Hà Nội: khúc mắc khó hiểu trong Dự án xã hội hóa hạ ngầm cáp điện

Hà Nội: khúc mắc khó hiểu trong Dự án xã hội hóa hạ ngầm cáp điện

Thứ 2, 24/10/2016 | 11:44
0
Một Dự án xã hội hóa hạ ngầm cáp điện nhưng lại có dấu hiệu rút ruột ngân sách nhà nước để...đầu tư đã khiến cho dư luận không khỏi thắc mắc.

Ngày 29/8/2016 Báo Người Đưa Tin nhận được đơn thư của ông Trần Văn Ánh và 15 hộ dân ở đường Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nội dung đơn thư ông Ánh và các hộ phản ánh việc các hộ gia đình đang bị UBND quận Cầu Giấy tiến hành thu đất để giao cho công ty Indeco thực hiện dự án hạ ngầm đường cáp điện 110KV chưa đúng các quy định của pháp luật.

Nội dung đơn gửi báo ghi rõ: “ Chúng tôi được biết công ty Indeco chưa được UBND TP. Hà Nội giao đất. Mặc dù UBND quận không giao quyết định thu hồi đất cho nhân dân, nhân dân đã làm đơn yêu cầu trả bản gốc từ một năm nay, nhưng UBND quận và phường hứa trả Quyết định thu hồi đất bản gốc cho nhân dân sau một tuần, nhưng đến nay đã gần một năm, UBND quận, phường không trả và không nói năng gì. Nhưng UBND quận vẫn ra quyết định cưỡng chế vào ngày 29/8/2016….”.

Xã hội - Hà Nội: khúc mắc khó hiểu trong Dự án xã hội hóa hạ ngầm cáp điện

Khúc mắc khó hiểu trong Dự án xã hội hóa hạ ngầm cáp điện. Ảnh minh họa

Trước đó hơn 1 năm, ngày 15/4/2015, chủ đầu tư Dự án - công ty INDECO đã tổ chức buổi gặp mặt có sự tham gia của UBND Phường Dịch Vọng Hậu, phối hợp với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Cầu Giấy, một số cán bộ HTX, một số hộ dân có đất và tài sản trên đất tại số 1 đường Trần Quốc Hoàn ( Cầu Giấy, Hà Nội) để chung tay tháo gỡ những khúc mắc trong Dự án xã hội háo hạ ngầm cáp điện đầu tiên của thành phố.

Tuy nhiên tất cả những lý lẽ mà chủ đầu tư đưa ra đều bất hợp lý và không nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Đặc biệt, phản ánh của nhân dân rất bức xúc về sai phạm tự quyết định của chính quyền tới sự thiếu minh bạch, khuất tất của chủ đầu tư.

Để khắc phục tình trạng lưới điện giăng mắc gây mất mỹ quan đô thị, từ năm 2009, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận quy mô và cơ chế đầu tư Dự án thí điểm hạ ngầm đường điện 110KV lộ 173 -174 Chèm – Giám đoạn nhánh rẽ đi trạm biến áp 110KV Nghĩa Đô ( quận Cầu Giấy). Tại thời điểm đó, Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng INDECO ( Cty INDECO) được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở thấp tầng trên vị trí đất đã hạ ngầm.

Nguyên nhân từ chính quyền hay chủ đầu tư?

Qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết đất nằm trong dự án là đất nông nghiệp do các xã viên quản lý hàng chục năm trước đây, và một phần đất đã được chuyển nhượng cho nhiều người khác. Tuy là đất nông nghiệp nhưng thật chất đã được đô thị hóa hàng chục năm qua, bởi các xã viên xây dựng phần đất đó thành cửa hàng, cửa hiệu kiên cố. Chẳng hạn như đoạn từ nhà số 1- 9 mặt tiền đường Trần Quốc Hoàn khá sầm uất với nhiều hàng quán mọc lên.

Điều đặc biệt là hầu hết các khu đất này chưa được cấp sổ đỏ, việc chuyển nhượng quyền sự dụng đất (QSDĐ) cho nhau mới chỉ xác nhận của chính quyền địa phương. Nếu theo quy định của Luật đất đai năm 2003 thì những thửa đất nằm trong hành lang bảo vệ lưới điện vẫn được cấp GCN QSDĐ , nên trong trường hợp này, chính quyền địa phương cũng thiếu trách nhiệm khi xem xét cấp giấy chứng nhận GCN QSDĐ cho các hộ dân khiến họ bao năm qua phải chịu cảnh thiệt thòi.

Ngay khi dự án hạ ngầm cáp điện được triển khai, các hộ dân nơi đây đã phát hiện ra dự án thiếu công khai, minh bạch, có nhiều sai phạm về tài chính, chưa thỏa đáng trong vấn đề nhận tiền đền bù GPMB.

Rút ruột ngân sách nhà nước để…xã hội hóa?

Trong văn bản số 943/UBND-TCKH ban hành ngày 31/12/2009 về việc hỗ trợ phương án tổng thể bồi thường hỗ trợ tái định cư nêu rõ: “sẽ được bồi thường hỗ trợ 44.879 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội”. Ngày 15/3/2010, UBND quận Cầu Giấy ra quyết định số 578/QĐ-UBND về  việc phê duyệt dự án chi phí phục vụ GPMB, chi phí phục vụ bồi thường hỗ trợ GPMB (giá trị 2 % là 879 triệu đồng, được chia cho công ty INDECO 527 triệu đồng, Hội đồng GPMB quận gần 264 triệu đồng, Thường trực ban chỉ đạo GPMB thành phố 44 triệu đồng, Sở tài chình Hà Nội 44 triệu đồng).

