Nhiều người trẻ đang bị rối nhiễu tâm lý

Nhiều người trẻ đang bị rối nhiễu tâm lý

Thứ 6, 26/04/2013 | 16:15
0
Lối hành xử vô cảm, những hành vi dã man, tự cho mình cái quyền tước đoạt mạng sống của người khác, thậm chí với cả những người mình yêu thương đang có xu hướng xuất hiện trong những người ngồi trên giảng đường.

Khi người trẻ bị rối nhiễu tâm trí

Một số vụ án giết người dã man gần đây của một số kẻ được gắn mác trí thức gây ra khiến dư luận bàng hoàng và bức xúc: Nam sinh Đặng Ngọc Khuyến, đại học Bách khoa TP.HCM dùng mã tấu giết người yêu cũ khiến gia đình nạn nhân không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Cậu học sinh lớp 11 Phạm Tuấn Ánh, trường THPT Hải Hậu B, ra tay sát hại dã man người yêu đang có thai bốn tháng. Nam sinh đại học Kinh doanh và Công nghệ đâm chết bạn ngay tại lớp chỉ vì cậu bạn "nhìn đểu". Trước đó, phải nói đến hành vi man rợ của Nguyễn Đức Nghĩa, cựu SV trường ĐH Ngoại thương đối với người yêu cũ. Tất cả những vụ án này khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường đã được quan tâm đúng mức? Đâu là nguyên nhân cốt lõi?

Xã hội - Nhiều người trẻ đang bị rối nhiễu tâm lý

Đặng Ngọc Khuyến, SV đại học Bách Khoa TP.HCM đã dùng mã tấu giết người yêu cũ gây rúng động dư luận.

Tiến sĩ, bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng: "Phải nói môi trường hiện nay thiếu kiểm soát đối với các hành vi bạo lực. Tình trạng này có thể xuất phát từ sự vô cảm. Trong mỗi con người luôn có phần con và phần người nếu môi trường xấu phần thú tính sẽ trỗi dậy.

Trong một số điều kiện, hoàn cảnh nhất định, bức xúc lên cao trào sẽ dễ dàng xảy ra những hành động đáng tiếc. Nguyên nhân có thể do áp lực từ học tập, các mối quan hệ và có thể từ cuộc sống. Theo nghiên cứu thì ngày càng nhiều người trẻ tuổi bị rối nhiễu tâm trí nên rất dễ dẫn đến những hành động bột phát, không kiểm soát được bản thân. Hơn nữa, có thể do các chương trình học còn nặng về kiến thức học thuật nhưng lại thiếu sự hấp dẫn sinh viên, học sinh học tập".

Cũng theo ông Tuấn, một nguyên nhân nữa đó là ảnh hưởng đáng kể từ văn hóa du nhập bên ngoài vào. Cả xã hội đang chạy theo đồng tiền, sống thực dụng ai cũng nhăm nhăm làm sao để thỏa mãn cá nhân sẵn sàng chà đạp, cướp mạng sống của người khác không thương tiếc, không ghê tay. Điều cốt lõi quyết định và chi phối đến hành động của con người vẫn là nhân cách, dù lớn lên được học hành có bằng cấp đầy đủ, nhưng kiến thức lại không chuyển đổi thành hành vi.

Một điều đáng buồn là bằng cấp của nhiều người lại không tương xứng với khả năng tư duy, năng lực thực sự. Hơn nữa giáo dục vẫn nặng về kiến thức chứ chưa chú trọng đến giáo dục nhân cách. Nhiều người có bằng cấp này, bằng cấp nọ nhưng hành vi của họ rõ ràng là không tương xứng với những gì đã được học tập, đấy là chưa nói đến chuyện mua bằng cấp.

Bị "lây bệnh" vô cảm từ người lớn

Dưới một góc nhìn khác, Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng: "Những truyền thống tốt đẹp, gia phong, gia đạo, nền nếp dường như đang bị xã hội lãng quên. Nhiều người biết giáo giục cho con cháu họ theo lề thói ngày xưa là tốt đấy nhưng lại làm không đến nơi đến chốn. Có gia đình giáo dục cũng chỉ là hời hợt cho qua chuyện chứ chưa sâu sắc theo sát.

Bên cạnh đó, những giá trị tốt đẹp của quá khứ không được kế thừa mà bị phủ nhận sạch trơn, coi tất cả những gì thuộc về quá khứ là xấu, không cần học những cái mới. Trong khi đó cái mới tràn vào quá nhanh, mọi giá trị thay đổi một cách chóng mặt không kiểm soát được.

