Góc nhìn từ nghệ thuật: 'Sến' hay 'sang'?

Góc nhìn từ nghệ thuật: 'Sến' hay 'sang'?

Thứ 5, 19/09/2013 | 09:22
0
Kho từ vựng của Sài Gòn xưa có một thuật ngữ đã đi sâu vào cuộc sống và cho đến ngày nay người ta vẫn còn dùng với hàm ý miệt thị, chê bai hay chí ít cũng là đánh giá thấp.

Chỉ một chữ “Sến” cũng đủ để gây nhiều chuyện bất bình, thậm chí còn khiến người ta phải đỏ mặt tía tai vì tranh cãi.

Một bức thư tình mùi mẫm với những lời lẽ như “… đêm nay trăng thượng tuần lên cao, anh nhớ em vô vàn, em có biết chăng em một kẻ si tình đang độc hành trong đêm lạnh lẽo?” sẽ bị cho là “thư viết theo kiểu… sến”. Nhiều người cho rằng tán gái theo kiểu sỗ sàng “Em đi đâu đó cho anh theo cùng?”cũng là một cách tống tình theo kiểu… sến. Cô gái áo quần lòe loẹt có tông màu xanh đỏ chỏi nhau thế nào cũng bị xem là “diện theo kiểu… sến”.

Bước sang hội họa, họa sĩ Trịnh Cung lại khẳng định, "Trong tranh vẫn có "sến" chứ! Ví dụ như tranh của họa sĩ Lê Trung trước đây. Ông thường vẽ phụ nữ ngực tròn, mặc áo bà ba đội khăn hoặc nón rất Sài Gòn. Nói chung là bình dân…”. Tranh vẽ của Lê Trung (1) thường xuất hiện trên các báo “lá cải” như Phụ nữ Diễn đàn,  Sài Gòn Mới… và dĩ nhiên những tạp chí này cũng được xếp vào loại báo… sến!   

Sự kiện - Góc nhìn từ nghệ thuật: 'Sến' hay 'sang'?

Tranh của họa sĩ Lê Trung

Nhưng trước hết chúng ta hãy thử tìm hiểu nguồn gốc của chữ “sến”. Cho đến nay, có rất nhiều cách giải thích trong việc truy tầm từ nguyên. Giáo sư Cao Xuân Hạo (2) giải thích: "Theo tôi, gốc của từ ‘sến’ phải bắt đầu từ chữ ‘sen’ trong nghĩa con sen, là đứa ở, con ở […] Còn nếu ứng dụng vào văn chương, nghệ thuật thì ám chỉ khẩu vị thấp hèn, ít có giá trị.”.

Lối giải thích từ “sen” biến thành “sến” có thể tạm chấp nhận nhưng kể cũng lạ khi giáo sư Hạo theo chuyên ngành ngôn ngữ học lại dùng cụm từ “khẩu vị thấp hèn”. Thường khi nói đến “khẩu vị” người ta liên tưởng đến cái “gu” trong ăn uống chứ làm sao lại có được khẩu vị trong văn chương, nghệ thuật?

Có một cách giải thích khác, không mang tính học thuật như giáo sư Cao Xuân Hạo, mà lại dựa vào thực tế hồi đầu thập niên 60 tại Sài Gòn. Đó là thời thịnh hành của bộ phim Anh em nhà Karamazov(The Brothers Karamazov), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga, Fyodor Dostoyevsky.

Trong phim có cảnh một vũ nữ hộp đêm vừa múa vừa hát bài Mambo Italiano theo điệu mambo – cha cha cha. Cô vũ nữ mặc y phục “nghèo nàn”, thân hình bốc lửa, tóc tai rũ rượi, gào thét và rên rỉ, quằn quại và khiêu khích… Diễn viên đóng vai vũ nữ ấy là Maria Schell trước đó chưa hề nổi tiếng nhưng nhờ màn múa đầy ấn tượng này, tên cô được quảng cáo ngang hàng với tài tử Yul Brynner của Hollywood.

Sự kiện - Góc nhìn từ nghệ thuật: 'Sến' hay 'sang'? (Hình 2).Sự kiện - Góc nhìn từ nghệ thuật: 'Sến' hay 'sang'? (Hình 2).

Poster phim “Anh em nhà Karamazov” với Yul Brynner và Maria Schell

Phim chiếu tại các rạp ở Sài Gòn cả tháng vẫn chưa hết người xem, sau đó bắt đầu xuất hiện những người ái mộ Maria Schell. Người ta nói, cái tên Maria Schell được Việt hóa thành “Mari Sến”.

