“Giáo viên chưa được đào tạo kỹ về tâm lý học sinh”

“Giáo viên chưa được đào tạo kỹ về tâm lý học sinh”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng: "Hiện nay, tại các trường sư phạm, học phần về tâm lý học sinh chỉ là một học phần rất nhẹ. Các phòng tâm lý học đường tại các trường cũng chưa biết đến bao giờ mới có”.

Theo TS Lâm, Bộ GD &ĐT cần phải có một bộ phận nghiên cứu, đưa ra một chương trình chung là cơ sở trang bị cho giáo viên các kỹ năng, kiến thức để giúp đỡ các em có nguy cơ tự tử.

Xã hội - “Giáo viên chưa được đào tạo kỹ về tâm lý học sinh”

TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội.

Các em đang bị" bỏ rơi"?

Liên tiếp các vụ tự tử xảy ra trong học sinh, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Những vụ tự tử gần đây lại chủ yếu xảy ra ở các thành phố, khu vực đời sống kinh tế khá, ở các học sinh mà theo nhận định của gia đình, bạn bè, nhà trường là ngoan, học khá. Điều này làm tôi thấy có nhiều vấn đề được đặt ra.

Vấn đề ông nói đến phải chăng là những nơi có đời sống kinh tế khá lại là nơi học sinh có nhiều nguy cơ tự tử?

Theo tôi, những vụ việc đau lòng vừa xảy ra tiếp tục là những tiếng chuông cảnh tỉnh với xã hội. Chúng ta cần cảnh giác hơn nữa với sự biến động xã hội tác động tới thế hệ trẻ. Trẻ em đang có xu hướng phát triển sớm hơn. Các em hiện nay không chỉ quanh quẩn ở gia đình, nhà trường mà chúng còn có nhiều giao tiếp khác trong xã hội nên khó tránh khỏi sự va đập, chi phối có tác động tiêu cực. Chính vì vậy, các em cần có sự dẫn dắt phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên, đa số các em lại chưa có được sự giúp đỡ đúng lúc của người thân, bạn bè và thầy cô.

Nói như thế có nghĩa là các em đang bị "bỏ rơi" trong bộn bề áp lực xã hội?

Các em không hẳn bị "bỏ rơi" nhưng thực sự các em đang thiếu sự quan tâm cần thiết. Điển hình như vụ tự tử của em học sinh tại trường chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định. Em này tự tử chỉ vì ấm ức trong sinh hoạt tập thể nhưng không được giải tỏa. Đặc biệt vụ 3 em học sinh chơi thân "rủ nhau" tự tử ở Đăk Nông, các em đã có những dòng nhật ký và hành động "khoe" chai thuốc độc với bạn bè và nhiều dòng trong nhật ký của em Hạnh cho thấy các em có ý định tự tử. Tuy nhiên, không ai phát hiện ra điều bất thường này.

Gia đình nghĩ con mình ngoan, nghe lời, học hành bình thường là yên tâm, không có vấn đề gì. Trong khi đó, nhà trường chỉ tập trung dạy văn hóa, bằng lòng với kết quả là chuẩn về kiến thức. Các em chưa nhận thấy thầy cô là chỗ dựa để chia sẻ các vấn đề tâm sinh lý.

Trẻ phải có một chỗ dựa để chia sẻ

Theo ông phải chăng chương trình giáo dục của chúng ta đang "hổng" phần tư vấn tâm lý học đường cho học sinh?

Tại các trường sư phạm, học phần về tâm lý của học sinh là một học phần rất nhẹ. Các phòng tâm lý học đường tại các trường cũng chưa biết đến bao giờ mới có. Ở nước ngoài, các trường học không những có phòng tư vấn tâm lý học đường mà họ còn có chương trình rèn luyện kỹ năng sống thiết thực cho học sinh.

Chúng ta cũng biết là chúng ta thiếu và Bộ GD &ĐT cũng mong muốn các trường dạy, các trường yêu cầu giáo viên, giáo viên lại nói với học sinh về sự cần thiết trang bị kỹ năng sống. Tuy nhiên, tất cả mới dừng lại ở việc dạy lý thuyết. Trong khi đó, ở các nước, giáo viên muốn dạy kỹ năng sống phải là những người rất giỏi. Họ phải có khả năng tổ chức các hoạt động, tham gia trải nghiệm, đưa ra các tình huống giả định cho học sinh giải quyết. Ví dụ như về hành động tự tử, các em sẽ được dạy các kỹ năng phát hiện các bạn có nguy cơ tự tử thế nào, khi bản thân bức xúc, các em gặp ai chia sẻ và tự giải quyết bức xúc đó như thế nào?

Hiện nay, chúng ta có rất nhiều các đoàn, hội trong các trường để các em sinh hoạt. Tuy nhiên, chưa một đoàn thể nào phát huy được vai trò là chỗ dựa, là nơi chia sẻ tâm tư tình cảm của học sinh. Bộ GD &ĐT cần phải có một bộ phận nghiên cứu để có một chương trình chung là cơ sở trang bị cho cho giáo viên các kỹ năng, kiến thức giúp đỡ học trò của mình. Đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên nữa. Chúng ta khi xảy ra chuyện thường sợ trách nhiệm, coi đó là không may, kêu la rồi bỏ đấy. Theo tôi đã đến lúc Bộ GD &ĐT, Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em cùng các lực lượng xã hội cần ngồi lại bàn với nhau để đưa ra một chiến lược giải quyết vấn nạn tử tự này.

Trước khi có chiến lược giải quyết, theo ông chúng ta cần làm ngay những gì để ngăn chặn hiện tượng tự tử trong học sinh?

Theo cá nhân tôi, các thầy cô và gia đình cần phải quan tâm sâu sát tới con em, học trò mình hơn nữa. Mỗi thầy cô phải là một người bạn, một điểm tựa thực sự cho học sinh. Thầy cô nên chia sẻ một cách bình đẳng chứ không phải là thương hại các em. Chỉ có điều đó mới là cách gây dựng niềm tin để các em có thể chia sẻ những bức xúc, khó khăn, giải tỏa phần nào những áp lực, va đập của xã hội lên suy nghĩ của trẻ. Làm được những điều này sẽ phần nào hạn chế được nguy cơ tự tử trong học sinh hiện nay.

Đỗ Thơm