Giải mã bí ẩn về người Tuyết

Giải mã bí ẩn về người Tuyết

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Câu chuyện bí ẩn về sự tồn tại của người Tuyết, một loài sinh vật to lớn, đi bằng hai chân giống con người đã tốn không ít công sức và tiền bạc để tìm ra sự thật.

Mới đây, vào ngày 27/12/2011, các nhà khoa học của Scotland đã chính thức đưa ra kết luận về huyền thoại người Tuyết bấy lâu nay.

Quái vật rình rập trong cơn bão tuyết Hymalayac

Huyền thoại kể rằng người Tuyết là một sinh vật khổng lồ sống tại khu vực Himalaya của Nepal và Tây Tạng. Một bộ xương hóa thạch được người dân địa phương tìm thấy từ 2.500.000 đến 11.700 năm trước. Từ kết quả giám định, hóa thạch này là của một loài linh trưởng khổng lồ đã tuyệt chủng cách đây 300.000 năm. Loài linh trưởng này cao khoảng 3 mét và nặng nửa tấn. Có giả thuyết đưa ra rằng người Tuyết thực sự tồn tại song song với tổ tiên loài người. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học cho rằng đây đơn giản là loài vượn khổng lồ đã tuyệt chủng và người Tuyết chỉ có trong các truyền thuyết.

Những câu chuyện về người Tuyết chỉ làm xôn xao dư luận phương Tây trong những năm 1830 khi nhà Đông phương học người Anh B.H.Hodgson tuyên bố ông đã nhìn thấy một sinh vật hai chân, cao lớn với bộ lông đen rậm rạp ở Nepal.

Trong thế kỷ 20, các nhà khoa học phương Tây bắt đầu vào cuộc. Họ nỗ lực tìm kiếm khu vực núi Himalaya và kết quả là, họ phát hiện những dấu chân kỳ lạ của một sinh vật bí ẩn. Năm 1957, Tom Slick, một nhà kinh doanh dầu mỏ người Mỹ đã tài trợ cho một loạt các cuộc thám hiểm về người Tuyết. Vào một trong những chuyến đi được tài trợ bởi Slick, nhà thám hiểm Peter Byrne, đã được hai người dân địa phương cung cấp thông tin về người Tuyết. Họ kể với ông về bàn tay người Tuyết cổ đại được bảo vệ trong tu viện Pangboche, Nepal.

Xã hội - Giải mã bí ẩn về người Tuyết

Người Tuyết trong truyền thuyết

Trải qua những ngày tháng ròng rã leo núi, cuối cùng Byrne cũng đến được tu viện và tận mắt thấy bàn tay có lịch sử hàng trăm nghìn năm này. Ông đã ngỏ ý muốn mang bàn tay về Luân Đôn. Tuy nhiên, các tu sĩ từ chối yêu cầu của Byrne với lời giải thích rằng nếu mất nó, một lời nguyền kinh hoàng sẽ xảy ra cho tất cả tu viện. Nhưng Slick vẫn quyết tâm muốn làm đến cùng. Bởi vậy, Byrne đã đưa ra một thỏa thuận. Cuối cùng, các tu sĩ đã chấp nhận đổi 1 ngón tay với giá 100 Bảng.

Sau khi mang về London, ngón tay được bàn giao cho Giáo sư Osman Hill để kiểm tra. Kết quả đưa ra gây sốc: Ngón tay đó không phải của con người. Tuy nhiên, không ai nghe thêm thông tin gì về cuộc tìm kiếm người Tuyết trong nhiều năm sau đó. Osman Hill cuối cùng chuyển giao ngón tay cho bảo tàng Hunterian. Không ai biết lý do tại sao, sau tất cả các nỗ lực để lấy được ngón tay và đưa nó trở về London, họ lại chỉ bàn giao cho bảo tàng và bị rơi vào lãng quên.

Kết quả ADN tiết lộ sự thật

Tuy nhiên, một lần nữa, truyền thuyết về người Tuyết lại khiến dư luận xôn xao khi các nhà khoa học chính thức vào cuộc. Bí ẩn về một ngón tay người Tuyết đã được phá giải nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà khoa học tại Edinburgh Zoo, Scotland. Một mẫu ADN lấy từ ngón tay tại bảo tàng Hunterian được nhà di truyền học của Edinburgh Zoo, tiến sĩ Rob Ogden phân tích. Sau quá trình giám định, Rob Ogden đã tiết lộ nguồn gốc thực sự của ngón tay và kết quả này được phát trong chương trình Ngón tay Yeti trên đài BBC Radio 4 vào ngày 27/12/2011. Mẫu ADN đã được kết luận là ADN của người.

Tiến sĩ Rob Ogden, thuộc Hội Động vật học Hoàng gia Scotland, cho biết: "Chúng tôi đã phải ghép những mảnh vỡ lại với nhau. Sau đó, chúng tôi làm xét nghiệm và kết quả thu được, đó là ADN của con người. Mặc dù kết quả này không quá ngạc nhiên nhưng rõ rang nó hơi đáng thất vọng, bởi chúng ta không phát hiện ra một cái gì hoàn toàn mới mẻ. Con người là kết quả mà chúng ta đã nghĩ và con người chính là kết quả chúng ta nhận được".

Bên cạnh đó, còn những ý kiến khác xoay quanh sự thật về người Tuyết, bởi ngón tay lấy từ tu viện Phật giáo Pangboche không phải là mẫu vật duy nhất. Trong tương lai, các nhà khoa học trên thế giới sẽ còn tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu, kiểm tra mới có thể giải quyết tới cùng bí ẩn này.

Hồng Nhung (Theo BBC)