Giáo viên thiếu kỹ năng đã làm tổn thương học sinh

Giáo viên thiếu kỹ năng đã làm tổn thương học sinh

Thứ 2, 07/01/2013 | 10:12
0
Thời gian vừa qua, dư luận cũng như những người làm giáo dục vô cùng bất bình trước cách hành xử của một số giáo viên tiểu học trong những tình huống đặc biệt đối với học sinh.

Gần đây nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 29/11/2012, một giáo viên tiểu học ở TP.HCM đã giao học sinh lớp 2 cho công an chỉ vì nghi em này lấy trộm tiền của mình. Đau lòng hơn, đó là vụ một giáo viên ở trường tiểu học A thị trấn Văn Điển (Hà Nội) đã dùng bút đâm chảy máu đầu học sinh chỉ vì em này viết chậm xảy ra ngày 22/12/2012.

Là một nhà giáo đã công tác nhiều năm trong ngành giáo dục, từng hết lòng vì các thế hệ học sinh, PGS. NGND Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh thực sự cảm thấy đau lòng về những vụ việc này. Ông đã có cuộc trao đổi với PV báo ĐS&PL về những hiện tượng "phản giáo dục" trên.

Phi giáo dục và vô cùng nhẫn tâm

Thưa ông, chắc hẳn ông đã nghe tới những vụ việc đáng tiếc về cách đối xử với học sinh của một số giáo viên tiểu học ở TP.HCM và Hà Nội trong thời gian qua. Chỉ vì nghi học sinh lấy trộm tiền hay do các em viết chậm mà đã giao các em cho công an hay "tung chiêu" bạo lực. Ông có nhận xét gì về những cách "xử lý" học trò như vậy?

Tôi không thể hiểu được, một giáo viên đã được đào tạo sư phạm, có kỹ năng, có nghiệp vụ mà lại hành xử như thế. Tại các trường cao đẳng, đại học, họ không chỉ được dạy về các kiến thức văn hóa để đứng lớp mà còn được đào tạo các môn học liên quan đến kỹ năng ứng xử, công tác chủ nhiệm, tâm lý học giáo dục, tâm lý học trẻ em... Cách hành xử của các giáo viên trên không chỉ phi giáo dục mà còn phi nhân tính, bôi xấu hình ảnh của ngành. Thiết nghĩ, ngay cả những người bình thường, không phải là giáo viên họ cũng không bao giờ có những hành động bạo lực hay hù dọa trẻ con khủng khiếp như thế. Thử hỏi, nếu là con của các giáo viên đó, thì họ có bỏ mặc một đứa trẻ mới chỉ học lớp 2 ngồi ở trụ sở công an suốt một buổi trưa mà không có người giám hộ đến kèm không? Tôi nghĩ không thể để tình trạng này tái diễn lại thêm nữa. Những người làm giáo dục chân chính chắc hẳn sẽ rất đau lòng và bức xúc.

Xã hội - Giáo viên thiếu kỹ năng đã làm tổn thương học sinh
PGS. NGND Văn Như Cương.

Nạn nhân trong các vụ việc trên đều là những học sinh tiểu học. Khi bị cô giáo đối xử như thế chắc hẳn tâm lý của các em sẽ bảnh hưởng rất lớn?

Như bạn đã biết, trường hợp của em học sinh lớp 2 bị nghi lấy 1 triệu đồng, vì quá hoảng loạn nên em đã phải thừa nhận và nói dối rằng mình để ở chỗ nọ chỗ kia. Em biết chắc chắn là mình không làm nhưng vì bị dồn ép quá mức, em đã sợ hãi thừa nhận là mình lấy tiền của cô giáo, vì nghĩ rằng có thể thoát khỏi tình cảnh đó và không bị truy hỏi nữa. Cô giáo và nhà trường đã không biết hoàn cảnh đáng thương của em (cha mẹ em ly hôn, em học sinh này phải sống với bà ngoại - PV) mà còn dồn nén em vào những tình cảnh trớ trêu như thế. Chỉ vì sự tức giận, nghi ngờ tức thời mà làm trẻ em hoảng sợ. Lứa tuổi tiểu học còn hiếu động và rất dễ bị chấn động tâm lý. Những đau đớn ấy sẽ in hằn vào não những đứa trẻ suốt cả cuộc đời. Các em sẽ cảm thấy bị tổn thương, xấu hổ với bạn bè, không còn tâm trí bình thường để học tập và hòa nhập với mọi người.

