Lời nguyền bí ẩn trong khu rừng Cấm ở Lào Cai (Kỳ cuối)

Lời nguyền bí ẩn trong khu rừng Cấm ở Lào Cai (Kỳ cuối)

Thứ 4, 26/06/2013 | 01:10
0
Liệu có uẩn khúc gì phía sau những lời nguyền, lời truyền tai đã trở thành câu cửa miệng của người dân bản địa sống gần rừng Cấm? Liệu có chuyện sát thân khi vi phạm rừng Cấm, hay còn nguyên cớ nào khác khiến những khu rừng nơi xứ núi ở cực Bắc lại luôn bí hiểm? Chúng tôi đã cất công tìm đến từng làng, từng người có uy tín để sớm làm sáng tỏ những lời nguyền phía sau rừng Cấm.

Đi tìm lời giải từ một nghi lễ cổ

Trên thực tế, qua tìm hiểu của PV, thời điểm diễn ra lễ cúng "thần rừng" tại các khu rừng Cấm thường khá trùng khớp với nhau: Vào tháng đầu hoặc giữa năm song đều ở giờ Thìn. Khi được hỏi, các bậc cao niên cũng không thể lý giải nổi: "Giống như gốc tích của những khu rừng bí ẩn, không ai biết gì về giờ thiêng được chọn để cúng "thần rừng" cả. Nhưng tuyệt nhiên từ bao đời nay, không thế hệ nào dám làm trái giờ đó cả", ông Kin cho chúng tôi hay.

Quả thực, theo lão cao niên này, với người Dáy ở bản Xèo, rừng Cấm từ lâu đã thiêng và chứa đựng nhiều ý nghĩa. "Không ngoại trừ cả việc yểm bùa từ các thế hệ trước, nhưng đến thế hệ chúng tôi cũng không mấy ai nhắc đến nữa mà chỉ biết mà làm theo thôi".

> Đọc thêm: Lời nguyền bí ẩn trong khu rừng Cấm ở Lào Cai (1)

Xã hội - Lời nguyền bí ẩn trong khu rừng Cấm ở Lào Cai (Kỳ cuối)

Buổi tế lễ trong rừng Cấm ở Y Tý không thể thiếu một trong hai thầy cúng (ảnh tư liệu).

Theo ông Kin, việc cúng tế cũng không cố định vào tháng nào, nhưng thường là các tháng đầu năm, và không thể sai giờ Thìn. Cứ 3 năm, làng lại mổ bò cúng tế và thực hiện hành lễ, liên hoan tại rừng. "Những ngày đó vui lắm, cả bản cùng kéo nhau vào rừng. Sau khi thầy cúng làm lễ kính cẩn tế cáo "thần rừng" thì cùng nhau hoan hỉ, vui lắm, nhưng không được làm bẩn đâu", ông Kin cảnh báo.

Ông Kin cho hay, lễ cúng bò tới "thần rừng" đến đầu năm 2014 là tròn 3 năm, nên ngay từ cuối năm trước đó, cả thôn đã phải bàn bạc rất kỹ lưỡng và ra tết thì cứ thế tiến hành, tuyệt đối không bàn bạc thêm. Tuy nhiên, có một điều lạ là, dù khu rừng Cấm nổi lên giữa dòng suối, song chưa trận mưa lũ nào, rừng cây bị ngập nước. Dù rằng, có năm mấy thôn làng liền kề đều chứa không hết nước (?!).

Dù không đúng thời điểm diễn ra lễ cúng, nhưng qua lời kể thầy cúng Phu Chê Xa, chúng tôi cũng có thể cảm nhận được phần nào sự thiêng liêng, kỳ bí từ những mâm lễ cúng. Người Hà Nhì cúng Gà Ma Do vào ngày Thìn trong tháng Giêng. Người được chọn làm lễ phải là người am tường tập quán của dân tộc, là chủ gia đình có đầy đủ con trai, con gái, trong 3 năm gia đình không có chuyện buồn. Họ cũng có trách nhiệm thực thi luật lệ, xử phạt những vi phạm rừng. Bữa cúng "thần rừng" cũng diễn ra thật đặc biệt.

Theo lời kể của thầy cúng Phu Chê Xa, tất cả mọi công việc phải được thực hiện trong rừng già, cả thầy cúng cũng phải tham gia vào công tác chuẩn bị; củi và nước cũng được người dân vác lên từ dưới núi. Bước chân vào rừng, không ai được phép đi dép. Việc dọn dẹp ban thờ cũng phải được thực hiện với đầy đủ nghi lễ bởi chính 2 ông thầy cúng. Sau khi cúng xong, lễ vật được phát đều cho các thành viên của đoàn. Phải làm cầu kì như vậy, bởi theo ông Xa, đặt chân vào rừng chính là tìm về chốn thiêng, nơi cư trú của các vị thần đã ban phát ấm no cho dân làng, nên tuyệt đối không được làm điều gì sai xúc phạm đến chốn thiêng.

