Giật mình trước trào lưu trẻ thơ hát nhạc não tình

Giật mình trước trào lưu trẻ thơ hát nhạc não tình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Search dòng chữ “trẻ em hát nhạc người lớn” trên Youtube, trong vài giây sẽ nhận được 322.000 kết quả – một con số đáng báo động

“Trẻ em ngày nay được ăn sung mặc sướng nhưng các em lại thiếu đi những ca khúc được viết cho riêng lứa tuổi của mình. Sự thiếu thốn này sẽ dẫn đến những lỗ hổng và lệch chuẩn về văn hóa âm nhạc của cả một thế hệ", nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết.

Xã hội - Giật mình trước trào lưu trẻ thơ hát nhạc não tình

Hình ảnh cô bé Jazi 3 tuổi biểu diễn bài hát "Cô gái Trung Hoa" gây sốt trên cộng đồng mạng

Bao giờ cho đến ngày xưa

Có thể nói, trong mấy chục năm gần đây, ca khúc dành cho thiếu nhi ngày càng thưa thớt. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là nhiều nhạc sĩ đã không còn quan tâm viết cho các em nữa. Ở cái thời nhạc người lớn lên ngôi như bây giờ, không ít người đã phải thở dài ngao ngán và ước ao: “Bao giờ cho đến ngày xưa. Đó là khoảng thời gian huy hoàng nhất của những ca khúc dành cho thiếu nhi, với hàng loạt những tên tuổi nổi tiếng như Phạm Tuyên, Hoàng Lân, Hoàng Long, Phong Nhã, Mộng Long, Hàn Bích Ngọc …

Còn nhớ những năm tháng chiến tranh, khi cuộc sống của trẻ em vẫn còn ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế bao cấp, nhưng những bài hát trên sóng phát thanh của Đài tiếng Nói Việt Nam mỗi ngày đều khiến người nghe xao xuyến, rung động. Vẫn còn đó giai điệu của những bài ca đi cùng năm tháng như: Em đi giữa biển vàng, Con chim vành khuyên, Cánh én tuổi thơ, Trái đất này là của chúng mình, Mùa hè ước mong… Chất giọng véo von, truyền cảm, thơ ngây của những ca sĩ nhí đã trở thành những kí ức khó phai của cả một thế hệ thanh niên sau này.

Nhưng dường như, khi đất nước càng thoát nghèo thì đời sống âm nhạc của thiếu nhi càng bị lãng quên. Có lẽ vì vậy mà trẻ em đã tìm đến nhiều hơn với những ca khúc người lớn như một sự lựa chọn bất đắc dĩ. Tình trạng này đáng được báo động ở trạng thái cấp thiết nhất hiện nay. Hàng loạt em bé được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn và chuyên biểu diễn dòng nhạc già hơn tuổi. Mới đây, xuất hiện của một ban nhạc trẻ con với ba thành viên là ba cậu bé mặt còn búng ra sữa nhưng đã có bề dày hát nhạc người lớn nhiều năm. Dưới bàn tay điêu luyện của ông bầu, những nghệ sĩ nhí này đã trở nên nổi tiếng, ăn khách với những ca khúc bất hủ như Trái cấm tình yêu, Không say không về, Ok!Ta chia tay... Được mệnh danh là thần đồng âm nhạc, nhưng bài hát của những cậu bé còn măng sữa này khiến không ít khán giả lớn tuổi phải giật mình và lắc đầu ngao ngán.

Trẻ thơ gánh họa vì người lớn

Điều đáng nói, bên cạnh những đứa trẻ đang bị người lớn lợi dụng để kiếm tiền thì không ít gia đình hiện nay, từ nông thôn đến thành thị cũng đang định hướng hoặc thả tự do cho con mình có thể hát đủ loại nhạc của người lớn. Search dòng chữ “trẻ em hát nhạc người lớn” trên Youtube, trong vài giây sẽ nhận được 322.000 kết quả. Đây chủ yếu là những clip – “thành phẩm” khoe con của các bậc phụ huynh. Giọng điệu bắt chước ngây ngô, non nớt, méo mó, vô nghĩa của con trẻ lẫn trong sự mãn nguyện của ông bà, bố mẹ khiến người xem xót xa, nghi ngại. 10 hay 20 năm nữa lớn lên, xem lại những clip này, những đứa trẻ kia liệu có vui như bố mẹ chúng nghĩ?

Trong những câu chuyện phiếm, không ít ông bố, bà mẹ kể chuyện những đứa trẻ con có thể hát thuộc vanh vách bài hát của một ca sĩ nào đó đang nổi. Tại một cuộc thi văn nghệ, PV từng chứng kiến một bà mẹ khoe với ban giám khảo: “Cháu thuộc rất nhiều bài hát. Trong đó, những bài tủ có thể kể đến là Nếu như anh đến, Cô gái Trung Hoa, Cầu vồng khuyết”. Một cô bạn học của người viết từng tự hào tâm sự: “Hai nàng nhà tớ rất thần tượng Văn Mai Hương, Lương Bích Hữu”. Khi được hỏi vì sao lại cho trẻ con hát nhạc người lớn lệch lạc như thế, chính cô lại bác đi: “Có làm sao đâu. Mình cũng phải thoáng một chút chứ. Với lại bây giờ trẻ con đều như thế hết. Mấy bài hát thiếu nhi hồi trước chúng mình vẫn hát giờ đối với chúng nó lạc hậu quá rồi”.

Bài hát thiếu nhi mới đang khủng hoảng trầm trọng. Nhưng trong trường hợp này, chính sự tán thưởng của người lớn đã vô tình khiến trẻ con lầm tưởng về tài năng, dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và sự phát triển. Thế mới có chuyện, bây giờ đến nhà ai đó có trẻ con, thấy một cậu bé hay cô bé ngồi một mình nghêu ngao hát “Đã khuya rồi vẫn ngồi đếm sao, sương rơi lạnh ướt đôi bờ vai” hay bài hát của một ca sĩ nào đó mới nổi không còn là điều xa lạ.

Âm nhạc là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là với các em thiếu nhi. Nếu âm nhạc bị lệch lạc, ai dám chắc rằng sự phát triển ấy sẽ bình thường và không có những biến tướng?

Trong khi Đồ rê mí đang bị phàn nàn bởi nhiều bài hát quá khó so với lứa tuổi thiếu nhi thì chương trình Vietnams Got Talent, một sân chơi trên sóng truyền hình vừa kết thúc đầu tháng 5/2012 lại bị khán giả la ó vì cho thí sinh hát nhạc người lớn quá nhiều. Theo dõi Gameshow này, không ít người đã phải giật mình trước những màn biểu diễn quá ấn tượng với những ca khúc mang đậm màu sắc bi lụy, trắc trở của tình yêu. Ví dụ như thí sinh Trần My Anh hát Rolling in the deep của Adele, một ca khúc viết về sự tan vỡ trong tình yêu lại được một cô bé 11 tuổi thể hiện. Tuy nhiên, Ban giám khảo chương trình không hề nói đến vấn đề đó. Họ chỉ đưa ra những nhận xét chung chung về chất giọng của thí sinh.

Đào Bích