Hà Nội tăng thêm 8000 taxi: Coi chừng hệ lụy

Hà Nội tăng thêm 8000 taxi: Coi chừng hệ lụy "khủng hoảng thừa"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Theo nhiều chuyên gia, với số lượng taxi bổ sung không những làm cho giao thông Hà Nội thêm ách tắc mà còn khiến "cuộc chiến" của các hãng taxi thêm khốc liệt.

Hiện nay, trên thực tế, số lượng 17.000 taxi ở Hà Nội đã vượt ngưỡng nhu cầu của người dân. Thậm chí, cơ sở hạ tầng đã không đáp ứng kịp sự tăng lên nhanh chóng, thiếu định hướng của loại phương tiện này. Trong khi người dân trông chờ vào những dự án phát triển các phương tiện giao thông đa dạng thì bất ngờ, UBND TP. Hà Nội phê duyệt đề án tăng thêm 8000 xe taxi. Điều này đã thổi bùng những lên luồng dư luận trái chiều. Nhiều chuyên gia giao thông quan ngại, với 8000 taxi mới, căn bệnh tắc đường sẽ trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.

Ô tô-Xe máy - Hà Nội tăng thêm 8000 taxi: Coi chừng hệ lụy 'khủng hoảng thừa'

Taxi đã trở thành nỗi khiếp đảm của giao thông Hà Nội

Giật mình về số lượng taxi ở Thủ đô

Theo số liệu thống kê hiện nay, ước tính Hà Nội có khoảng trên 17.000 xe taxi, thuộc 114 công ty vận tải. Tính bình quân, mật độ taxi tại khu vực đô thị Hà Nội hiện quá lớn. Tính trung bình, mỗi km2 có 52,5 chiếc taxi và mỗi km đường có 16 xe taxi hoạt động. Chỉ cần một so sánh đơn giản về mật độ taxi của Hà Nội với những đại đô thị trên thế giới như Bắc Kinh, Hồng Kông… chúng ta có thể hình dung được sự bất hợp lý này. Theo số liệu từng công bố, mật độ taxi taiå Hồng Kông 12,3 xe/km2, Bắc Kinh 5,7 xe/km2...Như vậy, mật độ taxi Hà Nội đã lớn gấp 9 lần so với Bắc Kinh.

Hệ lụy từ nghịch lý này có thể kiểm chứng theo cách đơn giản nhất. Tại giờ cao điểm ở những nút giao thông lớn tại Hà Nội như Trần Duy Hưng - Láng, Ngã Tư Vọng, Hai Bà Trưng - Phan Bội Châu… tình hình ùn tắc diễn ra thường xuyên đã trở thành nỗi ám ảnh của người đi đườngå. Chính sự hiện diện quá đông đã biến loại taxi từ phương tiện hữu ích trở thành tác nhân gây tắc đường. Việc xuất hiện lượng quá lớn loại phương tiện này khiến các cơ quan thẩm quyền đã phải ban hành hàng chục lệnh cấm với loại phương tiện đó (cấm dừng đỗ, cấm hoạt động bắt trả khách, cấm lưu lưu thông). Trên thực tế, nhiều tuyến phố Hà Nội đã nói không với taxi.

Sự bất hợp lý trong quy hoạch hạ tầng cơ sở cộng hưởng với đó là sự phát triển bùng nổ thiếu tính toán của taxi dẫn đến tình trạng tắc đường ở nhiều điểm giao thông quan trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, đáng ra, thành phố cần hạn chế phát triển taxi. Nhưng mới đây nhất, thông tin đề án tăng 8000 xe taxi được UBND TP. Hà Nội phê duyệt khiến nhiều người tỏ ra băn khoăn. Họ không hiểu, dựa trên cơ sở nào TP lại tiến hành phê duyệt đề án trên.

Thông tin PV có được cho thấy, con số 8000 xe trong đề án này dành để đáp ứng nhu cầu đi lại của vùng ven đô như Đông Anh, Sóc Sơn. Do đó, nó không gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông nội đô. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sẽ xảy ra chuyện số taxi trên tràn vào các khu trung tâm hoạt động để kiếm khách. Lo lắng này không thừa, vì trên thực tế, nạn xe dù trong loại hình phương tiện công cộng này từng khiến cơ quan quản lý hết sức đau đầu. Viễn cảnh Hà Nội sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa các tuyến phố cấm taxi mà nhiều người lo lắng sẽ trở thành hiện thực.

