Hà Nội “trải thảm đỏ”, thủ khoa vẫn “quay lưng”

Hà Nội “trải thảm đỏ”, thủ khoa vẫn “quay lưng”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Mức lương thấp, điều kiện làm việc kém thân thiện, cơ hội thăng tiến khó khăn... là rào cản khiến đa số thủ khoa đang "quay lưng" với các cơ quan của Hà Nội.

Theo thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội, trong 10 năm qua, đã có 1.080 thủ khoa được vinh danh nhưng số thủ khoa nguyện dấn thân cống hiến cho cơ quan của thành phố (TP) chỉ chiếm chưa đầy 10%. Không ít tân thủ khoa đã thẳng thắn thừa nhận, dù được rộng cửa chào đón nhưng làm Nhà nước lương thấp, điều kiện làm việc kém thân thiện và cơ hội thăng tiến khá khó khăn nếu không có "ô dù"…

Xã hội - Hà Nội “trải thảm đỏ”, thủ khoa vẫn “quay lưng”

Các thủ khoa đại học năm 2011 chụp ảnh với giáo sư Ngô Bảo Châu

10 năm tuyển không nổi... 10%

Suốt nhiều năm qua, các thủ khoa đều được vinh danh, ghi tên trên bảng vàng, tham dự các buổi trò chuyện cùng lãnh đạo TP. để chia sẻ về khát vọng cống hiến. Không những thế, năm nào Hà Nội cũng đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm thu hút thủ khoa với số lượng không hạn chế. Thậm chí, trong buổi họp báo Chương trình tuyên dương thủ khoa TP. Hà Nội năm 2012 vừa tổ chức, đại diện Sở Nội vụ tái khẳng định: "Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện năm nay sẽ tiếp tục được tuyển thẳng vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn TP.Hà Nội".

Dù rộng cửa chào đón là thế nhưng trong số 1.080 thủ khoa được vinh danh 10 năm qua, thực tế chỉ có 107 thủ khoa chịu về cống hiến, chiếm chưa đầy 10%. Và trong số 107 thủ khoa đó, nay ai vẫn còn bám trụ, ai bỏ cuộc giữa chừng thì vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Lý giải cho thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Vinh, phó GĐ Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, 107 em được tiếp nhận về các cơ quan hành chính sự nghiệp của Hà Nội, được TP. bố trí công việc phù hợp với chuyên môn. Từ nhiều năm nay, thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc tại các trường trên địa bàn Hà Nội không phân biệt hộ khẩu đều được tiếp nhận ngay. Việc xét đặc cách này cũng đã được đưa vào luật công chức, viên chức và thực hiện ở tất cả các tỉnh, thành, không riêng Hà Nội. "Tuy nhiên, dù có nhiều ưu tiên nhưng chỉ khoảng 10% thủ khoa vào làm việc ở TP. vì phần lớn các em được giữ lại trường làm giảng viên hoặc đi học nước ngoài", vị này nói thêm.

Tâm sự với PV Người đưa tin, Vũ Hoàng Yến, thủ khoa đầu ra trường Đại học Thương mại cho biết: "Em xin vào cơ quan Nhà nước của TP. Hà Nội với lý do để thỏa ước nguyện được học tiếp bậc học cao hơn. Mặc dù làm bên ngoài, có thể môi trường làm việc thoải mái, lương cao, chế độ đãi ngộ tốt… nhưng em khó được tạo điều kiện tiếp tục học lên. Không ít doanh nghiệp kêu ca không có kỹ sư, chuyên gia giỏi, phải đi "săn đầu người". Nhưng khi tuyển được rồi họ không dám mạnh dạn đầu tư cho đi học để nâng cao trình độ. Là con gái, em chỉ mong được ổn định cuộc sống, tìm một công việc phù hợp với bản thân mình, chứ chưa nghĩ nhiều đến chuyện thu nhập".

Tuy nhiên, tân thủ khoa này cũng bày tỏ lo lắng trước thực tế, không ít thủ khoa đang "quay lưng" lại với các cơ quan Nhà nước. Ngoài vấn đề lương thấp, cơ hội thăng tiến khó khăn, các thủ khoa nói riêng và học sinh giỏi nói chung chưa được các cơ quan nhà nước có chính sách thu hút hợp lý. Trong khi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngay từ những năm thứ 3 đã có chính sách hỗ trợ sinh viên giỏi rất thỏa đáng. Điều này khiến không ít bạn kỳ vọng hơn về một công việc tốt, mức lương cao ở những doanh nghiệp đó.

Nguyễn Thị Thùy Dung, thủ khoa "kép", cả đầu ra và đầu vào, trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Theo như lời của đại diện Sở Nội vụ, khi vào làm tại cơ quan của TP, bọn em sẽ được tạo điều kiện học tiếp nhưng không hiểu sau này em có được thực hiện ước mơ của mình không. Em cũng nghe các anh chị kể lại, làm nhà nước lương thấp, môi trường gò bó, muốn thăng tiến phải có "ô dù"… em cũng rất phân vân. Nếu vào trong cơ quan Nhà nước, cơ hội tiếp tục đi học lên sẽ khó thực hiện hơn nếu cơ quan không có cơ chế hỗ trợ. Chính vì vậy, nhiều thủ khoa thường tính phương án du học trước, làm sau, mà sau khi du học nhiều bạn sẽ tìm cơ hội công việc ở nước ngoài hơn là về phục vụ quê hương”.

