Gọi là

Gọi là "kẻ giết người" khi tòa chưa xử, đúng hay sai?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Một trong những nguyên tắc vô cùng quan trọng, cũng như rất tiến bộ của pháp luật trong lịch sử nhân loại, đó là nguyên tắc "suy đoán vô tội". Đó là thành tựu của nhân loại nhằm bảo vệ nhân quyền trước sức mạnh của bộ máy cảnh sát, tòa án.

Vụ án Lê Văn Luyện giết người, cướp tài sản thực sự đã gây chấn động lớn trong dư luận một thời gian khá dài vừa qua. Tính chất đặc biệt nghiêm trọng của nó đã trở thành chủ đề bàn tán cũng như lên án trong phần lớn cộng đồng người Việt. Bức xúc có, căm giận có, lo ngại có… Đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Là một tân cử nhân Luật, dù hiểu biết còn quá ít ỏi, song tôi cũng không khỏi có những suy nghĩ trước vụ án này.

Trước khi diễn ra phiên tòa, tôi đã nghe báo đài đưa tin nhiều lắm, rằng “đã xác định được hung thủ vụ án giết chủ tiệm vàng, cướp tài sản”, “đã tìm ra tên giết người dã man”… Hãy khoan bàn về tính đúng đắn trong những cái tít kia của báo chí, mà hãy bàn tới vấn đề khác theo tôi còn quan trọng hơn: vấn đề “hợp pháp”.

Dường như trong tâm trí người Việt, kể cả một số (có lẽ ít thôi) những người học luật, chúng ta chỉ chăm chăm tìm hiểu luật nội dung, mà bỏ bê hoặc chí ít chưa quan tâm đúng mức tới những quy định của luật hình thức.

Một vụ việc xảy ra, chúng ta dường như có thói quen bỏ Bộ luật tố tụng Hình sự sang một bên mà giở thật nhanh Bộ luật Hình sự để làm cái việc phê phán, định tội cho người ta. Chúng ta coi đó là một việc đúng đắn, có phải bởi vì từ lâu chúng ta đã hiểu một cách quá cực đoan về nhận định “luật nội dung quyết định luật hình thức” để cho rằng chỉ cần áp dụng luật nội dung là quá rõ ràng và đủ cần thiết cho hoạt động tư pháp?

Trước khi giở Bộ luật Hình sự ra, chúng ta hãy giở Bộ luật Tố tụng Hình sự và đọc thật kỹ Điều 9: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Để hiểu được tầm quan trọng của nó, chúng ta lại phải giở tiếp Hiến pháp ra và đọc Điều 72: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Tại sao chúng ta lại phải làm như vậy? Tại sao điều này lại phải được ghi nhận ở Hiến pháp chứ không riêng gì Bộ luật Tố tụng Hình sự? (Và được ghi nhận ở Chương V: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân - có nghĩa điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề nhân quyền.)

Đó là một trong những nguyên tắc vô cùng quan trọng, cũng như rất tiến bộ của pháp luật trong lịch sử nhân loại, nguyên tắc "suy đoán vô tội" trong tố tụng hình sự.

Tại sao lại gọi là “suy đoán vô tội”? Thực chất hoạt động tư pháp là hoạt động "suy đoán", như Hamilton, một luật gia nổi tiếng Hoa Kỳ đã nói, đại ý rằng, tư pháp là nhánh quyền yếu nhất, nó không nắm bộ máy bạo lực như hành pháp, không nắm ngân sách như Nghị viện, mà chỉ dựa vào suy đoán mà thôi, và ngay cả hoạt động này cũng cần phải nhờ sự trợ tá của hành pháp mới có thể thực hiện được. Khi chúng ta giả định rằng chúng ta là những ông tòa, giở Bộ luật Hình sự ra để tìm điều luật phán tội cho người khác, ấy là chúng ta đang suy đoán về tội danh của kẻ đó.

Pháp luật - Gọi là 'kẻ giết người' khi tòa chưa xử, đúng hay sai?

Một nữ phạm nhân - Hình minh họa

Suy đoán vô tội có thể hiểu một cách đơn giản bằng một ví dụ: Người ta tìm thấy một chiếc áo dính máu nạn nhân bị sát hại trong nhà ông A. Rõ ràng ở đây có dấu hiệu tội phạm và người phạm tội. Câu hỏi ông A có phạm tội hay không là việc mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh.

Nhưng trước khi thực hiện suy đoán - định tội, chúng ta phải bắt đầu bằng giả thiết rằng: ông A vô tội. Trong quá trình chứng minh, chừng nào chưa tìm ra được những chứng cứ loại trừ giả thiết chứng minh ban đầu có nghĩa là ông A luôn không phạm tội. Đó là thực chất của nguyên tắc "suy đoán vô tội" trong tố tụng hình sự, rằng thay vì trực tiếp chứng minh nghi phạm có tội (nghĩa là tạo ra một định kiến trước khi định tội rằng nghi phạm chắc chắn đã phạm tội), thì chúng ta phải bắt đầu bằng giả thiết rằng nghi phạm vô tội, và nếu chứng cứ không đủ sức mạnh thì anh ta luôn là người không có tội.

Đây là một thành tựu của nhân loại nhằm bảo vệ nhân quyền trước sức mạnh của bộ máy cảnh sát, tòa án, đã được thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền 1948, Công ước quốc tế về Quyền chính trị, dân sự năm 1966 của Liên hợp quốc.