Tôi không tin là như vậy. Sến xuất hiện trong ngôn ngữ Sài Gòn ngay sau khi có cuộc di cư vĩ đại của người miền Bắc vào Nam năm 1954, nghĩa là trước khi phim anh em nhà Karamazov đến Sài Gòn. Trước 1954, người miền Bắc dùng từ “con sen” để chỉ người giúp việc trong khi miền Nam gọi là "ở đợ" và ngày nay còn được gọi là “Ô-Sin”.

"Sen" thường là những cô gái quê, con nhà nghèo, ít học, phải ra Hà Nội để kiếm sống bằng nghề giúp việc nhà. Sau 1954, “Sen” cũng di cư vào Nam. Ở Sài Gòn khi đó nước máy chưa được đưa tới từng nhà nên chiều chiều các cô sen lại tụ tập quanh máy nước (fontaine) để hứng nước gánh về nhà, từ đó lại đẻ thêm cái tên "Mari-Phông-tên".

Sự kiện - Góc nhìn từ nghệ thuật: 'Sến' hay 'sang'? (Hình 4).

Cảnh gánh nước phông-tên thời Sài Gòn xưa

Và Mari Sến hay Mari Phông-ten cũng đã đi vào thơ văn. Một nhà thơ nào đó đã không hết lời ca tụng người em Sến: 

Em phải là người em Sến không

Sao môi em đỏ, ngực em phồng

Thân hình ngào ngạt mùi son phấn

Anh muốn gì em, em biết không?

Cũng có giải thích đại loại như Sến bắt nguồn từ tiếng Anh “sentimental”, có nghĩa là đa cảm, ủy mị… Tôi không tin là như vậy vì sentimental hoàn toàn không hàm ý miệt thị, chê bai còn Sến của ta lại mang đậm nét mỉa mai, châm biếm. Nói theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan: "sến" là biểu hiện những dạng thị hiếu thẩm mỹ dưới mức trung bình.

Cứ như thế, chữ “sến” bị lạm dụng trong ngôn ngữ hàng ngày để gán cho những gì thuộc loại “hạ cấp” theo suy nghĩ của người sử dụng từ ngữ. Nổi bật nhất trong lãnh vực âm nhạc là “trường phái” nhạc… sến khởi đầu từ thập niên 60 với tiết điệu boléro, rumba... Những nhạc sĩ tiêu biểu của trường phái này có thể kể đến Lam Phương, Hồ Đình Phương, Vinh Sử, Thanh Sơn…

Theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, điệu bolero mang âm hưởng bình dị của dân ca Nam Bộ:  “Phần đông ca sĩ, nhạc sĩ là người miền Nam nên hát và viết bài hát mang chất dân ca bình dân của người Nam. Họ viết nhạc phần đông ở giọng thứ, khi hát với bolero, nó đúng cái nhịp của người miền Nam. Dân ca miền Nam rất hợp bolero. Bên tân cổ giao duyên, phần đông hát vọng cổ xong đều chuyển qua bolero. Hai cái đó dính liền, pha với nhau. Từ đó có âm hưởng bolero trong âm nhạc Việt Nam”.
Sự kiện - Góc nhìn từ nghệ thuật: 'Sến' hay 'sang'? (Hình 5).  Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Bình luận về điệu bolero của Nguyễn Ánh 9, một nhạc sĩ người miền Nam, lại gợi đến một ý cho rằng những người Bắc di cư năm 1954 không thích nhạc phẩm do người Nam sáng tác, họ cũng không quen với cách phát âm của các ca sĩ người miền Nam. Ngoài ra, họ lại sợ cạnh tranh với nhạc tiền chiến của những nhạc sĩ người miền Bắc nên mới đặt ra danh từ “Nhạc Sến” với ý chê bai.
Nhà thơ Hữu Loan, người miền Bắc, làm bài thơ  Mầu tím hoa sim rất nổi tiếng nói về một cô gái lấy chồng đi bộ đội, chồng không chết mà cô ta chết. Một chuyện tình rất lâm ly vào thời kháng chiến với kết cuộc:
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương.
 Bài thơ này được phổ nhạc thành 2 nhạc phẩm:  Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh (nguời miền Nam) và  Áo anh sứt chỉ đường tà, của Phạm Duy, người Bắc.  Áo anh sứt chỉ đường tà với âm điệu lên xuống, luyến láy, rất khó hát và hình như chỉ  những giọng ca điêu luyện của Vũ Khanh, Sĩ Phú, Duy Quang, Duy Trác, Elvis Phương mới thành công còn  Những đồi hoa sim thì ca sĩ nào cũng có thể hát được: Phương Dung, Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Như Quỳnh…
Trong trường hợp này, nếu làm một cuộc khảo sát bỏ túi về sự lựa chọn giữa “nhạc sến” và “nhạc sang”, ta sẽ có ngay kết quả:  Những đồi hoa sim là “nhạc sến”. Nhưng thiết nghĩ, đó là sự lựa chọn mang tính cách “địa phương” của những người có gốc từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954.
Sự khác biệt về cá tính giữa người Nam và người Bắc nói riêng và giữa hai miền Nam-Bắc nói chung là người miền Nam thì bình dị, thường nói “huỵch tẹt” ý nghĩ của mình, trong khi Bắc Kỳ thì lại khách sáo, ưa nàu mè… trong lòng muốn lắm nhưng ngoài mặt cứ giả vờ như không.
Lời ca của dòng nhạc bolero miền Nam rất bình dân, mộc mạc, dễ nhớ và cũng dễ hát. Đó là những lời chân thực từ trái tim, chẳng hạn như trong bài  Duyên kiếp của Lam Phương, cô gái cất tiếng hát "Anh ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao, biển rộng biết đâu mà tìm…" hoặc bài  Quen nhau trên đường về của Thăng Long có câu  "Chiều nay có phải anh ra miền Trung, về thăm quê mẹ cho em về cùng...”.
Rõ ràng là nhạc sến không có triết lí cao siêu, mà toàn là những câu, những chữ mà ngay cả anh xích lô và chị bán hàng ngoài chợ có thể hiểu được vì đó là những lời “nghĩ sao nói vậy”: “ Tại anh đó nên duyên mình dở dang, em nào mộng mơ quyền quý cao sang…” hoặc " Tôi với nàng hai đứa nguyện yêu nhau. Tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu...”. 
> Kỳ tới: Vua nhạc sến' Vinh Sử và dòng nhạc sến
Nguyễn Ngọc Chính
(*) Toà soạn đặt lại tựa đề
 

