Gia cầm nhập lậu lách lệnh cấm, 'tung tăng' giữa phố

Gia cầm nhập lậu lách lệnh cấm, 'tung tăng' giữa phố

Thứ 3, 23/04/2013 | 14:17
0
Trong khi các cơ quan chức năng đang sử dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng gà nhập lậu có khả năng nhiễm vi -rút H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn có một lượng lớn gia cầm ngang nhiên tuồn sâu vào trong nội địa.

Vô cảm trước dịch cúm?

Chúng tôi vừa có mặt tại chợ gia cầm Hải Bối (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã thấy tấp nập người mua kẻ bán. Tiểu thương và thương lái đang mặc cả, bán hàng ngay tại những xe hàng vừa đến. Không một thiết bị bảo hộ, cũng không có cảnh báo nào được đưa ra, cả người mua và người bán đều vô tư như thể chưa hề có dịch cúm. Nhiều người tiếp xúc gia cầm bằng tay không, sau đó lại vô tư ăn uống tại những quán ăn nằm ngay trong chợ bất chấp những nguy cơ lây bệnh từ chúng.

Xã hội - Gia cầm nhập lậu lách lệnh cấm, 'tung tăng' giữa phố

Gia cầm được bày bán và vận chuyển vào chợ Hà Vĩ.

Khi được hỏi về nguồn gốc và giá gà bán tại chợ, một tiểu thương cho biết: "Ở đây chỉ bán hàng chợ với giá rẻ chứ không bán các loại gia cầm giá quá cao vì không có người mua. Bởi những người đến đây đều lấy mối về đổ cho các nhà hàng, khách sạn... gà bán tại chợ đa phần là gà ta lai, được nhập về từ Bắc Giang hoặc các khu vực lân cận quanh Hà Nội. Hiện nay chúng tôi không còn bán gà Trung Quốc như trước kia nữa do có lệnh cấm. Vị tiểu thương này cũng cho biết,  giá gà dao động từ 50.000 đồng/kg cho tới 55.000 đồng/kg với những mặt hàng là gà tơ, chưa đẻ trứng.

Riêng gà đẻ nhiều lứa thì lại có giá khác. Gà đẻ nhiều lứa, càng già thì giá càng cao. Thông thường có giá 75.000 đồng/kg. Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên thì loại gà này thường bị rụng hết lông, hoạt động lờ đờ và màu da rất nhợt nhạt. Nếu so sánh với gà trọc đầu (gà thải loại không còn giá trị dinh dưỡng) của Trung Quốc không khác là mấy. Vậy mà những người bán hàng tại chợ vẫn khăng khăng khẳng định đều là gà ta lai được nhập từ các khu vực lân cận. Giải thích cho điều này, chị Nguyễn Thị Hạnh, người bán gà đến từ Thái Nguyên cho biết: "Bây giờ gà Trung Quốc bị cấm ai còn dám bán nữa. Chúng tôi chỉ bán gà trong nước?!".

Tiếp tục có mặt tại chợ gia cầm Hà Vĩ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) khi trời đã về sáng chúng tôi chứng kiến những dòng xe chở gà, gia cầm các loại xuất phát từ chợ đầu mối nối đuôi nhau đi vào nội đô. Mặc dù người đến nhập gà đã vãn nhưng khung cảnh vẫn rất nhộn nhịp. Gà ở đây khá phong phú về chủng loại và giá cả.

Đa phần là gà mía và gà Ấn Độ, Ai Cập, ngoài ra theo giới thiệu của một tiểu thương thì có cả gà ta lai, gà Tam Hoàng... Khi được hỏi về nguồn gốc loại gà đầu, đuôi hơi trọc, đa phần người bán ở đây sẵng giọng: "Gà Trung Quốc được nhập về Việt Nam nuôi lâu rồi, được mọi người gọi là gà lai và được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y thì mới vận chuyển, buôn bán được. Còn muốn biết chất lượng gà ra sao thì mua về ăn sẽ biết? Nếu so với chợ Hải Bối giá gà ở đây có cao hơn. Giá gà cao nhất dao động 70.000 - 75.000 đồng/kg và giá thấp nhất là 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, điều đáng nói là thái độ thờ ơ của đa phần người bán lẫn người mua trong việc ý thức phòng chống dịch bệnh. Một tiểu thương nói: "Chúng tôi toàn bán gà nhập từ các trại ở quanh Hà Nội và Bắc Giang chuyển về thì làm gì có dịch cúm. Những giấy tờ về nguồn gốc nhập hàng đều phải có mới được người ta cho vào chợ kinh doanh buôn bán.

Xã hội - Gia cầm nhập lậu lách lệnh cấm, 'tung tăng' giữa phố (Hình 2).

Gia cầm được vận chuyển vào thành phố.

