Gian nan nghề 'nín thở' mưu sinh

Gian nan nghề 'nín thở' mưu sinh

Thứ 2, 11/02/2013 | 11:57
0
Người vùng biển ví nghề thợ lặn như "hồn treo cột buồm". Đó là biểu tượng của sự sống và cái chết nơi biển cả. Con người phải vượt trên sóng to, gió lớn, đối mặt với muôn vàn khó khăn nơi biển sâu. Những ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) ngày ngày phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đương đầu với sóng gió, hiểm nguy với nghề đánh bắt hải sản. Nguy hiểm nhất là những thợ lặn. Biển "dịu êm" thì không sao, biển động, họ cũng phải "nín thở" để mưu sinh.

"Sói biển" ở đảo Lý Sơn

Trước đây Lý Sơn chỉ có khoảng vài ba trăm tàu cá loại nhỏ, ngư dân phần lớn đánh bắt ven bờ. Sản phẩm chủ yếu là cá chồn, cá trích... nên hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, Nhà nước đầu tư xây dựng cảng cá trên đảo và hỗ trợ ngư dân kinh phí mua sắm ngư cụ, tàu thuyền để mở rộng nghề biển. Nhờ đó, đánh bắt thủy sản xa bờ của ngư dân Lý Sơn ngày càng phát triển.

Xã hội - Gian nan nghề 'nín thở' mưu sinh

Ông Bùi Thượng ở thôn Tây, xã An Hải.

Thực chất, nghề lặn, mò hải sản ở Lý Sơn được tiếp nối từ đời này sang đời khác như một nghề truyền thống, vì đây là kế mưu sinh chính của họ. Không đâu như ở Lý Sơn, ngư dân ra khơi đánh bắt mà không hề mang theo ngư cụ. Ông Nguyễn Dự, Chủ tịch UBND xã An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết: "Ở Lý Sơn hiện có hơn 400 chiếc tàu đánh bắt hải sản với khoảng hơn 3.000 lao động, thì có đến một nửa số tàu với khoảng 1.000 lao động khi ra khơi không cần mang theo ngư  cụ vì họ chỉ chuyên lặn. Mỗi chuyến tàu mang theo chừng 15 thợ lặn, rong ruổi khắp các vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam cả tháng trời mới về. Sản vật quý của biển đều nằm sâu dưới đáy nên để bắt được chúng, thợ lặn Lý Sơn phải tự rèn luyện cho mình kĩ năng lặn "đơn giản" như... ngồi uống cà phê. Bây giờ đã có bình hơi trợ giúp, thợ lặn ở Lý Sơn càng có nhiều thời gian tung tăng dưới biển, có người ở dưới đáy biển cả tiếng đồng hồ. Khi bắt được sản vật quý, họ giật dây báo hiệu để đồng đội trên tàu kéo lên, sau đó lấy hơi lao xuống biển lặn tiếp". Nhiều ngư dân huyện đảo Lý Sơn tâm niệm, cả cuộc đời gắn bó với nghề biển, sống chết với biển. Họ quan niệm, biển không chỉ là nơi mưu sinh cho cuộc sống gia đình đời này qua đời khác, mà biển còn là một phần của quê hương, của cha ông họ. Sự có mặt của người ngư dân ở đâu, ở đó là Tổ quốc, là đất mẹ Việt Nam.

Ở Lý Sơn mọi người nhắc nhiều đến một người đặc biệt có biệt danh là "sói biển". Đó là ông Mai Phụng Lưu, xã An Hải. Tàu của ông và của nhiều ngư dân khác ở An Hải, An Vĩnh thường tổ chức những chuyến đi đánh bắt cá xa bờ tại các đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Cát Dài thuộc quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi có mặt trên con tàu 11388 với 45 mã lực do ông Mai Phụng Lưu làm thuyền trưởng cùng các ngư dân khác thường xuyên có những chuyến đánh bắt cá xa bờ. Ông Lưu dáng người vạm vỡ, da rám nắng, giọng nói oang oang đặc trưng của người miền biển.

Ông Lưu cho chúng tôi biết, ông đã cùng các con và một số ngư dân khác đã đi gần 100 chuyến tàu ra quần đảo Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Từ năm 2005 đến 2010, tàu của ông 4 lần bị người Trung Quốc bắt giữ và phạt tiền. Lúc đó, ông cũng không hiểu vì sao mình là ngư dân lương thiện, đánh bắt nơi biển đảo của Tổ quốc mình mà lại bị người ta vô cớ bắt giữ. Dù bị phạt cũng không thể ngăn tàu của các ông. Vì đây là đất của ông bà tổ tiên ông nhiều đời ở đây, từ cụ cố ông, cụ Mai Văn Sô, ông nội Mai Văn Cựu, bố đẻ Mai Phụng Hoàng đã từng ra đảo khai thác sản vật. Ông Lưu cho chúng tôi xem gói đất bố con ông lấy từ cù lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa mà theo ông ở đó có ngôi mộ của ông ngoại ông. Ông ngoại của ông là cụ Phan Minh Dề tử nạn ở đảo, thân xác vẫn còn ở Hoàng Sa.

