Hàng Tết, điệp khúc tăng giá không thể... té nước theo mưa?

Hàng Tết, điệp khúc tăng giá không thể... té nước theo mưa?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Hiện tại, dù nhu cầu mua sắm của người dân vẫn chưa cao nhưng ở nhiều chợ các mặt hàng thiết yếu đã đua nhau tăng giá. Tuy nhiên, với một năm kinh tế còn khó khăn, yếu tố tư thương "đẩy giá" theo hiệu ứng Tết để ...té nước theo mưa năm nay có vẻ không dễ dàng gì...

Nguồn cung dồi dào

Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là bài ca tăng giá lại được “xướng” lên mặc những nỗ lực của các đơn vị, ban ngành. Năm nay, trong cuộc họp về tình hình chuẩn bị, kiểm soát thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, việc chuẩn bị và kiểm soát thị trường hàng hóa sẽ được làm nghiêm túc để bà con được đón Tết vui tươi và tiết kiệm; đảm bảo ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá trong dịp cuối năm.

Năm nay, theo dự báo của giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tháng Tết tại Hà Nội năm nay sẽ đạt khoảng 24 ngàn tỷ đồng, tăng 20-22% so với tháng khác.

Ông Nguyễn Văn Đồng, phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Sở đã có kế hoạch triển khai, phổ biến hướng dẫn đến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa. Không chỉ huy động nguồn hàng trong địa bàn Hà Nội, Sở còn liên kết kinh tế với các tỉnh phía Bắc để cung ứng hàng hóa hai chiều phục vụ cho nhu cầu của người dân, tránh tình trạng cháy, thiếu hàng trên địa bàn Thủ đô. Tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng truyền thống có nhu cầu cao: gạo, thực phẩm, rau củ... để ổn định được giá cả. Việc tổ chức hệ thống phân phối cũng đã được Sở đặc biệt quan tâm.

Dù chuẩn bị chu đáo là vậy nhưng ông Đồng cũng cho rằng, giá cả hàng hóa Tết sẽ có biến động. Bởi năm nào giá cả dịp Tết cũng tăng cao, nhu cầu tiêu dùng cao thì tất yếu sẽ tác động đến giá. Dự kiến giá cả trong mấy ngày giáp Tết sẽ có xu hướng tăng nhưng không tăng mạnh như những năm trước.

Theo đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, hiện đã quy hoạch trên 100 nghìn ha rau xanh để phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết. Bên cạnh đó, những mặt hàng như: thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm... đã được dự trữ đầy đủ để tung ra thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Bà Vũ Thị Hậu, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) cũng cho biết: "Siêu thị đã chuẩn bị từ tháng 6 nên hàng hóa khá nhiều. Thời điểm hiện tại là thời điểm tung hàng ra để bán. Do chủ động về hàng hóa nên giá cả của các mặt hàng trong siêu thị chưa tăng. Những mặt hàng hiện đang tăng giá chóng mặt tại các chợ như rau củ quả nhưng ở siêu thị thuộc Fivimart cũng không tăng vì đó là hàng nằm trong diện hàng bình ổn giá".

Xã hội - Hàng Tết, điệp khúc tăng giá không thể... té nước theo mưa?

Kinh tế, túi tiền eo hẹp, buộc người tiêu dùng phải cân nhắc khi mua sắm ở dịp Tết năm nay.

Chợ lẻ giá nhăm nhe "nhảy múa", siêu thị ổn định

Do thời tiết mưa rét đậm, cộng với nhu cầu hàng hóa tăng mạnh, thời điểm giáp Tết, giá thực phẩm ở nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu đồng loạt tăng giá, đặc biệt là các loại rau, củ tăng từ 10-30%...

Tại chợ Thành Công, chợ Nghĩa Tân, chợ Ngã Tư Sở, chợ Thanh Xuân... giá cải ngọt tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 -12.000 đồng/kg, cải thảo từ 10.000 đồng/kg đã tăng lên 12.000 - 14.000 đồng/kg, cải chíp từ 8.000 lên 10.000/kg, rau muống từ 3.000 - 4.000/mớ lên 6.000/mớ. Một số loại rau quả tăng mạnh phải kể đến cà chua, tăng từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 - 19.000 đồng/kg, dưa chuột từ 8.000 đồng/kg lên 12.000 - 15.000 đồng/kg, ớt tăng từ 40.000/kg lên 80.000/kg, chanh từ 16.000/kg lên 20.000/kg...