Cựu thủ khoa "vỡ mộng" cống hiến

Không riêng tân thủ khoa băn khoăn, không ít cựu thủ khoa cũng từng "vỡ mộng" khi chạy theo lý tưởng, dấn thân cống hiến cho các cơ quan công quyền. Để rồi sau một thời gian, họ nhận ra rằng "cơm áo không đùa với khách thơ"…

Đặng Yến Dương (28 tuổi, quê Hưng Yên) sau khi tốt nghiệp với tấm bằng ưu của Đại học Mỏ - Địa chất kể về hành trình gian nan làm tại nhà nước rồi đành ngậm ngùi "rút lui". Dương về làm việc tại Thành đoàn Hà Nội với vị trí kế toán văn phòng. Tuy nhiên, sau hơn hai năm làm việc, chị quyết định nghỉ việc và chuyển sang làm kế toán ở Công ty thang máy trước sự ngạc nhiên của người thân.

Chị tâm sự: "Không phải mình chê môi trường làm việc của Nhà nước. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm việc, mình thấy công việc không thực sự phù hợp với khả năng của mình. Hơn nữa, đồng lương cũng không cao, một tháng chỉ thu nhập 4-5 triệu đồng. Với đồng lương ít ỏi đó không giải quyết được bất cứ việc gì ngoài chi phí ăn uống, phục vụ một số nhu cầu cần thiết nhất cho bản thân. Cũng vì lý do này nên hạn chế luôn số lần gặp mặt bạn bè, hội hè. Sau hai năm làm việc mà không hề có được khoản nào lận lưng. Thậm chí, có tháng mình còn phải cầu viện trợ của bố mẹ để gửi mừng đám cưới đồng nghiệp, nên đành ngậm ngùi chia tay công việc".

Chị Dương kể tiếp: "Khi mình chuyển sang làm việc ở công ty thang máy qua giới thiệu của một người bạn, mình thấy môi trường làm việc năng động hơn nhiều. Mỗi người được phân công một vị trí tương xứng mà mình có thể phát huy tối đa khả năng cũng như kiến thức. Và tiền lương cũng tương xứng, một tháng cả tiền lương và thưởng mình nhận được từ công ty khoảng 9-12 triệu đồng".

Không giống như chị Dương, Lê Sử Năng, thủ khoa tốt nghiệp ĐH dân lập Đông Đô được tuyên dương năm 2004 lại rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn. Để được tuyển vào cơ quan TP, cậu phải mòn mỏi chờ đợi suốt thời gian dài. Được biết, trước khi là thủ khoa ĐH dân lập Đông Đô, Sử Năng đã tốt nghiệp ĐH Bonn (Đức). "Hồi đó, tôi tha thiết vào cơ quan nhà nước vì nhiều lý do. Những người như chúng tôi luôn muốn có môi trường để cống hiến, chứng tỏ mình với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi từng suy nghĩ, làm ngoài cuối cùng cũng chỉ là làm thuê, không có sự chủ động cho bản thân. Hơn nữa, tại thời điểm đó khi chiêu mộ thủ khoa, sở, ngành đưa ra mức lương 1,5 triệu đồng là ổn", cựu thủ khoa này kể lại.

Hồi đó, Sử Năng hăm hở nộp đơn vào các sở, ngành của Hà Nội. Tuy nhiên, họ chờ mãi không thấy hồi âm. Cũng có người nhận được câu trả lời của sở, ngành là không có chuyên ngành phù hợp. Năm 2004 với gần 100 thủ khoa thì chỉ có 3 người được nhận vào công tác tại các sở, ngành. Số còn lại tự tìm việc làm nơi khác hoặc đi du học, trong đó có Sử Năng.

Theo thừa nhận của không ít cựu thủ khoa, khi mới ra trường với số điểm "siêu khủng" và tấm bằng giỏi, nhiều người bước chân vào con đường công chức với đầy kỳ vọng. Ai cũng muốn phát huy hết năng lực, sở trường để cống hiến và tham gia quản lý xã hội. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 2-5 năm, nhiều người chán nản và chuyển sang trây ỳ. Nhiều người nhận thấy "không làm cũng không sao, thậm chí làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, cuối năm xếp loại ai cũng như ai" nên an phận, chấp nhận vui vẻ hoạt cảnh "đến hẹn lại lên", tức là cứ đến niên hạn là lên lương, lên ngạch.

Navigos Search, một nhà cung cấp các giải pháp tuyển dụng nhân sự cao cấp đã khảo sát trên 4.800 nhân sự cao cấp làm việc tại các công ty trong nước và các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, lương và thu nhập chỉ là yếu tố đứng thứ tư trong những ưu tiên lựa chọn. Đứng đầu trong các yếu tố đó là "đội ngũ lãnh đạo tốt", thứ hai là yếu tố "có môi trường làm việc tốt về thể chất lẫn tinh thần", thứ nữa là đến "các chương trình hỗ trợ đào tạo, phát triển". Trên thực tế vẫn thường có chuyện làm việc trong cơ quan Nhà nước, người lao động thường ít chịu áp lực về công việc nhưng lại có vấn đề là phải xử lý những mối quan hệ "tế nhị", những quan hệ này nhiều khi khá ngóc ngách, phức tạp…

Anh Đức - Cao Tuân