Giật mình trước “bệnh hôi của” tràn lan

Giật mình trước “bệnh hôi của” tràn lan

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
(Nguoiduatin) Thay vì giúp khổ chủ thoát khỏi sự cố rủi ro, không ít người xung quanh lại tìm cách kiếm chác chút tài sản của người bị nạn. Các chuyên gia xã hội cho rằng, về bản chất đó là hành động ăn cướp trắng trợn.

Hôi của là một hiện tuợng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Lợi dụng lúc người bị nạn lâm vào cảnh bối rối, khó khăn không ít kẻ hám lợi đã lao vào hiện trường tìm mọi cách móc tiền, múc xăng, nhặt hoa quả...

Xã hội - Giật mình trước “bệnh hôi của” tràn lan

Hình ảnh người dân chạy ra hôi xăng bất chấp sự ngăn cản của công an và chủ xe.

Gần đây nhất ngày 7/5, cảnh hàng trăm người chen chân múc xăng dầu khi xe chở 25.000 lít xăng từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình bị lật nghiêng trên Quốc lộ 1 khiến dư luận thêm một lần nữa bức xúc về lối ứng xử của người Việt trong những hoàn cảnh tương tự. Bất chấp tính mạng và nguy cơ ngọn lửa có thể bùng cháy bất cứ lúc nào, từng tốp người gồm già trẻ gái trai đua nhau dùng xô chậu, can nhựa để hứng xăng chảy ra từ xe bồn.

Cảnh sát và chủ hàng cũng phải bất lực trước thái độ hăm hở của những kẻ hôi của. Đám đông ấy chỉ chịu rời đi khi sức đã thấm mệt vì trời nắng và lượng xăng trong bồn chảy ra gần hết.

Vụ “xe điên” gây tại nạn liên hoàn trên đường Lý Thái Tổ (Quận 10, TPHCM) xảy ra cách đây đã nửa năm nhưng khi nhắc lại nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng, xót xa. Chiếc xe 4 chỗ đang chạy trên đường bất ngờ lao vào 3 tô khác rồi húc tung 12 chiếc xe máy đang dừng đèn đỏ.

Vụ tai nạn thảm khốc đã khiến 12 chiếc xe máy bẹp dúm, 2 người chết và 17 người bị thương. Những người gặp nạn hôm ấy không chỉ phải chịu sự đau đớn, mất mát về thể xác mà còn bị mất hết tài sản. Nhân chứng tại hiện trường cho biết, lúc tai nạn có hàng loạt điện thoại, ví tiền, túi xách, tư trang... của nạn nhân rơi vãi khắp nơi.

Có người đã lạnh lùng xông vào nhặt đồ, đút túi, rồi “chuồn” êm mặc cho người bị nạn nằm vật vã đau đớn trên đường. Trong số những người bị nạn hôm ấy, có người trong cơn mê vẫn lơ mơ nhớ lại cả toàn bộ khối tài sản gồm tiền, vàng, đô la… đựng trong cốp xe bị người khác lấy đi.

Tình trạng hôi của đã được báo động ở không ít quốc gia trên thế giới. Sau khi cơn bão Katrina ập đến Mỹ, “bão hôi của” cũng làm đau đầu các nhà chức trách ở đất nước này.

Gần đây nhất là năm 2010, vụ động đất 8,8 độ richter ở Chile đã cướp đi sinh mạng của gần một nghìn người. Tuy nhiên, cùng với thiệt hại về người, đất nước này còn phải đối mặt với nạn cướp bóc, hôi của tràn lan sau động đất. Tổng thống nước này đã phải ban bố lệnh giới nghiêm áp đặt từ 9h tối tới 6h sáng.

Hình ảnh một nước Nhật trật tự, an bình sau thiên tai có lẽ là điều đáng để cho người dân Việt Nam và các quốc gia khác học tập.

Có ý kiến cho rằng, dùng cách gọi “hôi của” có lẽ vẫn còn quá nhẹ nhàng bởi bản chất của hành động đó chẳng khác gì ăn cướp một cách trắng trợn mồ hôi công sức của người khác. Những nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội đang trăn trở với câu hỏi vì đâu mà người dân bất chấp tính mạng, bất chấp liêm xỉ, bỏ qua tình người để hôi của của người bị nạn?

Tàn dư của tâm lý tiểu nông

Trao đổi với Người đưa tin, PGS.TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Hiện tượng hôi của là một hành động nhỏ nhưng lại thể hiện một vấn đề lớn trong ý thức của người Việt Nam. Đó là tâm lý tiểu nông, tiểu kỷ, tàn dư của nền kinh tế sản xuất nhỏ.

Đa số người hôi của khi xe chở xăng, chở bia, sữa, hoa quả lật là do họ nghĩ đó là của công. Người khác lấy được, mình cũng phải cố kiếm.

