Gian nan cõng chữ lên đỉnh Thiên Cấm Sơn

Gian nan cõng chữ lên đỉnh Thiên Cấm Sơn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Nhiều học sinh Núi Cấm đã tốt nghiệp đại học, đi làm việc ở khắp nơi. Đó là sự cố gắng của những người thầy không quản nhọc nhằn cõng chữ từ đồng bằng lên ươm chữ trên đỉnh núi.

Những người bám đất nghèo, gieo con chữ

Núi Cấm cách đây hơn 20 năm là vùng đất hoang sơ, đường đi lại gập ghềnh. Người dân sống trên Núi Cấm thưa thớt, những đứa trẻ muốn đi học phải đi bộ gần chục cây số đường rừng núi để xuống dưới đồng bằng kiếm chữ. Nhiều em nhỏ đã không thể đến trường. Rồi như trong chuyện cổ tích thời hiện đại, những vị thần tiên nơi trần thế xuất hiện đã dựng ở đây một mái trường và gắn bó với sự nghiệp gieo con chữ.

Trường lá đơn sơ ngày ấy, gắn với cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Anh, Lưu Tuyết Lệ và thầy Trần Hoàng Anh. Họ là những người ở Mỹ Tho, Cà Mau về xứ núi lập nghiệp. Họ đã góp tiền, góp công cùng những người dân dựng lên một ngôi trường lá đơn sơ rồi tham gia dạy học. Mãi sau này, tại mái trường lá đơn sơ, trường tiểu học B An Hảo đã được xây dựng kiên cố hơn.

Xã hội - Gian nan cõng chữ lên đỉnh Thiên Cấm Sơn

Hiện nay, trên đỉnh Núi Cấm chưa kể dân tạm trú bán buôn theo thời vụ ở đây có 2.000 nhân khẩu tương ứng với khoảng 390 hộ dân thường trú. Theo sự phát triển dân số, năm 2005, Núi Cấm chính thức thành lập trường trung học cơ sở. Các nhà doanh nghiệp cũng ủng hộ cho vùng sơn địa 150 triệu để xây thêm 2 phòng học tại dốc Cao Đài Tự nhằm giúp học trò được đi học gần nhà. Người dân trên núi phấn khởi lắm. Vậy là từ cái thuở ban đầu hoang sơ, giờ trên đỉnh Núi Cấm đã có ba cấp học từ mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Nhiều thầy cô tâm huyết tiếp sức với ba người thầy đầu tiên đã đến nhận việc và gắn bó với sự nghiệp trồng người trên Núi Cấm.

Vượt lên khó khăn

20 năm qua, các thầy cô đã bỏ nhiều công sức để nâng cao dân trí cho vùng non cao này. Cô Nguyễn Thị Mỹ Anh giờ cũng đã 61 tuổi, về nghỉ hưu, nhưng nhiều thầy cô đã vượt qua khó khăn tiếp sức cùng cô chăm sóc cho con chữ đạt trình độ cao hơn. Số giáo viên đến với Núi Cấm theo nhu cầu đã tăng lên nhưng cũng đồng nghĩa với nhiều lo lắng về nơi ăn, nghỉ của các thầy cô.

Tại điểm trường chính có 8 phòng học nên phải dùng chung cho hai cấp. Dự án trường trung học cơ sở Núi Cấm mặc dù đã có từ lâu nhưng chưa được thi công. Nhà công vụ cho giáo viên cũng chưa được xây dựng lại, do đó các thầy cô còn tiếp tục... "vượt cạn" để bám trụ trường lớp.

Được biết, trường trung học cơ sở Núi Cấm có tổng cộng 15 giáo viên và nhân viên thì có tới 12 giáo viên phải ở trong nhà công vụ tạm là hai phòng học cũ kỹ, ẩm thấp, chật hẹp. Vậy là để ưu tiên phái nữ, các thầy đã nhường cho hai cô giáo ở một phòng, số còn lại tỏa ra nhà dân cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con.

Đối với 4 cô giáo tiểu học và một giáo viên mẫu giáo đời sống cũng khó khăn chẳng kém. Đến đây, chúng tôi còn nghe nhiều chuyện băn khoăn lắm. Vợ chồng thầy Nguyễn Quốc Nam và cô Dương Hoàng Vân năm học này đã phải tạm xa nhau. Cô chuyển xuống đồng bằng dạy để thuận lợi hơn cho việc sinh con đầu lòng, còn thầy Nam ở lại trên núi và cuối tuần lại hạ sơn về thăm vợ.

Đến nhà công vụ, nơi ở của hai cô giáo, chúng tôi không khỏi ái ngại. Đó là một phòng chừng vài mét vuông, chỗ ngủ là cái dát giường xiêu vẹo kê trên bệ xi măng vừa người nằm. Căn phòng trống tuếch, trống toách ai vào cũng được. Các cô đang lên lớp, dẫn chúng tôi thăm "nhà công vụ" của hai cô là thầy Đặng Văn Nhàn.

