Hành trình lưu lạc của chiếc ấm đầu gà gần 4.000 năm tuổi

Hành trình lưu lạc của chiếc ấm đầu gà gần 4.000 năm tuổi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Là một trong những chiếc ấm đầu gà đẹp duy nhất còn sót lại trên thế giới, giá trị của chiếc ấm không chỉ ở thời gian mà còn là một tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng.

Cổ vật được bán với giá đồng nát

Chủ nhân của chiếc ấm, ông Vũ Tá Hùng cho biết, có được chiếc ấm trong tay cũng không phải đơn giản. Vào khoảng thời gian đầu những năm 2000, ông lên Sa Kiều (Hòa Bình) để tìm mua đồ cổ, sau khi mua được 1 chiếc đầm xòe thời có niên đại cách đây cả ngàn năm, ông Hùng gặp một người bạn trong giới đồ cổ là ông Toán ở Kim Bài.

Ngồi uống rượu với nhau, ông Toán mới đem một số cổ vật ra khoe. Trong số đó có một chiếc ấm đầu gà, một chiếc cồng đúc hoa văn rất đẹp, một cái lưỡi mác, một bức tượng phật, đấy là những vật mà ông Toán may mắn mua được của bà con dân tộc ở vùng núi Hòa Bình.

Trước đó khoảng chừng 10 năm, có một tốp người đi rừng tìm thấy một cái hang nằm ở chân núi. Sau khi vạt bỏ đám cỏ dại mọc dày bên ngoài, vào đến trong thì phát hiện ra số cổ vật kể trên được cất giữ ngay ngắn bên trong và gần như không bị phong hủy. Vốn không biết gì về đồ cổ, đám người đi rừng này đem về bán với giá đồng nát. Một số người dân mua về làm vật gia dụng, dân chơi đồ cổ nghe thấy tiếng cũng tìm đến mua.

Gia đình anh Cường Tó mua được bức tượng Phật và cái ấm, định đem bán trao tay cho người khác. Nhưng trong lúc ngồi nói chuyện, hút thuốc lào thì bà chị ôm mất bức tượng Phật về, còn cái ấm đầu gà thì cậu con trai nhất quyết đòi lại không cho bán, khiến cho vị khách chưng hửng. Về sau có rất nhiều người muốn mua những cổ vật kể trên nhưng đều thất bại.

Phải đến 10 năm sau thì ông Toán ở Kim Bài mới mua được chiếc ấm, không biết có phải do phút ngẫu hứng của chủ nhân hay vì duyên cớ nào đó. Chỉ biết từ lúc được phát hiện, tiếp sau ông Toán, đến đời ông Hùng làm chủ những cổ vật kể trên thì mới chỉ qua đến đời chủ thứ 4-5.

Sự kiện - Hành trình lưu lạc của chiếc ấm đầu gà gần 4.000 năm tuổi

Chiếc ấm đầu gà đời Thương - Chu được coi là đỉnh cao của kỹ nghệ đúc đồng từ gần 4.000 năm trước.

Từ một chiếc ấm được bán với giá đồng nát, giá trị của chiếc ấm đầu gà hiện nay là... vô giá bởi ông không có ý định bán lại cho ai. Nhưng đã qua thời kì khó khăn về kinh tế, giá trị của chiếc ấm chắc chắn sẽ hơn chục năm trước đây.

"Nhất sứ, nhì đồng", sự quý giá của những cổ vật lưu giữ vết thời gian nằm ở chỗ có một không hai, có những vật, những kĩ thuật một thời mà về sau hậu thế không thể nào tái hiện nổi, trong đó có kĩ nghệ đúc đồng thời Thương- Chu.

Sản phẩm của kỹ nghệ đúc đồng đã thất truyền

Chiếc ấm đầu gà có dáng hình quả doi, được trạm trổ những chi tiết tới độ tinh vi. Một trong những đặc trưng của đồ đồng thời kì này là tất cả các chi tiết đều được đúc liền trong một khuôn duy nhất, từ vòi, quai, chân đế cho tới những hoa văn chìm nổi.

Phần thân ấm phình ra ở giữa, thắt lại ở 2 đầu và có độ loe nhất định, khi gõ vào thì âm thanh phát ra khá đều ở tất cả các bộ phận. Ở một số góc của chiếc ấm, vẫn còn dấu tích dát vàng, nhưng qua thời gian hàng ngàn năm thì phần vàng ở vỏ ấm bay đi, chỉ còn trơ lại phần đồng đen nhánh.

Nếu chỉ tính riêng về kĩ thuật đúc đồng thì hiện tại muốn làm một chiếc ấm đầu gà giống y vậy là điều không thể. Ngay cả khi khoa học hiện đại đã có thể chế tạo những đồ đồng cao cấp sử dụng trong động cơ của tàu vũ trụ, có độ chịu nhiệt cao thì cũng không thể đúc liền tất cả các chi tiết với độ gấp và độ uốn lượn của các bộ phận tai ấm, vòi ấm. Nếu đúc được đúng khuôn liền thì cũng phải mài giũa rất lâu mới có được một chiếc ấm hoàn chỉnh.

