Góc khuất cuộc đời “kẻ điên” chuyên viết nhạc liêu trai

Góc khuất cuộc đời “kẻ điên” chuyên viết nhạc liêu trai

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Từng có 4 người vợ và mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng giờ thì Ngọc Đại phải thu mình cô độc trong căn nhà vắng tiếng người, chỉ có âm nhạc làm tri kỷ.

Dấn thân mở màn cho những mới mẻ, phá cách trong âm nhạc Việt Nam, Ngọc Đại từng được tôn vinh là một hiện tượng khi ông phím lên những nốt nhạc ma mị, liêu trai trong Dệt tầm gai, Hoa gạo, Giọng mưa đàn bà, Nhật thực, Ảo ảnh, Phía ngày nắng tắt ... Tuy nhiên, cùng với sự sáng tạo, là cái “điên” nghệ sĩ mà Ngọc Đại dường như đã bị đóng khung trong đó.

Xã hội - Góc khuất cuộc đời “kẻ điên” chuyên viết nhạc liêu trai

“Gọi tôi “điên” là khen tôi”

Trong khi những người bạn cùng thời như Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ vẫn làm mới mình và update thông tin trên báo chí thì Ngọc Đại ngược lại hoàn toàn. Ông dường như lặng lẽ trên mọi diễn đàn âm nhạc hiện nay. Nhiều người cho rằng, phải chăng sự lập dị, kì quái của ông đã không thể hòa đồng, hay nương náu trong cái ta hiện tại. Và bởi vậy, việc ông lặn mất tăm là một lẽ dĩ nhiên?

Tôi tìm đến con ngõ nhỏ trên phố Đào Tấn, nơi trú ngụ của gã nhạc sĩ kì dị. Nơi căn phòng khách tranh tối, tranh sáng của ông là 4 chiếc trống lớn, chiếm hơn nửa diện tích. Ông nở nụ cười tươi: “Phòng thu của tôi luôn đấy”, giọng nói tếu táo mà xen lẫn một điều gì xót xa. Ngọc Đại mời tôi nghe hai bản nhạc phối mới nhất.

Những ca từ ma mị đến gai người được cất lên, lan tỏa và bao trùm lấy căn phòng. Thay vì những ca từ gợi cảm trước đó, bản phối mới dùng nhiều những hư từ để biểu lộ cảm xúc. Những tiếng rên rỉ của nỗi đau thể xác và tâm hồn người phụ nữ như thấm đẫm trên mỗi nốt nhạc. Ngọc Đại nói to với tôi trong tiếng nhạc như tìm kiếm một sự đồng điệu nào đó: “Khung cửi dệt trong đêm, những âm thanh bị nén lại vì thời gian. Khung cửi dệt lụa hay dệt những ước mơ. Cuộc vật lộn giữa những sự sinh tồn và chết chóc…” .

Người ta gọi Ngọc Đại là nghệ nhân của mọi loại nhạc cụ quả không sai. Ông có tài phối khí khiến nhiều người thán phục. Từ cái phòng thu bé nhỏ, đơn sơ nhưng những ca khúc của ông ra đời bao giờ cũng được trau chuốt, gọt giũa một cách cầu kì nhất theo cách của ông. Hiệu ứng của những âm thanh, dưới bàn tay của một bậc thầy phối khí khiến bài hát trở nên cuốn hút. Nó ma mị và ám ảnh người nghe đến kì lạ.

Ngọc Đại đưa ra một tờ giấy mà ông gọi đó là thứ văn bản nguyên tắc trong sáng tác của mình: “Phá vỡ những thói quen, sự thuần túy, sự ổn định trong các hình thức sáng tác âm nhạc tại Việt Nam và trên thế giới. Đề cao sự mới lạ và sáng tạo cá nhân. Cách tân về sân khấu, tạo ra một cấu trúc mới, có thể gọi là phi cấu trúc, tức là có mà như không có cấu trúc, xóa bỏ những thể loại trình diễn có cấu trúc, quá câu nệ, lệ thuộc. Kết hợp sự tìm tòi giữa âm nhạc phương Đông và phương Tây, cũ và mới, đời sống và tôn giáo, quá khứ và tương lai. Quan điểm sáng tác là vậy cho nên thật dễ hiểu vì sao ông chung thủy đến thế với dòng nhạc thể nghiệm”. Niềm say mê này vẫn luôn laầ câu chuyện xuyên suốt trong mọi cuộc nói chuyện của ông với bất kì ai.