Đặc biệt, trong bất kỳ một lễ cúng rừng nào cũng phải đủ 2 thầy mo, họ úp mặt vào cây cổ thụ mà quỳ lạy 4 phương 8 hướng với những bài khấn truyền lại từ thời xa xưa theo một loại ngôn ngữ cổ. Sau tất cả các thủ tục, thầy mo và các cao niên sẽ bói xương gà, họ đưa xương gà ở hai mâm cỗ cúng để dự đoán tương lai, vận hạn cho làng bản. Dựa vào mầu xương gà, thầy mo sẽ phán trong năm tới, trong bản sẽ ra sao, có bao nhiêu người sẽ chết... Đó là một điều bí mật, nhưng người quanh khu rừng Cấm đều mặc nhiên công nhận.

Xã hội - Lời nguyền bí ẩn trong khu rừng Cấm ở Lào Cai (Kỳ cuối) (Hình 2).

Ông Hoàng Văn Kin đang kể những chuyện liên quan đến khu rừng Cấm.

Thiêng liêng Lời thề giữ rừng

Nguyên tắc của đồ cúng lễ

Còn với người Pu Péo, người Nùng Dín, ngày lễ không chỉ là dịp tế cáo đất trời, với thần rừng mà đó còn thể hiện tấm lòng của người dân trong sáng khi đến cửa rừng. Ngoài 2 lễ hội chính: hội cúng rừng ở đầu bản vào 30 tháng Giêng và hội cúng rừng cấm giữa đồng vào ngày mồng 2/7 âm lịch, việc thờ cúng có thể diễn ra vào ngày Thìn các tháng, khi ai có việc cần vào bên trong. Theo các cụ cao niên, mâm lễ cúng gồm 17 món chia làm 2 mâm, gọi là mâm đất nước và mâm bản làng. Các món ở mâm đất nước gồm: Một con gà sống lông đỏ, một con lợn đực đen, 7 chén rượu xếp hàng ngang, một bát nước, 7 con ngựa giấy đen, một cái ô che lư hương, 7 nén nhang, 7 bát cơm, 7 xâu thịt các loại, một bát gồm thịt nạc, tim, tiết và được đặt trên lá chuối để trên một cái giá hai tầng, mâm trên và mâm dưới. Hai mâm này sẽ đặt tại bàn thờ cúng ở hai gốc cây cổ thụ nhất gần cửa rừng.

Nếu như đồng bào dân tộc Dáy ở thôn Xèo, (xã Bản Xèo) tục lệ thờ cúng trong rừng Cấm đơn giản chỉ là tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, "thần rừng", nơi mà ở đó dân gian đã gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp về cuộc sống thì với người dân Hà Nhì ở Y Tý, tục lệ cúng thần rừng đã chuyển hóa thành "lời thề giữ rừng" được truyền từ đời này sang đời khác. Bởi vậy mà gần 6.000 ha rừng nguyên sinh tại đây vẫn nguyên vẹn như khi con người chưa đặt dấu chân.

Qua câu chuyện thú vị với nguyên Chủ tịch UBND xã Y Tý, ông Ly Dờ Lúy, chúng tôi được biết rõ hơn về tục giữ rừng của người Hà Nhì, một phần lý do đưa đến các câu chuyện đồn đoán và tục lệ thờ thần rừng hiện nay. Rằng, xa xưa, người Hà Nhì vốn rất giỏi làm nương và yêu quý rừng. Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng người dân Hà Nhì đều ý thức được rừng là kho tài sản chung nhưng không vô tận, nên việc khai phá đất rừng làm ruộng đều trong giới hạn. "Mọi người ý thức lắm, nếu có thiếu thì cũng chỉ vào rừng xin phát tỉa các cành vụn, nhặt củi rơi vãi thôi chứ không ai dám xâm hại đến rừng", ông Lúy nhớ lại. Bởi vậy, cứ đời này qua đời khác, người Hà Nhì đã coi rừng là nguồn tài sản chung, cần được bảo vệ.

Lý giải thêm về những kiêng kị trong lễ cúng "thần rừng" của người Nùng Dín ở Mường Khương, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Tuấn Nghĩa đã chỉ ra rằng: Những người không được đến tham gia vào lễ cúng "thần rừng" là người có vợ mới đẻ chưa đầy tháng, bố mẹ, anh chị em chết chưa đầy 1 năm. Bởi người Nùng Dín quan niệm, những người này đến tham gia lễ cúng sẽ không may mắn, vì họ cho rằng không sạch, sẽ làm thần rừng tức giận gây họa cho dân bản.