Theo lời kể của ông Lưu, ở Hoàng Sa và những ngư trường quanh đảo Lý Sơn, có rất nhiều hải sản vật quý, mang lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là hải sâm. Ngư dân khi đánh bắt hải sâm sẽ phải lặn xuống biển ở độ sâu 40m đến 50m. Một hơi lặn của người thợ lặn, nếu "trúng quả", có thể đánh bắt được tới 100kg hải sâm, tức là sẽ có ngay gần 200 triệu. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có được may mắn như thế. Trung bình, mỗi chuyến đi ra ngư trường gần quần đảo Hoàng Sa, tàu cá bé như tàu của ông Lưu sẽ đánh bắt được khoảng hai tạ hải sâm và khoảng 7 - 10 tấn hải sản.

Xã hội - Gian nan nghề 'nín thở' mưu sinh (Hình 2).

Ông Mai Phụng Lưu được mệnh danh là "sói biển" vùng đảo Lý Sơn.

"Vua lặn" và bí kíp lặn sâu tới 70m

Là ngư dân có rất nhiều kinh nghiệm về đánh bắt hải sản trên biển, lão luyện trong việc lặn mò tìm hải sâm, ốc vú ở những vùng nước sâu, nhưng ông Lưu vẫn tự nhận mình còn kém xa "Yết Kiêu" của Lý Sơn. "Yết Kiêu" được nói đến chính là ông Bùi Thượng ở thôn Tây, xã An Hải. Ông Bùi Thượng năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn giữ được thân hình cao lớn, cường tráng như thanh niên với những bắp tay, bắp chân chắc nịch và vòm ngực nở nang. 60 năm trong nghề lặn và là người nổi tiếng nhất ở Lý Sơn khi đã đoạt chiếc cúp vô địch môn lặn, giải đó được tổ chức năm 1963. Chiếc cúp giờ được ông Thượng đặt trang trọng trong chiếc tủ giữa nhà, và mỗi khi có khách tới, ông lại mang ra, say mê nói về nó với một sự trân trọng, tự hào, cũng như kể về cái nghề lặn sâu dưới đáy đại dương tìm kiếm hải sản quý.

Ông Thượng cho biết, năm 17 tuổi ông đã theo cha mẹ ra khơi lặn tìm hải sản. Hồi đó chưa có kỹ thuật lặn bình hơi mà chỉ lặn vo (không có sự trợ giúp của bình ô xy). Người lặn lấy hơi, tự quẫy tay để tìm độ sâu chứ không có sự trợ giúp nào. Trước khi lặn phải đeo vào người một cục đá nặng hơn 10kg, lặn mới đạt độ sâu 70 - 80m. Ở độ sâu đó mới mò được ngọc trai, hải sâm và những hải sản quý. Năm 1963 là năm tổ chức cuộc thi giải vô địch cúp quốc gia môn lặn tại đảo Lý Sơn. Trong cuộc thi ấy có 33 thợ lặn cừ khôi nhất của hai xã Bình Yến và Bình Vĩnh ứng thí, riêng Bình Yến chọn được ông Thượng và hai thợ lặn khác tham gia. Đó là cuộc thi gồm 3 phần thi: Lặn do, lặn bộ (dùng chân tay quẫy đạp tìm độ sâu chứ không đeo sắt) và thi nín hơi dưới nước. Trong phần thi lặn do mỗi thí sinh đeo vào người cục sắt nặng 15kg và ông Thượng chỉ đoạt giải nhì, đến phần thi lặn bộ thì ông đoạt giải nhất với độ sâu 27 sải tay (gần 40m). Phần thi nín hơi dưới nước cũng được một ngư phủ ở Bình Yến là ông Lê Luân đoạt giải nhất với thời gian nín hơi được 20 phút.

"Có một quy tắc mà mọi thợ lặn phải tuân thủ để bảo toàn tính mạng là, sau 30 phút lặn dưới độ sâu 60m, khi trồi lên cách mặt nước khoảng 40m thì thợ lặn phải dừng lại đó khoảng 10 - 15 phút để cơ thể thích ứng với áp suất của nước, sau đó khi còn cách mặt nước 15m cần phải nghỉ một lần nữa mới được lên tàu. Sau khi lên tàu phải để cơ thể nghỉ ngơi 30 phút mới được sinh hoạt bình thường. Thế nhưng có nhiều thợ lặn trẻ vì ỉ vào sức khỏe nên đã phải chịu sống nốt quãng đời còn lại với tật nguyền", ông "vua lặn" chia sẻ kinh nghiệm.