Còn nhớ cách đây mấy năm, khi ban nhạc Đại Lâm Linh ra đời với sự kết hợp kì quái giữa nhạc sĩ Ngọc Đại và hai ca sĩ Thanh Lâm, Linh Dung, khán giả đã thực sự choáng váng với phong cách biểu diễn của họ. Điên loạn, mê man, khủng khiếp là những ngôn từ khán giả đã nói về họ. Cách hát run bần bật như lên đồng, mang màu sắc “âm phủ” khiến Đại Lâm Linh trở thành một hiện tượng xưa nay hiếm. Kẻ yêu thì khen hết lời, kẻ chê cũng chê hết lời.

Trong một thời gian dài, Đại Lâm Linh nhận được sự bàn tán xôn xao, kịch liệt của dư luận. Nhưng dường như điều đó không làm ảnh hưởng mấy đến Ngọc Đại. Sau Nhật Thực (album kết hợp với ca sĩ Trần Thu Hà), sau Đại Lâm Linh, mặc cho công chúng giằng co giữa yêu và ghét, ông vẫn điềm nhiên ngồi trong căn phòng nhỏ viết những ca khúc mới, điên loạn, phá cách mà triết lý sâu xa về cuộc đời, về nhân tình thế thái.

Ngọc Đại bảo ông không ngại khi ai đó gọi ông là “điên” theo đúng nghĩa đen của từ này. Vì theo ông, “bạn bè gọi tôi “điên” là họ khen đấy. Tôi “điên” nhưng không phải là cái kiểu đi lang thang ngoài đường mà là cuộc hành trình đến cùng trong cảm xúc âm nhạc. Bài hát của tôi không phải ai cũng thích. Chỉ có những người thực sự có gout mới nghe được”.

Xã hội - Góc khuất cuộc đời “kẻ điên” chuyên viết nhạc liêu trai (Hình 2).

Nhạc sĩ Ngọc Đại và ê kíp luôn sẵn sàng bùng nổ

Vẫn yêu như “chưa bao giờ được yêu”

Ngọc Đại là một kẻ cô đơn mà mạnh mẽ. Ông có 3 người vợ, 4 đứa con, nhưng lại đang sống một mình trong ngôi nhà vắng tiếng người. Chỉ có âm nhạc làm bầu bạn, tri kỉ để yêu thương, giận hờn. Tôi hỏi vui ông: “Ở tuổi này, anh vẫn còn yêu chứ?”, ông nheo mắt trả lời: “Vẫn yêu như chưa bao giờ được yêu. Nhưng phụ nữ yêu tôi không hề dễ. Không phải vì tôi kiêu căng mà vì cá tính của tôi quá mạnh. Họ phải khác người, phải hiểu và thông cảm cho tôi thì mới chấp nhận được. Tôi có nhiều người đàn bà trong đời, nhưng số phụ tôi cũng không phải ít”.

Dứt lời, ông mở tặng tôi bài hát “Giọng mưa đàn bà”, ca khúc ông viết năm 1978 về một người tình bé nhỏ. Những ca từ triết lí, giản dị mà sâu xa như thể ông đã trở thành một phần tế bào trong nỗi nhớ, trong cơ thể của người đàn bà đó. “Mưa rơi những giọng đàn bà. Như thể các nàng đã chết ngay cả trong kỉ niệm cũng mưa rơi. Chính những kỉ niệm diệu kỳ đời ta ơi, giọt giọt nhỏ nhoi…”.

