Hàng thuần Việt trên đất Nga và giấc mơ “khai phá”

Hàng thuần Việt trên đất Nga và giấc mơ “khai phá”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Nguoiduatin.vn) Một siêu thị thuần Việt sẽ khiến người dân Nga bị cuốn hút bởi sự phong phú, đa dạng và độc đáo của nó. Khách hàng chắc chắn sẽ ngưỡng mộ khi được thoải mái lựa chọn trong những gian hàng thủ công mỹ nghệ của người Việt trên xứ sở Bạch Dương.

Hàng thuần Việt mang dấu ấn khai phá, tại sao không?

Khu thương mại thời trang sẽ bao gồm mặt hàng quần áo, vải vóc bởi những sản phẩm lụa tơ tằm Vạn Phúc, những bộ đồ dệt kim Đông Xuân, những thương hiệu như Việt Tiến, May 10, hàng trăm mẫu mã quần áo trẻ em bền, đẹp, những đồ chơi trẻ em bằng gỗ độc đáo, thân thiện, những nhãn hiệu dép Bitis, giày Adidas, Nike được sản xuất tại Việt Nam và những bộ quần áo hợp mốt, sành điệu do những bàn tay khéo léo làm ra. Khách hàng sẽ thực sự khâm phục khi đến khu trưng bày đồ gỗ với những bộ salon cổ kính, với những đường nét chạm trổ tinh xảo, những bàn, ghế giường, tủ hiện đại, chắc chắn và hợp thị hiếu.

Rực rỡ hơn là gian hàng hoa chắc chắn sẽ làm cho khách hàng ngây ngất bởi hàng trăm loài hoa khác nhau của xứ sở nhiệt đới được bày bán ở xứ tuyết trắng. Khách hàng sẽ còn vô cùng thích thú khi lần đầu tiên được nhìn thấy hoặc thưởng thức những thứ quả ngon ngọt như bưởi Năm Roi, xoài Nam bộ, thanh long Ninh Thuận và bao nhiêu thứ quả khác chưa một lần có mặt tại Nga. Quầy bánh kẹo sẽ làm thay đổi khẩu vị của người Nga với những sản phẩm làm từ nông sản như bánh bột đậu xanh Rồng vàng, kẹo dừa Bến Tre, những loại mứt hoa quả dẻo ngon như vừa mới được hái từ vườn nhà chắc chắn sẽ thực sự quyến rũ những khách hàng chưa một lần được đến Việt Nam.

Gian đồ uống với nhũng sản phẩm nước dừa, nước sâm, nước yến, các loại nước ép trái cây, sữa đậu nành sẽ làm khách hàng ngạc nhiên, thán phục. Với những khách hàng yêu thích đồ trang sức, sẽ không thể bước ra khỏi gian hàng vàng, bạc, đá quý nếu chưa trọn được cho mình một vài đồ trang sức được chế tác cực kì tinh xảo cùng những loại đá quý chỉ có ở Việt Nam.

Trong một không gian riêng, khách hàng sẽ được thấy những hình ảnh Việt Nam tươi đẹp qua sự quảng bá của các công ty du lịch: Hình ảnh Sapa, Hạ Long, Nha trang thơ mộng; hang động Phong Nha, Kẻ Bàng kỳ bí; phố cổ Hà Nội, Hội An trầm mặc, cổ kính... chắc chắn sẽ thực sự mê hoặc với những khách du lịch muốn khám phá Việt Nam. Và tất nhiên, trong siêu thị không thể thiếu được gian hàng ẩm thực, để khi bước chân đến đây khách hàng phải ngất ngây bởi mùi thơm đậm đà, quyến rũ của Cafe Trung Nguyên, sẽ có cảm giác rạo rực và khoái khẩu với hương vị Nem Việt, phở Hà Nội...

Vâng, ước mơ của tôi là thế đó! Tôi ước mơ một ngày không xa, khi bước chân đến bất kỳ thành phố nào của Liên bang Nga, đi trên các đường phố lớn, giữa các nhà hàng, khách sạn, siêu thị lớn của Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc...sẽ được nhìn thấy những Trung tâm thương mại Việt Nam, trước cửa là những lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Và hình ảnh những nhân viên nữ thướt tha trong những chiếc áo dài Việt đứng trong những quầy hàng sạch sẽ, bóng lộn sẽ dần thay những hình ảnh lam lũ của người Việt hiện nay ở Nga.