Buông lỏng quản lý, gà lậu vẫn còn đất sống

Không chỉ hai chợ trên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết một số chợ khác trên địa bàn thành phố đều bày bán loại gà mía (gà Trung Quốc) nhưng khi hỏi về nguồn gốc các chủ gà đều cho biết đây là gà lai, ăn ngon không kém gì gà ta trong khi mức giá chỉ có 80.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Tiến Xuân, một chủ nhà hàng  chuyên kinh doanh thịt gà trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, người làm nghề sẽ phân biệt được ngay đâu là gà ta và đâu là gà Trung Quốc.

Tuy nhiên không phải ai cũng nhận biết được điều này, bởi bây giờ rất nhiều người vì lợi nhuận, tham giá rẻ đã mua gà Trung Quốc về phân loại rồi trà trộn vào gà ta mang bán, đánh lừa người tiêu dùng. Đó còn chưa kể tới việc các đầu nậu sẵn sàng thuê các hộ dân ở vùng giáp biên, vùng lân cận vận chuyển, nuôi nhốt gia cầm trong một thời gian ngắn sau đó làm thủ tục khai báo để được cấp giấy kiểm dịch một cách chính thống, lúc đó gà nhập lậu tha hồ tung hoành trên thị trường.

Trong khi các cơ quan chức năng, lực lượng liên ngành thường xuyên tăng cường kiểm tra, vây bắt các đối tượng nhập lậu gia cầm cũng như đẩy mạnh công tác khoanh vùng, phòng chống dịch bệnh từ xa thì mắt xích quan trọng nhất dường như bị bỏ quên. Ngay thời điểm PV có mặt tại chợ Hải Bối có không dưới 5 chiếc xe tải (loại 750kg và 1,5 tấn) chở gà vào chợ mà không gặp bất kì sự cản trở nào từ phía cán bộ thú y. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ai dám đảm bảo không có gia cầm nhập lập được trà trộn, đưa vào trong chợ buôn bán?

Riêng tại chợ Hà Vĩ, mặc dù cán bộ thú y kiểm soát khá tốt nguồn hàng vào chợ thế nhưng đó chỉ là những thủ tục trên giấy, còn việc kiểm tra chất lượng đàn gia cầm ra sao lại là chuyện khác. Theo nhiều người dân, hiện nay do tình hình dịch cúm gia cầm diễn ra phức tạp bên Trung Quốc nên đa phần các thương lái sẽ nhập hàng từ Trung Quốc về sau đó tập kết tại các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang. Sau một thời gian thì số gia cầm đó sẽ được gán mác gà Bắc Giang và công khai bày bán tại các chợ đầu mối của Việt Nam.      

Gấp rút triển khai, giám sát cúm H7N9 trên gia cầm nhập lậu

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có 82 ca mắc H7N9 trong đó có 17 người tử vong. Cục Thú y đang gấp rút triển khai việc giám sát vi-rút cúm H7N9 trên gia cầm, đặc biệt là gia cầm nhập lậu. Tuy nhiên tình hình nhập lậu gia cầm vẫn diễn biến rất phức tạp và gà nhập lậu vẫn được chuyển về Hà Nội dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, cục Thú y cũng đã chỉ đạo trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương rà soát lại toàn bộ 500 mẫu gia cầm nhập lậu, mẫu gia cầm tại các chợ đã được lấy từ tháng 9/2012 đến nay, để tiến hành xét nghiệm bổ sung tìm vi-rút cúm H7N9. Tuy nhiên qua kiểm tra xét nghiệm, 100% mẫu xét nghiệm đều âm tính với vi-rút H7N9.

Quỳnh Chi  - Phạm Thiệu

Nhập lậu gia cầm: Coi nhẹ mạng sống bản thân

Thứ 2, 15/04/2013 | 09:15
Trước nguy cơ xâm nhập của virus H7N9 vào nước ta, điều cần thiết lúc này là ngoài việc kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng thì những người vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc cũng cần cảnh tỉnh để không làm hại bản thân mình và đồng loại do có thể bị nhiễm virus này từ gia cầm.

Đã có 6 người chết vì cúm gia cầm ở Trung Quốc

Thứ 2, 15/04/2013 | 09:15
Tại thành phố Thượng Hải đã có 6 người bị thiệt mạng do nhiễm một chủng virus cúm gia cầm mới.

Chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc thời 'trảm' gà loại thải

Chủ nhật, 30/12/2012 | 09:50
Loại gà trọc đầu (gà mía Trung Quốc) từng một thời tuồn tràn lan về Việt Nam, "làm mưa làm gió" ở chợ gia cầm Hà Vỹ hiện đã không còn đất sống... Chợ gà cũng vắng hơn.

Giết mổ gia cầm, thu nhập... khủng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Được hỗ trợ bởi các công cụ làm sạch siêu tốc: Máy móc, hóa chất... khiến công đoạn làm lông gà vịt được rút ngắn siêu nhanh còn người làm dịch vụ lại thu bộn tiền.