Về mặt lý luận, đó là khi suy đoán của chúng ta đã chắc chắn, đã loại bỏ được giả thiết nghi phạm vô tội lúc đầu, thì chúng ta mới có thể phán rằng anh ta phạm tội. Ngoài ra nó còn được thể hiện ở những nội dung:

Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội, người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Mọi nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ đều phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Bản án không được dựa trên những chứng cứ giả định.

Vậy nhưng cách báo đài đưa tin, và cái cách mà chúng ta nhanh chóng chộp lấy Bộ luật hình sự để vội vàng gọi người ta là “thủ phạm”, “hung thủ”, “kẻ giết người” khi mà phiên Tòa vẫn chưa diễn ra, Tòa án vẫn chưa tuyên án, theo tôi, quả thực đã xâm phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc rất tiến bộ này.

Điều này nói lên rằng, trước khi truy tố và xét xử, chúng ta đã có định kiến từ trước rằng Luyện chắc chắn phạm tội, dù điều này có đúng chăng nữa, song thực tế đã trái với nguyên tắc Suy đoán vô tội mà luật pháp thừa nhận. Về mặt pháp lý, khi chưa có bản án đã có hiệu lực của Tòa án, cách gọi Luyện là “kẻ giết người”, là “hung thủ” thực chất đã không có tính hợp pháp.

Một khi quy tắc không được tôn trọng, mặc nhiên những nội dung tiếp theo đó của nguyên tắc này cũng bị người ta bỏ quên.

Đừng tưởng nó chỉ là một cách gọi. Hãy giả sử khi Tòa án tuyên Lê Văn Luyện vô tội (chỉ là giả sử), lúc đó chúng ta lại sẽ gọi Luyện là gì?

Không quan tâm đúng mức tới nguyên tắc này dẫn tới một tình trạng rằng, danh dự của nghi phạm sẽ bị tổn thương trầm trọng - ngay cả khi nghi phạm sau đó được tuyên là vô tội, đồng thời tạo ra cho Tòa án – đáng lẽ phải là một vị trọng tài công tâm - chịu ảnh hưởng bởi định kiến nghi phạm chắc chắn phạm tội mà đi ngược lại với nguyên tắc suy đoán vô tội tiến bộ kia.

Cho dẫu đây là một vụ án nghiêm trọng mà người ta gần như đã chắc chắn rằng Luyện có tội, song nếu chúng ta vẫn không sửa đổi cách gọi, cách nghĩ như vậy, thì giả sử có những vụ việc có tính chất nghiêm trọng tương tự, nhưng nghi phạm thực ra không phải là thủ phạm, hậu quả để lại của nó sẽ tai hại vô cùng.

Hồng Kỳ

Tài trợ đưa tin trên chuyên mục. Chuyên mục Người đưa tin Luật sư có sự phối hợp, hợp tác của Công ty dịch vụ tư vấn Ka Long - Phòng 3012 Tầng 3 Tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội - hotline: 0903. 255 339 và Công ty Luật Kosy, số 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội, hotline: 0912 232 429.

Cùng chuyên mục

Bắt kẻ dùng gậy đánh người khác tử vong trong công viên ở Hà Nội

Thứ 5, 25/04/2024 | 11:22
Công an TP Hà Nội cho biết Công an quận Hà Đông đã bắt giữ Bùi Văn Giang (35 tuổi, ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) để điều tra về hành vi giết người.

Bắt kẻ mượn danh quyên góp từ thiện để chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng

Thứ 5, 25/04/2024 | 08:00
Lợi dụng lòng tốt của người dân, Lê Đình Hải kêu gọi tiền từ thiện rồi lừa hàng chục nghìn người, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.

Bạc Liêu: Chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng, nữ chủ hụi lĩnh 15 năm tù

Thứ 5, 25/04/2024 | 07:30
Ngày 24/4, TAND tỉnh Bạc Liêu cho biết, vừa tuyên phạt bị cáo Ong Thị Kim Lợi 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm hụi viên.

Tuyên phạt 2 năm tù người phụ nữ xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác

Thứ 5, 25/04/2024 | 07:11
Bà Nguyễn Thu Hằng bị tuyên phạt 2 năm tù về tội danh Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bị cáo Trần Quí Thanh nói gì trong lời nói sau cùng?

Thứ 4, 24/04/2024 | 20:54
Trong lúc nói lời sau cùng, bị cáo Trần Quí Thanh nhiều lần ngậm ngùi, bày tỏ tình thương với các con và người vợ bị tai biến.
     
Nổi bật trong ngày

Lâm Đồng: Bắt giữ tên trộm chém con trai chủ nhà

Thứ 4, 24/04/2024 | 14:23
Phát hiện trộm đột nhập vào nhà bố mẹ, trong lúc tri hô, con trai chủ nhà bất ngờ bị đối tượng cầm dao chém gần đứt khuỷu tay.

Bắt quản trị viên nhóm Facebook “Phố đèn đỏ...” chuyên môi giới mại dâm

Thứ 4, 24/04/2024 | 07:00
Vũ Thị Tuyết, quản trị viên của nhóm có tên “Phố đèn đỏ Hải Dương” trên Facebook với 2.200 thành viên, vừa bị Công an tỉnh Hải Dương bắt về hành vi môi giới mại dâm.