Thượng đỉnh Mỹ- Triều: Hành trình sóng gió đến sự kiện vô tiền khoáng hậu

Đã có những thời khắc tưởng chừng như Hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên không thể diễn ra như dự kiến. Song, vượt qua những trở ngại, bất đồng và khó khăn, vào giờ phút này, sự kiện có một không hai đang được toàn thế giới dõi theo.

Ngày 27/4, tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm mang tính biểu tượng, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên ký tuyên bố chung khẳng định “sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên mới hòa bình bắt đầu”.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được coi là điểm sáng đầu tiên cho quá trình tìm kiếm giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, sau nhiều thập kỷ căng thẳng.

Trong tuyên bố chung, hai bên cam kết ngừng mọi hành vi thù địch, biến Vùng Phi quân sự thành Vùng Hòa bình trong năm nay, dừng phát thanh tuyên truyền ở vùng biên giới. Hai bên cũng nhất trí tổ chức đoàn tụ cho các gia đình ly tán sau chiến tranh, đồng thời kết nối, hiện đại hóa các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt dọc biên giới và tiếp tục cùng tham dự các sự kiện thể thao.

Cuộc gặp liên Triều đã đánh dấu sự kiện mở đường cho Hội nghị thượng đỉnh sau đó diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của giới quan sát, hành trình đưa tới quyết định gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trải qua rất nhiều thăng trầm.

Vào ngày 10/5, ông Trump bất ngờ đăng tải trên mạng xã hội Twitter: “Cuộc gặp được mong chờ giữa ông Kim Jong-un và tôi sẽ diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6. Cả hai chúng tôi sẽ cố gắng biến sự kiện này trở thành một thời khắc đặc biệt cho hòa bình thế giới”. Sau thông báo trên, những người yêu hòa bình trên thế giới hân hoan, kỳ vọng cho cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa hai lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên.

Tín hiệu đáng mừng vừa xuất hiện thì Bình Nhưỡng lại bất ngờ đe dọa hủy cuộc gặp với ông Trump để phản đối cuộc tập trận chung Max Thunder giữa Mỹ và Hàn Quốc, cũng như đòi hỏi từ phía Lầu Năm Góc rằng Bình Nhưỡng phải đơn phương phá hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân.

Trước tuyên bố đó ít ngày, ông Kim Jong-un được cho là đã âm thầm có chuyến thăm tới Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Sau chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump cho rằng, ông cảm thấy thất vọng với cách hành xử hoàn toàn khác của ông Kim sau khi tới Bắc Kinh.

“Có sự khác biệt sau khi ông Kim Jong-un rời Trung Quốc lần thứ hai. Tôi không thấy vui vì điều này”, Tổng thống Trump phát biểu hôm 22/5 trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng.

Vài ngày sau, qua nhiều kênh truyền thông và các cấp phát ngôn khác nhau, hai phía liên tục đưa ra những tuyên bố đáp trả, công kích qua lại, dẫn tới hành động Tổng thống Mỹ gửi thư cho lãnh đạo Triều Tiên thông báo tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên vào lúc này là “không thích hợp”. Thế giới lại một lần nữa bất ngờ, nhưng lần này có thêm phần thất vọng, về tuyên bố của người đứng đầu nước Mỹ.

“Tôi đã rất mong chờ tới ngày gặp ông. Nhưng đáng tiếc là dựa trên sự nóng giận và thái độ thù địch rõ rệt thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của ông, tôi cảm thấy thời điểm hiện tại không thích hợp tiến hành cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ lâu”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trong lá thư gửi cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

“Do vậy, hãy coi bức thư này là tuyên bố rằng hội nghị thượng đỉnh ở Singapore sẽ không diễn ra. Đó là vì lợi ích đôi bên nhưng là sự thiệt hại cho toàn thế giới”, Tổng thống Trump nêu trong thư. “Thế giới và đặc biệt là Triều Tiên đã đánh mất cơ hội lớn vì nền hòa bình lâu dài, sự thịnh vượng và hạnh phúc lớn lao. Cơ hội vuột mất này thực sự là thời khắc đáng buồn trong lịch sử”.