Sau khi đoạt chiếc cúp vô địch môn thi lặn bộ, ông Thượng không hề tự mãn mà ngày càng luyện tập nâng cao kỹ năng để giúp mình ngày càng an toàn hơn những lúc mưu sinh dưới đáy biển, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút là thợ lặn sẽ bị thủy thần nuốt chửng. Ông Thượng cho biết thêm: "Đến năm 65 tuổi tôi mới rời biển về nhà dưỡng già. Ở những năm về già tôi còn lặn được sâu đến 60-70m. Bây giờ lũ trẻ lặn có máy nén hơi và quần áo chuyên dụng trợ giúp nhưng cũng chỉ đạt đến chừng ấy là cùng".

Dưới đáy biển tại các hòn đảo Linh Côn, Duy Mộng, Cát Dài, Vĩnh Lạc thuộc quần đảo Hoàng Sa có khá nhiều hải sản quý mà thợ lặn Lý Sơn ngày ngày săn tìm như cây hoa đá, con đồn đột, con ngậu, con vải... có giá trị kinh tế cao. Nghề lặn, mò hải sản ở Lý Sơn được tiếp nối đời này sang đời khác như nghề truyền thống vì đây là kế mưu sinh chính của họ. Bởi thế, chẳng có gì lạ khi tổng dân số của Lý Sơn chỉ khoảng 20.000 dân thì đã có đến 1.000 thợ lặn thiện nghệ. Một nghìn thợ lặn hoạt động, mỗi năm thu về hàng chục nghìn kg hải sản và hải sâm, nó chính là nguồn sống chủ yếu của cư dân đảo.

Hiếm có nơi nào như ở Lý Sơn, trong số hơn 3.000 lao động ra khơi thì có tới 1/3 số lao động đi tay không. Những người thợ lặn chỉ với đôi bàn tay trần, với kỹ năng lặn thật lâu, thật sâu là ăn chắc rồi. Giá trị hải sản mỗi năm thu về từ thợ lặn có khi gấp 2 - 3 lần ngư dân đánh bắt bình thường. Vì thế, nghề lặn ngày càng có giá.

Nghề lặn biển ở Lý Sơn là một nghề mang lại thu nhập cao, nhưng cũng đòi hỏi người thợ lặn phải được trang bị những kĩ năng hành nghề tốt nhất, cùng với sự gan dạ, thông minh và khéo léo xử lý tình huống dưới nước, ở độ sâu. Ở Lý Sơn, hàng năm, sản lượng hải sản quý đánh bắt được bằng nghề lặn cũng là một thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện đảo, góp phần đem lại nguồn lợi thu nhập ổn định cho ngư dân.

Thanh Hòa - Lê Tuấn

Những người mò mẫm mưu sinh giữa lòng thành phố

Thứ 5, 31/01/2013 | 08:27
Ngâm mình dưới dòng nước thải đen ngòm, chịu đựng mọi thứ mùi hôi thối, đi theo những con vật trú ngụ ở nơi bẩn thỉu nhất, mang theo những mầm mống gây bệnh, hay chuyền cành là những loại nghề "độc" được một số người lựa chọn để mưu sinh giữa thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam này.

Mưu sinh nơi phố cổ Hội An

Thứ 3, 08/01/2013 | 08:40
Lần đầu tiên đặt chân vào phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), có lẽ điều khiến tôi ấn tượng nhất lại là hình ảnh những chiếc ghe nhỏ đang xuôi ngược trên sông Thu Bồn. Và nếu không tìm hiểu, hẳn mọi người nghĩ rằng đó là những ghe đang làm nghề bủa cá. Thực ra, đó ghe của những người bán hàng trên sông...

Thắt lòng cảnh "công nhân trẻ con" mưu sinh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
"Công nhân" Bảo mới 12 tuổi, mặt mày nhem nhuốc, ngước đôi mắt đen láy nói hớn hở với tôi: "Tách mỗi kí hạt điều được 3700 đồng, mỗi ngày con làm hơn 4 kí cũng đủ tiền phụ gia đình mua gạo".

Những đứa trẻ dắt khách mưu sinh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Khi tôi cầm chiếc vé mới mua được trên tay chạy ra bãi đỗ tìm chiếc xe khách biển kiểm soát 53K80... Đang loay hoay dưới trời mưa thì có một cô bé với chiếc ô trên tay chạy đến vừa che ô cho tôi vừa hỏi: "Chị đi xe nào?". Cô bé cầm ô che và dẫn tôi đến tận vị trí chiếc ô tô cần tìm.