Hai người phụ nữ chạy xe lôi cuối cùng ở miền Tây

Hai người phụ nữ chạy xe lôi cuối cùng ở miền Tây

Thứ 5, 21/03/2013 | 08:20
0
Đạp xe lôi đã là một nghề vất vả, xưa nay chỉ những người đàn ông sức dài, vai rộng mới chọn lựa loại phương tiện này để kiếm sống. Nhưng tại thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), có hai người phụ nữ lại chọn xe lôi làm phương tiện mưu sinh. Họ có lẽ là hai người phụ nữ cuối cùng ở miền Tây chọn phương tiện nặng nhọc này để mưu sinh.

Thương sao những cuốc xe lôi

Xe lôi là phương tiện khá phổ biến ở vùng ĐBSCL từ cả thế kỷ nay. Đây là loại phương tiện khá đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có. Xe lôi thường được phân biệt thành hai loại: Xe lôi đạp và xe lôi máy. Vài thập niên về trước, xe lôi vẫn là phương tiện được đông đảo người dân lựa chọn đi lại, vận chuyển hàng hóa. Xe lôi được sử dụng rộng rãi bởi bề ngoài nhỏ gọn, linh hoạt có thể dễ dàng đi vào những ngóc ngách ngõ hẹp. Hơn nữa, xe lôi có thể chở được khá nhiều người cùng một lúc hoặc những hàng hóa cồng kềnh...

Xã hội - Hai người phụ nữ chạy xe lôi cuối cùng ở miền Tây

Chị Nhung và chị Bưng đang làm việc

Đến TP.Long Xuyên, không khó để bắt gặp những người đàn ông oằn mình trên những chiếc xe lôi để kiếm sống, nhưng hiếm khi bắt gặp phụ nữ còng lưng đạp xe lôi. Tạt ngang dốc cầu Tầm Bót, hướng đi vào TP.Long Xuyên, chúng tôi ghé vào một cửa hàng vật liệu xây dựng ngay dưới chân cầu. Ở phía sau kho vật liệu, thấp thoáng bóng dáng hai người phụ nữ đang xếp gạch lên xe lôi chuẩn bị "xuất bến". Biết có phóng viên đến phỏng vấn, hai người phụ nữ đã ngoài 30 tuổi tỏ vẻ ngại ngùng. Sau lời giới thiệu, hai chị đồng ý bớt chút thời gian ngồi trò chuyện với chúng tôi.

Chị Võ Thị Tuyết Nhung, (43 tuổi, ngụ khóm Đông Thịnh, phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) có thân hình nhỏ nhắn nhưng lộ rõ những đường gân cơ bắp trên cánh tay rắn chắc; khuôn mặt chị hiền từ nhưng đường nét của một người phụ nữ lam lũ, vất vả trong mưu sinh thì khó có thể giấu được.

Chị Nhung ngậm ngùi: "Thời buổi này, kiếm việc đã khó, mong chi được một công việc ổn định. Đạp xe lôi đúng là vất vả thiệt, nhưng tui đã gắn bó với nó bao năm nay rồi, cũng đủ nuôi sống gia đình bao năm qua". Trước khi cùng chồng đạp xe lôi, chị Nhung đã phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống, một thời gian dài chị từng đi lượm ve chai kiếm từng đồng bạc lẻ. Rồi cuộc sống muôn vẻ xô đẩy chị đến với công việc nặng nhọc này.

Chị Nguyễn Thị Bưng, (32 tuổi, ngụ khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên) là người luôn sát cánh cùng chị Nhung trong những chuyến xe lôi. Hoàn cảnh của chị Bưng cũng như chị Nhung, trước khi làm nghề xe lôi, chị từng chèo đò đưa khách qua sông, nhưng rồi khách cũng thưa dần, đồng tiền kiếm được lại càng khó khăn hơn. Sau khi sinh đứa con thứ hai được bốn tháng, chị gửi lại cho bà ngoại chăm sóc cùng chồng đạp xe lôi kiếm sống. Nhan sắc một thời của chị cũng tàn phai theo những cuốc xe không biết mệt mỏi. Tuy chỉ mới ngoài 30 nhưng chị Bưng trông già đi nhiều, khuôn mặt khắc khổ hằn lên những dấu hiệu của sức khỏe đang bị vắt kiệt.

Chị Bưng tâm sự: "Làm cái nghề kham khổ này đâu có ai muốn, nhưng bản thân tui không biết làm gì để có thể kiếm ra tiền. Bây giờ có muốn bán vé số cũng phải có vốn mới lấy được vé số từ đại lý, trong khi đồng tiền vợ chồng tui kiếm được cũng chỉ đủ lo cho gia đình gồm hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ và một bà mẹ già bữa sáng bữa tối". Đứa con lớn của chị mới vào lớp một, vì không có tiền đóng cho con học ở thành phố, chị đành phải gửi con xuống học trường làng, ít tốn kém hơn. Với trung bình 100.000 đồng mỗi ngày, gia đình chị Nhung, chị Bưng chỉ đủ ăn, mọi chi tiêu khác gần như được cắt giảm triệt để…

Xã hội - Hai người phụ nữ chạy xe lôi cuối cùng ở miền Tây (Hình 2).

