Giáo dục đại học: Tăng tốc chạy đua để khắc phục hạn chế

Giáo dục đại học: Tăng tốc chạy đua để khắc phục hạn chế

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), đây mà một biện pháp mạnh, kiên quyết yêu cầu các trường khắc phục hạn chế đã tồn tại từ lâu để cải thiện và nâng cao điều kiện giáo dục

Cấp tốc tìm đất xây trường

Đầu năm 2012, Bộ Giáo dục & Đào tạo liên tiếp ban hành các quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với 7 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Bảy trường đại học, cao đẳng nằm trong danh sách dừng tuyển sinh hoàn toàn trong năm 2012 gồm: Đại học Hùng Vương TP. HCM, Đại học Đông Đô, Đại học Văn Hiến, Cao đẳng Công nghệ thông tin TPHCM, Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ bách khoa, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội và Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn.

Xã hội - Giáo dục đại học: Tăng tốc chạy đua để khắc phục hạn chế

Cơ sở hiện tại của Trường Cao Đẳng kinh tế kỹ thuật Hà Nội nằm trong khuôn viên chật hẹp, chung với trường THPT Lương Thế Vinh

Lý do ngừng tuyển sinh của các trường trên là do không đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu để phục vụ cho tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học, cao đẳng. Các trường đều chưa có cơ sở đào tạo thuộc sở hữu của trường và tỉ lệ sinh viên/giảng viên vượt quá quy định. Nhiều trường bị tạm ngưng tuyển sinh còn do tồn tại nhiều mâu thuẫn nội bộ, mất đoàn kết trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến không có khả năng điều hành hoạt động của trường. Đặc biệt, trường hợp được xem là mắc nhiều "bệnh" nhất dẫn tới ngưng tuyển sinh là trường Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn.

Theo quyết định của Bộ, lãnh đạo trường đã "tự ý thành lập các cơ sở đào tạo trái phép; tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo; chưa xây dựng được cơ sở vật chất trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường; vi phạm quy định Thông tư về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, tại chức. Ngoài ra, nội bộ nhà trường còn mất đoàn kết kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo, uy tín của nhà trường và địa phương".

Theo các quyết định của Bộ, sau thời hạn tạm ngừng tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì cấp có thẩm quyền quyết định tạm ngừng tuyển sinh ra quyết định cho phép nhà trường tuyển sinh trở lại. Việc xem xét này thực hiện hết năm 2012.

Ngay sau khi tiếp nhận quyết định của Bộ GD&ĐT, các trường nhanh chóng bước vào cuộc đua nước rút đạt chuẩn để được tiếp tục tuyển sinh trở lại vào năm 2013 tới. Đến thời điểm gần hết hạn mà Bộ GD&ĐT đưa ra 22/10, chúng tôi có chuyến thị sát đến những trường nằm trong nguy cơ bị tạm dừng đào tạo. Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội và Trường Đại học Dân lập Đông Đô. Khác với sự mường tượng những lo lắng về nguy cơ trường bị "xóa sổ" của PV, không khí dạy và học ở những ngôi trường này vẫn diễn ra bình thường. Lãnh đạo của hai cơ quan này tỏ ra tự tin trường mình vừa thoát khỏi diện có nguy cơ đình chỉ giảng dạy trong năm tới.

Ngày 19/10, trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Thanh Tĩnh, chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô cho biết: "Tháng 1/2012, Bộ GD&ĐT quyết định đình chỉ hoạt động tuyển sinh của Trường Đại học Dân lập Đông Đô vì hai lý do: Tỷ lệ giảng viên cơ hữu/sinh viên quá cao và trường chưa có đất thuộc sở hữu của trường. Khi đón nhận quyết định của Bộ nhà trường cũng đã nhận thức được sâu sắc hơn những hạn chế của trường. Ngay sau đó, trường đã bàn bạc lộ trình khắc phục những thiếu sót của mình với mục tiêu hoàn thành không quá một năm.

Để khắc phục tỷ lệ sinh viên/giáo viên, trường đã đề ra các biện pháp giảm các giảng viên, nhân viên cơ hữu từ 194 xuống 140 người, đồng thời tuyển thêm một phó giáo sư và hai tiến sĩ. Hiện tỷ lệ sinh viên/giáo viên của trường là 15,2 sinh viên/1 giáo viên. Nếu được tuyển sinh trở lại vào năm 2013 thì tỷ lệ này sẽ sát với chuẩn của Bộ GD&ĐT là 22-24 sinh viên/giáo viên. Như vậy, sau 6 tháng nhận quyết định tạm ngưng tuyển sinh trường đã nhanh chóng khắc phục được hạn chế thứ nhất này".