Sau lễ cúng mọi người phải kiêng và nghỉ làm việc trong 3 ngày liên tiếp, như không được đội mũ ra vào thôn; không được chặt cây, bổ củi; phụ nữ bị cấm ra vào rừng cấm trong suốt thời gian tiến hành nghi lễ cúng và suốt thời gian cấm rừng... Nếu người nào hoặc gia đình nào vi phạm, bị dân làng phát hiện và bắt giữ thì phải tự mình bỏ tiền ra mua gà, vịt, lợn làm lại nghi lễ cúng rừng nhằm tạ lỗi với thần linh.

Còn với người Pu Péo, ngoài những ý nghĩa chung về thờ thần rừng, họ cho rằng tổ tiên của 5 đời về trước đã hóa thân vào các sự vật trong rừng, ngụ tại các gốc cây đa to. Cho nên, tín ngưỡng thời giữ rừng, cúng rừng, với người Pu Péo, cũng chính là cúng tổ tiên.

Đất nước Việt Nam với những cao nguyên đá, những dãy núi trùng điệp luôn chứa đựng nhiều điều cần khám phá. Và những khu rừng Cấm mà chúng tôi có cơ hội trải nghiệm cùng những tục lệ độc đáo của người dân ở đây là minh chứng cho sự sống động, bí ẩn nhưng đầy hấp dẫn đó. Không ai có thể khẳng định những lời nguyền, những tục lệ ăn sâu vào tiềm thức của các đồng bào trên đây là thực, hư; chỉ biết rằng, với những tục lệ và cách làm của họ bấy lâu nay đã góp phần không nhỏ vào trong việc bảo vệ những giá trị của rừng xanh trước nguy cơ tàn phá của con người.                        

 

Thấy rừng cháy mà không dập lửa cũng bị phạt rất nặng

Theo ông Ly Dờ Lúy, lệ làng đã định, cứ vào dịp đầu xuân, các bản, làng lân cận lại hội họp về rừng Cấm để cùng tổ chức lễ cúng "thần rừng" và thể hiện sự quyết tâm không để ai xâm hại đến rừng. Điều đặc biệt nữa là, lễ cúng thần rừng không chỉ có người dân sinh sống gần rừng, mà lãnh đạo địa phương, lực lượng kiểm lâm cũng có mặt đông đủ để tham dự lễ tế. "Người Hà Nhì ở Y Tý quan niệm, mỗi khu rừng đều có một vị thần trị vì và là phúc thần của mỗi bản làng nên vận mệnh của dân làng có liên hệ mật thiết đối với sự tồn vong của khu rừng ấy. Luật tục còn quy định, người nào thấy rừng cháy mà thờ ơ, không dập lửa cũng bị phạt rất nặng", ông Lúy cho biết thêm.

Anh Văn - Lộc Nguyễn

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Lời nguyền bí ẩn trong khu rừng Cấm ở Lào Cai (1)

Thứ 5, 20/06/2013 | 09:14
Cách không xa bản làng là mấy, nhác trông cũng giống như bao nhiêu vùng thâm sơn cùng cốc khác, thế nhưng, khi đặt chân vào những khu rừng này, hầu hết đều có chung một cảm giác như bị ai đó theo dõi.

'Lời nguyền ế chồng' nơi bãi rác

Thứ 3, 18/06/2013 | 09:51
Ở Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), nơi hoạt động nào của con người, chuyện ăn, chuyện ngủ, kể cả chuyện “yêu”… cũng gắn liền với mùi khăm khẳm của bãi rác, rất nhiều phụ nữ đã bước vào tuổi "băm" mà vẫn thui thủi một mình.

Lời nguyền về cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam

Thứ 6, 17/05/2013 | 16:18
Chẳng hiểu vì sao, cây cầu Thuận Phước (TP.Đà Nẵng) bắc qua sông Hàn, một trong những cây cầu dây văng dài và đẹp nhất Việt Nam, lâu nay vô tình lại là "nhân chứng sống" cho nhiều thảm kịch đau lòng. Từ khi khánh thành, đưa vào sử dụng đến nay, cây cầu thế kỷ này đã chịu nhiều lời đồn thổi vô căn cứá, khiến bao người mỗi khi qua đây đều rợn tóc gáy...

Người chống lại lời nguyền của 'thần biển'

Thứ 5, 25/04/2013 | 14:44
Sau những chuyến ra khơi trở về tay trắng, người Ngư Lộc (Thanh Hóa) đồn rằng anh bị thần biển phạt vì tội “cướp mồi”, dám cứu 14 mạng người trong hai vụ chìm tàu đầu năm 2013.

Đánh thức xác ướp, kinh hoàng lời nguyền bắt đầu ứng nghiệm

Thứ 5, 04/04/2013 | 09:28
Một ngày những xác ướp đã ngủ yên hàng nghìn năm dưới đất sâu bị đánh thức... và những lời nguyền kinh hoàng bắt đầu ứng nghiệm.