Giun đất trở thành “món ăn” của nhiều người trẻ

Giun đất trở thành “món ăn” của nhiều người trẻ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Thích ăn côn trùng, sâu bọ là sở thích của một số... dị nhân. Nó được xem là hành động của những người khùng khùng, gàn gàn. Ấy vậy mà, nhiều bạn trẻ cũng thấy thích thú khi thử ăn một loại côn trùng gì đó. Lý do mà họ thử món ăn này chỉ là... thử cho biết.

Ăn cả giun sống

Hoàng Hà My, học sinh lớp 7 trường THCS Giáp Bát (Hà Nội) vẫn không thể quên cái cảm giác ghê ghê người khi chứng kiến bạn nam trong lớp thử sức với món ăn giun đất. Hà My bảo: "Đang tập thể dục, bỗng bạn Nguyễn Tuấn Đ. nhìn thấy mấy chú giun đất đang bò, ngay lập tức Đ. đã cầm lên, mang rửa sạch và rút bỏ ruột ra chén ngon lành. Cả lớp ai cũng mắt tròn mắt dẹt, thầy giáo khuyên không nên ăn nhưng bạn Đ. vẫn thử". Hà My kể, khi mọi người hỏi lý do vì sao lại ăn giun đất, giun sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì Đ. thủng thẳng trả lời: "ăn cho biết mùi vị thế nào".

Giun đất cũng trở thành “món ăn” của nhiều bạn trẻ (Ảnh minh họa)

Cẩn thận kẻo rước bệnh vào thân

"Không có bất cứ tài liệu nào nói giun đất có tác dụng chữa ung thư. Nghiên cứu hiện đại cho thấy giun đất chứa chất Lumbriferin giúp thanh nhiệt, hạ sốt. Các thành phần đạm trong giun có tác dụng kháng Histamin, làm giãn khí quản. Điều này lý giải việc y học cổ truyền thường dùng địa long để trị hen suyễn, viêm phế quản, khó thở. Tuy nhiên, việc một ai đó tự ý ăn giun vì nghĩ rằng nó bổ dưỡng, có khả năng chữa bệnh lại rất nguy hiểm. Trong Đông y, người ta sử dụng giun đất để bào chế và đưa lại hiệu quả nhưng với một người bình thường mà cầm giun lên ăn có khi lại rước bệnh vào thân".

TS. Hữu Thăng - Tổng hội Y dược học Việt Nam

Nhắc lại chuyện ăn giun đất, Nguyễn Tuấn Đ. thản nhiên: "Cháu đọc sách báo nhiều, cũng thấy người ta ở nước này, nước kia ăn "đặc sản" sâu bọ nhiều nhưng có thấy họ bị sao đâu. Nên giờ thể dục hôm đó, ý nghĩ vụt qua trong đầu, cháu đã bắt một con giun đất lên nhìn, tặc lưỡi nhủ thầm: "Thử xem cảm giác thế nào" và cháu đã ăn mà không đắn đo gì".

Nói đến đây Đ. nhíu mày: "Khi cầm con giun giãy giụa trên tay cháu cũng thấy sợ sợ nên không dám cho thẳng vào mồm. Cháu bèn nghĩ ra rửa sạch nó đi, rút ruột rồi bỏ vào miệng thử ăn. Cảm giác đầu tiên thấy có cái gì đó như mắc lợm nơi cổ họng nhưng cháu vẫn nuốt. Ngạc nhiên là sau khi ăn cháu lại không hề có cảm giác sợ sệt, ghê cổ. Lúc đó cháu cũng thấy ngỡ ngàng về hành động của bản thân". Khi tôi hỏi về "hương vị" của món ăn đặc biệt đó, Đ. cười cười: "Hương vị cũng khó nói lắm. Nhưng nếu ăn thử lại cháu vẫn làm được".

Thu Giang, học sinh trường trung học cơ sở T.Đ cũng chia sẻ với PV về sở thích quái đản của nhiều bạn hiện nay. Giang bảo rằng, bạn Nguyễn Công H. (bạn học cùng lớp) cũng đã biểu diễn một màn ấn tượng giữa giờ ra chơi tiết 4. Cả lớp chỉ biết đứng trầm trồ chứ không ai dám ngăn cản. Hôm đó là trời mưa, khoảng đất trống trong sân trường có mấy chú giun đất, H. đã không chần chừ bắt lên và nuốt chửng.

