Kim Quy trấn giữ. Tương truyền cách đây hơn 60 năm có một câu chuyện lạ xảy ra. Có hai bà cháu nhà nọ đi phơi đỗ ở sân chùa. Cô cháu gái còn nhỏ tuổi chơi nghịch cứ lấy đỗ đen trộn đỗ đỏ bỏ vào miệng rùa đá trong sân. Nghĩ cháu nghịch ngợm, bà chỉ quát mắng rồi quên đi.

Đến một hôm, bỗng nhiên đứa cháu đang nghịch chơi như mọi khi thì mai rùa nứt ra làm đôi. Người bà nhìn vào sợ quá mới kêu lên: “Con rùa ma!”. Đứa bé ngây thơ không hiểu, gọi bà lại xem, người bà hốt hoảng chạy về nhà, ngã dúi dụi. Đến khi con trai và con dâu trông thấy, tưởng bà bị ma đuổi, lấy dầu cao đánh gió cho một lúc thì bà cụ tỉnh.

Lúc đó bà mới nói: "Không hiểu sao con bé nhà mình phát hiện ra trong con rùa đá có ma". Nói rồi cụ ngất đi. Người con trai không tin, liền ra xem thử thì thấy có vàng nén trong mai rùa. Anh liền báo cho cán bộ địa phương đến xem và xác minh là vàng thật. Phần vàng tìm thấy được coi như của gia đình đứa bé gái nọ. Dân Chợ Chùa lúc ấy mới nhớ tới những câu thơ kể trên như một sự lý giải cho sự việc tình cờ này.

Vùng Nam Định, Quảng Ninh ngày xưa vốn là những vùng cửa biển sầm uất, là nơi thông quan buôn bán giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác. Dân thành Nam ngoài nghề nông ra thì chủ yếu là làm quan và làm thầy, bao gồm cả thầy phù thủy.

Dòng giống những người này hiện nay tuy không còn làm nghề nữa nhưng vẫn là những người có trình độ cao và ít nhiều hiểu biết về kinh dịch, âm dương ngũ hành cũng như phép thuật. Sơ khởi phải tính từ thời Bắc thuộc với hơn ngàn năm, 138 vị thái thú cai trị ở An Nam, rất nhiều người về sau không trở về nguyên quán mà ở lại sinh cơ lập nghiệp, họ sống lẫn lộn với người Việt và các tộc dân Nam Đảo, dần dần tạo nên cộng đồng Bách Việt.

Với trình độ và khả năng của ông cha, những người con cháu ở đây đã tạo riêng cho mình một số vốn liếng khổng lồ. Có tiền, họ bắt đầu nghĩ tới giữ của và tìm cách mị dân để tạo nên khoảng cách an toàn đối với những cư dân còn lại. Sự bí ẩn của phép thuật tạo nên những thầy phong thủy, pháp sư, thầy phù thủy,... nhẹ nhàng hơn là thầy lang, thầy cúng. Đó là nguyên nhân vì sao vùng đất này lại lưu truyền nhiều câu chuyện bùa chú và thần thánh đến vậy.

Trở lại câu chuyện trên bến chợ Chùa. Theo lý giải của các nhà khoa học, nguyên nhân rùa đá nứt ra là do đứa bé trong quá trình nghịch ngợm của mình đã thả đậu vào trong miệng, lăn xuống bụng rùa đá. Đến khi đủ điều kiện về độ ẩm, nhiệt thì các hạt đậu trương ra và nảy mầm tạo nên áp lực khiến rùa đá vỡ đôi, vô tình mà tìm thấy vàng. Câu thơ, câu hát về chợ Chùa và rùa đá không phải là một lời giải mà chỉ là chiếc chìa khóa để bắt đầu đi sâu vào thế giới của tâm linh.

Một câu chuyện khác do ông Hải, hiện đang sống ở phố Kim Hoa, Tây Hồ (Hà Nội) - vốn là con cháu một gia đình có truyền thống buôn bán đồ cổ lâu đời kể lại. Hiện ông Hải không còn kế nghiệp gia đình mà trở thành một dịch giả, chuyên về dịch thuật các vấn đề liên quan tới sách cổ và gia phả các dòng họ. ông Hải kể, từ đời ông nội của ông, gia đình sinh sống ở vùng ý Yên - Nam Định.

Lúc đó vẫn là thời Pháp thuộc, có một ông thầy cúng đi làm lễ cho người ta mà vô tình tìm được một quyển sách quý. ông thầy cúng liền theo chỉ dẫn của sách tìm đến một vùng đất vắng có ngôi mộ cổ. Lúc ấy vào khoảng cuối thu. Không hiểu ông thầy cúng làm gì mà đột nhiên gió lắc mạnh cái bia cạnh cây duối vỡ tan. Cái bia bằng đá vỡ ra để lộ ngôi mộ. ông thầy liền nhảy xuống, đọc thần chú, những người đi theo giúp ông bật được một cái cửa gạch.

Sau đó ông tìm được một cái chìa vôi bạc, còn lá trầu bạc thì không hiểu sao không tìm thấy. Ông thầy đem chiếc chìa vôi lên Hà Nội nhờ bán, nhưng mãi không có người mua. Cho đến năm 1957- 1958, chiếc chìa vôi vẫn còn ở trong kho đồ cổ nhà ông Hải, về sau chiến tranh loạn lạc mới thất lạc.