Chị Bưng (trái) và chị Nhung - hai phụ nữ làm nghề xe lôi còn sót lại ở miền Tây

Ước mơ của những người m

Những cuốc xe của chị Nhung, chị Bưng phụ thuộc vào những khách hàng có nhu cầu mua vật liệu. Nếu xe tải chở thì phải tốn chi phí nhiều, thì xe lôi mới được trọng dụng, mỗi chiếc xe lôi các chị chở nặng đến 300 - 400kg. Chị Bưng cho biết, chị ngán nhất là chở gạch, nhìn gạch được xếp lên xe lôi gọn gàng như vậy, nhưng thực chất chở gạch là nặng nhất. Lúc mới vào nghề, mỗi ngày chị Nhung và chị Bưng chỉ chạy được một cuốc xe là thở không ra hơi, phải mất khá nhiều thời gian, các chị mới làm quen được với sự khắc nghiệt của công việc.

Hiện nay, mỗi ngày các chị có thể đạp xe lôi được 5 - 6 cuốc với đoạn đường hàng chục km. Thế nhưng, các chị cũng phải chịu những rủi ro trong công việc, có ngày các chị chỉ chạy được vài ba cuốc xe, trở về nhà với vài chục ngàn, nhìn những đứa con nheo nhóc, lại nuốt nước mắt vào trong. Nếu có thể, họ sẽ sẵn sàng đánh đổi tất cả để lo được cho các con tới nơi tới chốn.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi buộc phải dừng lại khi có khách hàng yêu cầu hai xe cát và gạch. Vội vã chào chúng tôi, hai người phụ nữ đáng thương lại lao nhanh vào công việc. Chị Bưng tiếp tục chất gạch lên xe, còn chị Nhung xúc cát vào thùng xe lôi. Họ cố gắng hết sức đẩy hai chiếc xe lôi ra khỏi cổng, gồng mình lên lấy đà đạp xe qua cầu Tầm Bót, nhưng vì dốc cầu cao quá không thể đạp lên nổi, chị Nhung dừng xe lại phụ chị Bưng đẩy xe gạch qua khỏi dốc, rồi hai người quay lại đẩy xe cát của chị Nhung lên cầu.

Bóng dáng hai người phụ nữ nhỏ bé khuất dần trong làn xe tấp nập giữa phố thị. Những bước đạp vững chãi, ánh mắt hướng về phía trước đầy quyết tâm cố gắng. Mỗi cuốc xe, họ phải vượt qua khoảng 3 - 4 dốc cầu, gặp dốc thấp từ xa họ nhón chân cố sức đạp lấy đà để vượt qua, gặp dốc cao thì xuống đẩy bộ. Cứ thế, những cuốc xe chở đầy vật liệu xây dựng được hai người phụ nữ nhỏ bé chở đi khắp phố phường Long Xuyên.

Vất vả là thế, khó khăn là thế, nhưng trong lòng những người phụ nữ này, ước mơ của họ không phải là cảnh giàu sang, sung túc. Họ chỉ ước mơ cho con cái của mình có thể vượt qua được sự nghèo đói dai dẳng, có thể thay đổi được số phận của mình để không phải giống như cha mẹ của chúng, vất vả cả đời cũng không thể kiếm đủ ăn. Chị Nhung hiện có hai đứa con, đứa lớn học lớp 10, đứa nhỏ học lớp 7.

Chị Nhung tâm sự: "Dù mình có nghèo thiệt nhưng ráng lo cho con ăn học đàng hoàng, không thể cứ đổ lỗi cho cái nghèo rồi buông xuôi được. Vợ chồng tôi chỉ hy vọng con cái sau này ăn học thành tài có thể tìm được những công việc nhẹ nhàng không phải vất vả như cha mẹ chúng". Cũng như chị Nhung, chị Bưng cũng chỉ ao ước mình còn sức khỏe để lo cho con cái và mong ước về một tương lai tươi sáng hơn sẽ đến với hai đứa con của mình.               

Sắp "mất dạng" xe lôi miền Tây

Xe lôi từng được xem là biểu tượng của vùng văn hóa miền Tây. Thế nhưng, từ năm 2004 đến nay, nhiều tỉnh thành ở đây đã cấm không cho xe lôi lưu thông trên một số tuyến đường. Vì lý do đó, hình ảnh chiếc xe lôi chỉ còn lay lắt trên phố phường. Hiện tại, TP.Long Xuyên và thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang) còn lượng xe lôi nhiều nhất nhưng vì phải cạnh tranh với xe lôi máy, xe ôm nên số lượng xe lôi cũng ngày một giảm dần. Tương lai không xa, xe lôi miền Tây chỉ còn lại trong ký ức người dân và những người phụ nữ chạy xe lôi lại càng hiếm hơn... 

Nguyên Việt

Đội dân phòng cơ động toàn các bóng hồng

Thứ 5, 03/01/2013 | 16:19
Từ trước đến nay, nhắc đến đội dân phòng cơ động, người ta thường nghĩ ngay đến công việc dành cho nam giới. Thế nhưng ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) lại có một đội dân phòng cơ động là các cô gái dân tộc thiểu số.

Góc khuất chưa biết về những bóng hồng "lơ xe" bus

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Mỗi ngày, họ phải thức dậy từ lúc 5h sáng đến nhận xe vào ca sáng, 11h 12h đêm mới từ bến trở về nhà. Điều đó đã trở thành thông lệ với những người phụ nữ làm nghề phụ xe trên xe bus

Lênh đênh những phận đời xóm Vạc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Vật giá leo thang, cuộc sống khốn khó, họ buộc phải chấp nhận cuộc sống như những đàn chim di cư, nay đây mai đó, dựng tạm lều cư trú ngay giữa Thủ đô.

Những phận đời sau tiếng chổi tre

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
23h, nhiều con đường, góc phố đã lắng xuống, đó cũng là lúc bắt đầu một ngày làm việc của những chị lao công. Tiếng chổi tre xào xạc cứ lặp đi lặp lại trong đêm vắng.