'Giáo dục được đầu tư thấp nhất từ nguồn trái phiếu Chính phủ'

'Giáo dục được đầu tư thấp nhất từ nguồn trái phiếu Chính phủ'

Thứ 6, 07/06/2013 | 11:27
0
ĐBQH Lê Văn Học (tỉnh Lâm Đồng): “Tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh cho các dự án rất lớn, từ 388.705 tỷ đồng lên 684.794 tỷ đồng (tăng so với ban đầu 77%), trong đó các dự án giao thông tăng 70%, thủy lợi tăng 110%, y tế tăng 37%, nhưng các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo không được tăng”.

Báo cáo kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012” của QH chỉ ra việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và tổng mức đầu tư tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh việc ghi nhận những thành công đạt được, ĐBQH Lê Văn Học (tỉnh Lâm Đồng) đã nêu ra 3 hạn chế căn bản trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ:

Thứ nhất, số liệu báo cáo mà UBTVQH đã đề cập chủ yếu là nêu số liệu dự án chứ chưa thể hiện các tham số và các tiêu chí kỹ thuật đạt được của từng dự án. Thí dụ, về đường giao thông là loại đường gì, cấp đường nào, bao nhiêu km làm mới và mở rộng bao nhiêu km…

Về thủy lợi không rõ làm được bao nhiêu kênh mương tưới tiêu, làm được bao nhiêu hồ chứa nước, hệ thống kè chống sạt lở... Về y tế đã làm mới được bao nhiêu bệnh viện, nâng tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân là bao nhiêu…

Vì thiếu các tiêu chí cho nên rất khó xác định được xuất đầu tư của các dự để đánh giá tính hiệu quả khi sử dụng kinh phí.

Xã hội - 'Giáo dục được đầu tư thấp nhất từ nguồn trái phiếu Chính phủ'
ĐB Quốc Hội Nguyễn Văn Học.

Hạn chế thứ hai là phân bổ vốn đầu tư cho các lĩnh vực và dự án có tính cấp thiết và cấp bách thì không có tiêu chí phân chia, chưa có ưu tiên thực sự cho các tỉnh miền núi nếu so sánh với các tỉnh đồng bằng.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của trái phiếu Chính phủ 6 năm qua là hơn 388 nghìn tỷ đồng được phân bố trên các lĩnh vực: Giao thông vận tải (53%), các công trình thủy lợi (22%), lĩnh vực y tế (16%), xây dựng ký túc xá sinh viên (5%), kiên cố hóa trường lớp học (4%).

“Như vậy là lĩnh vực giáo dục đào tạo được phân chia kinh phí nhỏ nhất là chỉ có 9% và xuất đầu tư cũng thấp nhất. Theo dự toán ban đầu được phê duyệt là 180 triệu đồng/phòng học kiên cố ở các tỉnh đồng bằng; 250 triệu đồng/phòng học ở miền núi ở vùng sâu vùng xa, tức là chỉ tương đương 50% giá xây dựng trong thực tế”, ĐB Học nhấn mạnh.

Mức đầu tư cho các tỉnh miền núi cũng rất thấp, thí dụ trái phiếu đầu tư cho ba tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam từ 2012 – 2015 là 8.486 tỷ đồng, trong khi đó kinh phí đầu tư cho 4 tỉnh miền núi khó khăn là Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang chỉ có 2.689 tỷ đồng (tương đương 32% của 3 tỉnh đồng bằng).

Thứ ba là việc điều chỉnh tổng mức kinh phí các dự án so với ban đầu quá lớn không tuân thủ Nghị quyết 881 của Quốc hội năm 2012 như: Không được tăng quy mô, không điều chỉnh định mức kỹ thuật của công trình.

Tuy nhiên, tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh cho các dự án rất lớn, từ 388.705 tỷ đồng lên 684.794 tỷ đồng (tăng so với ban đầu 77%), trong đó các dự án giao thông tăng 70%, thủy lợi tăng 110%, y tế tăng 37%, nhưng các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo không được tăng.

“Theo giải thích trong báo cáo giám sát, điều chỉnh tăng cho các dự án vì lý do phải xử lý kỹ thuật thông thường của một số công trình giao thông. Chúng tôi không hiểu được thế nào là xử lý kỹ thuật thông thường mà lại tăng kinh phí khủng khiếp?

Bên cạnh đó, mức đầu tư tăng trung bình của các dự án là từ 40-100%, thậm chí có dự án tăng hơn 100%. Thí dụ đoạn quốc lộ 22B xử lý kỹ thuật tăng 399 tỷ, trong khi toàn bộ kinh phí cả dự án ban đầu được duyệt là 437 tỷ”, BĐ Học chỉ rõ.