Song cho tới ngày 1/6, thông qua đặc phái viên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi tới ông Trump một bức thư hồi âm sau khi hai bên liên tục thay đổi ý định về Hội nghị thượng đỉnh. Đó là một lá thư được đựng trong một phong bì với kích thước ngang một tờ báo. Nội dung bức thư chưa được tiết lộ chính thức song giới quan sát nhận định đây là phương cách để ông Kim thể hiện quyết tâm tiến hành Hội nghị thượng đỉnh và hướng tới giải trừ hạt nhân, chấm dứt đối đầu và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Đến tận ngày 5/6, sau những nỗ lực ngoại giao tích cực của giới chức Bình Nhưỡng và Washington, giới quan sát mới “thở phào nhẹ nhõm” khi Nhà Trắng tuyên bố ấn định cuộc gặp lịch sử vào lúc 9h sáng ngày 12/6 tại một khách sạn trên đảo Sentosa của Singapore.

Chỉ mới 5 tháng trước, Triều Tiên vẫn phải hứng chịu cảnh bị cô lập bởi hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh mẽ trên mọi phương diện do Mỹ và nhiều quốc gia khác áp đặt.

Thậm chí, Bình Nhưỡng còn mất một số mối quan hệ ngoại giao sau vụ án Kim Jong-nam, người được cho là anh trai của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bị ám sát ở Malaysia năm 2017.

Cũng chỉ mới 5 tháng trước, Bình Nhưỡng tuyên bố về sự phát triển nhanh chóng của năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo giúp Triều Tiên có khả năng tấn công lục địa Mỹ. Kể từ đó, căng thẳng đã tăng vọt khi hai phía liên tục đe dọa, lăng mạ lẫn nhau.

Tuy nhiên, mọi diễn biến đã liên tục xoay chiều một cách đột ngột, để đến giờ phút này, giới quan sát có thể an tâm về một cuộc gặp chưa từng có trong lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên.

Trước đây, những thành viên gia tộc họ Kim từng gặp các Tổng thống Mỹ song đều là khi họ đã kết thúc nhiệm kỳ. Vào năm 1994, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jong-un. Tới năm 2009, lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là ông Kim Jong-il cũng gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Thủ đô Bình Nhưỡng.

Trong thời gian còn tại vị năm 2000, ông Bill Clinton đã tiến đến rất gần với một cuộc gặp với ông Kim Jong-il, song cuối cùng nhà lãnh đạo Mỹ đã quyết định từ chối lời mời gặp mặt từ lãnh đạo Triều Tiên vì “thiếu niềm tin”. Lúc ấy, ông cử Ngoại trưởng Madeleine Albright đi thay.

Tuy nhiên, lần này, với tinh thần quyết tâm hướng tới một chiến thắng trên phương diện ngoại giao, chính quyền Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ thúc đẩy tới cùng cuộc gặp này. Trên thực tế, hội nghị diễn ra không chỉ là chiến thắng đối với phía Washington mà đó còn là thắng lợi đối với Bình Nhưỡng và với cá nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un với tư cách là lãnh đạo của gia tộc họ Kim đời thứ ba.

Giới quan sát nhận định, bản thân việc Tổng thống Mỹ đồng ý bước chân vào phòng họp đã là một thắng lợi lớn đối với Triều Tiên. Bởi sắp xếp được một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ là điều khiến không ít quốc gia mong muốn. Do đó, việc lãnh đạo Triều Tiên – một quốc gia về lý thuyết vẫn đang chiến tranh với Mỹ, ngồi đối diện với Tổng thống Mỹ trên bàn đàm phán quả là thành công rực rỡ.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un vào ngày 12/6 tại Singapore được đánh giá là một hoạt động ngoại giao khó đoán định nhất trong lịch sử.

Nó cũng đã khiến truyền thông tốn rất nhiều giấy mực để theo dõi những diễn biến liên quan, đồng thời khiến giới chuyên gia và các nhà chính sách tốn nhiều chất xám để nhận định về các khả năng kết quả cuộc gặp. Hiếm có một sự kiện nào lại khó có thể chắc chắn về kết quả như cuộc gặp lần này.

Trong hội nghị ấy, ngồi một bên là lãnh đạo của quốc gia đã quyết dành 3 thập kỷ để phát triển tên lửa và đầu đạn hạt nhân vì tin rằng, nó đảm bảo sự sống còn của chính quyền mà họ luôn cố gìn giữ.

Phía bên kia bàn đàm phán là Tổng thống Mỹ thứ 45, người được đánh giá là thất thường, khó đoán, ít coi trọng lời khuyên từ các cố vấn và tin tưởng hoàn toàn vào bản năng và phán đoán cá nhân.

Chính sự khó lường của hai vị nguyên thủ khiến ranh giới thành – bại của hội nghị rất mong manh, biến nó trở thành một sự kiện thực sự đặc biệt trong lịch sử không chỉ của hai nước mà còn của thế giới hiện đại.