Sâu xa trong ý thức, họ nghĩ rằng xã hội người ta tham ô tham nhũng đầy ra đấy, mình có kiếm chác của người khác chút ít cũng chẳng sao.

Điều đáng lo ngại là, nhiều người hôi của tỏ ra coi thường tính mạng, liều lĩnh nhảy vào tranh cướp giữa đám đông. Thuốc đặc trị căn bệnh này không chỉ dựa vào phát triển kinh tế, xã hội mà cần giáo dục thay đổi nếp nghĩ của nguời dân trong một thời gian dài”.

Con người ngày càng vô cảm

TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, phó trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Tuyên Truyền cho rằng: “Đạo đức bình thường giữa con người trong xã hội là khi khó khăn thì giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, thái độ vô cảm trước những đau đớn, rủi ro của đồng loại ngày càng trở nên phổ biến. Những hành vi bất thường này cho thấy lòng tham của con người dường như đang lớn dần lên. Thậm chí, ngay khi tiền ở trong túi chúng ta, một số đối tượng còn cố tình cướp giật, huống chi khi của văng ra đường.

Quả thực, văn hóa, lối sống, ý thức, đạo đức của nhiều người trong xã hội hiện nay phải được nhìn nhận lại. Tâm lý hám của còn tồn tại trong số đông. Thay đổi thực trạng trên không chỉ ngày một ngày hai mà là cả một quá trình. Chúng ta nên có những cách tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người để họ thấy được đó là hành vi xấu, bị lên án và tẩy chay mạnh mẽ, ”.

Ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông

Một chuyên gia tâm lý “bắt bệnh”: “Người Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm lý đám đông. Họ thấy một vài người làm không sao nên cũng nhảy vào hôi của theo.

Cũng giống như đứng trước đèn đỏ nếu một người không dừng, ngay lập tức những người sau cũng phóng xe hùa theo, bất chấp việc đó là vi phạm luật. Muốn thay đổi được tâm lý a dua cần phải có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục lâu dài để giúp ăn sâu vào tiềm thức mỗi người.

Các cơ quan truyền thông có thể làm những tiểu phẩm, mở các diễn đàn để thu hút sự quan tâm của dư luận. Các hoạt động giáo dục nêu ý kiến, bàn luận về các hành vi xấu sẽ giúp quá trình tự nhận thức của các thành viên diễn ra nhanh hơn. Từ đó giúp chuyển biến thay đổi hành vi”.

Tình người trong hoạn nạn bị “cài số lùi”

Nhà giáo Trịnh Lương, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Từ lâu, người Việt Nam vẫn có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trong những giai đoạn khó khăn nhất, chúng ta còn sẻ chia cho nhau từng bắp ngô, hạt gạo.

Vậy mà khi đất nước đang trên đà phát triển, tình người trong hoạn nạn dường như đang bị… cài số lùi. Một số ít người vô cảm, hám lợi đang làm méo mó hình ảnh con người Việt Nam yêu thương, gắn bó một thời. Chưa có một chế tài hay một hình thức nào ngay lập tức xỏa bó được bệnh hám của.

Tuy vậy, chúng ta có thể thay đổi bằng các hình thức giáo dục để cải thiện nhận thức của mỗi người. Câu chuyện về hiệp sỹ đường phố là “đốm sáng” làm ấm lòng những con nguời có tâm để hy vọng vào tình người trong xã hội”.

Hôi của là ăn cắp tài sản

Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh, giám đốc công ty TNHH luật An Biên cho rằng: “Hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác trong hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản là vi phạm pháp luật. Những người này có thể bị phạt hành chính vì tội trộm cắp tài sản hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ.

Tuy nhiên, với đa số người dân Việt Nam vẫn chưa nhận thức được hành vi của mình là thiếu đạo đức, là vi phạm pháp luật và đáng bị lên án”.

Hãy học tập người Nhật

Đỗ Thị Thu Trang, sinh viên ĐH KHXH và NV Hà Nội chia sẻ: “Thật đau lòng khi chứng kiến những hình ảnh như vậy. Họ thấy xe gặp nạn đã không giúp đỡ mà còn túm lại hôi của. Làm sao có thể dạy dỗ được trẻ con khi chính người lớn vẫn có những hành động vô đạo đức như thế. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của những người bị nạn để biết rằng họ khốn khổ thế nào?. Người Việt Nam cần phải học tập tinh thần của người dân Nhật Bản trong đợt sóng thần năm 2011. Đói khát, mất nhà cửa, mất người thân nhưng họ vẫn trật tự, bình tĩnh để nhận tiếp tế thức ăn, nhu yếu phẩm. Họ không tranh cướp nhau để giành giật sự sống và quyền lợi cho mình. Nhìn lại những hình ảnh ấy, tôi vô cùng ngưỡng mộ cách giáo dục con người của họ".

Lan Thơm