Như vậy khi lập xong dự án thì khoản tiền, đáng lẽ là xã hộ hóa phải do nguồn vốn của công ty INDECO chi trả bồi thường GPMB lại trở thành khoản tiền của ngân sách thành phố Hà Nội phải bỏ ra!

Xã hội - Hà Nội: khúc mắc khó hiểu trong Dự án xã hội hóa hạ ngầm cáp điện (Hình 2).

Dự án điện ra đảo Cô Tô chỉ phải chi 20 tỷ đồng/km. Ảnh minh họa 

Sự thiếu minh bạch của dự án thể hiện ngay ở đơn giá thi công quốc gia đường cáp điện ra biển đảo Phú Quốc chi hơn 40 tỷ đồng/1km; Dự án điện ra đảo Cô Tô cũng chi 20 tỷ đồng/km.

Vậy mà với chiều dài 1,76 km trên đất liền như ở đường Trần Quốc Hoàn (chủ yếu là chôn cáp dưới lòng đất), chủ đầu tư INDECO cần tới 292 tỷ đồng (bình quân 172 tỷ đồng/km gấp 7 lần đơn giá hạ cáp dưới biển). Như vậy để phê duyệt dự án này, thiệt hại mà thành phố chịu là quá lớn, mà cái lợi INDECO thu về quá rõ.

Đấy là chưa kể đến sự chênh lệch giá khi quy đổi cơ sở hạ tầng 21,170 m2 đất lấy 1,76km đường điện hạ ngầm. Vì thực tế, đất ở ngõ 1 đường Trần Quốc Hoàn không phải được tạo ra từ hạ ngầm mà là đất dân sinh (theo đơn giá thị trường cũng phải 60 triệu /m2). Nếu quy đổi đất thị trường do UBND thành phố Hà Nội áp dụng cho INDECO ở dự án này cũng không dưới 4.234 tỷ đồng để đổi lấy công trình trị giá 292 tỷ đồng. Như vậy nhà nước bị thiệt hại hàng nghìn tỷ dồng mà sao vẫn làm?

Dự án thi công khị chưa lấy ý kiến của dân

Chủ trương xã hộ hóa đường điện ngầm đoạn 1,76 km hạ tuyến trên đường Trần Quốc Hoàn và Tô Hiệu có tổng mức dự toán 292 tỷ đồng. Một dự án lớn như vậy nhưng lại không được đấu thầu công khai, và UBND thành phố đã chỉ định giao cho công ty INDECO theo cơ chế “xin – cho”.

Đáng nói hơn đơn kêu cứu của ông Trần Văn Ánh là từ khâu khảo sát dự án đến lúc thi công, không hề lấy ý kiến của nhân dân. Điều này đã vi phạm quy chế dân chủ theo Nghị định 08/2005/NĐ-CP và quy chế dân chủ tại cơ sở.

Từ khi có dự án đến nay đã 6 năm trôi qua, thời hạn thực hiện dự án đã hết mà công tác đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) tại số 1 đường Trần Quốc Hoàn vẫn chưa đạt kết quả gì.

Các hộ dân nơi đây vẫn chưa có GCNQSDĐ nên không thể yên tâm sinh sống, nay lại phải đối mặt với việc bị “cướp” nơi ăn chốn ở. Thiết nghĩ cần có sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương cần có chế tài xử lý minh bạch và thỏa đáng tránh đơn thư kiện tụng, kéo dài, gây bất ổn trong xã hội.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này các hộ dân lại có đơn phản ánh xung quanh vấn đề thu hồi đất và dự án có quá nhiều khuất tất và đề nghị các cấp các cơ quan báo chí truyền hình điều tra xác minh làm sang tỏ sự việc, đảm bảo sự ổn định cho các hộ dân sinh sống nơi đây.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thẩm quyền và đề nghị xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc và thông tin tới bạn đọc trong các số báo tới.

Công Luân 

Cùng tác giả

Sợ viễn cảnh độc quyền sách giáo khoa

Thứ 4, 20/07/2022 | 14:26
Độc quyền là nguyên nhân chính dẫn đến giá thành cao và chất lượng thấp của bất kỳ loại hàng hoá, dịch vụ nào, trong đó có sách giáo khoa.

Tướng Tô Ân Xô nói về việc "vây thầu" trong vụ bắt Chủ tịch Vimedimex

Thứ 5, 02/12/2021 | 20:19
Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vimedimex, bị khởi tố do sai phạm liên quan tới đấu thầu đất đai.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tăng thời hạn vắc-xin không ảnh hưởng chất lượng

Thứ 5, 02/12/2021 | 20:05
Ông Trần Văn Thuấn cho biết, việc tăng thời hạn vắc-xin thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng.

Chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an toàn, vui vẻ

Thứ 5, 02/12/2021 | 18:35
Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác dự báo, tính toán, cân đối để bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

“Một số địa phương lựa chọn SGK không quan tâm đến ý kiến của cơ sở”

Thứ 3, 09/11/2021 | 18:51
Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý (Đoàn Đà Nẵng) đã có trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề xã hội hoá SGK.