Trăn trở thực tại từ thị trường Nga

Tôi đã từng đi rất nhiều nơi trên đất Nga, đã từng đến và thăm quan các khu chợ - nơi tập trung buôn bán của người Việt Nam ở các thành phố lớn của Nga như Matxcơva, St. Peterburg, Ekaterinburg, Ufa, Magnitogorsk. Ở đâu, tôi cũng nhìn thấy một cộng đồng người Việt năng động, đoàn kết, chịu thương, chịu khó và là một cộng đồng thành công nhất so với các cộng đồng dân tộc khác đang buôn bán ở Nga. Tôi cũng nhìn thấy ở đây một mô hình buôn bán tương đối giống nhau, với những container, kiosk, quầy hàng trong những khu chợ trời đông đúc. Nhưng càng nhìn, tôi lại càng cảm thấy mủi lòng nhiều hơn vì phần lớn các quầy hàng của người Việt đều chủ yếu bày bán hàng hóa của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan. Hy hữu lắm mới thấy có một vài mặt hàng made in Vietnam.

Bản thân tôi đã từng rất nhiều lần đặt câu hỏi và đang cố tìm câu trả lời tại sao lại như vậy. Có phải chúng ta đã có một thói quen ăn sẵn, một tư duy nhỏ lẻ nên sẵn sàng tiêu thụ hàng hóa cho các nước khác để kiếm chút lời mà bỏ qua mất một nguồn tài nguyên lớn là nhân lực Việt. Trong khi, mấy chục nghìn người Việt ở Nga đều là những nhà bán lẻ đầy kinh nghiệm, đã hiểu và bám sâu vào thị trường Nga rất nhiều năm nay. Nếu cùng nhau tiêu thụ hàng trong nước sản xuất, chúng ta đã có thể góp phần vực dậy nhiều ngành sản xuất trong nước và góp phần đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới.

Và nguyên nhân của tình trạng này có thể được lý giải như sau: Là người từng làm ăn ở bên Nga, chắc ai cũng hiểu với mô hình buôn bán từ trước tới nay, chúng ta rất khó có thể cạnh tranh với hàng hóa các nước và nhất là hàng Trung Quốc. Bởi vì, Trung Quốc có đường biên giới giáp với Nga, hàng hóa của họ vận chuyển gần hơn, chi phí thấp hơn. Ngoài ra, một lượng không nhỏ hàng nhập lậu, trốn thuế được đưa vào Nga bằng nhiều cách nên giá hàng hóa rất rẻ. Trong khi hàng Việt Nam của chúng ta từ trong nước đưa sang, do chi phí vận chuyển cao, lại phải chịu thuế, rồi kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, vì vậy rất khó cạnh tranh ở “mô hình chợ trời” như hiện nay.

Chính vì vậy, vào những ngày này, khi Chính phủ Liên bang ra lệnh đóng cửa chợ Vòm và tập trung vào việc chống tham nhũng, cố gắng loại bỏ hàng giả, hàng lậu trên thị trường Nga, tự nhiên trong tôi lại lóe lên niềm hy vọng mới cho thương hiệu Việt và cho người lao động Việt ở Nga. Đây phải chăng là cơ hội cho những người làm ăn chân chính, cơ hội cho sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng. Đất nước Việt Nam luôn sẵn có nguồn nhân lực dồi dào, nhân công rẻ; người Việt Nam lại khéo tay, hay làm, tất cả những sản phẩm do người Việt làm ra rất được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng, chỉ có điều chúng ta thiếu cơ hội quảng bá nó mà thôi.

Để hiện thực những ước mơ đó, nhân lúc nước Nga đang khuyến khích buôn bán trong các khu thương mại văn minh, hiện đại, chúng ta có thể xây dựng các khu thương mại thuần Việt được không? Người Việt ở Nga có rất nhiều doanh nhân thành đạt, có đủ tiềm lực kinh tế cùng trí tuệ, bản lĩnh và bao nhiêu năm kinh nghiệm, chúng ta có thể hợp tác để xây dựng những tập đoàn bán lẻ, bắt đầu từ việc xây những trung tâm thương mại chỉ tập trung quảng bá và tiêu thụ hàng Việt Nam ở Matxcơva, rồi từ đó, với mô hình ấy, hàng hóa nhân rộng ra các thành phố khác trên toàn Liên bang Nga là điều không hề viển vông.

Việt Anh