Trước đó, cả lớp cũng đã thót tim khi nghe H. nói còn thích ăn mối. Bạn bè trong lớp xì xào, bàn tán nhưng H. không thổ lộ điều gì. Các bạn miêu tả về hành động ăn giun đất của H. là "yêu thiên nhiên thái quá" nhưng H. thì chỉ nghĩ rằng: "ăn côn trùng để cảm giác mùi vị như thế nào?". H. bảo, sau lần thử nghiệm đó, H. có thể hiểu được vì sao có những "dị nhân" quả quyết: "Càng ăn càng thấy ngon, càng thấy cơn thèm khát dâng lên". Nhiều người nghe có thể sởn da gà về người có khả năng đặc biệt ăn tươi nuốt sống tất cả các loài côn trùng, từ những con nhỏ như con sâu đến ruồi, bọ xít, bọ ngựa, tắc kè nhưng với H. thì đó là chuyện bình thường.

Thu Giang kể: "Khi bạn H. nhai ngấu nghiến con giun đất, ai cũng nghĩ bạn ấy có vấn đề về thần kinh. Điều lạ, sau khi ăn 2 con giun đất nhưng H. không hề đau bụng hay có biểu hiện gì. Câu chuyện của H. được lan truyền khắp trường". Cũng theo lời kể của Giang, trong một buổi phân trần với các bạn trong lớp H. bảo rằng, một lý do nữa mà cậu thử ăn giun là thông tin mà báo chí đã đưa "giun có thể chữa ung thư và có hàm lượng chất dinh dưỡng cao"(?!).

"Rối loạn ám ảnh cưỡng chế"

Nhà tâm lý học Thu Nga cho biết: "Những bạn học sinh tự dưng lại muốn thử ăn giun xem cảm giác thế nào có thể có những "rối loạn ám ảnh cưỡng chế". ở trường hợp trên là rối loạn về ăn uống. Họ thích ăn các loại thực phẩm mà không phải là món ăn thông thường, thậm chí có trường hợp người ăn bụi, đất, đá phấn, trang thiết bị văn bản và nhựa cây".

Không có các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính xác của rối loạn này, song các nhà khoa học lý giải là do thiếu khoáng chất. Hiện tượng này thường xảy ra với trẻ. "Rối loạn ám ảnh cưỡng chế" có thể mất đi trong vài tháng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rối loạn này có thể kéo dài đến khi trưởng thành. Điều đáng nói, các trường hợp học sinh bỗng dưng thích ăn giun đất thì cần được điều chỉnh nếu không sẽ trở thành thói quen không tốt.

Đem thắc mắc về việc một số học sinh thử ăn giun vì nghĩ rằng nó giàu chất dinh dưỡng và có thể chữa ung thư đến các chuyên gia, chúng tôi nhận được câu trả lời giun đất còn gọi là trùn, địa long... là một vị thuốc đã được sử dụng lâu đời trong Đông y. Tuy nhiên, theo một số sách cổ, giun đất là một vị thuốc chủ yếu để trị bệnh chứ ít tác dụng bổ dưỡng.

Theo cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS, TS. Đỗ Tất Lợi thì giun đất được phân vào bộ côn trùng. Một lương y cho biết, có nhiều thực nghiệm chứng minh các thành phần đạm có trong giun đất có tác dụng kháng histamin- giải độc. Thành phần trong giun đất còn có một độc tố là terrestro -lumbrolysin có thể gây co giật. Có lẽ nhờ thành phần này mà giun đất được dùng điều trị các chứng cấp mạn kinh phong theo nguyên tắc "lấy độc trị độc", nhưng phải theo liều lượng và phối hợp thuốc nghiêm cẩn. Trong Đông y, dược liệu địa long có vị mặn, hơi tanh, tính lạnh, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, bình can, chỉ suyễn, thông kinh lạc, lợi tiểu, hạ huyết áp, được dùng riêng với liều hằng ngày sắc uống hoặc dưới dạng bột.

N.Giang