Đây được xem là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến lối sống của thế hệ trẻ hiện nay. Đặc biệt trong thời kỳ bùng phát internet, nếu không được giáo dục văn hóa ăn chơi xem thì rất nguy hiểm. Nhiều bạn trẻ nghĩ phương Tây sống thoáng, hiện đại nên cũng a dua theo trong khi đó hai đất nước khác nhau về mặt văn hóa".

Xã hội - Nhiều người trẻ đang bị rối nhiễu tâm lý (Hình 2).

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất.

Cũng theo chuyên gia này, những thói hư tật xấu ngấm vào rất nhanh còn học tập và rèn luyện để có nhân cách, đạo đức thì phải ngấm dần dần. Giáo dục cho giới trẻ bây giờ rất chắp vá không theo bài bản hệ thống. Việc giáo dục tình yêu cho thế hệ trẻ còn nhiều vấn đề phải bàn.

Tình yêu ở đây không đơn thuần là tình yêu nam nữ, mà là tình yêu con người với con người, yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước. Cũng cần phải thay đổi cách tư duy dạy con trẻ không chỉ yêu những người máu đỏ da vàng mà phải yêu nhân loại bởi nếu ngồi trên máy vi tính thì thế giới chỉ nằm trong lòng bàn tay.

Ông Chất lý giải: "Khi bản thân mỗi con người mà không yêu bản thân mình thì làm sao có thể yêu những người xung quanh. Đây cũng chính là lý do vì sao nhiều người có trí thức vẫn hành động thiếu suy nghĩ và có thể tước đoạt mạng sống của người khác một cách lạnh lùng, vô cảm. Nên ngay từ nhỏ cần phải giáo dục cho trẻ nhỏ tình yêu thương nhân loại để chúng thấy được giá trị cuộc sống không chỉ của bản thân mà của người khác cũng đáng trân trọng.

Hiện, bệnh vô cảm của người Việt đang là chủ đề tranh luận sôi nổi. Không chỉ riêng những người trẻ mà cả xã hội cũng đang mắc bệnh vô cảm. Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhiều người thấy chuyện bất bình bênh người lương thiện, người đúng nhưng chính người đó lại bị vạ lây, nguy hiểm. Ngày xưa "làm phúc phải tội" rất ít, nhưng bây giờ "phải tội" lại rất nhiều nên khiến nhiều người né tránh, thành ra vô cảm”.        

Thiếu giáo dục đạo đức, nhân cách

"Sự ứng xử của con người xuất phát từ nền tảng văn hóa của con người đó. Việc đặt nền tảng văn hóa xuất phát từ giáo dục đầu tiên của gia đình và sau đó là của nhà trường cũng như của toàn xã hội… Chúng ta cần tự đặt câu hỏi liệu gia đình đã đầu tư thỏa đáng đến vấn đề chuẩn bị để con mình trở thành người tốt hay chưa? Gia đình mong mỏi gì ở con mình hay có một số không ít gia đình chạy theo điểm số, tấm bằng để cứu cánh danh dự và cho rằng con mình thật giỏi?

Lẽ đương nhiên, cũng không thể phủ nhận trường học vẫn chưa làm tốt việc giáo dục đạo đức khi chỉ chăm chăm cào bằng kiến thức, thiếu thời gian và sự đầu tư cho việc giáo dục đạo đức và cá nhân… Đặc biệt, chưa có những quan tâm đích thực dành cho một số học sinh hay sinh viên có định hướng sai hay có những hành vi rối nhiễu ban đầu…", PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam nói.

Thiên Vũ

GS Ngô Bảo Châu: Thiếu tranh biện người trẻ sẽ bế tắc

Thứ 2, 25/03/2013 | 09:58
'Mỗi con người sinh ra đều khác nhau, không thể ép tất cả vào một khuôn khổ. Nền giáo dục chỉ nên làm nhiệm vụ định hướng cho các em tìm đến đam mê thực sự phát xuất từ nội lực và năng khiếu của từng cá nhân...", giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ tại ngày hội 'Hướng nghiệp và Khởi nghiệp'.

Chuyện thai giáo thần đồng của mẹ Đỗ Nhật Nam

Thứ 2, 22/04/2013 | 13:28
Chị Phan Thị Hồ Điệp chia sẻ, hai vợ chồng chị đều thực sự không kỳ vọng sau này con mình lớn lên sẽ thành thần đồng, thành dịch giả nhí nổi tiếng. Với anh chị, Nam lớn lên, khỏe mạnh, lành lặn, không ốm đau là điều hạnh phúc nhất.

Cách dạy toán đơn giản cho một thiên tài

Thứ 2, 22/04/2013 | 19:58
Rất có thể Dmitri Mendeleev vĩnh viễn chỉ là một cái tên “vô danh”, nếu như không có một bà mẹ tuyệt vời – bà Maria Dmitrievna Mendeleeva.