Giếng ngâm chàm lên màu xanh ngọc

Giếng ngâm chàm lên màu xanh ngọc

Thứ 6, 15/07/2016 | 17:41
0
Giếng ngâm chàm không chỉ dùng để làm nơi sản xuất thuốc nhuộm. “Cụ” còn là một cơ thể sống. Sống khỏe mạnh. Sống chân thực thật thà. Sống nhẫn nại và khiêm nhường.

Hồi xưa, vào những ngày hè như thế này, ở làng Hiếu Lễ của tôi, các giếng ngâm chàm của nhà nào cũng lên màu xanh như ngọc. Giếng nọ kề giếng kia, kết thành một giây cườm xanh đeo bao quanh con mương Bo Ít.

Đây là thời kỳ cây chàm chuyển dạ. Chúng từ xanh lá mạ, chuyển sang xanh sẫm. Lá bắt đầu no màu lục, trĩu cả cây xuống sát đất. Nếu để quá đi, chàm sẽ bị rụng lá. Để chàm rụng lá coi như tự mình làm mất mùa. Mất mùa chàm, lấy gì nhuộm vải? Thế nên, mọi người, mọi nhà giục nhau lên rẫy chặt chàm từ mờ sáng. Hái vào lúc mặt trời chưa mọc, nhựa chàm chưa bị phát tán. Quãng thời gian này thu hoạch là tốt nhất.

Họ bỏ nguyên cả cây chàm mang xuống giếng, dùng đá tảng đậy điệm cẩn thận, xong xuôi tháo nước vào ngâm. Ngâm độ vài ba ngày, lá chàm sẽ bị nước phân hủy, lắng xuống thành cao. Tháo phần nước loãng đi, người ta sục vôi bột với nước chàm, chỉ giữ lại cao sền sệt. Cao nằm dưới đáy giếng, đặc sánh như hồ dán. Người ta múc cao, vét sạch giếng, bỏ vào chum để dùng dần. Còn cành xương thì vớt lên, đem phơi khô, mang về làm nòm nhóm bếp.

Tin cũ - Giếng ngâm chàm lên màu xanh ngọc

Nhuộm vải chàm thủ công là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày Nùng. Ảnh: Báo Lạng Sơn.

Mỗi giếng chàm có đường kính từ một thước rưỡi đến hai thước tây. Giếng nào cũng sâu ngang ngực. Giếng có từ những ngày dân tứ chiếng bát phương đến đây khai hoang lập làng. Dân tộc nào cũng thế, cái ăn đi liền cái mặc. Nhu cầu làm đẹp thời nào cũng cần, ai ai cũng cần. Thì đây đích thị là “nhà máy” sản xuất thuốc nhuộm, có tuổi đời lên đến ngàn năm có lẻ.

Nhìn những vết đục trên mặt đá xây giếng, biết tay nghề các bậc tiền nhân. Qủa là bàn tay họ có vụng về, có thô sơ. Nhưng tình cảm của họ đối với mảnh đất này vô cùng sâu sắc, thân thiết. Đây nè, nó biểu hiện qua từng mạch vữa liên kết. Trải qua hàng chục đời người, các mạch vữa giếng chàm vẫn nguyên vẹn không hề bong tróc. Chúng kết dính bền chặt như tình yêu đôi lứa. Nên nhớ rằng, thời ấy chỉ là mật mía trộn với phân trâu tươi. Làm gì có xi măng cốt sắt như bây giờ.

Hãy đặt nhẹ tay lên mặt thành giếng. Tay ta lần đi theo ròi theo rãnh mà nghe đá nói, đá thở. Đừng ai nghĩ rằng đá sắc lẹm khô cứng lạnh lùng. Đá tự hào không ai yêu làng này bằng mình. Người có chân có tay. Họ đi đông, đi tây. Đá không chân, đá nằm, đá ngồi, đá quỳ, đá chồng lên đá đứng lại. Đá ở lại trông ruộng vườn. Đá canh mồ mả tổ tiên cho người. Đá công kênh nhau mà nhìn ra nơi đầu làng, mong có người nào còn nhớ nhau mà trở về nhìn mặt. Đá mong chờ những người tha phương cầu thực. Đá mong người từ khi còn nguyên trinh trắng trong. Nay đá nhạt màu dần. Đá biến thành đá xám. Có nhiều hòn đã biến thành màu đen. Mà nào có thấy bóng dáng người làng trở về. Người đến là hay vô tâm vô tính.