Về phía Mỹ, thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được định nghĩa khi ông Kim Jong-un đặt bút ký vào thỏa thuận từ bỏ chương trình hạt nhân. Song, với những diễn biến hiện tại, các chuyên gia nhận định ông Trump đang dần đi vào “vết xe đổ” của các lãnh đạo Mỹ tiền nhiệm khi xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Thay vì kiên quyết theo đuổi lập trường Triều Tiên phi hạt nhân hóa lập tức, ông Trump dường như đang mở cánh cửa cho một quá trình đóng băng chương trình hạt nhân lâu dài, với những tuyên bố không rõ ràng về giải giáp vũ khí. Đây cũng chính là nét căn bản trong thỏa thuận mà cựu Tổng thống Mỹ Clinton đã đạt được với cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành vào năm 1994.

Trong số các lãnh đạo Mỹ, ông Trump chắc chắn là vị Tổng thống đi xa nhất trong nỗ lực đàm phán với Triều Tiên.

Giới chức Nhà Trắng vẫn khẳng định có được kết quả trên là nhờ chính quyền Donald Trump tập trung vào các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt và những đe dọa quân sự cứng rắn với Bình Nhưỡng, giúp Lầu Năm Góc giành ưu thế.

Nhưng sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Phòng Bầu dục hồi đầu tháng Sáu, ông Trump lại nói, không muốn tiếp tục sử dụng cụm từ "gây áp lực tối đa" vốn được chính bản thân ông và các cố vấn sử dụng với tần suất gần như liên tục trong suốt năm ngoái.

Đồng thời, thay vì tập trung toàn lực vào chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, vị Tổng thống 71 tuổi lại gợi ý rằng kết quả hữu hình quan trọng nhất của cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên là một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Xét trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên hiện phức tạp và tiềm ẩn rủi ro hơn nhiều so với trước, kết quả trên mà ông Trump gợi ý là hoàn toàn không mang lại nhiều tác dụng với Mỹ.

Song những chuyên gia từng tham gia đàm phán với Triều Tiên cho hay, hành động nhượng bộ của Tổng thống Trump là dấu hiệu về việc ông đã nhận thức được các thực tế khó khăn khi đối phó với Bình Nhưỡng.

Ông Trump đang tự đẩy mình vào thế khó khi tỏ ra nhượng bộ trước Bình Nhưỡng. Vì nếu hội nghị lần này không theo mong muốn của Mỹ và ông muốn quay trở lại trừng phạt lên Triều Tiên thì lúc đó Hàn Quốc và Trung Quốc có thể sẽ không còn theo bước Mỹ nữa.

Hiện tại, cả Hàn Quốc, Trung Quốc hay thậm chí Nga, đều trong tâm thế sẵn sàng nối lại các viện trợ về kinh tế và thương mại cho Triều Tiên, thậm chí chưa cần biết tới kết quả cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim ra sao.

Dù vậy, một số chuyên gia đàm phán cho rằng, ông Trump thực tế có những cách riêng khi xử lý những vấn đề phức tạp liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Còn kết quả thế nào thì có lẽ cần phải chờ đợi những thỏa thuận, tuyên bố được hai bên thông qua sau cuộc gặp.

"Bố tôi từng nói rằng, tôi sẽ sống ở một đất nước thống nhất khi tôi lớn lên", Sun Seung-bum, 25 tuổi, hiện đang tham gia chương trình học kỳ quân sự cho biết.

Về phần Bình Nhưỡng, nước này được kỳ vọng sẽ gia nhập Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) và ký vào Hiệp ước Cấm Thử hạt nhân Toàn diện (CTBT) như một cam kết cho tình trạng phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt sẽ được xóa bỏ, đồng thời Triều Tiên sẽ có vị trí trong các tổ chức quốc tế, một trong những bước đệm tiến tới quá trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

Nhà Trắng cũng có thể thiết lập một văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng và cho phép Triều Tiên thiết lập văn phòng tương tự ở Washington, giúp hai phía tiến tới công nhận lẫn nhau.

Dù những khát vọng như vậy có thể là quá nhiều đối với sự kiện ngày 12/6 tại Singapore, song không phải cuộc gặp này không có hy vọng. Như đã đề cập, đây là sự kiện hiếm có trong lịch sử và bản thân nó xảy ra đã là chiến thắng cho cả Mỹ, Triều, các bên liên quan và cho cả hòa bình thế giới.