Hành động chặn xe đón khách là thô bạo và “phản văn hóa”

Hành động chặn xe đón khách là thô bạo và “phản văn hóa”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Hành động chặn xe đón khách là thô bạo và “phản văn hóa”. Hành động đó khiến Hà Nội 1000 năm tuổi đang bị kéo ngược trở lại với văn hóa làng xã xa xưa, nơi những người dân sống chủ yếu theo bản năng", PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên khoa Báo chí truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn): Đội quân vẫy không chỉ gây cản trở giao thông vốn đang rất nhức nhối mà còn tạo nên những hình ảnh phản cảm trong con mắt bạn bè quốc tế. Đành rằng, nhiều người con xa Hà Nội vẫn mãi khắc khoải hương vị một tách trà nóng bên quán cóc vỉa hè trong tiết đông se lạnh. Nhưng giờ đây mọi thứ dường như đã vượt quá cái ngưỡng của nó.

Xã hội - Hành động chặn xe đón khách là thô bạo và “phản văn hóa”

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Chia sẻ với PV Người đưa tin về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, Viện văn hóa và phát triển cho biết: Đây chỉ là một trong những biểu hiện rất nhỏ của hạn chế trong kinh doanh dịch vụ hiện nay. Tâm lý tiểu nông, muốn “ăn xổi”, thói quen sản xuất manh mún không có tầm nhìn là gốc gác của lối kinh doanh nêu trên. Giữa thời buổi khó khăn về kinh tế, tâm lý này lại càng có đất để phát triển. Hàng quán mọc lên ầm ầm, xuất hiện những dãy phố chỉ chuyên buôn bán, kinh doanh một dịch vụ nên việc tranh giành khách là điều khó tránh khỏi. Một quán cho nhân viên ra chặn khách đi đường, quán khác thấy mình không làm thế sẽ mất khách. “Con gà tức nhau tiếng gáy” khiến khách đi ăn cũng sợ.

PGS.TS Đỗ Minh Cương, chủ nhiệm bộ môn Văn hóa doanh nghiệp, trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia HN) bức xúc: Tình hình kinh tế khó khăn, “cái khó ló cái khôn”. Trong khi, các cửa hàng khác trên thế giới nghĩ ra những cách làm sáng tạo, khẳng định thương hiệu thì các “ông chủ” nhỏ của Việt Nam lại áp dụng chiêu bài làm ăn kiểu chụp giật. Họ làm cho thực khách nhớ đến mình theo kiểu ép buộc, khiếp sợ. Lối làm ăn kiểu này chắc chắn sẽ “đuổi khách” hơn là “câu khách”.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để dẹp bỏ cảnh tượng này và xa hơn là không nên giữ cái gọi là “văn hóa ẩm thực vỉa hè” hay “văn hóa hàng rong”. Giữa một Thủ đô hiện đại, một đám người hùng hổ lao ra giữa đường chặn xe của người ta, bất chấp luật lệ là điều không thể chấp nhận.

Chị Lê Thị Phương Thảo, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội chia sẻ: Tôi đã từng đi nhiều nơi nhưng chỉ có Hà Nội mới có kiểu “đón” khách lạ đời đến vậy. Đà Nẵng tuyệt nhiên không có cảnh này. Kinh tế khó khăn làm cho người ta phải tận dụng đến cả những hạ sách. Tôi đã tận mắt chứng kiến một vụ ẩu đả giữa những người giữ xe ở quán nước cạnh hồ Văn Quán. Đầu tiên là nhân viên giữ xe đánh nhau giành khách, sau đó đến hai ông chủ. Đúng là quán có nhiều nhân viên “vẫy”, “tóm”, “lôi” đông khách hơn thật. Nhưng tôi tin người ta sẽ chỉ quay lại chất lượng dịch vụ ở đó thực sự tốt. Bằng không chắc chắn sẽ không có lần sau.

Anh Nguyễn Văn Hòa, từng làm nhân viên bảo vệ một quán karaoke trên đường Nguyễn Chí Thanh cũng chia sẻ: Bất đắc chí các quán mới phải làm như vậy. Bản thân người bảo vệ các quán cũng không muốn “mời” khách kiểu đó. Nhưng quán mình không “tóm”, không lôi thì quán khác cũng lôi. Các quán đua nhau thành ra quán nào cũng vậy. Quán có chất lượng phục vụ chu đáo, dàn âm thanh tốt đi nữa vẫn có thể ít khách hơn những quán có một dàn bảo vệ “chặn chốt” tốt. Tuy nhiên, tôi đã chứng kiến không ít trường hợp do lôi khách một cách thô bạo đã dẫn ẩu đả. Tôi cho rằng, thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả thuê mặt bằng đắt đỏ chính là nguyên nhân nảy nở những kiểu “chào” khách bạo lực và phản cảm”.

Anh Kiều Cao Dũng, từng làm quản lý tại khách sạn Golden West Lake (Tây Hồ, Hà Nội) bày tỏ: Kiểu “bắt” khách này có đôi chút phản cảm nhưng tôi lại cho rằng đó là cách làm ăn sáng tạo. Trong kinh doanh dịch vụ, ai mạnh, nhanh, thậm chí liều lĩnh hơn người ấy thắng. Với dịch vụ kinh doanh hàng quán vỉa hè, chỉ cần chậm chân một tích tắc, thực khách đã “vọt” mất. Vậy tại sao, lại không “trang bị” một đội ngũ nhân viên chuyên “vẫy khách”, tiếp thị về nhà hàng mình để kéo khách vào quán?.

Tuy nhiên, để tránh điều đáng tiếc, chủ quán nên giáo dục cho nhân viên cách “vẫy”. Tôi từng chứng kiến kiểu vẫy “có một không hai” trên đường Láng Hòa Lạc, vừa đẹp mắt, vừa điềm đạm. Khúc này cong lên, khúc kia lại cúp xuống. Từ xa đi lại, có thể nhìn thấy cả dãy những người đứng vẫy tay, giống như những con sóng biển, hay những cánh chim hải âu.

Anh Đức - Hoàng Mai