Hàng “Tàu” dán mác hàng “ta” - thương hiệu quốc gia bị bôi bẩn

Hàng “Tàu” dán mác hàng “ta” - thương hiệu quốc gia bị bôi bẩn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Quần áo, hoa quả và nhiều mặt hàng khác có xuất xứ từ Trung Quốc có giá rẻ, kém chất lượng được nhập khẩu vào Việt Nam đang bị một số doanh nghiệp thiếu lương tâm dán nhãn “hàng nội”, “Made in Viet Nam”. Chiêu kinh doanh này đang khiến cho nhiều mặt hàng vẫn được coi là thương hiệu quốc gia bị bôi bẩn...

Nắm được tâm lý người tiêu dùng ngày càng tẩy chay hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc, ý thức người Việt dùng hàng Việt ngày càng được nâng cao, hàng hóa Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường thế giới nên nhiều mặt hàng thực phẩm, may mặc… xuất xứ Trung Quốc được “phù phép” thành hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để tung ra thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Thực trạng này đã gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của nước ta.

Xã hội - Hàng “Tàu” dán mác hàng “ta” - thương hiệu quốc gia bị bôi bẩn

Hàng Trung Quốc nhái hàng Việt tràn lan thị trường

Đại loạn nhãn mác hàng Tàu

Không quá khó khăn để tìm trong một gia đình người Việt một vài vật dụng có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng hóa của Trung Quốc gần như len lỏi từ những nơi cao sang đến những nơi bình dân nhất. Thực trạng đặt ra là chất lượng hàng hóa có được đảm bảo hay không. Gần đây có rất nhiều vụ việc hàng hóa Trung Quốc không những kém chất lượng mà còn có nhiều chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, nhất là mặt hàng thực phẩm.

Trên bao bì các loại sản phẩm luôn ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần và hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm đó. Người tiêu dùng có thể dễ dàng đọc được và lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình, hoàn toàn yên tâm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác. Thay vì xuất xứ từ Trung Quốc thì chúng lại được thay bằng nhãn mác sản xuất tại Việt Nam và vô tư bán tràn ngập thị trường.

Dạo quanh các sạp quần áo được bày bán trong khu Trung tâm thương mại TP.HCM và nhất là các cửa hàng thời trang trên đường Kha Vạn Cân, Nguyễn Trãi… có rất nhiều loại quần áo, giày dép không hề có nhãn mác hay bất cứ một thông tin gì về sản phẩm này. Giá của loại hàng này rất “mềm” và thường được bán theo kiểu đổ đống, không cần phải mặc cả. Một chiếc áo khoác nữ, loại dày chỉ có giá trên dưới 200 ngàn đồng, đồ bộ quần áo nữ ở nhà chỉ có giá 40 - 60 ngàn đồng/bộ, áo thun các kiểu chỉ có giá 50 - 100 ngàn đồng tùy kiểu cách, chất liệu, rất hiếm có những chiếc áo bạc trăm như thường thấy trong các siêu thị, cửa hàng buôn bán quần áo.

Vào một cửa hàng bán đồ thời trang may mặc, khi bày tỏ muốn tìm loại hàng Trung Quốc giá rẻ, chị Hằng - chủ cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) cho biết: “Hàng gì chị cũng có, cần cứ đến chị, nhà chị chuyên cung cấp số lượng lớn. Em cứ lấy hàng Trung Quốc về cho dễ bán, ai hỏi cứ nói hàng Sài Gòn, có trời mới biết”. Chị Hằng tư vấn một lèo những mức giá dễ khiến người ta không thể tin nổi vì quá rẻ. Đồ bộ có giá từ 30 đến 35 nghìn đồng/bộ, áo thun nữ từ 20 đến 50 nghìn đồng/bộ, đồ bộ quần áo trẻ em từ 15 đến 30 nghìn đồng/bộ, quần tây nữ 90 đến 110 nghìn đồng/chiếc… Hàng “nội y” của chị em phụ nữ mới thật sự gây sốc khi mức giá giới thiệu nhập hàng chỉ tính bằng vài nghìn đồng với những loại thường, còn loại tốt hơn chỉ xoay quanh 20 đến 30 nghìn đồng/chiếc.