Quốc Trung chê nhạc sến, Ngọc Sơn: 'Cứ nói, tôi hơi đâu chấp'

Thứ 2, 16/09/2013 | 09:57
“Vậy hả? Cũng được! Ai muốn nói quan điểm của họ, cứ nói, tôi hơi đâu chấp!” – Ngọc Sơn.

Nhan sắc sến sẩm của hot boy Việt thời mới nổi

Thứ 5, 15/08/2013 | 15:15
Rời xa hình ảnh "baby" nổi để đeo đuổi phong cách lịch lãm và quyến rũ hơn cũng là cách để các hot boy khẳng định mình.

Bóc mẽ những status sến sẩm của giới trẻ

Thứ 2, 29/07/2013 | 20:52
Clip hài hước này đã đánh trúng tâm lý của giới trẻ khi thường xuyên bộc lộ tâm trạng, cảm xúc trên mạng xã hội.

Lưng trần của nữ sinh bên hoa sen

Thứ 3, 25/06/2013 | 13:44
Đến hẹn lại lên, mùa hè khi những đóa sen tinh khiết nở rộ cũng là lúc thiếu nữ chuộng trào lưu chụp ảnh cùng sen khoe nhan sắc rực rỡ.

Nguyễn Ánh 9 từ giã sân khấu ca nhạc

Thứ 5, 05/09/2013 | 10:30
Nhạc sĩ 'Buồn ơi, chào mi' sẽ biểu diễn lần cuối trên sân khấu trong liveshow sắp tới của ca sĩ Quang Hà. Ông rớm nước mắt khi giải thích: 'Tôi đã lớn tuổi và đuối sức rồi'.

'Nhận định Nguyễn Ánh 9' và văn hóa ứng xử của sao Việt

Thứ 6, 30/08/2013 | 21:50
Showbiz Việt hiện nay, nhiều người không hiểu rằng tôn trọng một lời chê cũng là cách để mình tốt hơn lên...

NS Dương Thụ: Nói Nguyễn Ánh 9 'ngụy quân tử' là hỗn láo

Thứ 6, 30/08/2013 | 21:50
Sau những ngày “bùng nổ” thông tin về nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đối với số ca sĩ hiện nay, nghệ sĩ (NS) Dương Thụ đã có những chia sẻ rất chân tình.

Không có Đàm Vĩnh Hưng thì vẫn có Nguyễn Ánh 9

Thứ 3, 27/08/2013 | 14:29
Rất đúng. Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 nói 'tội bố lắm' khi nghe Đàm Vĩnh Hưng hát 'Ai đưa em về'.