Chị Hòa, một người bán hàng ở chợ Thanh Xuân cho biết, lý do một số loại rau quả tăng mạnh là do thời tiết đột nhiên rét đậm trong thời gian vừa rồi khiến một loại rau chậm phát triển, bị chết, khiến việc thu hoạch gặp khó khăn, đặc biệt cà chua còn bị khan hàng do mất mùa... khiến các đầu mối giao hàng đều đẩy giá bán lên cao. Nếu rét còn kéo dài, cộng với thời điểm ngoài 20/12 âm lịch (thời điểm nhu cầu hàng Tết bắt đầu có sự chuyển dịch), thì giá cả nhiều loại thực phẩm sẽ tiếp tục leo thang.

Lấy lý do mưa rét, cộng với hàng Tết, nhiều loại thực phẩm tươi sống cũng bắt đầu tăng nhẹ. Thịt gà ta cả lông tăng từ 110 -120.000/kg lên 140.000/kg, thịt bò bắp giá 180.000 đồng/kg, bò thăn 200.000/kg, sườn lợn 120.000/kg, thịt lợn mông sấn 110.000/kg. Riêng một số loại thủy sản, có giá bán tăng cao do bị ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết mưa rét như cả quả dao động từ 130 đến 160.000/kg, lươn có giá khoảng 200.000/kg...

Một số tiểu thương cho biết do thời điểm này, các đầu mối giao lợn, gà bắt đầu găm hàng để bán Tết cho được giá. Vì thế, mặc dù nhu cầu về thịt lợn và thịt gà chưa cao nhưng bắt đầu có sự tăng giá do nguồn hàng khan hơn.

Các loại đồ khô cũng tăng từ 10 - 20% do nhu cầu tích trữ sớm của người dân. Tại chợ Đồng Xa (Cầu Giấy), tôm khô tăng từ 650.000 đồng/kg lên tới 750.000 đồng/kg, nấm hương khô tăng từ 380.000 đồng/kg lên 450.000 đồng/kg, mộc nhĩ tăng từ 150.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg...

Theo dự đoán của một số tiểu thương thì từ nay đến Tết Nguyên đán, giá thực phẩm trên thị trường Hà Nội sẽ còn nhiều biến động do thời tiết năm nay lạnh chuyển lạnh sớm hơn mọi năm. Bên cạnh đó, giá cả ở ngoài chợ thường do người bán áp và không có mức niêm yết cụ thể nên có khả năng sẽ "té nước theo mưa”.

Trong khi ở ngoài thị trường tự do giá cả leo thang khá "ngẫu hứng" thì giá ở các siêu thị lại rất ổn định. Đại diện của các siêu thị đều cho biết, họ đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ giữa tháng 6 nên lượng hàng hóa khá dồi dào, giá cả khá bình ổn. Chị Nguyễn Thanh Huyền, phụ trách PR miền Bắc và miền Trung của hệ thống siêu thị Big C cho hay: "Siêu thị đã chuẩn bị và lên kế hoạch, làm việc với nhà cung cấp từ tháng 6 nên từ lượng hàng hóa khá dồi dào. Chính vì thế, đến thời điểm này giá cả vẫn được bình ổn.

Ở thị trường tự do thì giá cả lên từng ngày nhưng ở trong siêu thị thì không có chuyện đó. Để khuyến khích người dân mua hàng dịp Tết, siêu thị có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà thêm cho khách hàng. Năm nay, thu nhập của nhiều người dân bị giảm sút, vì thế siêu thị đã thiết kế những giỏ quà tặng chỉ có giá dưới 100 nghìn đồng để phục vụ nhóm đối tượng này".

Xã hội - Hàng Tết, điệp khúc tăng giá không thể... té nước theo mưa? (Hình 2).

Ông Nguyễn Văn Đồng.

"Sẽ xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ"

Việc bình ổn và kiểm soát giá trên thị trường trong dịp Tết luôn được người dân mong chờ từ hành động của cơ quan chức năng. Tuy nhiên trong những năm vừa qua, việc cháy hàng, tăng giá cục bộ vẫn diễn ra. Năm nay, chưa đến Tết nhưng nhiều mặt hàng đã rục rịch tăng giá khiến nhiều người lo ngại sẽ có một cái Tết thấp thỏm lo âu, thắt lưng buộc bụng vì các mặt hàng đều đội lên gấp 2, 3 lần.

Ông Nguyễn Văn Đồng, phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Việc những người kinh doanh, doanh nghiệp lợi dụng dịp Tết để đẩy giá lên cao khiến cho thị trường bất ổn là vi phạm Pháp lệnh về giá. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ. Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để khống chế buôn lậu, kiểm soát thị trường, kiểm tra kiểm soát tình hình giá cả. Đồng thời tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm để mọi người hiểu và làm đúng".

Thành Huế - Minh Lý