Xử lý nghiêm là một việc cần làm

Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy là do các giáo viên trẻ còn thiếu nhiều kinh nghiệm, thiếu vốn sống. Dư luận còn bức xúc cho rằng họ quá thiếu lương tâm và trách nhiệm và  không xứng dáng để dạy người khác. Ông có đồng tình với đánh giá này?

Quả thực, ngành sư phạm đang tồn tại một số ít những con người như vậy. Họ còn trẻ không những không lĩnh hội được những giáo dục trong nhà trường lại còn không có có ý thức trau dồi vốn sống, kỹ năng nghề nghiệp và rèn luyện nhân cách người thầy. Họ phải biết rằng, tùy từng trường hợp mà có cách xử lý mềm mỏng, không gây ảnh hưởng đến tâm lý hay thân thể học trò mà vẫn khiến học trò nghe lời. Là người thầy, đã được sự tin tưởng của phụ huynh thì cần phải kiên trì nhẫn nại, phải thấu hiểu hoàn cảnh học sinh như thấu hiểu đứa con của mình. Đặc biệt, trong bất kỳ trường hợp nào, người thầy cũng phải hành xử công bằng, không vì quý mến hay ghét bỏ học sinh mà có hành động đối xử khác nhau.

Trong giảng dạy, cũng có những trường hợp thầy giáo vì tận tâm yêu nghề, vì muốn điều tốt cho học sinh, uốn nắn những trường hợp ngỗ ngược mà buộc phải răn đe học sinh bằng một cách nào đó hơi mạnh tay. Tuy không khuyến khích nhưng tôi nghĩ đó là những trường hợp có thể thông cảm được bởi học sinh quá láo lếu và không coi bạn bè và thầy giáo ra gì.

Theo ông, nên có những cách xử lý như thế nào đối với những giáo viên này?

Theo tôi, việc xử lý nghiêm khắc đối với những giáo viên này là một điều cần làm. Không chỉ đơn thuần là khiển trách, xin lỗi chung chung mà ít ra phải cho họ nghỉ dạy trong một thời gian nào đó để họ có dịp ngẫm nghĩ lại những việc sai trái mình đã làm. Ngoài ra, có thể cho họ đi học thêm những khóa học về kỹ năng ứng xử, tâm lý học trẻ em... để hiểu hơn về nghề nghiệp cũng như tâm lý học sinh. Nhiều trường, khi xảy ra sự việc cũng chỉ phản ánh lại là đã kiểm điểm giáo viên và cho họ xin lỗi gia đình học sinh. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần phải mạnh tay hơn để răn đe và ngăn chặn tái diễn tình trạng này.

Xin chân thành cảm ơn ông!

 Đừng để phụ huynh mất hết niềm tin vào giáo viên

Theo PGS. NGND Văn Như Cương, nếu cứ tái diễn những vụ việc đáng tiếc này sẽ khiến phụ huynh học sinh lo lắng và mất niềm tin ở giáo viên. Họ đưa con đến trường nhưng luôn phải lo lắng con mình bị đánh đập, bị dọa nạt, bị đưa đến công an… Từ những lo lắng đó lại nảy sinh ra các hành vi tiêu cực. Họ nghĩ rằng hay là mình phải đưa quà cáp, phong bì, phải cung phụng cô giáo thì con mình mới được chăm sóc, dạy dỗ cẩn thận. Tôi nghĩ rằng, muốn chấn chỉnh giáo dục thì phải bắt đầu từ những vấn đề nhỏ như xem lại cách đối xử của giáo viên, xây dựng niềm tin với phụ huynh... Phải có những người thầy có tâm, nhân từ, hết lòng vì học sinh thì mới có thể có những sản phẩm giáo dục tốt được.

Phạm Hạnh

Kỷ luật cô giáo đâm bút vào đầu học sinh

Thứ 6, 04/01/2013 | 10:52
Chiều 3/1, Hội đồng kỷ luật trường tiểu học A thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì đã tiến hành họp quyết định kỷ luật đối với cô Hảo.

Hà Nội: Cô giáo cầm bút đâm chảy máu đầu học sinh

Thứ 2, 31/12/2012 | 09:53
Tại một lớp học thêm ở ngoài nhà trường, cô giáo đã cầm bút đâm chảy máu đầu học sinh (HS) tiểu học. Sau khi thấy máu rơi trên vở, cô xé vở của HS rồi cấm các HS trong buổi học thêm về nói với cha mẹ.