Gian nan 'xoay' tiền đưa con 'lai kinh ứng thí'

Gian nan 'xoay' tiền đưa con 'lai kinh ứng thí'

Thứ 2, 08/07/2013 | 07:42
0
Trong những ngày thi đại học, nhiều bạn trẻ sẽ càng thấm thía hơn công ơn của những bậc sinh thành.

Vay nặng lãi đưa con đi thi

Cô Nguyễn Thị L. (quê ở Chợ Gạo, Vụ Bản, Nam Định) chia sẻ: "Vợ chồng tôi lên kế hoạch tích cóp tiền cho con đi thi từ cả năm trước. Tết ra, hai vợ chồng vay mượn tiền mua lợn giống về nuôi, dự định đến cuối tháng 6 sẽ bán lứa lợn lấy tiền cho con đi thi. Ai ngờ, đợt tháng 5 vừa rồi, Nam Định chịu dịch lợn tai xanh, cả đàn lợn lăn ra ốm rồi chết. Bao nhiêu tiền đổ vào đó giờ tay trắng.

Bất đắc dĩ, tôi bàn với chồng bán hai tạ thóc (mỗi tạ được 750.000 đồng) được số tiền 1,5 triệu đồng. Bán thóc rồi thì sẽ thiếu gạo ăn nhưng bí quá đành phải bán trước đã. Thế nhưng, tính toán thế nào thì số tiền ấy cũng chẳng đủ cho hai mẹ con trụ lại Hà Nội 10 ngày vì cháu còn thi hai trường, ĐH Sư phạm Hà Nội và đại học Hà Nội nữa.

Chồng tôi đành tính cách đi vay nặng lãi của người cùng thôn. Vay 3 triệu đồng, người ta tính lãi 30.000 đồng/triệu/ngày. Tiền lãi một ngày bằng tiền cả nhà tôi mua thức ăn hai ngày trời. Chẳng dám nghĩ đến khi trả tiền thì cả gốc lẫn lãi đã lên tới bao nhiêu. Thế nên, khi mẹ con tôi đi thi thì ông ấy ở nhà vẫn đang chạy vạy khắp nơi, xoay tiền trả trước chỗ vay nặng lãi, rồi sau đó kiếm tiền trả dần”.

Xã hội - Gian nan 'xoay' tiền đưa con 'lai kinh ứng thí'

Sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt của ông Lâm.

Nói về chỗ ăn, chỗ ở của hai mẹ con, cô L. cho hay, hai mẹ con cô thuê phòng ở ghép với một số người khác nữa trong căn phòng chật chội ở gần trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Tiền trọ là 100.000 người/ngày. Được nhà chủ cho mượn nồi cơm và bếp nấu, cô và những người ở cùng góp tiền mua gạo, mua thịt và ít rau về nấu cho các cháu ăn.

May mắn cho những ngày đầu lên Hà Nội, thời tiết có chút mưa nên căn phòng không quá nóng, dù chật chội nhưng đêm đêm cũng chợp mắt được chút ít để lấy sức chăm sóc cho con. Được biết, sau khi thi xong ở ĐH Sư phạm Hà Nội, hai mẹ con cô sẽ chuyển đến gần khu vực trường ĐH Hà Nội.

Trước đó, cô đã nhờ người quen hỏi giúp chỗ trọ với giá 70.000 đồng/người/ngày. Cô đang cố căn ke sao cho số tiền hơn 4 triệu đồng sẽ đủ cho hai mẹ con qua được hai kỳ thi.

Cùng cảnh như những người nông dân từ xa đến, bà Tạ Thị Đường (SN 1964, quê ở Hoàng Vân, Hiệp Hoà, Bắc Giang) cũng dành dụm số tiền bán bốn tạ thóc đưa con gái Nguyễn Thị Hằng lên thi vào trường đại học Công nghiệp Hà Nội. Số tiền bán thóc vỏn vẹn được 2,4 triệu đồng, bà Đường lo sợ sẽ không đủ chi tiêu cho 5 ngày ở Hà Nội của hai mẹ con.