Liên quan đến nguyên nhân về tài sản đất đai thuộc sở hữu của trường, ông Nguyễn Thanh Tĩnh cũng cho biết, từ năm 1994 đến 2011, trường đã 3 lần xây dựng phương án để xây dựng cơ sở vật chất cho trường. Tuy nhiên, vì một số lý do, các kế hoạch xây dựng trên đều chưa thành hiện thực. Từ đầu năm 2012 đến nay, để tiếp tục được tuyển sinh trở lại trong năm tới, trường đã tích cực tìm các phương án để tìm vị trí đất và bỏ nguồn vốn trường tích lũy ra để đầu tư cơ sở vật chất.

Với sự cố gắng của nhà trường cùng sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan và địa phương, Trường Đại học Đông Đô đã có đất thuộc quyền sở hữu tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) với diện tích 3,4ha và một tòa nhà 3 tầng khang trang. Hiện tại, nhà trường đang hoàn thiện các thủ tục và chuẩn bị cho năm học mới.

Chiều cùng ngày, có mặt tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội, PV cũng được lãnh đạo nhà trường cho biết, trường đã "lo đủ" đất mới để đảm bảo cơ sở vật chất cho trường trong thời gian tới, tránh tình trạng sẽ bị tạm ngưng tuyển sinh vào năm 2013.

Tại khu vực phía Nam, mới đây, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ để báo cáo việc khắc phục nguyên nhân dẫn đến tạm ngừng tuyển sinh năm 2012 và xin phép tuyển sinh trở lại vào năm 2013. Theo đó trường đã hoàn thành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân cư cũng như chủ sở hữu khu đất tại quận Tân Phú (TP. HCM). Ngoài ra, trường cũng tuyển thêm giảng viên để đáp ứng tỉ lệ sinh viên/giảng viên theo quy định.

Xã hội - Giáo dục đại học: Tăng tốc chạy đua để khắc phục hạn chế (Hình 2).

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh

Đạt chuẩn liệu có đảm bảo chất lượng?

Trao đổi với PV, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội Phạm Gia Thiệu tự hào giới thiệu: "Trường đã đáp ứng được tiêu chí về cơ sở vật chất mà bộ đưa ra. Mảnh đất trường vừa sở hữu rộng tới 12ha, vượt gấp nhiều lần tiêu chí mà Bộ đề ra". Khi nói về vấn đề này, thầy Thiệu tỏ ra tự tin cho rằng trường mình thừa sức đáp ứng tiêu chí của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, nghiễm nhiên trường không nằm trong danh sách số trường bị "tuýt còi" đào tạo.

Quan sát cơ sở đào tạo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội tại 223 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội quang cảnh ẩm thấp, bẩn thỉu, bừa bộn, tối tăm, chật chội, chính là những gì chúng tôi cảm nhận được khi bước vào cơ sở đào tạo của ngôi trường này. Thật sự khó có thể tin đây là một môi trường sư phạm đúng nghĩa. Sau chuyến thị sát ngôi trường trong "danh sách đen" của Bộ GD&ĐT, thiết nghĩ cần một thời gian lâu nữa, cùng với những nỗ lực vươn lên không ngừng mới có thể yên tâm về chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục này.

Ông Nguyễn Huy Bằng, chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản đề nghị các trường bị tạm ngừng tuyển sinh 2012 báo cáo tiến độ khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc tạm ngừng và hiện đã nhận được báo cáo của một số trường.

Theo Nghi quyết 50 của Quốc hội, đến năm 2013, nếu trường nào không khắc phục, Bộ sẽ xem xét, ra quyết định ngưng đào tạo đối với trường đó. Cũng theo ông Bằng, đây là một biện pháp mạnh, kiên quyết yêu cầu các trường khắc phục hạn chế đã tồn tại từ lâu để cải thiện và nâng cao điều kiện giáo dục cho nhà trường. Từ đó, tránh tình trạng nhiều trường không đảm bảo về cơ sở vật chất và giáo viên và vẫn cố xin thêm chỉ tiêu.

Hệ quả khó lường bị chuyển trường vì ngưng đào tạo, thiệt nhất vẫn là người học

Theo ông Nguyễn Thanh Tĩnh, chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Dân lập Đông Đô, nếu một trường nào đó bị buộc phải ngưng đào tạo vì không khắc phục được các nguyên nhân mà Bộ đưa ra thì quả thực sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả. Khi ngưng đào tạo nghĩa là trường sẽ không được đào tạo cho sinh viên tất cả các khóa trước đó và các em sinh viên buộc phải chuyển sang trường khác để học. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người học, sau đó là ảnh hưởng đến ngành đào tạo đó. Không chỉ có thế, nó sẽ gây phản ứng không tốt đối với dư luận xã hội. Chính vì vậy, nếu trường nào bị ngưng đào tạo và phải chuyển sinh viên sang trường khác thì cần phải có kế hoạch tiến hành thận trọng, đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của sinh viên.

Phạm Hạnh - Trinh Phúc