Tuy vậy những sản phẩm này cũng không thể sánh với kĩ nghệ của thời Thương- Chu. Bởi lẽ, ở thời kì này, mỗi đồ vật ra lò đều không qua bất kì sự mài giũa nào. Người thợ làm một khuôn, đổ đồng vào, đến khi dỡ khuôn ra là có ngay sản phẩm. Tất cả các ấm làm giả thời sau đều phải đúc rời và hàn lại các chi tiết.

Một chiếc ấm đầu gà thời Lý (1009 - 1225) có hoa văn và kiểu dáng rất bắt mắt thì thấy cái tai ấm phải dùng kĩ thuật tán rồi hàn vào, cái chân ấm cũng phải đúc rời rồi gắn vào. Những hoa văn trên thân chiếc ấm đầu gà thời Thương - Chu được làm tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ và rất mảnh cũng đều là do người thợ kì công trong quá trình làm khuôn, chứ không phải đúc xong mới bắt đầu giũa. Cũng như trống đồng có những chi tiết nhỏ, sách xưa của các cụ còn lưu truyền lại là phải dùng đến tóc để tỉa nét. Không biết có ngoa dụ hay không, nhưng nếu chỉ là đúc thường, những chi tiết nhỏ như hình chữ công (xen lẫn với biểu tượng chó ngao) sẽ bị bết lại, lẫn vào nhau.

Ở thời điểm ra đời, sản phẩm có thể được mài, tỉa đến độ trơn tru, bóng loáng nhưng qua thời gian, càng về sau, dấu vết của sự mài tỉa sẽ bị lộ do sự phong hóa của đồ đồng. Ở những khe, rãnh vốn là nơi dễ bám bụi thì những vết xước nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy sẽ bị ăn mòn nhanh hơn, đấy là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của một sản phẩm chất lượng kém. Dùng tay để cảm nhận phần da ấm thì có thể thấy được độ mịn màng nhẵn nhụi như da trẻ em, thế mới thấy được sự kì công của những người thợ xưa.

Dẫn chảy nhiệt độ của đồ đồng thời Thương - Chu lên tới 2.000oC, ngang hẳn độ nóng chảy của gốm sứ. Với độ dẫn chảy như vậy, đòi hỏi bộ khuôn có độ chịu nhiệt cao để cùng với nhiệt và đồng khi rót vào đồng đều, dung dịch đồng khi rót vào sẽ không bị lỗi. Khuôn phải có độ sắc nét thậm chí hơn cả sản phẩm vì quá trình đồng chảy dẫn vào nhiệt độ phải được đảm bảo thì những rãnh con nhỏ li ti mới không bị lẫn vào nhau.

Những đồ giả cổ về sau ở Trung Quốc cũng làm rất nhiều, gọi là đồ phọ cổ để bán cho những nhà sưu tầm và người chơi không biết. Có những cái làm rất tinh vi, bản thân ông Hùng cũng phải mua tới cả chục thứ đồ giả để về so sánh mới có thể phân biệt được.

Khi đem chà xát phần đít ấm, lát sau thấy bên trong lớp đồng màu đen nhánh là màu đỏ như màu của táo tầu. Sở dĩ như vậy vì trong thành phần của đồng đã có lẫn tỉ lệ vàng nhất định. Xét về giá trị sử dụng lúc những chiếc ấm này ra đời thì chỉ vua, quan, quý tộc mới có được. Thời Thương - Chu, người dân còn sống ở chế độ bộ lạc du mục, có thể thấy điều này qua sự mô phỏng những chiếc cọc dựng lều ở nắp ấm. Ấm dùng để rót rượu, trong những bữa tiệc lớn của bộ lạc. Những biểu tượng khác như quốc huy (những hoa văn hình chiếc khiên lớn ở thân), chó ngao, hoa thị, cũng có ý nghĩa như một sự chúc phúc.

Trước đây, có những người nhờ ông Hùng xem xét hộ để đánh giá một số cổ vật có được, ông đều căn cứ vào hình, họa tiết, chất liệu đồng và trình độ đúc. Việc này đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu về đồ đồng qua các thời kì. Trước thời Thương - Chu cũng đã hình thành kĩ nghệ đúc đồng như thời Hậu Nghệ cách đây 5.000 năm đã có những đồ như giáo mác, tước uống rượu, sau thời Thương - Chu thì có thể kể đến đồ đồng thời nhà Hán (206 trước CN - 220) nhưng trước và sau đều không thể sánh bằng.

Đỗ Huệ

(còn nữa)