Hai ông đồ duy nhất hành nghề “múa bút” ở Sài thành

Hai ông đồ duy nhất hành nghề “múa bút” ở Sài thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Đi dọc các con đường ở Sài Gòn nhiều người lấy làm thích thú bởi các kiến trúc đồ sộ và lộng lẫy nơi đây. Tuy nhiên, có một đoạn đường ngắn, không hề sa hoa hay tráng lệ nhưng ai đã từng đi qua cũng phải ngẩn ngơ trước sự thu hút đầy huyền bí của những con chữ.

Đó là nơi giao nhau giữa Điện Biên Phủ và Trương Định, nơi duy nhất tại Sài Gòn có những ông đồ ngồi bên vỉa hè miệt mài "múa bút". Nhiều lần hai ông bị mất bút và giấy nhưng vẫn miệt mài cho chữ. Đó là ông đồ Bùi Hiến và Đào Nguyên.

Ông đồ đầu tiên của vỉa hè Trương Định

Dọc phía đường Trương Định, phường 7, quận 3 là một hàng rào sắt đã nhuốm màu thời gian nhưng trên đó có rất nhiều tấm mành viết chữ thư pháp Việt. Phía trong hàng rào sắt có khoảng 4-5 ông đồ già, trẻ đã bày sẵn mực tàu, mành bồi thoăn thoắt viết không ngừng tay.

Xã hội - Hai ông đồ duy nhất hành nghề “múa bút” ở Sài thành

Ông đồ Đào Nguyên chăm chú viết từng nét chữ.

Cách đây chừng chục năm, người ta bắt đầu thấy ông đồ xuất hiện ở vỉa hè đường Trương Định. Người đầu tiên bám đất vỉa hè là ông đồ Bùi Hiến, lớn tuổi nhưng đậm chất nghệ sĩ. Thời đó, khách hàng đến với Bùi Hiến là những nhà văn, nhà thơ, và những tâm hồn dễ siêu lòng với các nàng chữ. Họ cùng nhau ca hát, đọc thơ và ngắm chữ đẹp. Năm 2003-2004, phong trào ông đồ xuống phố rộ lên vào các dịp tết.

Nhưng vì sống ở vỉa hè, nên ông đồ già Bùi Hiến đích thị là "lao động vỉa hè". Vì thế, đã nhiều lần ông đồ Bùi Hiến ôm đồ nghề lon ton đi trốn công an như những người buôn thúng, bán bưng thông thường khác. Biết thế, nhưng vì quá nặng lòng với thư pháp nên ông đồ Bùi Hiến chẳng thể bỏ vỉa hè mà đi. Nhiều người đi đường thấy ông có nét chữ đẹp dừng xe, mua mấy bức đem về treo. Nếu như nét chữ của ông được khách hàng đồng điệu, thì trong giới cầm bút nhiều người cũng rất yêu mến ông. Thế nên, từ khắp nơi họ quy tụ về đây cùng ông vừa đàm đạo vừa viết thư pháp cho mọi người. Từ đó, đoạn đường này xuất hiện phố ông đồ, đặc biệt là có cả những ông đồ còn rất trẻ. Đó cũng là phố ông đồ duy nhất tại Sài thành.

Xuất hiện ông đồ "lạ"

Cũng tại phố ông đồ chúng tôi bắt gặp ông đồ Đào Phương. Nói ông là ông đồ "lạ" cũng chẳng sai, vì ông này "chê tiền" một cách kỳ lạ. Tay vừa cầm cọ, vừa trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe tâm sự của đời mình: "Có lần, khi tôi đang ngồi viết chữ thì một người khách đi lại nhờ tôi viết cho một bài thơ. Đọc bài thơ họ đưa xong, tôi liền từ chối. Tôi không thể cầm bút để viết một bài thơ thiếu ý nghĩa như vậy. "Không viết đồng nghĩa với không nhận thù lao nhưng ông phân trần: "Thà không nhận tiền, chứ không để ngòi bút của mình vấy bẩn".

Hơn 8 năm làm ông đồ vỉa hè, ông đồ Đào Phương không chỉ viết thư pháp mà còn kiêm luôn việc viết thơ. Ông có một tình yêu với thơ ca rất lớn. Ông hãnh diện khoe với chúng tôi một cái khung có mấy chữ nhẫn, trí, tâm được lồng vào cẩn thận. Ông Đào Phương nói tiếp: "Chữ trí này là tôi sáng tác ra thơ đó, bây giờ câu này hay bị mấy chỗ khác chép lại nhiều người đọc mà không biết tôi là người sáng tác đâu". Ông giải thích: "Làm việc lớn mà không có lòng nhân từ thì không thể nào có tương lai và thành công được". Rồi ông ngâm nga: "Trí minh mẫn gây nên nghiệp lớn, lòng nhân từ tô điểm tương lai".

Theo ông đồ Phương thì nhờ viết thư pháp mà vốn kiến thức tăng lên rất nhiều. Rồi ông kể: "Tuy ngồi một chỗ nhưng tôi biết được rất nhiều điều, từ chuyện đông tới chuyện tây. Có điều lạ nữa ở ông đồ Đào Nguyên là hễ có ai viết thư pháp ở chỗ ông một lần là sẽ đến lần thứ hai, thứ ba...và nhiều lần nữa. Họ đến với ông nhiều khi không chỉ để nhờ ông viết thư pháp, mà đơn giản là để được nói chuyện với ông đôi câu.

Mai Phong - Hợp Phố