Hà Nội triển khai 'dạy' học sinh đẳng cấp giàu, nghèo

Hà Nội triển khai 'dạy' học sinh đẳng cấp giàu, nghèo

Thứ 4, 10/07/2013 | 15:28
0
"Vào trường chất lượng cao, nhà nước sẽ gánh phần ngân sách về xây dựng cơ sở vật chất, người học sẽ chịu phí về thực hiện chương trình giảng dạy, dịch vụ chất lượng cao. Như vậy vừa đảm bảo công bằng xã hội, vừa đảm bảo mục tiêu xã hội hóa giáo dục".
Ông Nguyễn Viết Cẩn - trưởng phòng Kế hoạch-tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội nói rõ việc triển khai Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được HĐND TP. Hà Nội thông qua sáng 6/7.
 
Nội dung đương nhiên khác chương trình chuẩn của Bộ
 
PV:- Theo quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được áp dụng trong năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non và trung học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2,9 -3 triệu.
 
Căn cứ vào cơ sở nào để Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra mức học phí này và mục tiêu nhắm tới là gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Căn cứ vào những tiêu chí xếp loại trường, khi trường đủ tiêu chuẩn được chứng nhận là trường chất lượng cao thì sẽ được áp dụng các cơ chế tài chính chất lượng cao.
 
Khung học phí tối đa 2,9 - 3 triệu (đối với mầm non và trung học) là mức tính toán dựa trên 5 tiêu chí xác định trường chất lượng cao (cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; dịch vụ giáo dục). Đó là cơ sở để tính toán và đưa ra mức học phí này nhằm vừa đảm bảo chương trình đào tạo chuẩn, vừa đảm bảo chương trình nâng cao.
 
Chi phí này là nguồn kinh phí đảm bảo cho nhà trường chủ động toàn bộ kinh phí, chi trả lương, các hoạt động thường xuyên trong nhà trường... Quy định là hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố đồng thời để đáp ứng hội nhập quốc tế. 
 
Xã hội - Hà Nội triển khai 'dạy' học sinh đẳng cấp giàu, nghèo
Ông Nguyễn Viết Cẩn - trưởng phòng Kế hoạch-tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội
 
PV:- Vậy tiêu chuẩn cụ thể đối với trường chất lượng cao được Sở GD&ĐT quy định như thế nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Tiêu chí áp dụng cho trường mầm non, trung học chất lượng cao phải đáp ứng được đầy đủ, đúng các quy định của Bộ GD&ĐT về trường mầm non chuẩn quốc gia; Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và các chuẩn khác về đội ngũ, chương trình; đồng thời bổ sung 5 tiêu chí trên. 
 
Về cơ sở vật chất, các trường mầm non chất lượng cao phải đảm bảo trường có không quá 2 điểm trường. Số trẻ trên lớp trong nhóm tuổi từ 13 tháng-6 tuổi chỉ được 20-35 trẻ. Số giáo viên trên lớp từ 3-4 giáo viên.
 
Phòng học phải đạt tiêu chuẩn ánh sáng, không khí, nhiệt độ, công trình vệ sinh phù hợp với độ tuổi và hiện đại. Trang thiết bị đầy đủ, có hội trường, phòng máy tính, thư viện...
 
Đối với bậc trung học, đội ngũ giáo viên, phải được đánh giá, xếp loại xuất sắc theo chuẩn của Bộ GD&ĐT. Ít nhất 70% giáo viên đạt trình độ đào tạo chuyên ngành trên chuẩn (thạc sĩ, tiến sĩ); 100% giáo viên được đánh giá, xếp loại đạt loại khá trở lên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non của Bộ GD&ĐT, trong đó 70% trở lên xếp loại xuất sắc; ít nhất 70% cán bộ, giáo viên nhân viên đạt lao động tiên tiến, trường có giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố. 
 
Trong giảng dạy, chú trọng phát triển toàn diện một con người đặc biệt là phát triển kỹ năng, nhận thức cho học sinh..., đáp ứng phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại, đảm bảo phương tiện đưa đón học sinh tận nhà, nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong nhà trường...
 
PV: Nội dung giảng dạy có thay đổi so với chương trình chuẩn của Bộ giáo dục hiện nay không, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Nội dung đương nhiên phải khác. Thành phố đã có quyết định số 21 về định hướng thay đổi, nội dung chương trình giảng dạy cho các trường chất lượng cao. Theo đó, ngoài cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại, hiệu trưởng các trường chất lượng cao hàng năm phải xây dựng chương trình giảng dạy chất lượng cao vượt so với chương trình chuẩn trình lên cơ quan chuyên môn để thẩm định (cụ thể là phòng và Sở GD&ĐT).
 
Ví dụ như, tăng cường số tiết học, tăng cường kỹ năng rèn luyện về cả kiến thức và kỹ năng sống, có quyền thuê giáo viên nước ngoài vào trường tham gia giảng dạy. Từ đó, mới xây dựng mức trần học phí đề nghị.
 