Rồi quay lại thực tế, ông kể: “Tôi nghe nói có thí sinh Sao Mai Điểm Hẹn nào đó năm nay hát bài này của tôi (thí sinh Nguyễn Đình Thanh Tâm - PV). Nghe xong tôi bảo: “chết rồi”, hát bài của tôi chỉ có trượt giải thôi. Ngày hôm sau thì cậu ta gọi điện thoại thú nhận là cố tình hát xong mới xin phép. Cậu ta nói, con biết thầy là người khó tính nên con sợ nếu xin phép trước mà thầy không cho thì to chuyện. Cậu ta thích nhạc của tôi nên xin tiếp một bài nữa. Tôi sẵn sàng đưa cho nhưng không quên đưa ra những lời cảnh báo. Bởi tôi hiểu, nhạc của tôi không phải là loại nhạc để mang ra thi thố. Nhưng nếu thực sự hợp vía, tôi tin cậu ấy sẽ thành công”.

Xã hội - Góc khuất cuộc đời “kẻ điên” chuyên viết nhạc liêu trai (Hình 3).

Sự phiêu linh của nhóm Đại Lâm Linh từng gây nhiều tranh cãi

Cơn mưa trái mùa khiến câu chuyện của ông dường như buồn hơn. Ngọc Đại ưu tư châm thuốc nhưng ông chỉ hít một hơi rồi tắt đi. Có le,ä vì người đối diện trước mặt ông là phụ nữ. Tôi cảm nhận đến cùng sự cô độc của người nhạc sĩ “dị nhân” này. Nơi góc bàn, cạnh chiếc piano láng bóng là một xấp giấy với những dòng chữ đẹp kèm theo những nốt nhạc được vẽ bởi một bàn tay tài hoa. Bàn tay ấy chỉ có thể là ông, Ngọc Đại, kẻ mang khát vọng được đi đến cùng mọi cảm xúc với âm nhạc.

Từng một thời, tôi là “đại gia”

Ngọc Đại kể, ông từng trở thành phó giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ từ lúc còn rất trẻ. Nhưng sau đó không lâu, do những bất đồng trong quan điểm làm việc, ông đã tự ý xin ra khỏi cơ quan này và trở thành ông bầu âm nhạc hoạt động tự do. Với ông, đó dường như là thời kì huy hoàng nhất trong cuộc đời. Nhớ về khoảng thời gian ấy, Ngọc Đại không giấu nổi những bồi hồi, hân hoan: “Thời đó, tôi kiếm tiền ác lắm. Ngày đó đã mua được 3 cái nhà ở Hà Nội, trong khi số đông bạn bè còn chủ yếu đi ở thuê. Thời của tôi, làm bầu show rất sướng, không bon chen như bây giờ. Tôi có 3 đoàn nhạc, đi diễn quanh năm suốt tháng. Suốt nhiều năm thời thanh niên, tôi mang tiếng là con nhà tư sản, chỉ biết ăn chơi và hưởng thụ chứ không biết kiếm tiền. Nhưng ít ai biết rằng tôi là người rất hăng say lao động. Tôi tự hào là người viết nhạc chuyên nghiệp và chỉ sống bằng mỗi nghề này thôi”.

Hiện tại, Ngọc Đại sống không lấy gì làm dư giả. Vậy nhưng đố ai thuê được ông viết nhạc. Điều này gần như là nguyên tắc sống của ông. Nó mang lại cho ông bản lĩnh, cá tính, sự khác người độc đáo nhưng cực đoan như ông từng thừa nhận. Ông nói: “Tôi đã từng đá chiếc bát đi thì không bao giờ dùng lại nó. Cho dù sau đó mình có thèm đến mấy”.

Ngọc Đại là vậy. Ông không có thói quen che giấu mình. Và cũng không quen nói vòng vo với bất cứ ai. Ông có thể chê rất nhiều những thứ mà ông cho là vớ vẩn. Nhưng với những cá tính âm nhạc, ông lại bộc lộ một thái độ rất đỗi nâng niu, trân trọng. Trong rất nhiều nỗi buồn, ông vẫn luôn giữ cho mình một niềm an ủi mang tên Đại Lâm Linh. Như ông nói, họ vẫn luôn là tri kỉ, là người tình trong âm nhạc của tôi”.

Đào Bích