Hạ nhục người khác không thể biện minh do 'đánh ghen'

Hạ nhục người khác không thể biện minh do 'đánh ghen'

Thứ 5, 25/04/2013 | 15:48
1
Ghen tuông là chuyện muôn thuở của phụ nữ, khi một nửa của họ có dấu hiệu "có người thứ ba".

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách ghen có chừng mực, giữ được hạnh phúc gia đình, và không làm tổn hại đến người khác. Cùng với sự hỗ trợ của internet, những đòn ghen thời nay ngày càng "kinh dị" và tàn độc. Sau vụ đánh ghen kinh hoàng vừa xảy ra tại Bình Dương, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM về vấn đề này.

Vừa qua, trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) xảy ra một vụ đánh ghen rất nhẫn tâm rồi quay clip, chụp ảnh người phụ nữ trong tình trạng không mảnh vải che thân, gửi tới những người quen và công nhân trong công ty của nạn nhân. Theo luật sư (LS), những hành vi đó có vi phạm pháp luật không?

Đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hai mẹ con trong trường hợp này không thể biện minh cho mình rằng do nghi ngờ nạn nhân có quan hệ bất chính với chồng mình nên được quyền làm những việc như trên. Tôi cho rằng hành vi của hai mẹ con này đã đủ các yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Tôi đề nghị cơ quan điều tra Công an thị xã Thủ Dầu Một sớm vào cuộc điều tra và khởi tố vụ án đối với hành vi vi phạm trên.

Luật sư - Hạ nhục người khác không thể biện minh do 'đánh ghen'

Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

Nếu qua giám định pháp y, nạn nhân có những tổn thương về sức khỏe, thì sẽ xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Trong trường hợp này, nếu giám định mà tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 11% trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối với hai mẹ con trong vụ việc này thêm tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 104 BLHS.

Trong clip, người con trai là người hỗ trợ trực tiếp cho người mẹ hạ nhục nạn nhân. Xung quanh có rất nhiều người dân tụ tập, nhưng chỉ đứng xem và một vài người can ngăn một cách yếu ớt bằng lời nói.  Thậm chí có người đã quay clip này và tung lên mạng. Theo LS, những người này có được coi là tòng phạm không? Và sẽ chịu trách nhiệm liên quan như thế nào?

Sau khi xem clip thì tôi thấy rằng: Hai mẹ con đều là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên cả hai mẹ con đều phạm tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS. Còn đối với người dân tụ tập xem thì hiện nay khoản 3 Điều 4 BLHS quy định "Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm".

Đáng lẽ khi thấy tội phạm xảy ra trước mắt thì người dân cần ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân. Nhưng trong trường hợp này do ý thức pháp luật chưa tốt nên những người này lại để cho tội phạm xảy ra trước mắt mình. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật hình sự chưa có chế tài đối với hành vi không ngăn ngừa, đấu tranh, chống tội phạm của  những người xung quanh.

Hiện với sự trợ giúp của internet, các vụ đánh ghen xảy ra ngày càng nhẫn tâm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thể xác và tinh thần của nạn nhân. Về khía cạnh pháp lý, theo LS, cần phải làm gì để hạn chế những vụ đánh ghen kiểu như thế này?

Tôi cho rằng để hạn chế, giảm bớt các vụ đánh ghen, giảm bớt tính nguy hiểm của nó thì chúng ta cần phải tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật. Chúng ta cần tập trung vào việc tuyên truyền nghĩa vụ thương yêu, chung thủy của vợ chồng, chế độ một vợ, một chồng được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, cần tuyên truyền pháp luật hình sự, đặc biệt là các tội làm nhục người khác, tội cố ý gây thương tích, tội giết người để người dân có điều kiện hiểu và tuân thủ pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác quản lý an ninh trật tự tại địa phương cũng có vai trò rất quan trọng. Trong vụ việc này nếu chính quyền địa phương nhanh chóng nắm bắt được thông tin thì có thể sẽ hạn chế được hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, chúng ta cũng cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ công bằng xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của những nạn nhân.

Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính, hành vi ngoại tình sẽ tăng mức phạt từ 2 - 5 triệu đồng, thậm chí có thể bị xử lý hình sự nếu tái phạm. Có vẻ như pháp luật sẽ mạnh tay hơn với hành vi ngoại tình. Nhưng đây cũng có thể trở thành cái cớ để những người phụ nữ mạnh tay hơn với tình địch của mình?

Theo tôi, việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng là nhằm răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm. Điều này không đồng nghĩa với việc pháp luật khuyến khích các hành vi vi phạm pháp luật đối với người khác khi nghi ngờ họ có quan hệ với chồng, vợ mình.

Mà ngược lại, pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả mọi người trong xã hội. Khi quyền và lợi ích hợp pháp của người nào đó bị xâm phạm, hoặc trật tự xã hội bị xâm phạm thì người gây ra việc đó phải chịu các chế tài của pháp luật, mà nặng nhất là người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, tôi cho rằng mọi người cần tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, không nên để xảy ra những tình huống đáng tiếc như trên.

Xin cảm ơn luật sư!

Hương Lam (thực hiện)

Bắt khẩn cấp kẻ lột quần áo 'tình địch' đánh ghen

Thứ 3, 23/04/2013 | 08:38
Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết, chiều nay, 22/4, đã bắt bà Lê Thị Tuyết (SN 1970, ngụ tổ 4, khu phố 9, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) về hành vi làm nhục người khác.

Vụ 'lột đồ đánh ghen': Những người trong cuộc nói gì?

Thứ 2, 22/04/2013 | 11:37
Nghi ngờ chị B. dụ dỗ chồng mình đem cầm sổ đỏ, mẹ con bà Tuyết đã chặn đường chị B., lột quần áo đánh ghen giữa đường. Trong khi đó, cả chị B. và ông P. - chồng bà Tuyết - đều khẳng định không liên quan gì đến nhau.