Phân loại theo mức đóng góp để... giảm tải?
 
PV:- Tiêu chuẩn trường chất lượng cao là vậy, nhưng cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng suốt quá trình giảng dạy được thực hiện như thế nào? Làm sao đảm bảo trường có hoạt động theo tiêu chuẩn "chất lượng cao" hay không hay chỉ cần gắn mác chất lượng cao, thu tiền cao còn thực chất giảng dạy thì không cần quan tâm, thưa ông? 
 
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Bộ GD&ĐT có quy định chuẩn về đào tạo và chuẩn nghề nghiệp. Ngoài chuẩn về bằng cấp, còn phải đánh giá dựa trên phương pháp giảng dạy, chất lượng giảng dạy, kết quả đào tạo...
 
Nghị quyết của thành phố cũng quy định cả một mục riêng về cơ chế giám sát về hoạt động, chất lượng với những trường chất lượng cao. Trong đó quy định:
 
- Đối với các trường trung học, phải có học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia. Học lực 90% là khá giỏi, không có yếu kém. Hạnh kiểm khá và tốt 100%, không có bỏ học. 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, được tham gia hoạt động kỹ năng sống...
 
- Đối với những trường có chất lượng cao thì phải chịu cơ chế kiểm tra, giám sát về chuyên môn như: dự giờ bất ngờ, kiểm tra đột xuất theo định kỳ 
 
- Đối với nhà trường phải có sự cam kết công khai về học phí, cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên...
 
Về học phí, sẽ do cơ quan quản lý cấp trên là UBND quận huyện (đối với trường mầm non, tiểu học ), THPT, THCS là do Sở GD&ĐT thẩm định, đảm bảo công khai, không vượt quá mức trần quy định và chịu sự giám sát của cơ quan kiểm tra tài chính độc lập do Bộ phối hợp tiến hành hàng năm.
 
PV:- Vậy, tiêu chí xét tuyển đầu vào những trường chất lượng cao được quy định như thế nào? Những học sinh khu vực trường chất lượng cao mà không đủ tiêu chuẩn vào trường chất lượng cao thì tính sao, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Hiện chưa có tiêu chí nào cụ thể quy định về đầu vào các trường chất lượng cao. Nhưng chắc chắn sau này mỗi trường sẽ có những tiêu chí cụ thể và phải được các cơ quan có chức năng thẩm định. Trước tiên là phải có một điểm sàn chuẩn đầu vào từ đó mới xây dựng cái chuẩn trong quá trình giảng dạy.
 
Không nên nhầm lẫn, trường chất lượng cao là chuyên sâu về chuyên môn, kiến thức mà phải hướng về toàn diện, kỹ năng, tâm lý, nâng cao chương trình nhưng không được làm nặng chương trình.
 
Hơn nữa trường chất lượng cao cũng phải đảm bảo được nguyên tắc công bằng xã hội, chỉ được thực hiện ở những nơi đã đảm bảo điều kiện phổ cập. Nghĩa là, ngoài chương trình phổ cập học sinh nào có điều kiện muốn tham gia học trường chất lượng cao thì có thể đăng ký, thi tuyển đầu vào. 
 
Nếu học sinh không đủ tiêu chuẩn vào các trường chất lượng cao thì có quyền được học những trường mang tính chất phổ cập khác.
 
Hiện nay đang có 14 trường công lập và 4 trường ngoài công lập đang thực hiện thí điểm trường chất lượng cao.
 
PV:- Năm nào dư luân cũng bức xúc với cảnh xếp hàng xin học cho con, tới đỉnh điểm là đạp đổ cổng trường tiểu học…  Ông có tin rằng, cho phát triển rộng rãi hệ thống trường chất lượng cao sẽ làm giảm đi tình trạng nói trên? Như thế có đồng nghĩa với việc, phân chia hệ thống giáo dục theo mức đóng góp của phụ huynh là phương pháp để giảm tải tại trường tốt?
 
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Tôi nghĩ mô hình trường chất lượng cao là một trong những mô hình cha mẹ học sinh mong mỏi. Cũng là tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc xã hội hóa, đồng thời tạo sự công bằng trong giáo dục. 
 
Việc phụ huynh chen lấn xô đẩy để kiếm chỗ học cho con về quản lý ngành thì chúng tôi phải suy nghĩ, phải tạo ra những mô hình đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu học của người dân. Mô hình trường chất lượng cao này cùng với hệ thống trường chuyên sẽ góp phần giảm tải cho những ngôi trường tốt đó.
 
Đảm bảo công bằng với trường tư
 
PV:- Khi các lớp chất lượng cao mới lác đác xuất hiện, nhiều chuyên gia về giáo dục đã lo lắng, tạo ra các tầng đẳng cấp trong hệ thống công lập khiến cho học sinh cũng tự phân biệt giàu nghèo, có tâm lý tự ti, hoặc coi thường bạn học khác. Ông có đồng tình với ý kiến trên không, quan điểm của ông như thế nào?
 
