Hàng sau Tết vẫn “say” giá

Hàng sau Tết vẫn “say” giá

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Sau đợt điều chỉnh giá điện cuối năm 2011, vừa chân ướt chân ráo bước vào ngày đầu năm, người tiêu dùng đã phải tiếp tục chịu cú "sốc" khi hàng loạt các mặt hàng khác cùng rủ nhau tăng giá.

Mở đầu cho loạt đạn tăng giá là cơn nhảy múa của giá sữa với mức tăng từ 5-10%. Tiếp theo đó, các doanh nghiệp cung cấp gas cũng tăng giá gas thêm 42.000 đồng/bình 12kg khiến các bà nội trợ như "ngồi trên đống lửa".

Theo dự đoán của các đơn vị kinh doanh, giá các mặt hàng này sẽ khó ổn định trong thời gian tới do tác động của giá thế giới.

Giá gas tăng 3 lần trong 2 tháng

Từ đầu tháng 2, các hãng gas như Saigon Petro, Gia Đình Gas, Vinagas, MT gas... đã phát đi thông điệp chính thức tăng giá gas.

Theo đó, từ 1/2 giá gas sẽ tăng thêm 42.000 đồng/bình 12 kg so với giá bán của tháng trước đó. Riêng hàng Shell Gas, loại bình 12kg có giá bán lẻ lên đến 460.000 đồng, còn Elf Gas bình 12, 5kg cũng có giá bán 460.000 đồng.

Xã hội - Hàng sau Tết vẫn “say” giáGas là mặt hàng tăng giá liên tục trong thời gian qua.

Ông Đỗ Trung Thành, phó trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Saigon Petro cho biết: "Giá bán gas Saigon Petro tăng 3.500 đồng/kg tương đương 42.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng khu vực TP. Hồ Chí Minh là 425.000 đồng/bình 12kg".

Lý giải cho nguyên nhân giá gas tăng cao trong giai đoạn này, ông Thành cho rằng, do giá gas trên thế giới trong tháng 2/2012 đã tăng thêm 145 USD/tấn so với giá bán của tháng trước, lên mức 1.025 USD/tấn. Xuất phát từ thực tế này, đòi hỏi giá gas trong nước phải có sự điều chỉnh tăng. Đây được xem là lần tăng giá gas "khủng" nhất trong những năm gần đây.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng đầu năm, giá gas đã tăng đến 3 lần. Vào 1/1, giá gas đã tăng thêm 24.000 đồng/bình. Tiếp đến ngày 5/1, giá bán lẻ của nhiên liệu này lại được điều chỉnh tăng lên 8.000 đồng/bình do thuế nhập khẩu tăng từ 2% lên 5%. Và đến nay tăng thêm 42.000 đồng/bình. Tổng mức tăng sau 3 đợt là 74.000 đồng/bình 12 kg. So với cuối năm 2011, giá gas đã tăng hơn 20%.

Trước thực tế giá gas tăng "phi mã" trong những ngày đầu năm mới, người tiêu dùng sốt sắng như ngồi trên đống lửa. Vốn đã phải "cân đong đo đếm" trong thời buổi “bão giá”, nhiều bà nội trợ giờ phải "thắt lưng buộc bụng" để đương đầu với cơn bão giá gas.

Chị Nguyễn Thị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: "Giá gas năm 2011 hầu như tháng nào cũng tăng một vài chục, sang năm 2012 tưởng rằng như thế là ổn định, ai ngờ còn tăng khủng khiếp hơn. Tình hình này chỉ chết người lao động. Tôi làm giáo viên mầm non, mức lương trung bình khoảng 3 triệu đồng /tháng. Tiền thuê nhà cả gia đình đã ngốn hết 1/3 tháng lương, tiền điện nước, sinh hoạt khoảng 200.000 đồng, tiền xăng xe 300 nghìn, cộng tiền ăn của hai vợ chồng, cả tháng số tiền lương của tôi đã "sạch trơn".

Giờ giá gas đã lên đến nửa triệu một bình, giá điện cũng tăng, chắc vợ chồng tôi tính kế chuyển sang dùng bếp than tổ ong cho đỡ đau đầu. Sử dụng than tổ ong, mặc dù không tiện lợi, sạch sẽ như nấu bằng gas nhưng chỉ cần hai viên than tổ ong nhỏ là có thể hoàn tất mọi nhu cầu sinh hoạt nấu nướng cho gia đình mà chỉ mất có vài nghìn đồng".

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, ông Nguyễn Sỹ Thắng, chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh giá của các doanh nghiệp cung cấp gas trong nước thời gian qua là để bắt kịp với mức tăng của thế giới.

Về quy luật, vào tháng 2 hàng năm, giá gas thường có mức tăng cao nhất, sau đó giảm dần vào những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, với mức giá đang rất cao như hiện nay, giá gas thế giới trong thời gian tới khó có thể giảm mạnh.

Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu gas tăng từ 2% lên 5% trong thời gia qua cũng góp phần đẩy giá gas lên cao (với mức thuế này, mỗi bình gas 12kg phải tăng thêm khoảng 8.000 đồng).