Có lẽ thấu được nỗi vất vả của những bậc làm cha, làm mẹ nên "ông trời" cũng rủ lòng thương mẹ con bà Đường. Trong khi đang rong ruổi đi tìm nhà trọ, bà may mắn được các thanh niên tình nguyện giới thiệu đến chùa Đình Quán (xã Phú Diễn, Từ Liêm).

Được biết, những ngày thi đại học, chùa sẽ cho thí sinh xa quê ở nhờ. Bà mừng như bắt được vàng bởi lo được chỗ ở mà lại không mất tiền. Đến chùa, bà còn được các nhà sư và các tình nguyện viên giúp đỡ về việc ăn ở. "Chỗ ở của nhà chùa cũng khá rộng rãi, thoải mái, và không khí yên tĩnh. So với đi trọ ở đây là một điều quá tuyệt vời. Đi lại thì có các bạn sinh viên tình nguyện chỉ dẫn tận tình. Nên hai mẹ con cảm thấy may mắn và không phải lo lắng lắm.

Giờ, việc ăn ở không phải chi tiêu nhiều nên tôi lại dành dụm số tiền đó về chi tiêu việc khác như mua lợn, gà,... để chăn nuôi. Biết đâu sắp tới con đỗ đại học thì có khoản mà trông chờ", bà Đường tươi cười nói.

Khi hỏi tại sao không để chồng đưa con đi thi, bà Đường thật thà nói: "Chồng giao cho tôi đưa con đi thi vì nghĩ phụ nữ biết lẽ chi tiêu hơn, sẽ tiết kiệm được chút tiền. Lúc lên bến xe Gia Lâm, ham rẻ, hai mẹ con nghe lời mời chào của cánh xe ôm, đánh liều chỉ thuê một người chở. Ai ngờ trên đường đi bị mấy chú cảnh sát giao thông tuýt còi phạt vì lỗi chở quá số người quy định. Tay xe ôm kì kèo bắt tôi chịu 150.000 đồng tiền phạt. Xót tiền lắm nhưng cũng phải trả họ cho xong.

Lúc ấy nghĩ, chưa thi cử gì mà đã mất một món tiền như thế thì những ngày tới sẽ sống sao? Nhiều lúc, tôi cũng cố nén tiếng thở dài, để không ảnh hưởng đến con”.

Xã hội - Gian nan 'xoay' tiền đưa con 'lai kinh ứng thí' (Hình 2).

Mẹ con cô Loan (ngoài cùng, bên phải) may mắn được tá túc tại chùa nên tiết kiệm được đáng kể chi tiêu.

Nỗi sợ con trượt và nỗi lo con... đỗ

Có mặt tại điểm thi trường ĐH Khoa học Tự Nhiên, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Vũ Đình Lâm (45 tuổi, quê ở Thanh Oai, Hà Nội). Trong lúc đứng chờ cô con gái Vũ Thị Trinh đang ở trong trường thi, ông Lâm nóng ruột đứng ngồi không yên. Lân la một hồi lâu, người đàn ông có dáng người nhỏ thó mới rụt rè tiếp chuyện.

Ông Lâm cho hay, thường ngày, ngoài việc cấy mấy sào ruộng, ông chỉ biết đi theo công trình làm thợ xây. Tiền công thợ xây là 170.000 đồng/ngày. Tháng nào chú nào đều đặn 30 ngày thì được khoảng 5 triệu đồng nhưng không phải khi nào thời tiết cũng thuận tiện cho mà làm. Số tiền ông làm được trang trải cuộc sống cho gia đình bốn miệng ăn. Hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học nên cũng mất rất nhiều chi phí. Cho con lên thi trên thành phố, ông may mắn được mấy đứa cháu họ cho ở nhờ phòng trọ. Ông chỉ mất tiền ăn và đi lại.