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Tôi không đồng ý. Khi xây dựng trường chất lượng cao chúng tôi đã suy nghĩ điều đó. Không có lớp chất lượng cao mà chỉ có trường chất lượng cao, trường này được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, thì đó bình thường.
 
Cũng giống như có điều kiện thì học nước ngoài, không có điều kiện thì học trong nước. 
 
PV:- Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý nguồn học phí này như thế nào. Có quy định nhà trường phải nộp bao nhiêu vào ngân sách của Sở, Bộ hay không, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Sở chỉ kiểm tra, giám sát, nắm số liệu, quản lý cơ chế chung toàn ngành. Hiệu trưởng được quyền tự chủ, tự thu, tự sử dụng nguồn kinh phí thu được đó để phục vụ cho quá trình giảng dạy, khấu hao tài sản, nâng cấp hệ thống....
 
Tiền học phí đó không phải nộp cho ai, mà chỉ để phục vụ cho mục đích trong chính ngôi trường đó. Tuy nhiên, các trường chất lượng cao không được thu quá mức trần quy định của Sở đã đưa ra.
 
Riêng đối với hệ thống trường ngoài công lập thì không bị khống chế bởi cơ chế tài chính này, họ có cơ chế tài chính riêng đối với hệ thống trường ngoài công lập. Đó là cơ chế tài chính tự thỏa thuận. 
 
PV:- Như vậy thì rõ ràng, hệ thống công lập đã được nhà nước bao cấp, mở rộng hệ chất lượng cao, với mức đóng góp ngang ngửa với các trường tư sẽ có ưu thế vượt trội, lấn lướt thị phần của các trường tư, đi ngược với chủ trương xã hội hóa giáo dục, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Tôi là trưởng phòng KHTC tôi chỉ trả lời những vẫn đề xoay quanh tài chính, kế hoạc những vấn đề khác thì cấp có thẩm quyền phải trả lời.
 
Riêng quan điểm cá nhân tôi, mô hình trường chất lượng cao vừa đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, vừa đảm bảo công bằng xã hội. Công bằng là học sinh đã có nơi học theo đúng quy định phổ cập, giờ lại có thêm nơi tự nguyện để vào học với chất lượng cao.
  
Vào trường chất lượng cao được học trong điều kiện nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất một lần khang trang, kiên cố, vậy thì khi vào bản thân người học phải đóng mức phí cao hơn để đảm bảo cho nhà trường tự chủ trong cơ chế này. 
 
Như vậy nhà nước sẽ gánh phần ngân sách ban đầu về xây dựng cơ sở vật chất, sau đó người học sẽ chịu phí về thực hiện chương trình giảng dạy, dịch vụ chất lượng cao gánh đỡ phần chi phí thực hiện chương trình chất lượng cao cho nhà nước. Rõ ràng như vậy vừa đảm bảo công bằng xã hội, vừa đảm bảo mục tiêu xã hội hóa giáo dục. 
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
Theo Đất Việt

Phổ cập bơi cho học sinh tiểu học

Thứ 4, 29/05/2013 | 10:50
Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu đề án phổ cập bơi cho học sinh tiểu học trên cả nước trong năm 2013. Đề án sẽ tập trung vào việc đưa ra giải pháp hỗ trợ các trường kinh phí xây dựng bể bơi tại trường, nghiên cứu các bể bơi phù hợp với học sinh, tuyển đội ngũ giáo viên dạy bơi…

Học sinh xé đề cương môn Sử: Góc nhìn của những chuyên gia

Thứ 2, 08/04/2013 | 17:23
Hàng trăm học sinh xé đề cương môn Lịch sử vì môn này không có trong danh sách môn thi tốt nghiệp là thông tin gây ‘sốc’ đối với dư luận.

Học sinh Hàn Quốc sẽ học về đảo tranh chấp

Thứ 4, 27/02/2013 | 10:34
Ngày 26-2, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo, từ tháng sau, học sinh phổ thông phải học khoảng 10 giờ/năm về nhóm đảo Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima.

Dạy, học thêm: chưa thể dẹp được bệnh “ép… tự nguyện”?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
"Việc cho phép dạy thêm học thêm ngoài nhà trường là đúng đắn tuy nhiên Bộ GD&ĐT không nên cho phép nhà trường được tổ chức dạy thêm học thêm. Bởi dạy thêm học thêm trong nhà trường cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiêu cực".

Đau lòng chuyện học sinh giỏi vào nhà nghỉ cùng thầy giáo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Sau hai năm bồi dưỡng cô học trò nhỏ “trả ơn” bằng chính trinh tiết của mình

Du học sinh không được chào đón ở Anh

Chủ nhật, 07/07/2013 | 13:10
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hơn một nửa số sinh viên nước ngoài tại Anh nói rằng họ cảm thấy “ít được chào đón” bởi các chính sách về di cư.