Có vụ khiếu nại kéo dài tới 1/3 thế kỷ

Có vụ khiếu nại kéo dài tới 1/3 thế kỷ

Thứ 3, 20/08/2013 | 16:43
0
Thời gian qua, tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM... số vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài (đặc biệt trong lĩnh vực đất đai) ngày càng gia tăng.

Cứ “vác” đơn về, lại “vác” đơn đi

Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, năm 2012, số lượt người, số vụ khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2011 nhưng tính chất phức tạp, gay gắt tăng hơn, đặc biệt là số đoàn đông người ngày càng nhiều.

Còn nhớ, trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" phát sóng trên truyền hình cuối tháng 3, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: "Có những vụ kéo dài tới 35 - 36 năm. Nguyên nhân của các vụ khiếu nại kéo dài do cơ chế chính sách chưa đầy đủ, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân; do lịch sử để lại; một số địa phương, ngành chưa giải quyết đến nơi đến chốn; và một số vụ do người dân không hiểu biết về pháp luật nên khi đã giải quyết nhiều lần họ vẫn chưa hài lòng".

Thời gian gần đây, số vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài xảy ra phổ biến và dai dẳng ở các thành phố lớn. Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên địa bàn phía Nam (ngày 15/8), Thanh tra Chính chủ công bố: Năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn phía Nam có những diễn biến phức tạp, khiếu kiện có chiều hướng gia tăng. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đường giao thông, khu du lịch, di dời chợ truyền thống. 

Được biết, đến hết tháng 7/2013, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã rà soát 295 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài tại khu vực các tỉnh phía Nam và đã giải quyết xong 265 vụ việc. Quá trình giải quyết 265 vụ việc, cơ quan chức năng đã kiến nghị giải quyết quyền lợi cho công dân với tổng số tiền và tài sản là 158 tỉ đồng, 32 ha đất sản xuất, 3.000 m2 đất ở và 24 nền đất tái định cư.

Luật sư - Có vụ khiếu nại kéo dài tới 1/3 thế kỷ

Người dân ngồi chờ khiếu nại đất đai ở Hưng Yên - Ảnh nguồn Internet.

Các địa phương có khiếu nại đông người, phức tạp là: Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre,... Đáng chú ý là một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối, chống người thi hành công vụ gây phức tạp tình hình, làm mất an ninh trật tự.

Cách đây không lâu (ngày 10/7), ông Nghiêm Sỹ Minh- Phó vụ trưởng Vụ 3, thuộc Thanh tra Chính phủ cùng các ban ngành tỉnh Bình Thuận tiến hành đối thoại trực tiếp với 7 hộ dân khiếu nại kéo dài, trong đó có vụ kéo dài hơn 20 năm như: Vụ đòi lại nhà của bà Võ Thị Lan ở TX.La Gi. Bà Lan cho rằng, căn nhà của cha mình để lại không liên quan gì đến Rạp chiếu bóng La Gi nhưng đã bị trưng thu và giao cho công ty Chiếu bóng Bình Thuận.

Sáu vụ việc còn lại đều liên quan đến việc thu hồi đất của dân, nhưng chưa được bồi thường, hoặc bồi thường chưa thỏa đáng, nên các hộ dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Đây là những vụ việc kéo dài mà các hộ khiếu nại ở Bình Thuận liên tục gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ và các cấp Trung ương trong nhiều năm qua. Sau cuộc đối thoại đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tham mưu để trả lời dứt điểm cho dân. Những vụ việc liên quan đến tranh chấp, sẽ hướng dẫn dân đem ra tòa án giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Hoạt (Hà Đông, Hà Nội), một trong những người thường xuyên có mặt tại trụ sở Ban tiếp dân TP.Hà Nội, cho biết: "Đến nay đã 10 năm, tôi "vác" đơn khiến nại đến các cơ quan chức năng. Vụ tranh chấp đất cát của gia đình tôi đã kéo dài 10 năm qua. Đưa đơn lên quận, quận không giải quyết. Mỗi năm có 12 tháng, tháng nào tôi cũng có mặt ở trụ sở tiếp dân của các cơ quan hành chính. Tôi đã đi khắp các nơi liên quan, từ địa phương đến trung ương. Địa phương giải quyết tôi thấy không thoả đáng, lên các cấp trên lại giao về cho địa phương! Người dân chúng tôi quá khổ sở, vất vả với "đường đua" khiếu kiện, khiếu nại".

Theo tìm hiểu của PV, 99% người dân đến đăng ký được gặp ở buổi lãnh đạo thành phố tiếp dân là các vụ việc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, không ít người dân bức xúc khi thấy tên mình trong danh sách bị từ chối không tiếp được dán tại trụ sở ban tiếp dân.

Cơ chế, chính sách giải quyết khiếu nại còn bất cập

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế, chính sách giải quyết khiếu nại còn nhiều bất cập, chồng chéo.

Bà Nguyễn Thị Khá- Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay: "Thực tế thời gian qua cho thấy, các vụ khiến kiện kéo dài, tụ tập đông người chủ yếu là các dự án, liên quan đến thu hồi đất đai của người dân với diện tích lớn. Đặc biệt liên quan đến các dự án kinh tế phải thu hồi đất.

Chính vì thế, muốn giảm được tình trạng khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người thì cần phải xem xét các dự án một cách cụ thể, công khai. Tiếp theo là phải lấy ý kiến của người dân sống và có lợi ích liên quan tại khu vực đó. Những phương án thu hồi phải được trình bày để người dân biết. Việc công khai, trình bày phải là một cuộc đối thoại thực sự giữa cơ quan chức năng với người dân. Đơn vị thu hồi nói và phải nghe lại ý kiến của người dân, chứ không phải trình bày gói gọn trong một chiều. Như thời gian gần đây, các công trình thu hồi đất có tính đến tái định cư cho người dân bị thu hồi.