Cũng với các mặt hàng rau, củ, quả, tại một ki ốt bán hàng ở chợ Bình Điền ở quận 8, đa số là các loại quả được nhập từ Trung Quốc. Dựa vào giá cả và mẫu mã, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này. Các loại táo, dưa hấu, hành tỏi nhưng được gắn bằng những mác như quýt Thái, nho Mỹ, cam Mỹ, bom (táo) đỏ của Mỹ… “Nhưng tất tần tật đều là hàng Trung Quốc” - một chủ hàng tiết lộ. Riêng với trái cây Việt Nam, hàng Trung Quốc cũng “mượn” không ít thương hiệu: Cam Vinh, cam vàng Hòa Bình, nho Bình Thuận… Tỏi Trung Quốc được bán với giá 25.000 đồng/kg, tỏi Lý Sơn loại I giá 100.000 đồng/kg, loại II giá 70.000 đồng/kg; hành Trung Quốc giá 20.000 đồng/kg, hành ta giá 30.000 đồng/kg… Tuy nhiên, những người bán hàng sẽ không bao giờ thừa nhận lý do của sự khác biệt đó là do hàng Trung Quốc.

“Đội lốt” hàng Việt xuất khẩu sang trời Tây...

Không chỉ thay nhãn hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc để bán ra thị trường trong nước, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài ngang nhiên nhập hàng rồi dán mác “Made in Viet Nam” để xuất khẩu ra nước ngoài.

Tháng 6 vừa qua, Cục hải quan Đồng Nai đã phạt hành chính Công ty TNHH công nghiệp SPC Tianhua Việt Nam (đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) về hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ. Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan Đồng Nai đã bắt quả tang công nhân công ty này đang thay thế các nhãn mác xuất xứ Trung Quốc (Made in China) bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam (Made in Viet Nam) trên lô hàng hợp chất xử lý nước chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ.

Tiếp tục mở rộng điều tra, Cục Hải quan Đồng Nai đã kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của Công ty SPC Tianhua Việt Nam, phát hiện từ năm 2006 đến năm 2011, doanh nghiệp này đã có hành vi xuất khẩu mặt hàng Trichcoroisocyanuric Acid sang Mỹ giả mạo xuất xứ Việt Nam tại 98 tờ khai xuất khẩu. Thủ đoạn mà doanh nghiệp này thực hiện là thông qua các công ty trung gian tại Việt Nam để nhập khẩu ủy thác mặt hàng trên từ Trung Quốc. Sau đó, không qua công đoạn sản xuất, chế biến nào mà công ty này chỉ thực hiện thay nhãn mác, xin cấp giấy chứng nhận xuất khẩu (C/O) để có xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Tình trạng giả mạo hàng sản xuất từ Trung Quốc thành hàng của Việt Nam rồi xuất khẩu ra nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam. Nếu những quốc gia nhập hàng Việt Nam về điều tra ra nguồn gốc thì hậu quả sẽ vô cùng to lớn. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng đẩy mạnh kiểm tra những lô hàng xuất khẩu, nếu thấy có dấu hiệu khả nghi phải cấm xuất khẩu ngay và có biện pháp xử lý gắt gao đối với các công ty có hành động làm mất uy tín hàng xuất khẩu Việt Nam.

Hàng hóa từ Trunng Quốc nhập vào thường dưới dạng bán thành phẩm (chưa đóng gói bao bì, chưa dán nhãn thành phẩm,…) và được khai báo dưới dạng là nguyên liệu sản xuất. Sau khi vào được Việt Nam sẽ được xử lý lại và đóng gói bao bì đàng hoàng, sau đó xin cấp C/O rồi xuất sang các nước khác. Với quy chế cấp C/O như hiện nay còn lỏng lẻo, chưa quản lý và giám sát được số lượng C/O được cấp, chính vì vậy hiện tượng gian lận rất dễ xảy ra.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là động cơ gia tăng lợi nhuận của người kinh doanh, muốn bù lại khoản thuế mà doanh nghiệp phải nộp khi xuất khẩu. Còn có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác dẫn đến hoạt động gian lận thuế của các DN kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu ngày một gia tăng và gây nhiều khó khăn trong việc phòng chống. Pháp luật nói chung, pháp luật về hải quan và thuế nói riêng của Việt Nam còn những điểm bất hợp lý, thiếu minh bạch nên dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để gian lận, qua mặt các cơ quan chức năng xuất khẩu hàng kém chất lượng ra nước ngoài.

Hiện trạng trên đã đặt ra bài toán vô cùng khó khăn cho cơ quan chức năng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì uy tín hàng hóa của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin chung về doanh nghiệp theo hướng xây dựng chính phủ điện tử. Thông tin là cơ sở cho mọi quyết định quản lý. Để quản lý có hiệu quả, cần phải có thông tin tốt. Muốn vậy, cần có cơ chế kết nối thông tin điện tử giữa các cơ quan quản lý nhà nước (Thuế, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Địa chính…) để hình thành kho dữ liệu chung về doanh nghiệp. Đây là nền tảng để hải quan phát huy tác dụng trong kiểm tra, giám sát và chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Nguyên Việt - Thế Quyết