Trao đổi với PV Người đưa tin, anh Nguyễn Văn Bình, quản lý đội xe taxi của một hãng nổi tiếng cho biết: Việc cạnh tranh giữa các hãng trong thời gian này trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Bởi đây là thời điểm mà người dân thắt chặt chi tiêu, khiến thị phần của các hãng bị thu hẹp. Ngược lại, số lượng xe taxi mỗi ngày một tăng dẫn đến tình trạng "khủng hoảng thừa". Theo anh Bình, do không cạnh tranh được nên một số hãng đã giảm lương. Điều này dẫn đến việc nhiều lái xe chán nản bỏ nghề.

Đáng lẽ ra, số lượng taxi tăng lên thì khách hàng là người nhận được lợi ích nhiều nhất. Tuy nhiên, thật bất ngờ, chính khách hàng lại than vãn về chất lượng loại phương tiện này. Chị Thu Phương (ngụ đường Đê La Thành, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: "Chính vì sự xuất hiện quá nhiều hãng taxi nên tình trạng lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu để đón khách ở đường phố chật hẹp là điều dễ hiểu. Ở khu phố tôi đang sống, khi vừa nhận tin thành phố mới cấm taxi hoạt động, mọi người đều tỏ ra vui mừng.

"Nên đa dạng hóa các loại hình phương tiện"

Trước thực trạng thừa taxi cùng những hệ lụy xấu của nó, PV đã trao đổi với nhiều chuyên gia đầu ngành về giao thông đô thị. Khi được hỏi, họ đều có chung sự băn khoăn lo lắng. Những vị chuyên gia này đặt câu hỏi, xuất phát từ cơ sở nào để thành phố đưa ra quyết định trên.

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà Xuất bản GTVT cho rằng, taxi là phương tiện hữu ích, phổ biến trên thế giới. Việc phát triển phương tiện này góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Thủy, thay vì tăng lượng taxi trên địa bàn Thủ đô thì các nhà chức trách nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ. Điều đầu tiên cần làm là tránh tình trạng gian dối trong tính cước phí và nâng cao thái độ phục vụ. Điều đó sẽ khiến nhiều người tin tưởng sử dụng phương tiện này. Cùng với đó, trước khi mở rộng và phát triển loại phương tiện đó, thành phố nên tính đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng cho hoạt động vận chuyển hành khách.

Thực tế cho thấy, địa bàn trung tâm các thành phố, nhu cầu người dân sử dụng loại phương tiện này là rất lớn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất không đáp ứng, dẫn đến sự quá tải. Điều này tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp và sinh hoạt đi lại của người dân. Ông Thủy cũng đưa ra kiến nghị, trong điều kiện một nước đang phát triển, việc phát triển phương tiện giao thông công cộng như taxi là điều nên làm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đa dạng hóa các loại hình giao thông công cộng. Hiện tại, loại hình giao thông công cộng nước ta quá dựa vào taxi và xe buýt gây nên sự bất cập trong cơ cấu ì thành phần phương tiện giao thông công cộng hiện nay.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, ở những nước như Nga, Trung Quốc… giao thông công cộng đáp ứng đến 40 - 60% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi chúng ta mới đáp ứng được gần 10%. Trong tương lai, phương tiện giao thông công cộng phải đảm bảo được 20 -25 % nhu cầu này. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên hai phương tiện này chắc chắn xuất hiện nhiều hệ lụy xấu từ bản thân hai phương tiện đó.

Chuyên gia này khẳng định: "Số lượng taxi hiện tại đã bão hòa, thậm chí đủ để đáp ứng nhu cầu tăng lên trong vài năm tới. Điều đó có nghĩa là, thay vì phát triển phương tiện này chúng ta nên đầu tư xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, tàu hỏa đô thị. Đa dạng hóa phương tiện lưu thông là cách tốt nhất để giải quyết vấn nạn tắc đường và tai nạn giao thông nhức nhối hiện nay của hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM".

Cuộc chiến khốc liệt của các hãng taxi

Xoay quanh bản đề án này, Ông Đỗ Quốc Bình, chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, hiện số taxi ở Thủ đô hiện khá lớn. Việc tăng thêm taxi trong thời gian tới khiến "cuộc chiến" của các hãng thêm khốc liệt. Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, những năm tới không nên tăng số lượng taxi mà nên phát triển xe buýt, hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm. Chủ trương phát triển số lượng taxi là sai lầm, cần xem xét nhiều biện pháp khác phù hợp với thực tế hơn.

Trinh Phúc