Khi hỏi về lực học của cô con gái, ông Lâm tươi cười bộc bạch: "Nó học cũng khá tốt, thấy được giấy khen của nhà trường. Hai vợ chồng đi làm suốt ngày, thấy cháu nó có ý thức tự học, tôi cũng mừng rỡ. Chỉ mong cho con thi đỗ, nhưng lỡ nó đỗ...!".

Ông trầm ngâm: "Đưa con đi thi thì mong nó đỗ lắm. Nhưng nó đỗ rồi cũng "mệt". Chắc sẽ tốn nhiều tiền lắm đây. Tôi nói đùa với con: Con không đỗ thì con "chết" với bố, mà con đỗ thì bố "chết" với con...". 

Có chung nỗi lo về cơm áo gạo tiền khi đưa con "lai kinh ứng thí" như ông Lâm, ông Trần Văn Chiến (52 tuổi, quê ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá) cũng bộc bạch về câu chuyện của cha con mình. Nhà ông Chiến có bốn đứa con, đứa con gái lớn đã đi lấy chồng. Cô con gái thứ hai ham học từ nhỏ và thường xuyên được đi thi huyện, thi tỉnh. Năm nay, con ông đăng ký thi vào trường ĐH Thương mại.

Để có tiền cho con đi thi, ông xin ứng trước một tháng lương làm thuê chở cát được 3 triệu đồng. "Ngày con làm hồ sơ thi đại học, ông chỉ mong nó thi trường nào gần gần ở Thanh Hoá hoặc Vinh để còn tiện đường đi lại và giảm bớt chi tiêu. Nhưng nó thuyết phục mãi, xin ông cho nó thi ngoài Hà Nội. Nếu đỗ, nó sẽ đi làm thêm để kiếm tiền ăn học, đỡ đần một phần cho bố mẹ. Hôm lên thi, bà nhà tôi chuẩn bị sẵn cho một gói muối lạc và một lọ cá khô. Mỗi bữa đi ăn cơm bụi, tôi chỉ gọi một suất cơm, gọi thêm một ít cơm để hai bố con ăn chung", ông Chiến ngậm ngùi kể.

Giữa những ngày thi cử mệt mỏi, lòng người cha, người mẹ nào cũng chồng chất lo toan, lo cho con ăn, lo cho con ở, lo con thi sao cho tốt nhất. Nhưng có lẽ nỗi lo lớn nhất đang đè nặng lên vai họ, ấy chính là chuyện cái nghèo còn đeo đẳng mãi khi con gái ngày đêm nuôi ước vọng đèn sách. Thương con, họ chỉ biết giật gấu vá vai, chắt chiu từng đồng lẻ để giúp con thoả nguyện giấc mơ đổi đời.                  

Hồng Dương

Những yêu sách của cậu ấm, cô chiêu khi đi thi đại học

Thứ 5, 04/07/2013 | 14:16
Thi đại học là dịp để nhiều công tử, tiểu thư con nhà giàu hành bố mẹ, đưa ra những yêu sách, đòi hỏi những tiêu chuẩn hạng sang như ở khách sạn đẹp, tiêu tiền triệu.

Giới trẻ chế ảnh vui 'giải nhiệt' mùa thi đại học

Thứ 5, 04/07/2013 | 09:07
Vừa chúc may mắn, vừa "hù doạ" để các thí sinh tập trung vào kì thi là cách mà cư dân mạng gửi gắm tình cảm tới các thí sinh mùa thi đại học - cao đẳng 2013.

Đua nhau 'chặt chém' phòng trọ mùa thi Đại học

Thứ 2, 01/07/2013 | 09:07
Cuối ngày 30/6, hàng trăm ngàn thí sinh cùng phụ huynh từ các tỉnh thành bắt đầu đổ về Hà Nội dự kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học đợt một năm nay.