Hà Nội: Trường học bị 'xẻ thịt' vì mục tiêu phi giáo dục

Hà Nội: Trường học bị 'xẻ thịt' vì mục tiêu phi giáo dục

Thứ 6, 30/08/2013 | 21:13
0
Trên địa bàn TP.Hà Nội, nhiều trường học đang rơi vào tình trạng bị "xẻ thịt" để phục vụ mục đích phi giáo dục như: Mở quán cà phê, quán ăn, quán tạp hóa... làm ảnh hưởng đến môi trường sư phạm cũng như gây mất mỹ quan trường học.

Trên là giảng đường, dưới là quán hàng

Theo ghi nhận của PV báo Người đưa tin, ngay tại cổng ra vào của trường đại học Quốc gia Hà Nội (đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) chúng tôi thấy xuất hiện khu vực chuyên bán đồ giải khát, trà đá rất nhộn nhịp. Khu vực này được dựng lên bằng những tấm vải bạt và ô cỡ lớn, chen chúc nhau chạy dài một dải, choán ngay gần nhà điều hành của đại học Quốc gia. Vào sâu hơn một chút là khu giảng đường khá lớn. Xung quanh tầng trệt của giảng đường này là một loạt các quán ăn nhẹ, nước giải khát vây kín xung quanh khiến cho chúng tôi ban đầu ngỡ rằng đây là khu bán hàng đã được quy hoạch của trường.

Tuy nhiên, khi hỏi mấy sinh viên ở đó thì họ cho biết, đây là khu giảng đường, phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên khoa Luật. Hàng ngày vẫn có rất đông sinh viên đến đây học tập. Quan sát kỹ chúng tôi thấy những quán hàng này được trổ ra sát ngay với các giảng đường, làm ảnh hưởng tới việc học tập của sinh viên.

Không chỉ có khu vực ngay cổng ra vào của trường đại học Quốc gia Hà Nội mà đi sâu hơn nữa vào trong, chúng tôi còn bắt gặp nhiều hình ảnh gai mắt. Những quán ăn lưu động, những quán tạp hóa nhỏ, những dịch vụ bọc dán xe, điện thoại... sẵn sàng phục vụ nhu cầu của sinh viên trong trường. Thậm chí ngay trong tòa thư viện của trường đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) là một quầy tạp hóa nhỏ trông rất ngộ nghĩnh.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều trường khác như: Trường cao đẳng Múa Việt Nam, trường đại học Bách khoa Hà Nội... Thậm chí ngay mặt tiền của trường Cao đẳng Múa Việt Nam là một dãy ki ốt bán hàng khá lớn. Đây là những trường hợp cụ thể phóng viên ghi nhận được trong quá trình tác nghiệp. Ngoài ra, do đặc thù của các trường đại học Việt Nam là giáp với khu dân cư, trong khi không có rào ngăn cụ thể nên rất khó phân biệt đâu là đất của trường, đâu là đất của dân. Vì thế nhiều hộ kinh doanh lợi dụng sự nhập nhèm này để kinh doanh kiếm lời.

Theo như khảo sát của nhóm phóng viên, nhiều văn phòng, nhiều hộ kinh doanh ăn uống, bán hàng... đều mở trên diện tích đất của trường. Hệ thống trường THPT chuyên của trường đại học Quốc gia Hà Nội cũng vậy. Trường học nằm trong khuôn viên ký túc xá Mễ Trì (phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) nên tiếp giáp rất nhiều với các cửa hàng khiến cho khu vực này không khác gì một cái chợ.

Xã hội - Hà Nội: Trường học bị 'xẻ thịt' vì mục tiêu phi giáo dục

Khu giảng đường G3 bị biến thành khu kinh doanh nước giải khát tại ĐHQGHN.

Trường phổ thông cũng bị "xẻ thịt"

Tình trạng "xẻ thịt" trường học không chỉ diễn ra ở hệ thống các trường đại học mà ngay ở các trường phổ thông cũng diễn ra tình trạng này. Điều đập vào mắt chúng tôi đầu tiên khi tới trường THPT Việt Đức Hà Nội (số 47 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là dãy hàng ăn và các biển quảng cáo treo ở ngay tường rào. Do đặc thù ngôi trường này tiếp giáp với những tuyến phố quan trọng của Thủ đô nên nó nghiễm nhiên trở thành một khu "đất vàng" để kinh doanh. Ngay ở cổng trường là cây ATM, tiếp đến là hàng loạt biển quảng cáo tuyển sinh, thi lấy bằng ngoại ngữ và một cửa hàng rộng khoảng 30m2 kinh doanh bánh ngọt.

Cửa hàng này được xây dựng khá kiên cố trên phạm vi đất của trường học. Rõ ràng là Ban giám hiệu nhà trường đã rất nhanh nhạy trong nắm bắt thời cơ để kinh doanh. Thế nhưng khi PV báo ĐS&PL muốn vào xác minh thông tin này với Ban giám hiệu nhà trường thì nhận được câu trả lời của bảo vệ: "Các anh muốn vào làm việc với lãnh đạo nhà trường thì phải xin giấy giới thiệu và có sự cho phép của sở Giáo dục và Đào tạo".