Những ông già bà cả thường hay kể về nguồn gốc các dòng họ. Chúng tôi nghe mãi, nên ai ai cũng thuộc làu. Họ Đàm có nguồn gốc Cai Phạ. Còn họ Hứa, người Nùng Inh. Cai Phạ với Nùng Inh là tộc danh hay địa danh? Chịu. Chỉ biết đại khái đến thế. Mười ba hai chục đời, vài trăm năm thậm chí ngàn năm đi qua rồi còn ai nhớ nổi. Tất cả người làng này đều từ bốn phương không hẹn mà gặp. Họ Đàm nhanh chân tới trước, nên được làm anh chị. Họ Hứa đến sau, phải chịu phận làm em. Đây là hai dòng họ lớn nhất làng Hiếu Lễ. Kẻ trước người sau, bà con định cư ở đây đã mục cả tiếng người nguyên gốc. Bây giờ họ tuyền nói đặc giọng người làng Hiếu Lễ thời hiện đại.

Cánh đồng lúa Bo Thang, Bo Ít, Bo Păn,…rộng lớn nhường kia, là mồ hôi nước mắt, là tài sản vô giá mà cha ông để lại. Cánh đồng ấy cứ hai phần đất có một phần đá. Đá với đất hình thành tính cách người. Cương và nhu là hai mặt đối lập, nhưng thống nhất. Chúng bổ sung, tương hỗ cho nhau. Đá đứng giữa mênh mang đồng nước. Đá ngồi vững chãi trên mặt đất. Đá nằm ngủ trong bùn. Con người cũng vậy. Ngưởi mê man trong giấc mơ bùn nâu. Họ gắn bó cả đời với ngôi làng này. Từ lúc sinh ra đến khi từ giã cõi đời. Đất đá nơi đây từng nuôi họ sống, ôm đắp khi họ chết đi. Nên chẳng ai muốn đi đâu xa đất đá làng này. Đi xa chắc sẽ có đất đai màu mỡ, dễ dàng cấy trồng. Cây rau cây lúa tốt tươi, người chẳng mất nhiều công chăm bón. Nhưng họ không chịu rời làng. Họ nhớ đất này. Đất này có một phần xương thịt, những người con sinh ra từ nơi đây.

Tin cũ - Giếng ngâm chàm lên màu xanh ngọc (Hình 2).

Sắc chàm hòa quyện với màu xanh lá non của đồng ruộng tạo nên vẻ tươi mát khắp một vùng. Ảnh: Internet.

Người làng tôi cho rằng: Giàu nghèo đều tự mình gây dựng. Xấu hay đẹp do tự mình trồng bông dệt vải ngâm chàm. Các bậc tiền bối vẫn thường khoe, màu áo chàm người làng Hiếu Lễ làm sáng cả một góc chợ. Ai biết làm sẽ trở thành giàu có. Ai biết mặc sẽ trở thành người đẹp của làng. Ai lười biếng ham chơi sẽ trở thành cao wóa nghèo khó. Cho dù giàu hay nghèo, xấu hay đẹp họ đều yêu thương nhau, đùm bọc nhau, nuôi nấng và dạy khôn cho nhau làm ăn.

Người làng tôi nói rằng: hạt thóc nhọn cả hai đầu. Đầu nào cũng thông minh sáng láng. Con người ăn cái sáng láng thông minh của hạt thóc. Vậy sao có con người tăm tối dốt nát, ngang bướng, vô lễ với người lớn, bất hiếu với cha mẹ đẻ, phản thùng với bè bạn, đốt xác người yêu chỉ vì ghen tuông hay một lý do nào hết sức vớ vẩn. Thậm chí có người quên cả mồ mả, quê hương giống nòi, quên cả tiếng nói mẹ đẻ, quay lưng với người làng, với cộng đồng dân tộc.

Cha tôi dạy: Con thử gõ lên bờ đá giếng chàm làng mình mà xem. Nếu nghe tiếng kêu nó đục, biết ngày mai mưa. Nghe tiếng trong, ắt ngày kia sẽ nắng. Nghe tiếng thanh, biết trong làng mình sắp có người sinh em bé. Nghe tiếng trầm, là thể nào cũng có người ốm nặng, sắp phải về trời. Giếng ngâm chàm không chỉ dùng để làm nơi sản xuất thuốc nhuộm. “Cụ” còn là một cơ thể sống. Sống khỏe mạnh. Sống chân thực thật thà. Sống nhẫn nại và khiêm nhường. Giếng ngâm chàm đã qua hàng trăm năm tuổi, nay vẫn thanh thản nhìn trời mây mưa nắng mà khuyên nhủ con người. Giếng ngâm chàm thực sự là một sự sáng tạo lớn lao của người Tày - Nùng.

Y PHƯƠNG