Tuy nhiên, nó thiếu sự đồng bộ. Người dân bị thu hồi đất có chỗ ở mới, nhưng lại không biết làm gì để sinh sống, không có kế mưu sinh lâu dài thì họ vẫn bỏ chỗ tái định cư đi tìm nơi có thể tìm được việc làm. Những đồng tiền được đền bù được họ dùng vào việc mua sắm nhanh chóng hết mà không thể đầu tư làm ăn. Cuối cùng họ vẫn nghèo. Rồi khi thấy đất ở nơi họ di dời đi có giá trị, họ lại tập trung khiếu nại".

Trao đổi với PV, bà Bùi Thị An- ĐBQH đoàn Hà Nội nhận định: "Một trong những nguyên nhân khiến việc khiếu kiện kéo dài, đặc biệt là khiếu kiện liên quan đến đất đai ở các thành phố lớn là do cơ chế, chính sách không nhất quán. Mỗi năm, Hội đồng nhân dân thành phố lại họp để quy định giá đất thích hợp với địa phương nên giá đất có những sự biến động.

Đặc biệt, nhiều trường hợp nhận tiền đền bù trước lại được ít tiền hơn người nhận tiền đền bù sau! Chính cơ chế đền bù không nhất quán khiến cho dân tại các dự án khiếu kiện kéo dài. Kèm theo đó là liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, hồ sơ lưu trữ thiếu, khiến cho cán bộ phải vận dụng không thống nhất cũng làm tăng việc khiếu kiện liên quan đến đất đai".                                      

Đâu là “gốc” vấn đề?

Bà Nguyễn Thị Khá cho rằng: "Muốn hạn chế phải có quy hoạch và phải được công khai, họp và đối thoại với dân. Chỉ sau khi lãnh đạo trực tiếp gặp dân, giải đáp thỏa đáng mà người dân vẫn chống đối mới tiến hành cưỡng chế. Cần xem xét rõ thời điểm thu hồi đất của các cơ quan thẩm quyền, đồng thời đề nghị bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu trong lĩnh vực thu hồi đất. Và quan trọng nhất, người dân bị thu hồi đất phải được tạo điều kiện ổn định cuộc sống có như thế mới giải quyết dứt điểm được việc khiếu nại. Đặc biệt, có những dự án sau khi thu hồi đất, mặt bằng đã có nhưng dự án lại không đi vào hoạt động, chỉ quây rào kín đất rồi bỏ đó, trong khi những người bị thu hồi đất không có đất sản xuất".       

Phải "xử" nghiêm cán bộ không giải quyết KNTC hoặc giải quyết sai!

LS. Nguyễn Hoàng Lĩnh (Hải Phòng) cho rằng: "Cần xử lý nghiêm những người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng không giải quyết hoặc giải quyết sai. Thậm chí, đã giải quyết sai lại còn tình trạng trên bao che cho dưới. Ngoài việc xử lý trách nhiệm cán bộ công chức giải quyết, ra kết luận sai thì những người này còn phải bồi thường thiệt hại".

Mai Giang

Tố cáo tiêu cực ngân hàng được thưởng hơn 2.000 tỷ đồng

Thứ 2, 19/08/2013 | 08:26
Khi mà vụ việc chị Hoàng Thị Nguyệt tố cáo bệnh viện Hoài Đức nhân bản kết quả xét nghiệm có hệ thống còn đang nóng hổi thì dư luận lại một lần dậy sóng sau khi người y tá dũng cảm này chỉ được ngành y tế Hà Nội thưởng ... 350.000đ. Bình luận trên một tờ báo lớn, có nhà báo so sánh số tiền này "chưa bằng một cái phong bì dự họp".

Cam kết bảo vệ người tố cáo 'nhân bản' xét nghiệm

Chủ nhật, 18/08/2013 | 22:20
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định sẽ tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho các chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định và Phan Thị Nam Đông - những người dũng cảm tố cáo gian lận “nhân bản” xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức.

Đã giải quyết 93,15% khiếu nại, tố cáo phức tạp

Thứ 6, 09/08/2013 | 09:12
Sáng ngày 8/8, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ tại các tỉnh, TP trực thuộc TƯ khu vực phía Bắc và các Bộ, ngành TƯ.

Uỷ ban Kiểm tra TW xác minh vụ cựu bí thư TT - Huế bị tố cáo

Thứ 5, 13/06/2013 | 13:13
Hôm 11/6, tại trụ sở Huyện ủy Phong Điền, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư đã có buổi làm việc với một số cựu chiến binh (CCB) đứng đơn khiếu nại hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND của ông Hồ Xuân Mãn, cựu bí thư Tỉnh ủy TT- Huế.

Lập ban tiếp nhận tố cáo kỳ thi đại học, cao đẳng

Thứ 3, 11/06/2013 | 14:16
Bộ GD-ĐT yêu cầu Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ, Thanh tra Bộ GD-ĐT, Thanh tra Sở GD-ĐT, các đoàn thanh tra tuyển sinh tổ chức tiếp nhận thông tin tố cáo tiêu cực, bảo quản bằng chứng và xử lý các vi phạm theo quy định.

Khi người tố cáo thành... bị cáo

Thứ 3, 21/05/2013 | 08:31
Có những vụ án, người đi tố cáo sau đó lại thành... bị cáo. Dưới đây là một ví dụ....