Cũng là gia đình có nghề, ông cụ nội ông Hải mới đem ra bấm độn và hỏi kĩ chuyện thì mới biết, hóa ra ông thầy cúng tìm được cuốn sách, niệm chú cho đá vỡ, đáng lẽ ông ta lấy được vàng nhưng hướng quay mặt của thần giữ của ở dưới mộ thế nào thì ông thầy không biết. Khi nhảy từ dưới hầm mộ lên không bị thần chém nhưng chỉ nhận được bạc.

Lúc ấy cụ nội ông Hải mới giở lại quyển sách ra, lật hết cả quyển, đọc kỹ nhưng không hề thấy một chi tiết nào nói đến hướng quay mặt của thần giữ của. Chỉ đến khi, ông cụ gỡ sợi chỉ bản ở gáy sách ra thì có một dòng chữ nhỏ có ghi thần giữ của quay mặt về hướng Bắc (?).

Sự kiện - Giải mã bí ẩn của “thần giữ của” theo khoa học (Hình 2).Chợ Chùa, Nam Trực, Nam Định ngày nay.

Cứu sống... thần giữ của

Trở lại những câu chuyện lưu truyền từ trong lịch sử xa xưa, cuối thời Bắc thuộc, năm 938, khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành lại được độc lập tự chủ cho người Việt, đồng thời cũng là lúc quan lại và những tài chủ phương Bắc phải rút về nước.

Đường xa, cướp bóc, lại thêm sự truy đuổi của quân lính triều đình, của cải đương nhiên sẽ hao mòn và mất mát, thậm chí sẽ có nguy cơ mất trắng. Họ mới bắt đầu nghĩ đến thần giữ của. Đội ngũ những nhà phù thủy trước đó, giờ được dịp dùng đến hữu hiệu. Họ bèn đi mua những người con gái trẻ còn trinh trắng để thực hiện âm mưu của mình.

Chuyện kể, có một gia đình nọ đang trong cơn nguy khốn thì có người Tàu đến hỏi mua con gái về làm lẽ. Người cha tuy nghèo nhưng vốn trước kia sinh ra trong một gia đình có học nên cũng bấm độn và lờ mờ nhận ra mục đích của người đến mua con. Ông mới dặn vợ đưa cho con gái một túi hạt vừng, chờ khi cấp bách thì dùng đến. Cô gái được đưa về nhà chồng, mấy hôm liền vẫn chưa được động phòng, đồ ăn thức uống được cung phụng chu đáo nhưng chỉ toàn đồ chay tịnh.

Tới một đêm, cô gái được đưa lên kiệu dẫn đi. Nghĩ điềm chẳng lành, cô bí mật bỏ vào túi áo nắm hạt vừng mà mẹ đưa cho trước đó. Trên đường đi, cô rắc hạt vừng xuống đường, lẫn vào với cỏ. Tới nơi, cô được người ta đặt vào một chiếc quan tài, đưa vào một hầm mộ, được uống một thứ nước gì đó để không còn khả năng chống cự nhưng vẫn ý thức được những việc làm đang diễn ra tại đó.

Xung quanh chiếc quan tài cô gái được đặt vào, những bình, lọ được sắp xếp theo một quy luật mà cô không hiểu được. Sau khi cho cô gái ngậm sâm, thầy phù thủy bắt đầu làm phép. Buổi làm phép và thần chú chỉ diễn ra trọn vẹn trong đêm. Kết thúc lễ, áo quan được đóng lại và cửa hầm mộ được bít vào.

Chừng một tháng sau, những hạt vừng được cô gái rải ra trên đường đi đã lên xanh non, gia đình cô mới lần theo dấu vết này. Khi tới nơi cuối cùng, cây vừng mọc lên đậm đặc thì đào lên và cứu được con gái? Do được ngậm sâm nên cô vẫn còn sống, gia đình đồng thời có được kho báu. Nhưng về sau, do sợ bị trả thù, họ cũng phải kéo nhau đến di cư ở vùng khác.

Vào cuối thời Bắc thuộc trở đi, những câu chuyện về thần giữ của xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí trước khi kết thúc thời kì này đã lưu truyền một truyền thuyết trong dân gian về chuyện một nữ tướng của Hai Bà Trưng từng suýt trở thành thần giữ của.

Chuyện kể, trong một lần hành quân vào ban đêm, đội quân của Hai Bà đã bắt gặp một đoàn người Tàu khả nghi mang theo một chiếc kiệu. Đến khi cho quân thám thính đi kiểm tra thì phát hiện ra đó là đoàn người đi chôn của. Hai Bà đã cho lính vây bắt và cứu được một người con gái đẹp sắp trở thành vật tế thần. Người con gái cảm tạ công đức của Hai Bà đã tình nguyện đi theo dưới trướng. Về sau, vị nữ tướng này đã lập nên nhiều chiến công và trở thành nỗi khiếp sợ đối với quân Nam Hán.

Có lời nguyền, có phép đố thì cũng sẽ có lời giải. Đi tìm nguyên nhân, cách thức và lời hóa giải đó chúng ta mới thấy cuốn hút lạ thường...

Trầm Ngải

Kỳ 2: Thực mục vết tích "thần giữ của".