Vì vậy, Hiệp hội Gas Việt Nam đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas xuống 2%. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp hạ nhiệt giá bán lẻ gas trong nước, kiềm chế lạm phát.

Cũng theo tính toán của các doanh nghiệp gas, khi thuế nhập khẩu giảm, giá bán lẻ gas tới tay người tiêu dùng cũng sẽ giảm, mức giảm có thể khoảng 10.000 đồng/bình 12kg.

Tuy nhiên, thời gian giảm còn phải phụ thuộc vào lượng hàng tồn kho đã nhập khẩu ở mức thuế cao của từng đơn vị. Cũng trong tình hình giá gas tăng, Hiệp hội Gas cũng cảnh báo, người tiêu dùng càng phải đối mặt với nạn gas sang chiết trái phép, gas giả, gas nhái. Vì vậy, các lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn để dẹp mối loạn này.

Giá sữa “điên loạn” từ đầu năm

Theo khảo sát của PV tại các đại lý sữa trên địa bàn Hà Nội, từ ngày 23/1/2012, các sản phẩm sữa của Vinamilk tăng từ 5 - 7%.

Theo giải thích từ hãng sữa này, nguyên nhân của đợt điều chỉ giá là do nguyên liệu sữa tăng 20%, trong khi đó, các nguyên vật liệu đầu vào khác cũng tăng từ 40 - 60%. Hơn nữa, việc điện nước, xăng dầu, phí vận chuyển cũng tăng từ 10 - 15% cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhà sản xuất phải tăng giá để có lãi.

So sánh giá sữa tại siêu thị và các đại lý ngoài thị trường mới thấy được sự khác biệt về giá.

Theo khảo sát của PV, tại siêu thị BigC (Trần Duy Hưng, Hà Nội), sữa Enfamama A + loại 900gr có giá 371.400 đồng/hộp; sữa Friso Gold loại 900gr giá 398.000 đồng/hộp; Nuti Food 900gr giá 138.900 đồng/hộp; sữa Golden Care 900gr có giá 445.000 đồng/hộp...

Trong khi đó, ở một cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Trãi lại cũng loại sữa Enfamama A + cùng loại trên được bán với giá gần 400.000 đồng/hộp (cao hơn gần 30.000 đồng/hộp), hay loại sữa Friso Gold tại cửa hàng này có giá hơn 415.000 đồng/hộp, sữa Golden Care 900gr lại được bán với giá hơn 450.000 đồng /hộp...

Chị Thanh Huyền, phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) than vãn: “Chúng tôi hiểu tại sao sữa mỗi ngày một giá. Trước Tết tăng, trong Tết tăng và sau Tết cũng... tăng nốt. Hơn nữa, mỗi cửa hàng bán một giá khác nhau, chúng tôi không biết giá nào mới là giá chuẩn. Trẻ con bây giờ không thể không có sữa, phải chăng vì lý do này mà các nhà sản xuất dựa vào để tăng giá vô tội vạ như thế này”.

Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên tiếp thị sữa tại BigC cho hay, ở các siêu thị giá sữa cũng chỉ tăng mạnh vào dịp trước Tết chứ thời điểm này có tăng cũng không đáng kể. Nhân viên này còn cho biết thêm, các hãng sữa đã thay bảng giá mới từ cuối năm 2011, đến thời điểm trước Tết thì siêu thị mới chính thức áp dụng bảng giá mới mà các nhà sản xuất đưa ra.

Được biết, hiện nay, các siêu thị trên toàn quốc cũng bắt đầu áp dụng bảng giá mới cho mặt hàng sữa nổi tiếng như Abbott, Mead Johnson và Vinamilk. Công ty Mead Johnson có mức tăng giá cao ở một số dòng sản phẩm như Anfalac, Lactofree, Pregestimil khi mức tăng giá lên đến 18-19%, Abbott có mức tăng bình quân thấp hơn với 9% mức giá đối với tất cả các dòng sản phẩm đang phân phối trên thị trường VN.

Sẽ rà soát và xử phạt nếu vi phạm

Xã hội - Hàng sau Tết vẫn “say” giá (Hình 2).
Ông Nguyễn Anh Tuấn

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), muốn tăng giá sữa doanh nghiệp chỉ cần thông báo đăng ký giá mới với cơ quan chức năng và đưa ra được lý do tăng giá hợp lý do các yếu tố đầu vào tăng. Những lần tăng giá sữa mới đây, các doanh nghiệp sữa cũng đã đưa ra được các yếu tố đầu vào tăng như biến động tỉ giá, nguyên liệu cũng như mã số nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu sữa sắp xếp lại đã làm cho mức thuế nhập khẩu tăng lên... Tuy nhiên, đó chỉ là giải thích của các hãng sữa, Cục Quản lý giá vẫn đang tiến hành rà soát, kiểm tra lại các yếu tố đầu vào. Nếu phát hiện mức tăng giá không hợp lý, cơ quan chức năng sẽ buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại giá bán và xử phạt theo quy định.

Anh Đức - Văn Chương