Tiếp tục khảo sát một số trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi ghi nhận thêm nhiều trường hợp nữa. Cụ thể là trường THCS Thăng Long (đường Nguyễn Văn Ngọc, Hà Nội) đoạn giáp với viện Vật lý (đường Đào Tấn, Hà Nội) có một dãy cửa hàng lớn chuyên kinh doanh mặt hàng điện tử. Theo quan sát thì những cửa hàng này nằm ngay trên đất của trường THCS Thăng Long và chạy dài sang đất của viện Vật lý, nên không rõ đơn vị nào quản lý. Khi hỏi người dân gần đây thì chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu không biết.

Ngoài việc sử dụng đất của trường làm nơi kinh doanh, buôn bán, nhiều trường học còn tổ chức trông giữ xe cho những người dân ở bên ngoài. Theo đơn thư phản ánh của bạn đọc thì trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) có tổ chức giữ xe qua đêm. Hơn nữa, các chủ xe lại thường lấy xe muộn vào các buổi sáng vào đúng lúc các em tới trường gây ách tắc và làm tăng nguy cơ tai nạn cho các em. Để xác minh thực hư vấn đề, chúng tôi tiếp tục vào đặt lịch làm việc với Ban giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên cũng như ở trường Việt Đức, các bảo vệ thẳng thừng từ chối và yêu cầu giấy giới thiệu của cơ quan cũng như sự cho phép của sở Giáo dục và Đào tạo. Từ thực tế này có thể cho thấy rằng, tình trạng "xẻ thịt" trường học làm nơi buôn bán đang diễn ra khá phổ biến ở tất cả các cấp học và mọi nơi trên địa bàn Hà Nội. Điều này rõ ràng đã và đang ảnh hưởng lớn tới môi trường học tập của học sinh, sinh viên cũng như cảnh quan sư phạm.

Xung quanh câu chuyện "xẻ thịt" trường học làm nơi kinh doanh buôn bán, phóng viên cũng nhận được nhiều ý kiến của người dân. Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (đường Xuân Thủy, Hà Nội) cho biết: "Tôi cho rằng môi trường giáo dục phải thực hiện đúng chức năng, không thể mang kinh doanh buôn bán vào nhà trường, nhất là ở các cấp học phổ thông. Đối với các trường đại học thì việc kinh doanh cũng không nên. Nếu nhà trường muốn có thu nhập thêm thì có thể quy hoạch thành một khu riêng rồi cho thuê mặt bằng. Như thế vừa thể hiện tính chuyên nghiệp trong trường học, vừa mang lại hiệu quả kinh tế".

Quỳnh Chi - Phạm Thiệu

Ảnh: Bánh Trung thu 'xẻ thịt' gầm cầu

Thứ 5, 22/08/2013 | 16:10
Bất chấp quy định của Bộ GTVT về việc cấm lấn chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán, nhiều gầm cầu tại Hà Nội vẫn tiếp tục bị “xẻ thịt”. Hết bãi gửi xe giờ lại đến lượt cửa hàng bán bánh trung thu lợi dụng gầm cầu làm chốn kinh doanh.

Chùm ảnh: Gầm cầu Thủ đô bị 'xẻ thịt tan nát'

Thứ 3, 16/07/2013 | 12:35
Mặc dù UBND TP Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải lập phương án thu hồi, giải tỏa chống lấn chiếm và tái lấn chiếm khu vực gầm cầu. Tuy nhiên, nhiều gầm cầu ở Thủ đô vẫn đang bị “xẻ thịt” từng ngày.

Muôn kiểu 'xẻ thịt' và bảo kê công viên để trục lợi

Chủ nhật, 09/06/2013 | 21:58
Nhiều công viên đang bị chiếm dụng, xẻ thịt bởi những hộ kinh doanh, buôn bán hoặc phục vụ mục đích khác. Thậm chí, một số công viên, ngay cả nhà vệ sinh phục vụ người dân cũng bị chiếm luôn. Ai đang sử dụng công viên và ai đứng đằng sau "bảo kê" cho hoạt động buôn bán này?

'Xẻ thịt' gầm cầu: Hà Nội phớt lờ yêu cầu của bộ GTVT!

Thứ 2, 06/05/2013 | 07:26
Liên quan đến tình trạng "xẻ thịt" gầm cầu, sau sự chậm trễ của TP. Hà Nội, mới đây bộ Giao thông vận tải (GTVT) phải "ra thêm tối hậu thư" đề nghị địa phương này nhanh chóng giải tỏa nạn lấn chiếm gầm cầu.

'Xẻ thịt' gầm cầu: Cuộc chiến chưa hồi kết

Thứ 4, 10/04/2013 | 14:14
Hơn một năm trước, câu chuyện "xẻ thịt" gầm cầu lần đầu tiên được dư luận xới lên khi những cây cầu huyết mạch giữa Thủ đô vừa xây xong đã lập tức biến thành bãi đỗ xe, nhà kho, kios bán hàng... Thời điểm đó, báo Người Đưa Tin cũng đi tiên phong trong việc điều tra, phanh phui hành trình "xẻ thịt" gầm cầu trước công luận.