Đêm xuống, vùng núi chìm trong sự thăm thẳm, sâu đến khôn cùng. Chiếc đèn dầu khêu lên khi chạng vạng tối, lúc soạn giáo án, chấm bài của học sinh. Mọi thói quen, giải trí, thư giãn đều không còn. Có lẽ chỉ có ở nơi đây, chúng tôi mới được nghe lại câu chuyện như của thuở xa xôi nào đó. Trường tiểu học đang xài cái máy chữ cũ kỹ để đánh công văn, giấy tờ. May mắn hơn, trường trung học cơ sở được trang bị dàn máy vi tính nhưng điện không có, máy đành gửi xuống dưới đồng bằng. Cô Nguyễn Thị Gia Phú, nhân viên kế toán nói: "Giấy tờ, công văn quan trọng gom cả lại, lâu lâu đem xuống đất liền làm xong rồi quay về núi. Mỗi lần đi lại như vậy, phải tốn ít nhất 40.000 đồng tiền túi".

Và những tia sáng

Thầy Phạm Huy Cường kể: Năm 2002, mới ra trường thầy về Tịnh Biên nhận quyết định phân bổ đến trường tiểu học B An Hảo. Đi mãi dưới đồng bằng không tìm thấy trường, hỏi người dân mới biết trường ở trên đỉnh Núi Cấm. Đi bộ lên núi đã thì chiều muộn, trình quyết định xong, thầy hiệu trưởng nói ngay: "Ngày mai thầy mang đồ lên nhận việc ngay".

Thầy Cường nói: "Thiệt tình, lúc ấy tôi ngán ngẩm vô cùng, tôi muốn bỏ luôn. Cứ nghĩ đến quãng đường xuống núi ngày mai đã ngán lại còn chuyện ăn ở. Nhưng thấy các cô, các thầy đi trước vẫn bám trụ tại trường, lẽ nào mình tuổi trẻ lại thua cuộc, tôi đã vượt qua thời khắc dao động ấy". Bốn năm thời gian không dài nhưng cũng đã đủ để thầy Cường quen với đất và người ở chốn mới. Bây giờ thầy Cường không còn muốn tính chuyện ra đi. Thầy đã tìm thấy một nửa của mình nơi chốn non cao này.

Năm tháng gian khó nhất trên đỉnh Núi Cấm, chúng tôi được nghe người dân nói nhiều về những bông hoa vẫn nở trên đất đá cheo leo, những người con của núi đã thành đạt. Họ đã học từ mái trường lá để xuống đồng bằng tiếp tục sự học và vào đại học. Số này được tính lên con số hàng chục đang thành đạt ở khắp mọi nơi. Và còn đó, những người con Núi Cấm tiếp tục trở thành người đưa đò. Nhờ có những thầy cô gắn bó với Núi Cấm, con người, mảnh đất nơi này đã và đang từng bước đổi thay.

Lên chơi Núi Cấm, chúng tôi nghe lại câu chuyện về ông Ba Ban quê ở Bến Tre lên Vồ Thiên Tuế hồi mới giải phóng, lập nghiệp bằng nghề bán quán giải khát và trồng rừng trên đỉnh núi. Con trai ông đã tốt nghiệp đại học Cần Thơ và hiện đang dạy học ở trường trung học phổ thông ở chợ Tri Tôn. Nhắc lại chuyện học hành của con, ông Ba Ban nói: "Hồi đó, đường đi lại gập ghềnh, cho con xuống núi học từ lúc đánh vần, tôi sợ nó nản lại bỏ học. May quá, có các thầy cô dựng lớp dạy đám trẻ biết đọc, biết viết thổi cho chúng niềm hăng say học tập, truyền cho trẻ sức mạnh để bước chân thêm dẻo dai khi xuống núi học lên cao hơn".

Theo gương ông Ba Ban, ông Năm Chuột, người miệt Hòa Hảo lên Núi Cấm làm ăn cũng dốc sức cho con ăn học. Vợ chồng ông Năm Chuột mở quán bán hàng gần ngã ba đường xuống động Thủy Liêm và đưa đón khách tham quan lên núi. Nhờ có trường trên núi, ông Năm cho các con đi học biết đọc, biết viết thành thạo. Tằn tiện những khoản chi tiêu, ông lại gom góp tiền của cho con xuống núi học tiếp. Ông trồng cây miệt mài và giờ đã có trái ngọt. Một người con của ông đang học trung học chuyên nghiệp, giờ cũng sắp ra trường.

Chúng tôi biết, trong tâm tưởng của người dân Núi Cấm, hình ảnh của những người thầy đầu tiên lên núi dựng trường sâu đậm lắm. Cô Mỹ Anh giờ đã nghỉ hưu, nhưng các con của cô cũng theo nghề dạy học. Con trai lớn của cô đang dạy học ở trường trung học phổ thông Chi Lăng (Tịnh Biên), còn mấy người con của cô cũng đang đi học. Niềm vui của cô Mỹ Anh sau năm tháng vất vả dựng trường, đứng lớp đã được đền đáp. Các con của cô đã trưởng thành và cùng với đó, bao lớp con em của người dân trên đỉnh Núi Cấm đã được học hành và trở thành người có ích cho xã hội.

Núi Cấm giờ đã thay đổi nhiều, những công trình dịch vụ tiện ích được mọc lên. Con người nơi đây đã được chăm lo hơn về đời sống kinh tế và chuyện học hành ngày càng thuận lợi hơn. Núi Cấm đã được đánh thức!

Uyên Na