ĐB Nguyễn Văn Học cũng dẫn chứng một loạt các dự án bị đội vốn rất lớn so với phê duyệt ban đầu. Đối với các dự án thủy lợi, có những dự án tăng khủng khiếp, như cải tạo và khôi phục sông Tích (Hà Nội) có tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt chỉ là 831 tỷ, đến 2011 khi thi công thì tăng lên 6.914 tỷ (tăng 9 lần); dự án nâng cấp đê hữu sông Hồng, sông Hoàng Long và sông Đáy kết hợp giao thông đoạn Bái Đính đi Kim Sơn (Ninh Bình) có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.650 tỷ, nhưng sau đó điều chỉnh tăng lên 3.608 tỷ đồng (tăng gấp 2,3 lần).

Ngoài ra, có một số nguyên nhân gây tốn kém, lãng phí trong đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ trong thời gian qua là do chất lượng khảo sát thiết kế của nhiều dự án chưa đạt yêu cầu, chưa thực tế, giải pháp thi công chưa hợp lý, nhiều công trình đầu tư thừa công suất, thiếu đồng bộ, công tác thẩm tra nhiều sai sót, dự án kéo dài không đảm bảo tiến độ…

Trong khi đó thì nhiều dự án được cấp vốn trước khá lớn, được giải ngân vượt kế hoạch được giao, trong quyết toán có một số trường hợp không đúng quy định của pháp luật, thanh toán khống khi chưa có khối lượng thi công, chưa nghiêm thu thực tế thi công. Thí dụ, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì một số dự án tại tỉnh Lai Châu đã thanh toán dư khối lượng, nợ khối lượng đến 273 tỷ đồng, tỉnh Phú Thọ còn nợ 105 tỷ, tại tỉnh Hà Tĩnh được tạm ứng quá lớn, đến hết năm 2012 được tạm ứng 432 tỷ nhưng mới hoàn ứng được 40 tỷ (chưa được 10%); Có dự án chủ đầu tư đã nghiệm thu và thanh toán trước sai luật, thí dụ đoạn đường ở Ngọc thành (tỉnh Kiên Giang).

“Nguyên nhân gây lãng phí trái phiếu Chính phủ trong năm vừa qua còn do việc nhà đầu tư chọn đơn vị có năng lực thi công thấp, bỏ thầu rất thấp, trúng thầu sau đó xin tăng mức đầu tư và chia thành các tiểu dự án gây tốn kém khi thi công. Các chi phí khác phục vụ cho dự án cũng rất hình thức và tốn kém, thí dụ như lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành… làm quá nhiều, quá hoành tráng, không cần thiết”, ĐB Học nói.

Từ những phân tích nêu trên, ĐH Nguyễn Văn Học đề nghị: “Nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015 cần đầu tư cho các dự án đang thi công dở dang, đặc biệt là một số dự án trong các lĩnh vực cần ưu tiên như: các trường học đang xuống cấp tới mức mất an toàn có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, thí dụ như các trường học tại huyện Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận; ký túc xá sinh viên của các trường dân tộc nội trú, bán trú của các tỉnh miền núi và một số tỉnh còn nhiều khó khăn như Gia Lai, Lạng Sơn đã xuống cấp, ở hết sức trật trội và không có công trình phụ; các bệnh viện đang thi công dở dang ở một số tỉnh mỗi năm chỉ đầu tư từ 10-15 tỷ, như vậy thì phải cần 20-30 năm nữa mới xong”.

Theo Dân trí

Bộ Giáo dục và Đào tạo 'kiểm điểm cán bộ non kém nghiệp vụ'

Thứ 4, 05/06/2013 | 18:07
Chiều 5/6, Bộ Giáo dục & Đào tạo có văn bản phản hồi hai bài báo đăng trên Người đưa tin về việc 'loạn lạc' trong thi HSG Olimpic và vụ bài thi HSG quốc gia gửi vào mail cá nhân.

Vấn nạn 'chảy máu chất xám' của nền giáo dục đa quốc gia

Thứ 3, 04/06/2013 | 07:19
Một nghiên cứu về giáo dục xuyên quốc gia đã phát hiện ra rằng nó có thể đào tạo những kỹ năng còn thiếu của học sinh các nước, nhưng cũng có thể góp phần vào nạn chảy máu chất xám.

Những điều vô lý của ngành Giáo dục

Thứ 6, 31/05/2013 | 08:48
Trong vòng 3 tháng nay, Bộ GD-ĐT ban hành 2 văn bản vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận.

Giáo dục Việt Nam chưa chú trọng học như thế nào?

Thứ 4, 08/05/2013 | 09:51
Nền giáo dục nước ta tuy rộng nhưng chưa sâu, chưa chú trọng học như thế nào là đủ, đó là nhận của độc giả Phạm Quốc Sử, 71/86A, Nguyễn Huệ, phường 2, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long nói về nền giáo dục Việt Nam trong bài viết gửi báo Người đưa tin.

'Sản phẩm giáo dục ở các 'lò' chỉ để lấy thành tích'

Thứ 6, 12/04/2013 | 12:05
Mới đây, dư luận cả nước "dậy sóng" vì sự việc một học sinh lớp 9 ở trường tiểu học Đăk Kôi (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) không giải được phép tính chia cấp tiểu học.